Sinh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng Phạm Thị Thùy lại bén duyên với nông nghiệp, gắn bó với người nông dân. Nghề đã chọn Bà vào lĩnh vực nghiên cứu các biện pháp sinh học, tập trung đi sâu chủ yếu vào các chế phẩm nấm xanh là Mat (Metarhizium anisopliae, Metarhizium flavoviride) và nấm trắng Boverit (Beauveria bassiana) để cung cấp cho nông dân phòng trừ dịch sâu hại cây trồng nông, lâm nghiệp từ những năm 1990 của thế kỷ XX. Năm 1993, khi dịch Châu chấu bùng phát tại các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh, theo đề nghị của Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, Bà Phạm Thị Thùy đã vào Nam, hướng dẫn nông dân dùng chế phẩm nấm xanh Mat Metarhizium flavoviride để diệt trừ dịch bệnh. Chỉ sau 2 tuần phun đã có nấm mọc trên châu chấu, rồi gần 5 tháng lăn lộn, làm việc cùng bà con nông dân địa phương, bà cùng cộng sự đã thành công trong việc phòng trừ châu chấu hại mía, ngô, khoai mỳ và lúa…
GS Phạm Thị Thùy (trái) trong buổi làm việc cùng nghiên cứu viên Trung tâm Di sản, 27-12-2022
Tháng 5 năm 1998, dịch Sâu róm thông đã bùng phát tại những cánh rừng thuộc Lâm trường Phù Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Bà đã tổ chức, triển khai sản xuất và hướng dẫn cho công nhân sử dụng chế phẩm nấm trắng Boverit Beauveria bassiana phòng trừ sâu róm thông. Sau 1 tháng phun đạt kết quả tốt, góp phần hạn chế việc sử dụng thuốc hóa học trừ sâu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ chế phẩm nấm này, chỉ sau 3 tháng phòng trừ, mà nạn dịch sâu róm thông đã được dập tắt, cả rừng thông đã xanh trở lại, đem lại niềm vui và nụ cười của biết bao cán bộ, công nhân trồng rừng nơi đây.
Năm 2000, Bọ cánh cứng hại dừa xuất hiện đầu tiên ở tỉnh Bến Tre, rồi lây lan rộng ra các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Qua khảo sát tình hình thực tế, Bà Phạm Thị Thùy đã cùng cộng sự tập trung nghiên cứu sản xuất chế phẩm nấm Mat Metarhizium anisopliae. Kết quả thử nghiệm sử dụng chế phẩm nấm Mat diệt trừ bọ cánh cứng hại dừa đạt từ 55,8 – 97,5% sau 15 – 30 ngày phun. Trong 5 năm từ 2000 – 2004 bà và tập thể cộng sự đã sản xuất hàng chục tấn nấm cung cấp và cứu được hàng nghìn ha dừa tại 12 tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long.
GS.TS Phạm Thị Thùy và Lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiểm tra kết quả diệt trừ
bọ hại dừa bằng nấm Mat, năm 2000
Với GS.TS Phạm Thị Thùy – “nhà khoa học vì nông dân”, thì đó là những trăn trở nghiên cứu với bao kỷ niệm mà Bà không bao giờ quên. Theo Bà: “Để có được những thành công trong nghiên cứu, ngoài những thuận lợi là hợp tác được với những người đồng nghiệp giỏi, có trách nhiệm, thì người làm khoa học cần phải có đam mê, nghiêm túc và sáng tạo không ngừng. Đó là cơ sở, nền tảng để gặt hái những thành quả trong nghiên cứu và ứng dụng, tạo ra những sản phẩm an toàn bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong lành, trước tiên cho bà con nông dân và cộng đồng xã hội nói chung.
Thanh Tuyền – Phi Nga