Nghiên cứu Dược lý cần có phương pháp thực nghiệm

Mong muốn được học ngành Nội khoa, bởi “bác sĩ là phải đeo ống nghe, phải khám bệnh cho bệnh nhân”, nhưng Đào Văn Phan lại được phân học về Sinh lý bệnh. Năm 1960, tốt nghiệp ra trường, ông được phân về Bộ môn Dược lý vì lúc đó Bộ môn Dược lý đang thiếu người, cũng từ đó sự nghiệp của ông gắn liền với dược thảo và những labo. “Cũng may mắn, Dược lý là nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc trên người, cũng là một phần cơ sở của Sinh lý học. Nắm chắc, giỏi về Sinh lý bệnh thì làm Dược lý cũng giỏi”, GS.TS Đào Văn Phan chia sẻ như vậy với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong buổi làm việc  vừa qua.

Vì không được học chuyên khoa Dược lý ngay từ đầu, nên khi về Bộ môn làm việc, Đào Văn Phan phải cố gắng rất nhiều để học lý thuyết và làm quen với các phương pháp thí nghiệm thực hành. Sách tiếng Việt không có, chỉ toàn sách tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nga cho nên ngoài những giờ nên lớp ông đều dành thời gian trống của mình để tự học, ông học bất cứ ở đâu và trong hoàn cảnh nào.

GS.TS Đào Văn Phan 

Cũng trong buổi làm việc này, GS Đào Văn Phan chia sẻ những khó khăn khi thực hiện công trình nghiên cứu đầu tiên: Tác dụng hạ huyết áp tĩnh mạch gánh của Pituitrine được thực nghiệm trên chó. Cảm giác hồi hộp, lo lắng lần đầu tiên thực hiện đo huyết áp cùng lúc 3 vị trí trên một con chó, đến bây giờ ông vẫn không thể quên.

Kết quả bước đầu từ đề tài nghiên cứu đó, ông đã có lòng tin vào khả năng nghiên cứu Dược lý trong điều kiện ở nước ta và ông bắt đầu theo đuổi hướng nghiên cứu công dụng hạ huyết áp của một số cây thuốc mà cây dừa cạn là một điển hình. Dựa trên những tư liệu về cây dừa cạn của GS Đỗ Tất Lợi và sự giúp đỡ của Dược sĩ Nguyễn Văn Hợi – khi đó là Trưởng khoa Dược – Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, ông xây dựng Đề tài “Tác dụng hạ huyết áp của cây dừa cạn” và tự nghiên cứu chế phẩm dưới dạng cao lỏng có chứa alcaloid toàn phần của cây dừa cạn. Đây cũng là Công trình mà ông tâm đắc nhất. Trong gần một năm rưỡi, ông đã tự mầy mò tiến hành một nghiên cứu bài bản để phân tích tác dụng và cơ chế gây hạ huyết áp của cây dừa cạn trên thần kinh trung ương, thần kinh thực vật, trên động vật nguyên vẹn, trên cơ quan cô lập (như tim, mạch, ruột); thử độc tính, quy định liều dùng cho người…Thí nghiệm được tiến hành trên chó, mèo, thỏ, chuột, ếch.

Đây là một Đề tài nghiên cứu về Dược lý có hệ thống đầu tiên được tiến hành ở Bộ môn. Kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học Việt Nam năm 1965 và được chọn đăng trong Tạp chí Travaux Scientifiques năm 1969 bằng tiếng Pháp của trường Đại học Y Hà Nội. Đồng thời, cũng với kết quả của Đề tài này ông được nhận Bằng khen của Bộ Y tế  và Giấy khen của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp do Bộ trưởng Tạ Quang Bửu ký. Sau này, Xí nghiệp Dược phẩm TW 2 áp dụng những kết quả nghiên cứu trong Đề tài này  để sản xuất Viên Vinca chữa tăng huyết áp.

Trải qua những lần nghiên cứu thực tiễn, GS.TS Đào Văn Phan tâm đắc “Muốn nghiên cứu Dược lý thì trước tiên là phải có phương pháp thực nghiệm, phải có mô hình thực nghiệm và ra được những dạng thuốc thích hợp”.

Bích Phương
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam