Nghiên cứu khoa học là hơi thở

Xuất phát điểm là cán bộ giảng dạy bộ môn Địa lý, khoa Địa lý – Địa chất trường Đại học Tổng hợp Huế, nhưng niềm đam mê khám phá đã thôi thúc thầy giáo Lê Văn Thăng thi đỗ và trở thành nghiên cứu sinh đầu tiên chuyên ngành bảo vệ, sử dụng hợp lý và tái tạo tài nguyên thiên nhiên của khoa Địa lý – Địa chất, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1991. Lúc bấy giờ, đây là chuyên ngành đào tạo còn mới mẻ ở nước ta. Biến khó khăn thành cơ hội, nghiên cứu sinh Lê Văn Thăng đã không ngừng học hỏi, tiếp nhận lượng kiến thức khổng lồ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, liên ngành từ khí tượng học, sinh thái học, ô nhiễm môi trường…, tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học qua việc tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước. Năm 1996, nghiên cứu sinh Lê Văn Thăng bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ “Đánh giá, phân hạng điều kiện sinh thái tự nhiên lãnh thổ trung du Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cho nhóm cây công nghiệp nhiệt đới dài ngày” dưới sự hướng dẫn của GS.TS Nguyễn Quang Mỹ (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

PGS.TS Lê Văn Thăng giới thiệu tài liệu của mình

Gắn bó với lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên kể từ đó, PGS.TS Lê Văn Thăng đã chủ nhiệm hơn 20 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và được nghiệm thu với kết quả xuất sắc. Với ông, nghiên cứu khoa học là hơi thở, nghiên cứu khoa học cần đam mê và không ngừng sáng tạo. Sáng tạo là chìa khóa để ra những công trình mới, những đóng góp mới, từ đó tích lũy thêm cho mình những kiến thức chuyên môn, đồng thời ứng dụng, triển khai các kết quả nghiên cứu của mình thành công, phục vụ thiết thực cho nhu cầu xã hội.

Nguyễn Hiên