“Tài học trổ từ thuở thiếu niên”
Danh nhân Ngô Đức Kế.
Ngô Đức Kế sinh trưởng trong một gia đình trí thức Nho học nối đời khoa bảng. Ông nội Ngô Phùng đỗ cử nhân năm 1841, văn hay chữ tốt nên trúng tuyển kì thi lấy chức Kinh diên tức chức quan vào cung giảng sách hầu vua và các hoàng tử, sau về nghỉ hưu rồi mà hoàng đế Tự Đức vẫn cử Khâm sai mang thơ văn của mình về tận nhà cho Cụ hiệu duyệt và thường ban thưởng để cảm ơn Thầy.
Cha đỗ cử nhân khoa 1873, làm quan nổi tiếng thanh liêm, khi đương chức Thị lang (như Vụ trưởng ngày nay) thì con là Ngô Đức Kế bị bắt hạ ngục vì can án quốc sự. Giữ liêm sỉ của Nho gia, Cụ lập tức đệ đơn xin tạm thôi chức để việc xét xử được khách quan.
Sau khi Ngô Đức Kế bị kết án đày đi Côn Đảo, triều đình xét thấy Cụ vô can, lại triệu vào Kinh làm việc, cho thăng đến chức Hữu Tham tri bộ Lễ (tương đương Thứ trưởng).
Ngô Đức Kế sinh tại quê nhà Trảo Nha, một làng văn vật nổi tiếng đất Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt. “Tài học trổ từ thuở thiếu niên”, như cụ Huỳnh Thúc Kháng nhận xét sau này, năm mới 19 tuổi ông đã đỗ cử nhân, 4 năm sau, 23 tuổi đỗ tiến sĩ – đối với biển Hán học mênh mông cùng quy tắc thi cử rắc rối xưa kia, chỉ phạm một chữ trọng huý đã bị tội đánh trượng và đày đi lao dịch, thì như Ngô Đức Kế kể cũng là “thiếu tuấn đăng khoa” (trẻ tuổi tài giỏi đỗ cao).
Ông nội làm quan trong triều, cha cũng làm quan trong triều, hoạn lộ thênh thang mở ra trước mặt trang thanh niên họ Ngô học rộng tài cao. Vậy mà … “sau đỗ rồi, Cụ ở nhà đóng cửa đọc sách, thường lưu tâm đến việc nước.
“Vì ngu tối, lạc hậu mà mất nước”
Học thuyết Âu Tây mà người Tàu đã dịch trong sách, Cụ đọc được nhiều và có chỗ tâm đắc. Trong khoảng ấy kể phong trào bài xích khoa cử, đề xướng tân học, “Cụ là một người rất khẳng khái” (Huỳnh Thúc Kháng). Chữ “khẳng khái” xưa bao hàm nghĩa: vừa hăng hái vừa hào hiệp (Từ điển Đào Duy Anh).
Lời chứng của một người đồng chí đương thời như Huỳnh Thúc Kháng bộc lộ cái chí chim hồng chim hộc, cùng cái tâm ái quốc ưu dân của Ngô Đức Kế, trong vinh hoa tột đỉnh sớm nhận ra cái nhục “vì ngu tối, lạc hậu mà mất nước”.
Phòng giam Ngô Đức Kế tại Côn Đảo. Ảnh IE
Cũng lời chứng ấy của một nhân vật tầm cỡ như Huỳnh Thúc Kháng hé mở cho chúng ta thấy vai trò chiến sĩ tiên phong cả trong nhận thức lẫn trong hành động của Ngô Đức Kế trong phong trào “cách mạng tân văn hoá” (Hoàng Xuân Hãn) cách nay một thế kỷ. Cũng hãy suy ngẫm cho kỹ những chữ “Á phách Âu hồn” của chí sĩ họ Huỳnh trong câu đối điếu chí sĩ họ Ngô: thể phách người châu Á đấy, nhưng tâm hồn đã thấm nhuần tư tưởng cách mạng của châu Âu rồi.
Vậy thì vai trò của Ngô Đức Kế đâu phải chỉ là “người tán trợ”, chỉ thứ yếu đến mức trong Lễ tưởng niệm các tiên liệt Đông Kinh Nghĩa Thục nhân 100 năm khai trường (1907 – 2007), cử hành tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội năm ngoái, người ta đã “quên” nhắc đến tên Cụ!
Sớm nhận rõ chiến lược “Bắc hành”
Tự truyện của Phan Bội Châu (Phan Bội Châu niên biểu) và tiểu sử Phan Chu Trinh (Huỳnh Thúc Kháng: Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử) cho thấy rõ mặc dù Tiến sĩ Ngô Đức Kế trẻ tuổi nhất, mới 25 tuổi khi phong trào khởi phát (1903), nhưng các bậc đàn anh ấy tỏ ra rất nể trọng, thường tham vấn về những vấn đề sách lược và chương trình hành động chung.
Đến nỗi có lần Phan Tây Hồ chẳng quản việc “mua đường đất”: ông đã dự định từ Quảng Nam ra Hà Nội hội kiến với Lương Văn Can và một số đồng chí, xong lên thẳng đồn Phồn Xương gặp Hoàng hoa Thám; vậy mà hội kiến với sĩ phu Bắc Hà xong, Tiên sinh lộn trở lại Nghệ Tĩnh gặp Ngô Đức Kế về vấn đề gì đó hẳn là rất quan trọng, rồi mới từ đó lên Yên Thế.
Một số công trình nghiên cứu gần đây khẳng định đất Quảng rồi Bình Thuận là trung tâm khởi phát (1904 – 1906) của phong trào Duy Tân với các hội Buôn, hội Học và hơn bốn chục “Nghĩa Thục” ở khắp các làng quê. Điều khẳng định này phản ánh đúng tiến trình lịch sử của phong trào.
Tuy nhiên thiết nghĩ Phan Chu Trinh, lãnh tụ cuộc “cách mạng tân văn hoá” được cả xưa và gần đây là nay công nhận, có đủ nhãn quan chiến lược để nhận thức rằng: dù cho phong trào có khởi phát rầm rộ nơi đâu nơi đâu, dù cho nó có thu được thắng lợi ở đây ở đó, song nếu chưa giành được chiến thắng quyết định tại giữa dinh luỹ của thực dân là Hà Nội, thì vẫn chưa thể coi là thành công. Bởi thế cuối năm 1905, đầu năm 1906, Phan Tây Hồ mới quyết định phải “Bắc hành”, cuối năm 1906 lại ra hội kiến lần nữa. Nếu quả vậy thì Ngô Đức Kế nhận thức điều đó còn sớm hơn.
Liên lạc quan trọng của cả hai trào lưu Duy Tân
Theo sưu tầm của nhà văn đã một phần tư thế kỷ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1903, sau 2 năm đóng cửa đọc sách, “có chỗ tâm đắc” các học thuyết tiên tiến phương Tây, ông đã cùng bạn đồng khoa là Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, có tiểu đồng Nguyễn Tất Thành cắp tráp theo hầu, ra Hà Nội hội đàm với Lương Văn Can và một số nhân vật chủ chốt trong trường Đông Kinh Nghĩa Thục tương lai.
Hồ sơ của mật thám Pháp do bà Phan Thị Minh, cháu ngoại của Cụ Phan Chu Trinh, công bố mới đây cho thấy Ngô Đức Kế cùng Triêu Dương thương quán ở Vinh do Cụ cùng Phó bảng Đặng Văn Cẩn, thân phụ của học giả Đặng Thai Mai, khai trương tháng 11/1905 và chủ yếu do Cụ điều hành nhằm thu góp tiền bạc để tài trợ cho việc đưa thanh niên ra nước ngoài học tập tư tưởng và kỹ thuật tiên tiến.
Có thể gọi chí sĩ Ngô Đức Kế là mối liên lạc quan trọng của cả hai trào lưu Duy Tân mà linh hồn là Phan Chu Trinh và Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo.
Ông chủ báo Hữu Thanh khai dân trí
Một số bài nghiên cứu mới đây của GS Nguyễn Đình Chú và PGS Nguyễn Thanh Bình khẳng định rằng Ngô Đức Kế có chân trong Ban tu thư (trước tác) của Đông Kinh Nghĩa Thục và có tham gia giảng bài tại trường.
Mật thám Pháp nắm vững hơn ai hết vai trò trọng yếu của Ngô Đức Kế trong công cuộc vận động yêu nước của người Việt Nam mười năm đầu thế kỷ, nên đã bắt Cụ ngay trong đợt khủng bố đầu tiên. Cụ Huỳnh Thúc Kháng ghi nhận: “… Tù đày ra Côn Lôn, cụ Tây Hồ [Phan Chu Trinh] đứng đầu sổ, mà thân hào trong nước mang cái chức tù vào nhà ngục cụ Tập Xuyên [Ngô Đức Kế] lại là người thứ nhất”.
Mười ba năm tù đày Côn Đảo không hề làm nhụt chí sờn lòng người chiến sĩ tiên phong Ngô Đức Kế. Được tha về, hàn huyên với người thân chưa được một năm, Cụ đã ra Hà Nội làm báo Hữu Thanh để tiếp tục hoạt động “khai dân trí, chấn dân khí” bằng những bài thơ văn nồng nàn lòng yêu nước và sắc bén, giầu tính chiến đấu như các bài nghị luận Nền quốc văn (1924) và Luận về chính học cùng tà thuyết (1924), đăng công khai trên báo, hoặc bài thơ Hỏi Gia Long, lưu hành bí mật, đả kích tên vua bù nhìn Khải Định chỉ biết đục khoét dân chúng cần lao.
Báo Hữu Thanh bị đóng cửa, Ngô Đức Kế mở Giác quần thư xã mà ngay tên gọi cho thấy Cụ vẫn tiếp tục sự nghiệp cao cả của các nhà nho Duy Tân, xuất bản sách báo tiến bộ nhằm mở mang dân trí. Có lẽ Ngô Đức Kế cũng là người đầu tiên sưu tầm và công bố thơ văn của hai chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.
Từ năm 1927, ngay sau khi Phan Chu Trinh mất, Cụ cho xuất bản sách Phan Tây Hồ di thảo. Cả điều này, và việc Ngô Đức Kế thay mặt các chiến hữu đọc lời điếu Phan Chu Trinh nữa, cũng cho thấy vai trò trọng yếu của Cụ trong phong trào cách mạng bấy giờ.
Tập Xuyên Ngô Đức Kế trước tác khá nhiều, có đến “nghìn bài” theo Huỳnh Thúc Kháng. Cứ cho là Cụ Huỳnh diễn đạt phóng đại theo truyền thống Hán văn, thì cũng không thể chỉ vỏn vẹn 5 bài thơ với 2 bài văn xuôi công bố trong Tuyển tập thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX.
Di sản thơ văn của Ngô Đức Kế còn chờ các nhà nghiên cứu tâm huyết lục lọi, sưu tầm lại trong các kho lưu trữ, trước hết trong các kẹp hồ sơ của mật thám Pháp.
Điều này rất đáng làm bởi lẽ chỉ riêng bài thơ Đề tựa Nhật ký bảy ngày lấy lại tỉnh Thái Nguyên (tập ký do Cụ viết ở Côn Đảo về cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917) cũng cho thấy Tập Xuyên là nhà thơ khai phá dòng chính khí ca trong thơ Việt Nam, và với hai bài nghị luận sắc sảo Nền quốc văn (1924) và Luận về chính học cùng tà thuyết (1924) Cụ xứng đáng được báo giới nước nhà tôn làm bậc thầy về văn chính luận.
Vũ Thế Khôi
Nguồn: bee.net.vn/channel/1984/201002/Ngo-Duc-Ke-di-dau-viec-khai-dan-tri-chan-dan-khi-1740929/