Ngoại ngữ là chìa khóa thành công

Học ngoại ngữ để tham khảo tài liệu chuyên môn.
Năm 1946 Giáo sư Hà Văn Mạo “rời trường học” đi kháng chiến chống Pháp khi đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học y Hà Nội. Sau thời gian 09 năm ở chiến dịch Trung Du, làm Chủ nhiệm Quân y khu Tả Ngạn, đến năm 1955 ông trở về Hà Nội thi tốt nghiệp bác sĩ ở Đại học Y khoa, sau đó làm trợ lý Phòng nghiên cứu khoa học của Cục Quân y, rồi chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa Viện Quân y 108 (1957-1965). Trong kháng chiến chống Mỹ, được sự phân công của Bộ Quốc phòng ông lại khoác ba lô vào chiến trường Quân khu V (1965-1974). Trong điều kiện gian khổ, ác liệt của chiến tranh, hàng ngày, ngoài việc chăm lo cứu chữa cho thương, bệnh binh, bác sĩ Hà Văn Mạo còn luôn tranh thủ tự mình trong học tập và nghiên cứu khoa học, nhất là việc học ngoại ngữ. Hiện nay, ông có thể sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ: Pháp, Anh, Đức và Nga. Nói về việc học ngoại ngữ của mình, GS. Hà Văn Mạo tâm sự: “Tiếng Pháp thì tôi đã được học cơ bản từ trường phổ thông Quốc học Huế, chỉ cần trau dồi thêm vốn từ chuyên ngành về y nữa là được. Thực tế, thời tôi học ở trường Đại học Y đã làm gì có tài liệu chuyên môn bằng tiếng Việt. Các sách chuyên khảo, tài liệu học đều bằng tiếng Pháp. Khi đó không biết tiếng Pháp thì không thể học Y được. Trong hai cuộc kháng chiến tôi vừa học tập vừa phục vụ chiến trường. Việc nghiên cứu khoa học và học ngoại ngữ trong điều kiện chiến tranh ác liệt lại vô cùng khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng thực hiện. Hồi kháng chiến chống Pháp, chúng tôi đi chiến trường lúc đang là sinh viên nên ai cũng cố gắng mang theo tài liệu tham khảo. Ngoài những tài liệu tôi mang đi để tranh thủ đọc thêm, tôi còn mượn tài liệu của bạn bè và học thông qua kinh nghiệm chiến trường”.

Với quan điểm: học ngoại ngữ để tham khảo tài liệu chuyên môn, GS.TS Hà Văn Mạo biết thêm tiếng Anh: Giai đoạn đi chiến trường B từ 1965-1974, tôi tự học tiếng Anh qua tài liệu mang theo. Trong kháng chiến chống Mỹ có rất nhiều tài liệu bằng tiếng Anh, tài liệu đó tôi đọc và tra từ điển là chủ yếu, dựa trên vốn tiếng Pháp của mình. Ông nói thêm về vai trò của tiếng Anh: “Bây giờ, mọi thông tin mới nhất đều có thể tìm thấy nhưng chủ yếu bằng tiếng Anh. Tôi thấy các hội nghị, hội thảo khoa học, các tài liệu chuyên môn của nước ngoài “chủ yếu và rất chủ yếu” bằng tiếng Anh. Thậm chí các tài liệu của Nhật, Trung Quốc cũng bằng tiếng Anh cả, do đó mình cũng lại phải biết tiếng Anh để mà đọc, mà cập nhật thông tin. Hồi đầu tôi học tiếng Anh chỉ bằng tra từ điển và suy luận từ tiếng Pháp, nhưng sau này tôi học tiếng Anh thì phương tiện nhiều hơn, tôi cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao tiếp bằng tiếng Anh nên bây giờ tiếng Anh tôi cũng có thể sử dụng thành thạo như tiếng Pháp. Có thể khẳng định một điều: mục đích đầu tiên tôi học ngoại ngữ là để tham khảo tài liệu chuyên môn".

Năm 1974, sau 9 năm ở chiến trường, bác sĩ Hà Văn Mạo về Hà Nội và được cử đi thực tập sinh ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Vậy là ông có cơ hội để biết thêm một ngoại ngữ. “Tiếng Đức tôi cũng được học một vài tháng ở nhà, tự học là chính. Sang đến nước bạn lại càng phải tự học, nhưng thuận lợi là được tiếp xúc nói chuyện, đọc sách của họ, trao đổi thuận lợi hơn. Thời gian ở Đức, tôi được gặp gỡ, học tập với nhiều Giáo sư có trình độ chuyên môn cao nên tranh thủ mọi cơ hội để nâng cao trình độ, bù đắp lại những năm tháng chiến đấu ở chiến trường không có điều kiện học tập, nghiên cứu”.

Giáo sư Hà Văn Mạo cùng các bạn đồng nghiệp trong thời gian học tập tại Đức năm 1976 

Biết ngoại ngữ sẽ tốt hơn trong công việc.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong những bệnh viện được đón nhiều chuyên gia các nước bạn sang giúp đỡ chuyên môn như Chuyên gia Bungari, Hunggari. GS.TS Hà Văn Mạo vừa công tác thực tế vừa học tập kinh nghiệm của bạn. Ông nhớ lại: Năm 1957chúng tôi đã được làm việc với nhiều đoàn chuyên gia nước bạn. Tôi tham dự nhiều buổi hội chẩn, mà họ nói chủ yếu bằng tiếng Nga, nhưng tiếng Pháp họ cũng biết một chút, mà mình biết tiếng Pháp tốt nên chỗ nào mình chưa hiểu thì thông qua trao đổi bằng tiếng Pháp. Sau đó tôi tự học tiếng Nga bằng từ điển, cứ đọc sách, tra từ điển rồi dựa trên kinh nghiệm mà luận ra. Mãi rồi cũng đọc được. Thời đó tiếng Nga ở nước ta là phổ biến. Có rất nhiều sách, tài liệu bằng tiếng Nga từ nhiều nguồn khác nhau tôi được tiếp cận. Vậy là nhu cầu phải biết tiếng Nga trở nên cấp bách. Không biết tiếng Nga cũng đồng nghĩa với việc không tiếp cận được với những tiến bộ y học mới lúc bấy giờ. Tiếng Nga tôi học với mục đích chính để đọc tài liệu chuyên môn. Tôi cũng ít có điều kiện thực hành nên tiếng Nga tôi giao tiếp không tốt lắm, nhưng đọc và dịch thì dễ dàng.”

Giáo sư Hà Văn Mạo (thứ 2 từ phải sang trái) cùng với chuyên gia Bungari và y, bác sĩ Viện 108, năm 1958

GS.TS Hà Văn Mạo từng được mời tham gia điều hành một số hội nghị, hội thảo Quốc tế. Tại các hội nghị này ông đã trực tiếp báo cáo, tham luận bằng tiếng Anh, Pháp, Đức. Nói về những thành công của mình ông đã không ngần ngại chia sẻ: “Không phải là thành công ngay từ đầu, cũng có nhiều khó khăn lắm, nhưng mình phải quyết tâm. Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi tham gia điều hành một hội thảo quốc tế ở Nhật Bản bằng tiếng Anh. Tôi rất lo vì sợ người ta nói nhanh, mình không bắt được hết ý. Tôi nói với bạn là tôi không điều khiển một mình, cần thêm một người nữa, và cũng nói rõ là “tiếng Anh của tao không giỏi, có gì mày giúp đỡ…” Chính trong các cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế ấy, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Sự thành công trong nghiên cứu khoa học của tôi một phần lớn nhờ biết ngoại ngữ. Các bạn trẻ muốn hiểu biết sâu về chuyên môn thì phải biết ngoại ngữ. Nếu không có ngoại ngữ thì việc nghiên cứu khoa học sẽ bị hạn chế nhiều”.

 

Giáo sư Hà Văn Mạo trong cuộc tọa đàm cùng những chuyên gia Mỹ

đến làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Phòng chống Ung thư, 1994

Trần Quang Huy