Tuổi thơ tự học và ước mơ trở thành nhà khoa học
Năm 1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chu Xuân Anh khi đó là cậu bé 5 tuổi phải theo cha mẹ tản cư nhiều nơi từ Ba Vì, Sơn Tây đến Hòa Bình, Phú Thọ. Chiến tranh kéo dài và những lần chạy giặc khiến bao đứa trẻ không được đến trường, nhưng Chu Xuân Anh may mắn hơn những cậu bé cùng trang lứa ở nơi sơ tán là được mẹ dạy học tại nhà, dù đó chỉ là những bài văn, bài toán đơn giản. Chỉ đến khi gia đình chuyển đến Yên Bái nơi bố Chu Xuân Anh – một cán bộ tư pháp được điều lên công tác vào năm 1951, cậu mới được bố mẹ gửi vào học lớp 5 của trường cấp 2 thị xã Yên Bái. Mặc dù chưa từng đến trường và nhỏ tuổi nhất lớp nhưng khi vào cấp 2, Chu Xuân Anh không thua kém các bạn về kết quả học tập.
Năm 1954, Chu Xuân Anh cùng gia đình theo đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô, sau đó tiếp tục học lớp 7 tại trường phổ thông cấp 2-3 Hà Nội (nay là trường THPT Việt Đức). Đây vốn là trường Dòng mang tên giám mục Puginier được xây dựng từ năm 1897 để đào tạo các tu sĩ. Năm 1955, nhà nước tiếp quản cơ sở này và chuyển thành trường học phổ thông dành cho con em các chiến sĩ, cán bộ mới ở chiến khu trở về. Về Hà Nội và được các thầy cô từng qua đào tạo từ khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) dìu dắt, Chu Xuân Anh nhanh chóng thích nghi với môi trường học mới và tiến bộ rõ rệt. Năm học lớp 8, trong một lần sinh hoạt lớp thầy giáo chủ nhiệm đã hỏi cả lớp về ước mơ sau này sẽ làm gì, nhiều bạn bày tỏ nguyện vọng trở thành kỹ sư, bác sĩ còn Chu Xuân Anh muốn trở thành nhà khoa học. Có thể nhiều người cho rằng mơ ước của cậu học trò Chu Xuân Anh khi đó là mơ hồ, viển vông nhưng quả thực cậu rất say mê với những thí nghiệm khoa học cơ bản do thầy giáo hướng dẫn và thực hành trên lớp. Cậu thích thú khi chế tạo thành công chiếc tai nghe của máy thu thanh galen và đặc biệt tò mò với những thí nghiệm hóa học. Có lần Chu Xuân Anh cùng nhóm bạn chế tạo ra một loại thuốc pháo có thành phần hóa học đơn giản và nhồi vào quả tên lửa tự chế để bắn, sau các thầy cô biết chuyện đã cấm việc chế tạo đó vì sợ gây ra hỏa hoạn.
Năm 1959, Chu Xuân Anh tốt nghiệp cấp 3, và thi đỗ vào khoa Hóa, trường Đại học Tổng hợp bởi lý do thích khoa học cơ bản, thích nghiên cứu chứ không thích làm kỹ sư[1]. Thời điểm đó chương trình đào tạo của trường Đại học Tổng hợp là 3 năm. Năm 1962, nhà trường thí điểm hệ đào tạo mới và giữ lại khoảng 100 sinh viên để tiếp tục học theo chương trình 4 năm. Không thể diễn tả niềm vui mừng khi Chu Xuân Anh thấy có tên trong danh sách được ở lại trường tiếp tục học, ông chia sẻ: Học kỳ II năm thứ 3 ai cũng chuẩn bị tinh thần để ra trường, đa số muốn về các nhà máy, khu công nghiệp để làm việc. Tôi được chọn ở lại thì sướng lắm, biết chắc chắn là sẽ được đi sâu vào chuyên ngành mình học[2]. Năm 1963, Chu Xuân Anh bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và được giữ lại trường công tác, bắt đầu sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu khoa học bằng sự cảm nhận
Con đường nghiên cứu khoa học của Chu Xuân Anh tưởng rằng sẽ gặp nhiều thuận lợi, sau khi ông hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại trường Đại học Karl Marx (CHDC Đức) với tấm bằng Tiến sĩ[3] loại ưu năm 1972. Nhưng rồi, từ năm 1979 ông mắc phải căn bệnh giảm thị lực khiến đôi mắt ông gần mù (thị lực chỉ còn 1/10), đã trở thành rào cản lớn đối với ông. Ông tâm sự: Khi thị lực mới giảm tôi bi quan lắm, cảm thấy cuộc sống bế tắc không tìm được lối thoát và từng nghĩ đến đây là hết rồi. Nhưng lúc ấy tình yêu đối với khoa học trong tôi vẫn tồn tại. Tôi chợt nhớ đến nhân vật Paven trong cuốn "Thép đã tôi thế đây", giờ tôi cũng lâm vào hoàn cảnh đó nên quyết tâm vượt qua khó khăn[4].
Từ lâu chiếc máy tính trở thành công cụ hỗ trợ PGS.TS
Quãng thời gian này, bên cạnh việc phải chấp nhận và vượt qua những bất hạnh của bản thân, ông còn phải vượt qua những định kiến của đồng nghiệp. Nhớ về quãng thời gian đầy bi quan đó, ông chia sẻ: Những năm 1980-1985 là khoảng thời gian tôi rất bi quan. Lúc đó, không ít dư luận thiếu thiện chí với tôi, họ lên tận phòng tổ chức nói với danh nghĩa họ lo cho tôi. Nhưng rất may mắn, tôi được các thầy trong khoa, bộ môn, học trò tin tưởng[5].
Từ năm 1980, nhà nước quan tâm đầu tư nghiên cứu về đất hiếm, những hội nghị khoa học về đất hiếm được Ủy ban Khoa học nhà nước tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học thuộc các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Viện Luyện kim… Sau đó Ủy ban Khoa học nhà nước đề ra chương trình 24C-02-04 và được Nhà nước phê duyệt chuyên nghiên cứu về các nguyên tố quý hiếm trong đó có đất hiếm. Tham gia chương trình gồm nhiều nhóm thực hiện nghiên cứu với các đề tài nhánh khác nhau. Ví dụ, nhóm Ủy ban Khoa học nhà nước do GS Đặng Vũ Minh, GS Đỗ Kim Chung phụ trách tập trung nghiên cứu tách nguyên tố đất hiếm theo phương pháp chiết nhiều bậc.
Mặc dù thiệt thòi so với đồng nghiệp nhưng với chuyên môn được đào tạo về tách đất hiếm, ông Chu Xuân Anh tham gia nhóm thực hiện đề tài nhánh “Phân chia và làm sạch các nguyên tố đất hiếm ở quy mô thí nghiệm nhỏ và lớn, từ 1986 – 1992”. Nhóm gồm các giảng viên khoa Hóa: Trần Chương Huyến, Trần Hồng Côn và nhiều cộng sự hỗ trợ nghiên cứu. Ông Trần Hồng Côn là học trò của thầy Chu Xuân Anh, lúc bấy giờ đang làm luận án tiến sĩ được chỉ định làm trưởng nhóm, phụ trách công tác đối ngoại. Bằng phương pháp chiết, tách sắc ký, nhóm nghiên cứu đã tách và thu lại các nguyên tố đất hiếm sạch đạt từ 99 đến 99,99% độ tinh khiết. Không chỉ vậy nhóm nghiên cứu còn được Cục sáng chế cấp bằng sáng chế cho “Phương pháp tách Ion đồng từ dung dịch Complexonat đồng” phục vụ tách đất hiếm. Kể từ khi mắt bị giảm thị lực, ông Chu Xuân Anh làm công việc chuyên môn chủ yếu bằng cảm nhận, sự thận trọng, kinh nghiệm cùng vốn kiến thức của bản thân trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học trước đó. Đồng thời ông tiếp tục trau dồi, cập nhật kiến thức mới thông đôi mắt của học trò, thầy trò cùng đọc tài liệu và thảo luận các vấn đề khoa học. Nhớ về giai đoạn này, ông nói: Suốt những năm trước khi tham gia đề tài, tôi lăn lộn trong phòng thí nghiệm nhiều đến mức có thể tự cảm nhận được mức độ, mùi, vị trong từng quá trình thí nghiệm. Lúc đầu các cộng sự cũng không tin, lo lắng cho tôi khi phòng thí nghiệm toàn máy li tâm, điện 220V nhưng tôi làm vô cùng thận trọng và có sự tính toán, ý kiến tôi nêu lên đúng nên sau đó chiếm được lòng tin của mọi người. Nhưng cũng nhờ có sự giúp đỡ của các cộng sự tôi mới tham gia được đề tài đó[6].
Đến những năm 90 của thế kỷ trước, thầy Chu Xuân Anh học chữ nổi và cách sử dụng máy tính, nhờ đó việc tham khảo tài liệu và nghiên cứu khoa học đối với ông thuận lợi hơn. Từ năm 1991, nhánh đề tài nghiên cứu về đất hiếm cơ bản hoàn thành, được nghiệm thu và chuyển sang giai đoạn ứng dụng. Nhưng ở thời điểm đó sản phẩm ứng dụng do Trung Quốc cung cấp giá rẻ, nên sản phẩm trong nước không thể cạnh tranh được và phải dừng các hoạt động sản xuất. Cũng giai đoạn này ngành công nghiệp Việt Nam phát triển, hệ lụy theo đó là các chất thải làm ảnh hưởng môi trường, như asen, thạch tín, thủy ngân, chì…, đã trở thành vấn đề quan tâm của các nhà khoa học. Bằng các phương pháp tách, chiết đất hiếm trước đây, PGS Chu Xuân Anh cùng cộng sự đi vào nghiên cứu phân tích những chất làm ảnh hưởng môi trường này với các đề tài: “Ứng dụng kỹ thuật chiết pha rắn để xác định lượng vết các độc tố hữu cơ và vô cơ trong phân tích môi trường”; “Nghiên cứu phương pháp động học xúc tác kết hợp với kỹ thuật chiết pha rắn sử dụng nhựa từ tính để xác định dạng tồn tại lượng vết và siêu vết các kim loại nặng”. Ngoài chuyên môn nghiên cứu, giảng dạy về đất hiếm PGS Chu Xuân Anh và cộng sự còn thực hiện việc ứng dụng rất hiệu quả, như đảm nhận việc điều chế hóa chất theo đơn đặt hàng của Viện Hóa học hình sự (Bộ Công an), hoặc điều chế acetate basic, chì axetat dùng để tách protein cho các nhà máy đường.
Cho dù với đôi mắt giảm thị lực nhưng bằng tình yêu khoa học, ý chí và nghị lực đã giúp PGS.TS Chu Xuân Anh vượt qua khó khăn và đạt được những thành công trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Không chỉ vậy tinh thần đó còn được ông truyền lại cho các thế hệ học trò, để rồi sau này nhiều người trở thành nhà khoa học có đóng góp trong lĩnh vực hóa học.
Lê Nhật Minh
___________________________________
[1] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Chu Xuân Anh, 3-4-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.