“Một cây làm chẳng lên non”
Trong 10 năm giảng dạy tại khoa Luyện kim[1], trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1957-1967), ông Phan Tử Phùng không chỉ là giảng viên có chuyên môn giỏi, mà còn là một cán bộ luôn tận tình giải đáp những thắc mắc của công nhân viên kỹ thuật từ các cơ sở sản xuất. Các câu hỏi của họ rất phong phú như: cách xử lý lò đúc gang khi bị tắc, giải thích các khuyết tật của quá trình đúc kim loại, cách phối liệu để ra sản phẩm chất lượng… Tuy nhiên, không phải vấn đề nào ông cũng đủ kiến thức để giải thích, trả lời những câu hỏi đặt ra, như ông chia sẻ: Dù có nhiệt tình đến đâu thì một mình tôi cũng không thể trả lời tất cả các câu hỏi của mọi người được. Tôi cho rằng cần có một tổ chức làm công tác giao lưu và phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật cho những người có nhu cầu[2].
Mặc dù, khi ấy Ban vận động của Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Hà Nội và Ban Khoa học Kỹ thuật thành phố Hà Nội (ra đời những năm 60), đã tổ chức được nhiều hội thảo phổ biến kiến thức về lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nhưng lĩnh vực đúc – luyện kim chưa được quan tâm. Sau khi tìm hiểu mô hình Hội Đúc – Luyện kim của Pháp và thấy hiệu quả của mô hình này, ông Phan Tử Phùng có ý tưởng phải thành lập một Hội Đúc – Luyện kim, trước hết hoạt động trong phạm vi thành phố Hà Nội. Ngay trong năm 1963, ông Phan Tử Phùng cùng một số nhân sự của Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Hà Nội đã vận động và tổ chức thành công Đại hội thành lập Hội Đúc – Luyện kim thành phố Hà Nội tại khu liên cơ Vân Hồ. Đại hội còn có sự tham gia của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Tuân (1963-1968). Kết thúc đại hội, ông Phan Tử Phùng được bầu làm Chủ tịch. Sau khi thành lập, hội thường xuyên tổ chức tọa đàm khoa học kỹ thuật, giao lưu và tham quan tại các cơ sở sản xuất đúc – luyện kim, thực hiện việc tư vấn, bảo vệ quyền, lợi ích cho nhiều doanh nghiệp và trở thành một trong những hội năng động nhất thời ấy.
Sau 2 năm hoạt động trong Hội Đúc – Luyện kim thành phố Hà Nội (1963-1965), ông Phan Tử Phùng nhận thấy, khi phản biện, tư vấn các chính sách kinh tế – xã hội của Nhà nước, tiếng nói chung của nhiều hội luôn có sức ảnh hưởng, thuyết phục hơn ý kiến của từng hội riêng lẻ. Chưa kể, đến đầu năm 1965, nhiều hội mới dừng ở mức độ có ban vận động mà chưa có tư cách pháp nhân nên tiếng nói của họ ít được chú ý.
Cuộc vận động không ngừng nghỉ
Để tiến tới thành lập Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam là cả một quá trình vận động rất kiên trì. Ông Phan Tử Phùng cùng nhân sự chủ chốt của các ban vận động thảo luận, lên ý tưởng thành lập một tổ chức tập hợp sức mạnh các hội về khoa học và kỹ thuật để có tiếng nói trong việc phản biện, tư vấn và giúp Nhà nước khi ban hành chủ trương. Tuy nhiên, vì điều kiện chưa thích hợp nên theo gợi ý của ông Tạ Quang Bửu – Phó Chủ nhiệm, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước[3], trước mắt, nhóm vận động của ông Phan Tử Phùng thành lập một Ủy ban liên lạc các hội.
Tháng 3-1965, Ủy ban liên lạc lâm thời các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trực thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước[4] được thành lập trên cơ sở tình nguyện tham gia của các thành viên, mà chưa có sơ sở pháp nhân. Chủ tịch Ủy ban liên lạc lâm thời là ông Tạ Quang Bửu, ông Phan Tử Phùng làm Trưởng ban sinh hoạt khoa học, ông Nguyễn Đình Tứ[5] làm Phó Trưởng ban. Ngoài ra, còn một số thành viên khác trong ban chấp hành như: ông Hồ Đắc Di – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, ông Vũ Đình Tụng – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam… Hoạt động của Ủy ban liên lạc chỉ là chiếu phim khoa học, tổ chức các buổi giao lưu, trò chuyện giữa các hội… Đây được coi là những bước đi ban đầu, tạo động lực cho việc thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Cuối năm 1966, ông Phan Tử Phùng được trường Đại học Bách khoa Hà Nội cử đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Sau khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ thành công, năm 1970, ông về nước và công tác tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Thời điểm đó, một số hội đã ngừng hoạt động như: Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban liên lạc lâm thời các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam… Ban vận động các hội tạm thời ngừng hoạt động. Các hội mới thành lập như: Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (2-1966), Hội Vật lý Việt Nam (2-1966), Hội Toán học Việt Nam (8-1966)… hoạt động không còn sôi nổi như trước.
Trong bối cảnh ấy, việc thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam càng gặp khó khăn và bị trì hoãn trong thời gian dài. Dù vậy, theo ông Phan Tử Phùng: Việc thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là công việc rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu của đất nước. Tôi luôn nghĩ, đây là công việc trong tầm tay, bản thân có thể làm được, chỉ là chưa đến thời cơ thích hợp, cho nên dù thế nào, tôi vẫn kiên trì và quyết tâm thực hiện[6].
Những năm 70, ông Lê Khắc – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước giao nhiệm vụ cho ông Phan Tử Phùng – Trưởng phòng Giáo dục cùng ông thực hiện công tác đối ngoại với Hiệp hội các Hội kiến thức các nước xã hội chủ nghĩa. Về bản chất các Hiệp hội này là những tổ chức tập hợp các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng trao đổi, thảo luận để tư vấn, phản biện các vấn đề kinh tế, xã hội của từng quốc gia (tương tự với ý tưởng và mục đích thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Thời điểm ấy, Việt
Nhận thấy đây là cơ hội thích hợp để thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tử Phùng tích cực xin ý kiến của cán bộ lãnh đạo Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Năm 1979, Ủy ban cử ông Lê Khắc làm Trưởng ban trù bị thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tử Phùng làm Phó trưởng ban.
Các hoạt động của Ban trù bị phần nhiều do ông Phan Tử Phùng đảm nhiệm. Ban trù bị được cấp con dấu riêng và tiến hành vận động các hội thuộc nhiều lĩnh vực khoa học tham gia Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trong quá trình vận động, ông Phan Tử Phùng xây dựng bộ hồ sơ xin phép thành lập hội. Từng có kinh nghiệm thành lập Hội Đúc – Luyện kim thành phố Hà Nội, Hội Đúc – Luyện kim Việt Nam[7] nên ông thuận lợi khi thực hiện công tác này. Nhắc đến sự ra đời của Hội Đúc – Luyện kim Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Kế Bính – nguyên Chủ nhiệm khoa Luyện kim, trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định: Có thể nói, ông Phan Tử Phùng là người có công đầu trong việc thành lập Hội Đúc – Luyện kim Việt Nam[8].
Trong điều lệ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TS Phan Tử Phùng nhấn mạnh một số điều sau:
Thứ nhất, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học. Liên hiệp hội lấy tên viết tắt là LIKHOAVINA.
Thứ hai, chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là đoàn kết, tư vấn, phản biện và giám định xã hội về khoa học công nghệ và kinh tế, xã hội nhằm xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ ba, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho các hội viên và ngược lại các hội viên phải tuân theo quy định, điều lệ của Liên hiệp hội.
Thứ tư, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có phạm vi hoạt động trên cả nước.
Khi ấy, số lượng hội viên tối thiểu theo quy định để thành lập một hiệp hội là 10 hội viên. Để đảm bảo theo yêu cầu, Ban trù bị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tập hợp được 15 hội thành viên, mới tiến hành Đại hội thành lập vào năm 1982. Đại hội sẽ được diễn ra trọng thể tại khách sạn Thắng Lợi – khách sạn quốc tế, sang trọng nhất Hà Nội bấy giờ. Giấy tờ phục vụ Đại hội được ông Lê Khắc duyệt cẩn thận trước khi gửi đến khách mời. Tuy nhiên, vì một số lý do, Đại hội thành lập bị hoãn lại.
Mấy tháng sau, ông Lê Quang Đạo – Bí thư Trung ương Đảng đại diện Ban Bí thư triệu tập thành viên Ban trù bị tham gia một cuộc họp liên quan đến việc thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại trụ sở của Trung ương Đảng ở phố Nguyễn Cảnh Chân. Buổi họp còn có sự tham dự của ông Trần Đại Nghĩa – Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam, ông Đặng Hữu – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước[9], ông Lê Xuân Đồng – Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng… Kết thúc buổi họp, GS.VS Trần Đại Nghĩa được giới thiệu làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ông Phan Tử Phùng được giao nhiệm vụ liên hệ với các cơ quan liên quan để hoàn thiện giấy tờ, văn bản theo quy định thành lập hội. Sau đó, Ban tổ chức Đại hội nhận được Quyết định số 121/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng[10] về việc thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Theo quyết định này, về nhân sự ông Trần Đại Nghĩa thôi giữ chức Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, để đảm trách chức Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Đại hội thành lập được chính thức tiến hành vào ngày 26-3-1983, tại khách sạn Bờ Hồ. Ban tổ chức tinh tế sắp xếp 15 chiếc bàn và ghế ngồi tương ứng với 15 hội thành viên với hàm ý thể hiện tính độc lập và bình đẳng của các hội khi gia nhập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đại hội vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách về khoa học kỹ thuật đến dự và chỉ đạo đại hội. Ông Lê Khắc, ông Phan Tử Phùng được giao nhiệm vụ đọc báo cáo và trình bày các văn kiện đại hội. Đại hội kết thúc thành công trong không khí vui vẻ. GS.VS Trần Đại Nghĩa được bầu giữ chức Chủ tịch Hội[11]. Tiến sĩ Phan Tử Phùng kể lại: Trước khi về, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vỗ vai tôi và nói: “Cậu cố gắng giúp anh Trần Đại Nghĩa làm tốt công tác hội nhé” [12].
Tiến sĩ Phan Tử Phùng nhấn mạnh: Điểm đặc biệt của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chính là chức năng phản biện chính sách về khoa học và kinh tế – xã hội của Nhà nước[13]. Sự ra đời của Liên hiệp hội thời điểm ấy, đã góp phần khởi động lại phong trào thành lập các hội khoa học mới. Nhân sự ban đầu của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được biên chế 9 người làm việc tại số nhà 30B phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau khi thành lập, Chủ tịch Trần Đại Nghĩa, ông Lê Khắc và ông Phan Tử Phùng đã có những buổi giao lưu với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các nước Liên Xô, Ukraina… để khảo sát, học hỏi kinh nghiệm về cách thức tổ chức hoạt động Liên hiệp hội.
Buổi giao lưu giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật giữa hai nước Liên Xô và Việt Nam tại Moskva, năm 1983. Đoàn Việt Nam ngồi bên phải: GS Trần Đại Nghĩa (thứ 2), ông Lê Khắc (thứ 3) và ông Phan Tử Phùng (thứ 4)
Dưới sự lãnh đạo và uy tín của Chủ tịch Trần Đại Nghĩa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức được nhiều hội thảo, tọa đàm phổ biến kiến thức; thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Năm 1992, trong giai đoạn GS Hà Học Trạc làm Chủ tịch (1988-1993), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (lúc này tên viết tắt là VUSTA) đã đồng sáng lập Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), hỗ trợ cho nhiều cá nhân/tổ chức phát triển các ý tưởng sáng tạo, các công trình nghiên cứu gắn với thực tiễn…
Một chặng đường phát triển
Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tiến sĩ Phan Tử Phùng tự hào về những đóng góp thiết thực của Liên hiệp hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ 15 hội thành viên ban đầu, đến nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tập hợp được 142 hội thành viên, trong đó có 79 hội ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương[14]. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, và nhiều huân chương cao quý khác.
Khuôn mặt TS Phan Tử Phùng rạng rỡ hơn khi bộc bạch: Gần 18 năm từ ngày ấp ủ ý tưởng thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với sự kiên trì, cuối cùng chúng tôi đã biến ý tưởng ấy thành hiện thực. Việc thành lập Liên hiệp hội là thành công chung của mọi người và cũng là thành công lớn đối với riêng tôi[15].
Bên cạnh những thành công kể trên, tiến sĩ Phan Tử Phùng cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi ý tưởng muốn Liên hiệp các Hội. Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thành lập một bảo tàng lịch sử và một trung tâm hội thảo về khoa học, kỹ thuật vẫn chưa được thực hiện. Là người đồng hành cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam từ những ngày đầu tiên, ông vẫn luôn dõi theo và không thôi trăn trở về việc thực hiện chức năng của Liên hiệp hội như Điều lệ đã quy định.
Nguyễn Thị Điệp
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
* TS Phan Tử Phùng, chuyên ngành Luyện kim, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Gia công nóng, khoa Cơ khí – Luyện kim, trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
[1] Tháng 8-1966, liên khoa Cơ khí – Luyện kim, trường Đại học Bách khoa Hà Nội tách ra thành 3 khoa: Luyện kim, Chế tạo máy và Động lực.
[2] Phỏng vấn TS Phan Tử Phùng, 30-5-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Nay là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt
[4] Lúc này, Ủy ban Khoa học Nhà nước tách thành 2 cơ quan: Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.
[5] Ông Nguyễn Đình Tứ bấy giờ công tác tại ban Toán – Lý của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.
[6] Hỏi thông tin TS Phan Tử Phùng, 10-7-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[7] Năm 1965, ông Phan Tử Phùng cùng ông Võ Quý Huân – Vụ trưởng Vụ kỹ thuật, ông Nguyễn Đức Thừa – Chủ nhiệm khoa Cơ khí – Luyện kim, trường Đại học Bách khoa Hà Nội vận động thành lập Hội Đúc – Luyện kim Việt Nam. Ngày 5-4-1966, Đại hội thành lập Hội Đúc – Luyện kim Việt Nam được tổ chức thành công tại hội trường của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Ngày 15-8-1966, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ung Văn Khiêm ký quyết định số 255-NV chính thức cho phép Hội Đúc – Luyện kim Việt Nam được thành lập.
[8] Hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Kế Bính, 11-9-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[9] Ông Đặng Hữu được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước từ năm 1982. Năm 1990, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đổi tên thành Ủy ban Khoa học Nhà nước. Đến năm 1992, Ủy ban Khoa học Nhà nước đổi tên thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Ông Đặng Hữu tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đến năm 1996.