Giáo sư người Pháp Francoise Barre Sinoussi – người đã có nhiều thời gian gắn bó với Viện Pasteur Việt Nam, từng nói rằng: “Làm khoa học không phải vì sự nghiệp, càng không phải vì tiền, mà là vì mọi người”. Câu nói của một giáo sư “mắt xanh, gia trắng” lại làm tôi nhớ đến một vị giáo sư đáng kính của dân tộc “da vàng” chúng ta – vị giáo sư đã quên ăn, quên ngủ, thậm chí theo những giai thoại kể lại ông say mê nghiên cứu đến mức quên cả ngày công tác, để cống hiến cho sự nghiệp khoa học. Người tôi muốn kể đến ở đây là Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi – tác giả của bộ sách nghiên cứu về đông dược Việt Nam, bộ sách được xem như một tác phẩm “vô tiền khoáng hậu” của nền y học cổ truyền dân tộc – đó là bộ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”.
GS.TS Đỗ Tất Lợi sinh ra trên miền quê “địa linh nhân kiệt” Thánh Gióng trong một gia đình thuần nông. Ngay từ nhỏ, nhà “bác học đông dược” tương lai đã được truyền lại một tình yêu thiên nhiên, cây cỏ từ cụ thân sinh Đỗ Văn Kiêm – vốn là một người say mê trồng đủ mọi thứ cây cỏ trong vườn nhà. Rồi như có thiên ý, lúc còn nhỏ tuổi, một lần ông bị ngã gãy tay, được cụ lang Lê Văn Sáp chữa cho khỏi, và còn chữa khỏi nhiều bệnh khác nữa chỉ bằng thuốc lá. Từ đó, ông luôn có suy nghĩ rằng cây cỏ quanh ta còn ẩn chứa nhiều điều bí mật, là một nguồn dược liệu đa dạng phong phú. Chính vì vậy, năm 1939 khi thi vào đại học, ông chọn ngành Dược, một ngành còn rất mới lạ ở nước ta thời bấy giờ, cho đến năm ông tốt nghiệp, toàn Đông Dương mới chỉ có 6 dược sĩ.
Ngay từ những năm tháng còn là sinh viên, ông đã xin cụ lang Lê Văn Sáp cho đi theo thăm bệnh, bốc thuốc. Bên cạnh đó, ông luôn quan tâm, tìm tòi, sưu tập các cây thuốc, động vật làm thuốc đã được nhắc đến trong y học cổ truyền dân tộc.
Ngày ông ra trường, đất nước đang còn trong ách đô hộ của thực dân Pháp, nhưng cửa hiệu thuốc của ông ở phố Hàng Gai trên biển hiệu không đề tiếng Pháp như thời ấy mà ghi Hiệu thuốc để chỉ rõ khí phách độc lập của người Việt Nam.
Từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, dược sĩ Đỗ Tất Lợi với cương vị Viện trưởng Viện khảo cứu chế tạo dược phẩm Cục quân y, đã chịu khó đi công tác trên núi rừng Việt Bắc tìm kiếm sưu tầm các cây thuốc phòng chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Mỗi bước chân trên các nẻo đường khác nhau ông đi, đều là dấu chân đi chung trên con đường nghiên cứu khoa học. Những ngày không lâu sau khi cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, trên một tờ báo hằng ngày xuất bản tại Hà Nội, dược sĩ Đỗ Tất Lợi, một thầy thuốc Tây y mới 27 tuổi và mới tốt nghiệp Đại học Y – Dược Đông Dương được hai năm, đã lên tiếng về nhiệm vụ cần kíp phải bảo vệ di sản y – dược của các bậc tiền bối phương Đông. Ông viết: “Nghề thuốc Bắc, thuốc Nam đã có mấy nghìn năm kinh nghiệm và còn để lại nhiều tên tuổi rõ ràng trong lịch sử. Thế mà ngày nay nghề này đang ở vào tình trạng suy tàn như chúng ta đã thấy, và cứ cái đà ấy, nó sẽ đi đến chỗ chết! Nghề chết thì cả cái kho tàng kinh nghiệm của tiền nhân cũng chẳng còn!”. Một trí thức Tây học đã lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ cái nền Đông dược “cũ kĩ” của Việt Nam. Ông quả đúng là người bắc nhịp cầu nối cho nền y học hiện đại của thế giới và nền y học cổ truyền của dân tộc ta.
Sau ngày hòa bình lập lại, với nhiệm vụ Chủ nhiệm bộ môn dược liệu Trường Đại học Y dược Hà Nội, ông đã say mê nghiên cứu về dược liệu, vị thuốc Việt Nam và các cây di thực từ nước ngoài. Ông đã có công xây dựng bộ môn về nghiên cứu và tư duy khoa học theo hướng dân tộc hiện đại. Ông tham giảng dạy trực tiếp và biên soạn giáo trình “Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam“. Giáo trình này ngoài sử dụng làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên đại học các trường Y Dược trong nước, còn được bạn bè quốc tế khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu đánh giá rất cao. Trong thư gửi Bộ Y tế Việt Nam, hai nhà dược học Xô Viết đã viết: “Một giáo trình xuất sắc về dược liệu học bằng tiếng Việt vừa xuất bản, được các nhà dược học Liên Xô rất chú ý. Đó là một trong số ít sách giáo khoa về cây thuốc vùng Đông Nam Á…“.
Nói về cái say với khoa học của ông thì cũng thật nhiều câu chuyện khôi hài, cười xong ngẫm lại thấy ngưỡng mộ một con người như thế! Tìm hiểu về công dụng kỳ diệu của các loài cây cỏ đối với ông không đơn thuần là một sở thích, một công việc chuyên môn mà đó thật sự là niềm say mê, một tình yêu không bao giờ vơi cạn. Ông đam mê đến nỗi mải vui với mấy cây thuốc trên rừng quên cả việc phải trở về đúng thời hạn công tác. Đã có đôi lần ông bị cắt lương vì tội đi công tác quá lâu không chịu về! Thậm chí có người thấy ông ở mãi trên rừng còn nói gở khéo bị thú dữ ăn thịt rồi cũng nên. Đứng trước một cây thuốc lạ, giáo sư như bị bỏ bùa mê, suốt ngày mải miết với nó để nghiên cứu các tính năng chữa bệnh. Sau mỗi chuyến đi, thứ mà dược sĩ Lợi mang về không gì khác ngoài những cây thuốc mà ông vừa tìm được. Đó chính là niềm vui, hạnh phúc của một con người không biết đến sự ngơi nghỉ trong công việc. Đến bà Bảy – người vợ gắn kết với ông suốt 3/4 thế kỷ, cũng đã phải thốt lên rằng: “Ông ấy chỉ thích nói chuyện chuyên môn thôi, ngoài ra chẳng biết nói chuyện gì đâu. Tôi với ông ấy mỗi người một việc cũng chẳng có mấy dịp ngồi nói chuyện, nhưng nếu có cũng chỉ quanh quẩn chuyện cây thuốc. May mà tôi làm trong ngành dược chứ không cũng chẳng biết nói gì. Ấy thế mà càng ngày càng thấy thương nhau…”. Rồi còn chuyện có lần bà ra sân bay đón ông đi công tác từ trong Nam về, gặp ông đúng là vừa giận, vừa thương, mà lại buồn cười. Bà kể: “Nhìn ông ấy không khác gì một ông làm nghề bốc vác. Ăn mặc thì lôi thôi, nhếch nhác, áo sờn vai, quần sứt chỉ, trong khi đó, tôi đã chuẩn bị cho ông ấy đầy đủ quần áo mang theo để thay đổi mà ông ấy chỉ mải công việc không chịu thay”…Quả là niềm say mê khoa học đã choán hết những điều để ý khác đối với ông.
Bằng tất cả tâm huyết và tài năng của một nhà khoa học lớn, GS. Đỗ Tất Lợi đã có tới 200 công trình khoa học lớn nhỏ, trong đó công trình gây tiếng vang nhất là bộ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” được xuất bản lần đầu năm 1962 với độ dày trên 1.200 trang khổ lớn, mô tả công dụng, thành phần hóa học, các hoạt chất chính cùng ảnh chụp của 750 loài cây thuốc, vị thuốc thuộc 164 họ, 77 vị thuốc động vật, 20 vị khoáng vật. Cuốn sách quý này đã được tái bản đến hàng chục lần, mỗi lần tái bản đều được chỉnh sửa, bổ sung nên độ dày của nó ngày một tăng lên.
Ông được phong hàm Giáo sư năm 1980, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Kỹ thuật năm 1996 và tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì vào năm 2001 về những cống hiến cho khoa học và đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nhờ tình yêu với cây cỏ thiên nhiên, lòng say mê với khoa học cùng một mái ấm gia đình có bàn tay người phụ nữ chăm vén,… mà Giáo sư Đỗ Tất Lợi đã gặp hái được nhiều thành tựu cho nền y học cổ truyền dân tộc, khơi lại một kho tàng y học lớn tưởng chừng như sắp mất đi dưới thời Pháp thuộc. Ông đã tạo một dấu gạch nối cho y học hiện đại và cổ truyền.
Trong niềm vui năm 2014 vừa qua, nhiều cá nhân của các chi hội Đông y Hà Nội được nhận Bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chúng ta lại thêm một lần nhớ về “nhà bác học Đông dược” Đỗ Tất Lợi như một tấm gương sáng của trí tuệ Việt Nam.
Ngô Trọng Hiếu
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn