Người bác sĩ có “đôi tay vàng”

 

PGS, TS Trần Thiết Sơn (người đứng giữa) thăm hỏi người bệnh sau khi phẫu thuật.

PGS. TS Trần Thiết Sơn (người đứng giữa) thăm hỏi người bệnh sau khi phẫu thuật.

Sinh năm 1959 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống về nghề y, ngay từ lúc còn học phổ thông, Trần Thiết Sơn đã say mê tìm hiểu kiến thức y khoa. Có lẽ, những câu chuyện kể trong gia đình đã tiếp thêm “năng lượng” cho niềm đam mê của ông. Thi đỗ Trường đại học Y Hà Nội, năm 1983, tốt nghiệp chuyên ngành Dị ứng, ông học tiếp bác sĩ nội trú và ở lại công tác tại trường.

Năm 1989, GS. VS. TSKH Nguyễn Huy Phan muốn chọn một số học trò xuất sắc nhất đào tạo một chuyên ngành hoàn toàn mới tại Việt Nam: Phẫu thuật tạo hình. Bác sĩ Sơn quyết tâm học lại từ đầu, một chuyên ngành mới với ông, mới với cả những người thầy của mình. Năm 1994, ông lên đường sang Pháp theo học những kiến thức tiên tiến nhất về phẫu thuật tạo hình lúc bấy giờ. Ông là một trong những phẫu thuật viên Việt Nam đầu tiên được theo học chuyên ngành này tại châu Âu. Khi trở về nước, ông góp phần không nhỏ vào việc đào tạo lớp bác sĩ chuyên khoa đầu tiên về phẫu thuật tạo hình tại Trường đại học Y Hà Nội (năm 1995). Hiện, ông là Trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình, Trường đại học Y Hà Nội và Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn.

Trong suốt mấy chục năm nghiên cứu và thực hành phẫu thuật tạo hình cứu chữa cho hàng nghìn người bệnh, PGS. TS Trần Thiết Sơn đã tích lũy và truyền đạt lại cho hàng nghìn học trò của mình những kỹ thuật quý báu như: kỹ thuật giãn da, kỹ thuật phẫu thuật vú phì đại và đặc biệt là kỹ thuật vi phẫu tích – phẫu thuật dưới kính hiển vi mà hiện tại trên thế giới chỉ có ba nước Anh, Nhật Bản và Việt Nam có thể thực hiện. Mới đây nhất, các phẫu thuật viên Hoa Kỳ đã chuyển giao kỹ thuật vi phẫu chuyển ngón cho các phẫu thuật viên Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn. Ðây là một trong những kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao, tỉ mỉ trong phẫu thuật và sự phối hợp nhuần nhuyễn trong kíp mổ. Bày tỏ niềm vui sau ca phẫu thuật, Giáo sư Joseph Rosen, trưởng kíp mổ chia sẻ: “Chúng tôi đã đi nhiều nơi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho các quốc gia khác nhau trên thế giới trong kỹ thuật vi phẫu, nhưng Việt Nam là nơi học hỏi và phát triển kỹ thuật này nhanh và hiệu quả nhất”. Và kể từ tháng 3-2014, kỹ thuật này trở thành thường quy tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

Từ khi cầm dao mổ đến nay, ông cũng không nhớ hết mình đã mổ cho bao nhiêu con người có ngoại hình dị thường, bị mọi người gán cho những cái tên xấu xí, những nam thanh niên bị mất một phần cơ thể, hay những cô gái có cơ thể bị khiếm khuyết, không thể lập được gia đình… đều tìm đến “bàn tay vàng” của ông. Gần đây, trường hợp của N.T.P ở Thái Nguyên là một người bệnh đặc biệt. Mọi hành động, suy nghĩ, tính cách của P. là nam giới, nhưng trớ trêu thay, hình hài của anh lại là nữ. Trải qua ba cuộc đại phẫu thuật, PGS. TS Trần Thiết Sơn đã trả lại giới tính cho P. Xúc động nói về trường hợp của mình, P. bày tỏ: “Nếu không gặp được bác sĩ Sơn, có lẽ tôi đã không tìm lại được chính mình như ngày hôm nay. Ông không những là một bác sĩ giỏi đã phẫu thuật hoàn thiện cho tôi, mà còn như một người thân luôn động viên, an ủi tôi những lúc tôi tuyệt vọng nhất”.

Những gì bác sĩ Sơn làm được là những thành tựu đáng tự hào của ngành phẫu thuật tạo hình Việt Nam. Vậy nhưng, khi nói về mình, ông vẫn khiêm tốn: “Kiến thức bao la rộng lớn, có những điều mình trăn trở vẫn chưa thành hiện thực, có lẽ tôi vẫn cần nghiên cứu và nỗ lực nhiều hơn để có thêm nhiều cuộc đời được cứu sống, nhiều gia đình tìm lại được niềm vui”.