Người có đức tin vũ trụ

Giải thưởng quốc tế Cino del Duca có trị giá lên tới 300.000 euro, dành để khen thưởng hay làm rạng danh một tác giả Pháp hoặc nước ngoài có tác phẩm, dù thuộc lĩnh vực văn học hay khoa học, mang đậm tính nhân văn hiện đại.

Sau khi trao giải cho các tác giả văn học nổi tiếng như: Mario Vargas Llosa, Milan Kundera, hay Patrick Modiano…, năm 2012 Ban giám khảo đã quyết định trao Giải thưởng này cho GS-TS Trịnh Xuân Thuận – một người Mỹ gốc Việt, nhà vật lý thiên văn và là nhà văn, bởi sự nghiệp phổ biến khoa học của ông bằng tiếng Pháp.

Nhận tin mình được trao giải thưởng danh giá này, GS-TS Trịnh Xuân Thuận nói: “Giải thưởng này là một sự khích lệ để tôi tiếp tục công việc của mình về phổ biến khoa học. Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào khoa học và công nghệ, việc mọi người có một hiểu biết cơ bản để tất cả chúng ta có thể cùng suy ngẫm về tương lai của hành tinh là một điều cực kỳ quan  trọng”.

Một nhà văn có tâm hồn bay bổng trên các vì sao

Là người gốc Hà Nội (Việt Nam), GS-TS Trịnh Xuân Thuận đã được học tại một trường trung học Pháp ở Sài Gòn, nơi giảng dạy bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ mà sau này ông sử dụng để viết các tác phẩm phổ biến rộng rãi về vật lý thiên văn. Là một chuyên gia nổi tiếng thế giới về thiên văn học các thiên hà, ông đã phát hiện thiên hà trẻ nhất được biết đến trong vũ trụ thông qua kính thiên văn không gian Hubble.

GS-TS Trịnh Xuân Thuận. Ảnh do NXB Tri thức cung cấp

Ông là giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Virginia, ở đó ông có giảng dạy một giáo trình đặc biệt về thiên văn học cho các nhà thơ. Song song với nghiên cứu và giảng dạy, ông  phổ biến kiến thức khoa học qua nhiều tác phẩm của mình. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách thể hiện cho đông đảo công chúng, một cách nhìn phức tạp và tinh tế của một nhà khoa học và một người có đức tin về vũ trụ và vị trí của con người trong vũ trụ. Vì điều này, năm 2009, GS-TS Trịnh Xuân Thuận cũng đã được trao giải thưởng Kalinga về phổ biến khoa học của UNESCO. 

Là một người có năng khiếu văn học và triết học từ nhỏ, ngay từ cuốn sách đầu tiên, cuốn  Giai điệu bí ẩn, Trịnh Xuân Thuận đã rất dụng công trình bày những dữ liệu khoa học khô khan bằng một thứ ngôn ngữ giản dị giàu chất văn học, khiến những người không hiểu biết nhiều về khoa học đọc vẫn cảm thấy thích thú và hấp dẫn.

Đọc ông, ngoài tri thức khoa học vốn là chuyên môn của ông, chúng ta không khỏi khâm phục sự hiểu biết sâu sắc và phong phú của ông về văn học nghệ thuật mà đặc biệt là về hội họa và triết học. Thấp thoáng đây đó trong các trang sách của ông là những suy tư triết học tinh tế và sâu sắc.

Tự coi mình là một phật tử trở thành nhà khoa học, các trang viết cũng như cuộc sống đời thường của ông hết sức nhân văn và giàu lòng trắc ẩn. Từ trước, độc giả Pháp cũng như độc giả Việt Nam đều xem Trịnh Xuân Thuận là một nhà văn lớn nhưng với giải thưởng này, được xếp ngang hàng với những nhà văn nhà thơ nổi tiếng thế giới như Jorge Luis Borges và Milan Kundera, tài năng văn học của ông đã được quốc tế thừa nhận.  

Cách tiếp cận của Trịnh Xuân Thuận

Giúp đông đảo công chúng biết tới sự kỳ vĩ gần như phi thực của vũ trụ bằng một ngôn ngữ giản dị và dễ tiếp cận, đây là thách thức mà nhà vật lý thiên văn này đã xuất sắc vượt qua để “nói với công chúng sự kinh ngạc đầy thán phục của tôi trước vẻ đẹp và sự hài hòa của vũ trụ và để tôn vinh sự sáng tạo và những sáng tạo luôn mới mẻ của nó”.

Mục tiêu là để giải thích, để làm cho những gì hùng vĩ và không thể giải thích được của vũ trụ trở nên gần gũi hơn, nhờ vào những suy tư triết học và thần học. Nhờ tính độc đáo của các tác phẩm và sứ mệnh mà ông gánh vác, Trịnh Xuân Thuận hướng tới những “chính nhân”, những người quan tâm nhưng không có một hành trang khoa học, nhằm giải thích lịch sử của vũ trụ cho “những đứa con của các vì sao” là chúng ta hiểu được. Sự thành công của các tác phẩm này đã chứng minh cho tính đúng đắn của phương pháp tiếp cận của ông.

 

Giải thưởng sẽ được ngài Yves Pouliquen, Viện Hàn lâm Pháp, trao vào lúc 15 giờ thứ tư, ngày 6-6-2012 dưới mái vòm của Viện Pháp Quốc.

Tiểu sử và tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận

GS-TS Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 ở Hà Nội. Ông học trung học tại trường Pháp Jean-Jacques Rousseau nguyên là trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông theo học Trường Bách khoa Lausanne, Thụy Sĩ.

Nhưng năm sau, ông xin thi và được nhận thẳng vào năm thứ hai của Học viện Công nghệ California ở Pasadena (Caltech) – một trong những trường đại học danh giá nhất của Mỹ. Từ năm 1970, ông làm nghiên cứu sinh tại Đại học Princeton và nhận bằng tiến sĩ ở đó năm 1974. Sau đó ông giảng dạy về vật lý thiên văn ở Đại học Virginia cho đến nay. Các tác phẩm của ông gồm:

– Vũ trụ và hoa sen – 2011.

– Từ điển yêu thích về bầu trời và các vì sao – 2009.

– Chuyến du hành tới tâm của ánh sáng – 2008.

– Những con đường của ánh sáng – vật lý và siêu hình học của ánh sáng và bóng tối – 2007.

– Nguồn gốc: những nỗi hoài niệm về các thuở ban đầu – 2003.

– Người đo đạc vũ trụ – 2002.

– Cái vô hạn trong lòng bàn tay: Từ Big Bang đến giác ngộ – 2000.

– Hỗn độn và hài hòa -1998.

– Số phận của vũ trụ – Big Bang và sau đó – 1992.

– Một nhà vật lý thiên văn (bản dịch tiếng Việt: Trò chuyện với nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận) – 1992.

– Giai điệu bí ẩn -1988.

Hầu hết tác phẩm trên đã được dịch giả Phạm Văn Thiều cùng các cộng sự dịch ra tiếng Việt. Riêng tác phẩm mới nhất của Trịnh Xuân Thuận – cuốn Vũ trụ và hoa sen, một cuốn sách mang nhiều màu sắc tự truyện đang được dịch giả Phạm Văn Thiều chuyển ngữ và sẽ được NXB Tri thức ấn hành vào cuối năm nay.

Có thể nói, nhận giải thưởng này là một vinh dự to lớn đối với GS Trịnh Xuân Thuận, đồng thời cũng là niềm tự hào của người Việt Nam chúng ta. Điều đáng nói là trong lần trao giải thưởng này, ban giám khảo đã đặc biệt nhấn mạnh tới tư cách nhà văn của GS-TS Trịnh Xuân Thuận, điều đó đã thực sự khẳng định tài năng của ông còn với tư cách là một nhà văn lớn.

Về Quỹ Simone và Cino del Duca – Viện Pháp Quốc

Được thành lập vào năm 1975 và đặt tại Viện Pháp Quốc từ năm 2005, Quỹ Simone và Cino del Duca hoạt động ở Pháp và ở nước ngoài, trong lĩnh vực nghệ thuật, văn chương và khoa học, thông qua các khoản tài trợ, giải thưởng và viện trợ theo đề nghị của các Viện Hàn lâm thuộc Viện Pháp Quốc. Mỗi năm quỹ trao ba giải thưởng: Một giải thưởng khoa học, một giải thưởng quốc tế trị giá mỗi giải 300.000 euro và một giải thưởng về khảo cổ học trị giá 200.000 euro.

Một số nhân vật nổi tiếng đã từng được nhận giải thưởng quốc tế này như: nhà vật lý người Nga Andrei Sakharov – giải thưởng Nobel về hòa bình, Vaclav Havel – Tổng thống Cộng hòa Czech, Milan Kundera – nhà văn CH Czech…

Giải thưởng quốc tế này được Simone del Duca sáng lập vào năm 1969. Nó được trao tặng hằng năm dựa theo đề xuất của ban giám khảo dưới sự chủ trì của thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Pháp và bao gồm các thành viên của các viện hàn lâm khác nhau của Viện Pháp Quốc.

Viện Pháp Quốc được thành lập năm 1795, thực sự là “Quốc hội của các học giả”, Viện Pháp Quốc ban đầu có nhiệm vụ đóng góp vào sự hoàn thiện và phát triển của nghệ thuật, khoa học và văn học nhờ vào 5 viện hàn lâm thành viên:

lViện Hàn lâm Pháp chịu trách nhiệm giữ gìn và làm giàu tiếng Pháp.

lViện Hàn lâm Chữ khắc và Văn học có các nhiệm vụ liên quan đến lịch sử, khảo cổ và ngôn ngữ học.

lViện Hàn lâm Khoa học hỗ trợ nghiên cứu và thúc đẩy tiến bộ khoa học .

lViện Hàn lâm Mỹ thuật khuyến khích tất cả các lĩnh vực nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh…).

lViện Hàn lâm Khoa học Chính trị và Đạo đức xử lý các vấn đề liên quan tới kinh tế – xã hội và pháp lý.

Viện hoạt động dưới sự bảo trợ của tổng thống nước Cộng hòa Pháp.