Người có nhiều bằng sáng chế ngành điện ảnh nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh

Trong đó, cụm công trình Nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ ngành điện ảnh phục vụ kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và phục hồi kinh tế sau chiến tranh của PGS, TS Trần Quang Ngọc đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà riêng trên phố Hàng Bông (Hà Nội), mặc dù đã 75 tuổi, nhưng PGS, TS Trần Quang Ngọc (trong ảnh) vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm cách đây hơn 40 năm về trước. Ðó là những ngày TS Trần Quang Ngọc cùng đồng nghiệp say mê nghiên cứu, sáng tạo, chế tạo ra các thiết bị, nguyên vật liệu và các giải pháp đặc biệt để sản xuất phim, bảo vệ phim, phổ biến phim đến quần chúng trong thời kỳ chiến tranh.

Tốt nghiệp ở Liên Xô (trước đây), về Việt Nam năm 1969, với tấm bằng Phó tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện ảnh, TS Trần Quang Ngọc về công tác tại Cục Ðiện ảnh. Ngày đầu tiên làm việc ở Cục Ðiện ảnh, Phó cục trưởng phụ trách kỹ thuật Phan Nghiêm mời TS Trần Quang Ngọc lên và giao nhiệm vụ. Nhiều nghệ sĩ điện ảnh vào nam ra trận như những chiến sĩ. Nhiều người đã hy sinh khi đang quay phim trên chiến trường. Ðiều đau xót là phim quay được khi gửi ra bắc lại bị bom đạn địch đánh phá làm mất trên đường Trường Sơn, hoặc bị hỏng do thời gian, khí hậu khắc nghiệt. Nhiệm vụ của TS Trần Quang Ngọc là chế tạo máy in phim ngay tại chiến trường sau đó in thành nhiều bản gửi ra bắc.

Cũng vào thời điểm này, TS Trần Quang Ngọc nhận được tin buồn, người bạn Vũ Phạm Chuân học cùng lớp ngoại ngữ với anh đã hy sinh. Liệt sĩ Vũ Phạm Chuân đã quay nhiều thước phim trên chiến trường, nhưng vì nhiều lý do khác nhau phim đã không chuyển ra được miền bắc, hoặc chuyển ra nhưng không in tráng được vì bị lộ sáng…

Ðược sự giúp đỡ của các nước XHCN anh em, chúng ta có nhiều máy in phim. Tuy vậy, mỗi máy in phim nặng hàng trăm ki-lô-gam, ngoài ra để máy hoạt động cần phải có điện, buồng tối, máy điều hòa. Những yêu cầu đó trong điều kiện chiến trường không bảo đảm được. Sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu, tháo lắp các thiết bị điện ảnh sẵn có trong kho, TS Trần Quang Ngọc đã chế tạo thành công máy in phim dã chiến dùng trong chiến trường. Máy gọn nhẹ, có đủ tính năng cơ bản để in phim. Ưu điểm của máy in phim có một không hai trên thế giới này là không cần điện, đèn, buồng tối và các thiết bị phục vụ phức tạp. Toàn bộ thiết bị chỉ nặng khoảng 4 kg. Ðồng chí Trần Hữu Thanh người đã từng sử dụng thiết bị nói trên cho biết: Nhờ thiết bị này, chúng tôi đã in được nhiều thước phim, kịp thời phục vụ lãnh đạo, quân, dân miền trung từ năm 1971 đến 1975, được lãnh đạo khu ủy đánh giá cao.

ÐỂ kịp thời tuyên truyền các đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước, thành tựu xây dựng CNXH ở miền bắc, chiến thắng của bộ đội ta trên các mặt trận, điện ảnh giải phóng cần rất nhiều phim để phục vụ quân và dân vùng giải phóng, vùng tạm chiếm và vùng địch. Nắm được quy định của ngụy quyền Sài Gòn là không kiểm duyệt phim 8mm. Lợi dụng điều này, Cục Ðiện ảnh được giao nhiệm vụ sản xuất phim 8mm đưa vào vùng giải phóng và vùng địch, phục vụ đấu tranh chính trị. Do điều kiện đất nước đang có chiến tranh cho nên nước ta không nhập được thiết bị làm phim 8mm (lúc đó có giá 300 nghìn USD). TS Trần Quang Ngọc được giao nhiệm vụ chế tạo thiết bị sản xuất phim 8mm.

Sau nhiều tháng làm việc liên tục, TS Trần Quang Ngọc đã chế tạo thành công hệ thống thiết bị làm phim 8 mm từ những nguyên liệu sẵn có trong kho. Tác giả dùng máy in phim 16 mm nhân bản phim 8 mm có tốc độ nhanh gấp bốn lần so với máy cùng tính năng. Trong quá trình nghiên cứu chế tạo, TS Ngọc đã nhận được sự động viên, hỗ trợ trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là đồng chí Phan Trọng Tuệ.

Các bộ phim Hội nghị cấp cao nhân dân Ðông Dương, Chiến thắng đường Chín Nam Lào, Một ngày Hà Nội được sản xuất, in nhân bản với số lượng lớn và kịp thời chuyển vào miền nam phục vụ công tác đấu tranh chính trị. Ðồng chí Trần Hữu Tòng kể lại: Trước khi ra trận, bộ đội chúng tôi được xem phim: Chiến thắng Nam Lào. Ai cũng thích thú và phấn khởi khi xem cảnh: bộ đội ta bắt đại tá Thọ.

Từ những kết quả nói trên, TS Trần Quang Ngọc liên tục được cấp trên giao cho nhiều nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo các thiết bị, vật liệu ngành điện ảnh. Nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc. Trong đó đáng kể là những thiết bị máy móc: máy in hình, in tiếng phim 16 mm; cơ cấu tự động chiếu phim liên tục bằng một máy chiếu; phương pháp kẹp chi tiết đặc biệt; giải pháp xử lý bộ phát tiếng phim máy chiếu; giải pháp cải tạo máy nổ, phát điện; chế tạo sản xuất đèn hồ quang dùng cho chiếu phim; chế tạo máy chiếu phim mẫu; sáng chế phương pháp ghi phụ đề phim nhựa; thuyết minh và lồng tiếng dân tộc thiểu số vào phim…

Trong thời kỳ đất đổi mới, trên cương vị là Viện trưởng Kỹ thuật điện ảnh và Video Việt Nam, PGS, TS Trần Quang Ngọc đã xây dựng công trình Thử nghiệm mô hình quản lý theo cơ chế mới, tiến hành các hoạt động khoa học kỹ thuật không dựa vào ngân sách Nhà nước. Một trong những kết quả nổi bật của việc thực hiện công trình nói trên là nghiên cứu, chế tạo thành công đèn hồ quang chiếu bóng cung cấp kịp thời cho các rạp chiếu phim.

Kết quả này đã minh chứng được quan điểm đúng đắn của lãnh đạo viện, bằng sự sáng tạo của mình và với cơ chế "cởi trói" hoạt động khoa học và công nghệ, các nhà khoa học có thể cống hiến tối đa sức sáng tạo của mình và được nhận bồi dưỡng chính đáng theo cơ chế thị trường, không thụ động dựa vào kinh phí nghiên cứu do Nhà nước cấp.

HƠN 40 năm công tác ở ngành điện ảnh, TS Trần Quang Ngọc đã có hơn 15 công trình nghiên cứu sáng tạo được đánh giá cao. Trong đó có ba công trình được cấp bằng sáng chế cấp quốc tế, một công trình được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Ðánh giá Cụm công trình Nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ điện ảnh phục vụ kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và phục hồi kinh tế sau chiến tranh, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Thủ trưởng tổ chức xét thưởng cấp cơ sở Giải thưởng Hồ Chí Minh, hiện là Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới cho rằng: Các giải pháp của tác giả phù hợp điều kiện Việt Nam, không giống bất kỳ giải pháp nào ở các nước trên thế giới.

Nguồn: www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/khoa-hoc/khoa-h-c/ng-i-co-nhi-u-b-ng-sang-ch-nganh-i-n-nh-nh-n-gi-i-th-ng-h-chi-minh-1.338439