Tháng 12-1945, bác sĩ Vũ Văn Cẩn được giao nhiệm vụ phụ trách Ban Y tế Vệ Quốc đoàn Trung ương. Nhiệm vụ đầu tiên của Ban Y tế Vệ Quốc đoàn Trung ương là tổ chức một địa điểm để cứu chữa thương binh, bệnh binh tại mặt trận Hà Nội và các vùng lân cận. Các sinh viên y khoa Nguyễn Sỹ Quốc, Nguyễn Xuân Ty và Trịnh Văn Khiêm tình nguyện gia nhập Vệ Quốc đoàn và được phân công làm việc tại Ban Y tế Vệ Quốc đoàn Trung ương. Những ngày đầu tiên trở thành chiến sĩ vệ quốc đoàn, ông không những trực tiếp cứu chữa thương binh, bệnh binh, mà còn hăng hái tham gia vận chuyển thuốc, bông băng và dụng cụ y tế do dược sĩ Vũ Công Thuyết lấy từ kho thuốc của Bệnh viện Đồn Thủy (lúc đó do quân Nhật coi giữ) về Ban Y tế Vệ Quốc đoàn Trung ương.
Ngày 16/4/1946, Quân y Cục được thành lập trên cơ sở Ban Y tế Vệ Quốc đoàn Trung ương. Bác sĩ Vũ Văn Cẩn được giao nhiệm vụ Quân y Cục trưởng. Thời điểm này, thực dân Pháp bộc lộ rõ âm mưu phá hoại Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, cùng bọn phản động trong nước tổ chức nhiều hoạt động khiêu khích, quấy rối, tìm mọi cơ hội để phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai trên quy mô cả nước. Trước tình hình căng thẳng đó, các đơn vị ở Chiến khu 1, Chiến khu 2 được lệnh đánh trả, ngăn chặn kịp thời những vụ việc gây rối, khiêu khích của chúng. Để tăng cường lực lượng quân y cho các đơn vị đang làm nhiệm vụ trấn áp bọn phản động, đầu tháng 6/1946, Quân y Cục cử các sinh viên y khoa Nguyễn Sỹ Quốc và Đặng Văn Việt tăng cường cho quân y Trung đoàn 28 ở Lạng Sơn. Ông được giao phụ trách Bệnh xá Trung đoàn 28, với biên chế 70 giường bệnh. Lúc đó, tại Trung đoàn 28 và một số đơn vị khác có nhiều chiến sĩ bị bệnh tê phù, ông đã có sáng kiến dùng cám gạo (loại ngon và mịn) trộn với mật ong, làm thuốc điều trị bệnh tê phù cho bộ đội. Thấy loại “thuốc” do ông bào chế rất có công hiệu, quân y nhiều đơn vị khác cũng bào chế theo hướng dẫn của ông cho bộ đội uống dự phòng bệnh tê phù.
Cố Thiếu tướng, Giáo sư Nguyễn Sỹ Quốc
Ngày 1-11-1946, Quân y Cục phối hợp với Trường Đại học Y Dược Hà Nội tổ chức khai giảng hệ đào tạo quân y đại học tại phố Hàng Rượu (nay là phố Nguyễn Công Trứ, Hà Nội). Khóa đào tạo bác sĩ quân y đầu tiên từ những sinh viên y khoa có 40 người, trong đó có ông, do sinh viên Cát Huy Dương phụ trách. Trong ngày khai giảng hệ quân y đại học, các sinh viên Cát Huy Dương, Nguyễn Sỹ Quốc, Vũ Trọng Kính, Nguyễn Văn Âu, Võ Tấn, Đặng Văn Việt, Nguyễn Xuân Bích, Hoàng Như Tố… vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phan Anh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trương Đình Tri – Bộ trưởng Bộ Y tế và Vũ Văn Cẩn – Quân y Cục trưởng đến dự. Với sự phấn đấu và những thành tích đạt được kể từ khi gia nhập Vệ Quốc đoàn, cuối năm 1947 ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đầu năm 1949, trước tình hình mới của cuộc kháng chiến, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cơ quan Quân y Cục thành lập thêm một số phòng nghiệp vụ: Phòng Quân y tĩnh tại do bác sĩ Lê Văn ốc phụ trách, Phòng Quân y lưu động do bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu phụ trách, Phòng Dược chính do dược sĩ Huỳnh Quang Đại phụ trách và Ban Công tác chính trị do bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc phụ trách. Trước khi được điều về cơ quan Quân y Cục, bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc là Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 174 Cao – Bắc – Lạng. Trên cương vị mới, ông đã giúp chỉ huy Quân y Cục chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị ở các cơ sở điều trị, các xưởng dược và Trường Quân y sĩ. Cuối năm 1949, thực hiện Nghị quyết Hội nghị quân y lần thứ VIII với chủ trương “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Quân y Cục thành lập Phòng Phòng bệnh, bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc được bổ nhiệm làm Trưởng phòng.
Trong chiến dịch Cao – Bắc – Lạng (1949), ông có vinh dự rất lớn, được Cục trưởng Vũ Văn Cẩn giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Bác Hồ trong thời gian Bác trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch. Chính những ngày được ở gần Bác, ông đã tiếp thu tư tưởng, đạo đức, ý chí và học tập phong cách làm việc, lối sống của Người. Những bài học thực tế từ Bác đã giúp ông có thêm niềm tin và nghị lực đi theo cách mạng, phục vụ kháng chiến.
Sau chiến dịch Biên Giới (thu đông 1950), để tranh thủ thời cơ tiêu diệt sinh lực địch, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch tấn công vào vùng trung du, còn gọi là chiến dịch Trần Hưng Đạo (đông xuân 1950-1951). Để phục vụ chiến dịch Trần Hưng Đạo, Quân y Cục đã thành lập Ban Quân y chiến dịch do bác sĩ Lê Văn ốc phụ trách. Với chức trách là Trưởng phòng Phòng bệnh, bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc được giao phụ trách một đội công tác (gồm các bộ phận: phòng dịch, tuyên truyền vệ sinh và xét nghiệm) đi phục vụ bộ đội chiến đấu. Ông đã xuống tận các đại đội, tiểu đoàn kiểm tra việc ăn ở của bộ đội; hướng dẫn quân y các đơn vị tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng, vệ sinh và phòng bệnh; đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện 12 điều kỷ luật vệ sinh ở dã ngoại; theo dõi tình hình bệnh tật và sức khỏe của bộ đội trước và sau mỗi trận đánh. Sau chiến dịch Trần Hưng Đạo, ông và bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ được Quân y Cục cử đi học tập và nghiên cứu ở Liên Xô. Năm 1955, sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học, về nước ông được giao nhiệm vụ Trưởng phòng Kiểm nghiệm vệ sinh phòng dịch, Cục Quân y. Năm 1960, Phòng Kiểm nghiệm vệ sinh phòng dịch được nâng cấp thành Viện Vệ sinh dịch tễ Quân đội; Viện chỉ có 5 bác sĩ (Nguyễn Sỹ Quốc, Từ Giấy, Nguyễn ái Phương, Nguyễn Báu, Bửu Hệ), ông được giao chức trách Viện trưởng. Bằng những kinh nghiệm thực tiễn của chiến tranh và kiến thức khoa học thu được khi học tập tại Liên Xô, ông đã có nhiều công lao đóng góp xây dựng hệ thống y học dự phòng quân đội trưởng thành và lớn mạnh, góp phần cùng toàn ngành Quân y hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội trong các cuộc chiến tranh chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1964, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, trong đó địa bàn trọng điểm đánh phá là Quân khu 4; chúng còn âm mưu sử dụng lực lượng biệt kích xâm nhập vùng nam Quân khu 4 bằng đường biển. Bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc được trên tin tưởng cử làm Chủ nhiệm Quân y Quân khu 4. Trên cương vị này, ông đã có nhiều đóng góp lớn vào việc tổ chức bảo đảm quân y cho lực lượng vũ trang quân khu tác chiến trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, dài ngày, bằng cả đường không và đường biển.
Cuối tháng 11/1967, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định mở chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, chủ yếu là quân viễn chinh Mỹ, phá vỡ tuyến phòng ngự của địch ở Đường 9. Từ cương vị Chủ nhiệm Quân y Quân khu 4, ông lại được trên cử vào chiến trường Đường 9 – Khe Sanh cùng các bác sĩ Đỗ Nghị, Nguyễn Trí Tri và các dược sĩ Nguyễn Trần Thành, Nguyễn Duy Tô, Nguyễn Văn Vy tăng cường cho cơ quan chỉ huy quân y chiến dịch. Bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc đ• cùng Đội Vệ sinh phòng dịch của mặt trận trực tiếp xuống các đơn vị kiểm tra và chỉ đạo công tác vệ sinh trận địa, phòng chống sốt rét, góp phần hạ thấp tỉ lệ mắc sốt rét của bộ đội.
Sau khi phục vụ chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, năm 1968 bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Quân y.
Mùa khô năm 1970-1971, địch tập trung càn quét ác liệt dọc tuyến hành lang vận chuyển lương thực, vũ khí của ta vào miền Trung và Nam Lào bằng cuộc hành quân ra Đường 9 – Nam Lào, với mật danh “Lam Sơn 719”. Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận 702 để trực tiếp chỉ huy các đơn vị tham gia chiến dịch phản công cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch. Cục Quân y đãcử Phó Cục trưởng Nguyễn Sỹ Quốc phụ trách công tác quân y trong cơ quan tiền phương của Tổng cục Hậu cần tại Bộ Tư lệnh mặt trận 702. Đến giữa năm 1971, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Mặt trận 702, ông được Bộ Quốc phòng cử vào phục vụ tại chiến trường B2 với cương vị Phó Cục trưởng Cục Quân y kiêm Phó Trưởng phòng Quân y B2 để tăng cường sức mạnh cho quân y miền Đông Nam Bộ (thời điểm này bác sĩ Hồ Văn Huê là Phó Cục trưởng Cục Quân y kiêm Trưởng phòng Quân y B2). Cùng đi chiến trường với ông lần này còn có các bác sĩ Bùi Đại, Bùi Dũng Mã và các dược sĩ Nguyễn Trần Thành, Đinh Huỳnh Kiệt. Tại chiến trường B2, ông đã cùng các bác sĩ Bùi Đại và Bùi Dũng Mã nghiên cứu tình hình bệnh sốt rét ở các đơn vị chủ lực, nghiên cứu về muỗi truyền bệnh sốt rét và hiệu quả của các phương pháp phòng chống bệnh sốt rét. Những kết quả nghiên cứu cùng sự chỉ đạo trực tiếp của ông và đồng nghiệp đã góp phần bảo vệ sức khỏe bộ đội, hạn chế tỉ lệ mắc sốt rét, giữ vững quân số chiến đấu.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Cục Quân y thành lập cơ quan đại diện để chỉ đạo và tổ chức bảo đảm quân y cho các cánh quân đang bao vây và thần tốc tiến vào Sài Gòn. Phó Cục trưởng Nguyễn Sỹ Quốc được giao phụ trách cơ quan tiền phương Cục Quân y tại Bộ Tư lệnh chiến dịch.
Năm 1976, theo yêu cầu nhiệm vụ, Viện Nghiên cứu y học quân sự được tái thành lập với biên chế 270 cán bộ, nhân viên. Ông được trên giao thêm chức vụ Viện trưởng, các phó tiến sĩ Đặng Hanh Khôi và Hoàng Như Tố làm Phó Viện trưởng. Đến năm 1983, Viện Nghiên cứu y học quân sự được tách thành Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội và Trung tâm Kiểm nghiệm Nghiên cứu dược Quân đội.
Năm 1980, ông được Nhà nước phong học hàm giáo sư và được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Quân y. Thời kỳ này nước ta đang phải đồng thời chống lại các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm của ngành Quân y và Cục Quân y, ông đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy Cục Quân y chỉ đạo kịp thời và có hiệu quả mọi mặt công tác bảo đảm quân y trên các chiến trường. Năm 1983, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng và được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Năm 1986, ông thôi làm nhiệm vụ quản lý, trực tiếp làm chủ nhiệm một số chương trình nghiên cứu khoa học lớn của ngành Quân y, trong đó có Chương trình 66.03.01 “Tổng kết khoa học kỹ thuật quân y”, bao gồm 3 chủ đề lớn (tổng kết chiến tranh; lý luận cơ bản, điều lệ, chế độ; loại hình tổ chức quân y) với 32 đề tài. Chương trình 66.03.01 là một trong 3 chương trình khoa học kỹ thuật trọng điểm cấp Bộ Quốc phòng. Ông còn là tác giả và đồng tác giả của hơn 20 công trình nghiên cứu khoa học thuộc các chuyên ngành tổ chức và chỉ huy quân y, dịch tễ học quân sự, trong đó có công trình “Tổng kết kinh nghiệm chiến tranh chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Tây Nam” (16 đề tài), công trình “Nghiên cứu về tổ chức và chỉ huy quân y” (17 đề tài) và công trình “Nghiên cứu biên soạn các tài liệu cơ bản” (16 đề tài).
Năm 1990, ông được nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông vẫn tham gia công tác tổng kết khoa học, đúc rút kinh nghiệm xây dựng và điều hành ngành Quân y, hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ (ông là ủy viên và là chủ tịch hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước 9 nghiên cứu sinh), tham gia giảng dạy tại Học viện Quân y, viết sách về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phòng chống bệnh sốt rét…
Năm 1999, ông được phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. Biết sẽ không thể qua khỏi bạo bệnh, nhưng ông không hề tỏ ra bi quan, lo lắng. Ông dồn hết tâm trí với hy vọng còn đủ thời gian để hoàn thành nốt những công việc còn dang dở. Tuy không còn trực tiếp chỉ đạo ngành Quân y, nhưng ông vẫn có những ý kiến đóng góp với lãnh đạo chỉ huy Cục Quân y mang tính định hướng về công tác tổ chức, xây dựng ngành, phát triển kỹ thuật mới, đào tạo cán bộ chuyên khoa sâu. Mặc dù được Quân đội, ngành Quân y, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình hết lòng cứu chữa, chăm sóc, nhưng ông đã ra đi mãi mãi vào một ngày tháng 4 năm 2002, hưởng thọ 80 tuổi.
45 năm theo cách mạng, phục vụ trong ngành Quân y, thiếu tướng giáo sư Nguyễn Sỹ Quốc đã để lại cho các thế hệ cán bộ kế cận nhiều ấn tượng tốt đẹp và đáng ghi nhớ. Ông được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương và danh hiệu cao quý, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000. Năm 1981, giáo sư là đại biểu chính thức của Đảng bộ Quân đội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (người bạn đời của ông là giáo sư Vũ Thị Phan, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, cũng là đại biểu chính thức dự Đại hội này).
Từ một sinh viên của Trường Đại học Y Dược Hà Nội, trở thành bác sĩ, giáo sư, thiếu tướng, Cục trưởng Cục Quân y. Dù ở cương vị nào, trong chiến tranh hay hòa bình, ở chiến trường hay hậu phương, ông đều hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ vào thành tích của ngành Quân y. Giáo sư Nguyễn Sỹ Quốc là người chỉ huy quân y cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; có năng lực tổ chức, điều hành thông minh, sáng tạo, nhạy bén; có tầm nhìn xa, trông rộng; một trong những nhà khoa học lớn của quân đội và đất nước.
Thiếu tướng, giáo sư Nguyễn Sỹ Quốc đã đi xa; nhưng những cống hiến của ông cho ngành Quân y, cho Cục Quân y trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc là vô cùng lớn lao. Ông mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần cách mạng, về ý chí và nghị lực, về quan điểm phục vụ bộ đội, để thế hệ cán bộ quân y ngày nay học tập và phát huy.
TS. Chu Tiến Cường
Trung tướng, nguyên Cục trưởng Cục Quân y
Nguồn:www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/257185/print/Default.aspx