Người con dòng họ Hà Duyên trên mảnh đất Xuân Lai

Cũng trên mảnh đất ấy đã ghi dấu biết bao người con, góp tài góp sức cống hiến cho quê hương đất nước. Một trong những người con ấy phải kể đến đó là PGS.TS  Hà Duyên Châu – ông nguyên là Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
   
Truyền thống giáo dục gia đình

PGS.TS Hà Duyên Châu sinh ngày 1/2/1949 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và truyền thống cách mạng. Ông nội ông, cụ Hà Duyên Đạt (1889-1960) một nhà cán bộ lão thành cách mạng. Từ năm 1927 cụ đã tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng (tiền thân của Đông dương Cộng sản Đảng ở Miền Trung Việt Nam) rồi là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản (tỉnh Ủy viên) tỉnh Thanh Hóa.

PGS.TS Hà Duyên Châu

Bố thân sinh ra ông, ông Hà Duyên Kính (1924-1986) từng tham gia khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, và bắt đầu dạy học từ 1947. Với thời gian gần 40 năm dạy học, ông đã đào tạo được nhiều thế hệ học sinh trong xã Xuân Lai cũng như các xã lân cận. Đặc biệt mẹ thân sinh ra ông, một bà mẹ rất mực đôn hậu, suốt đời tần tảo, yêu thương con cái bằng tất cả tình cảm của một người mẹ Việt Nam. Mặc dù mẹ mất từ khi ông còn rất nhỏ, nhưng tình cảm của mẹ dành cho ông và các em ông là rất thiêng liêng, không bao giờ có thể phai mờ.

Đại gia đình cụ Hà Duyên Đạt, vẫn luôn là một gia đình hiếu học. Trong số con cháu trong gia đình là 160 thành viên, thì 1 người là Phó Giáo sư, 6 là Tiến sĩ, 4 là Thạc sĩ, 54 là cử nhân hoặc kỹ sư, 9 người tốt nghiệp cao đẳng. Ngoài ra hiện có nhiều cháu chắt đang là sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng hoặc đang làm Thạc sĩ, Tiến sĩ trong hoặc ngoài nước.

Quê hương nghĩa nặng tình sâu

PGS.TS Hà Duyên Châu sinh trong gia đình có 9 anh chị em mà ông là con cả. Cả 9 anh chị em ông đều được bố mẹ nuôi nấng, dạy dỗ và đều đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng. Cũng như các em của mình, ông được sống trong sự đùm bọc của gia đình và người thân ở Xuân Lai từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, quê hương Xuân Lai chính là nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn, cưu mang, giúp đỡ và giáo dục ông trong suốt khoảng thời gian đầu đời.

Cảnh mây nước sông Chu tại xã  Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nơi chôn rau cắt rốn cho đến lúc trưởng thành của  PGS.TS  Hà Duyên Châu

Có một điều mà ông cũng như các em ông luôn ghi nhớ trong suốt cuộc đời mình, đó là sự cưu mang của quê hương Xuân Lai và dòng họ Hà Duyên. Xuân Lai là vùng đất vô cùng thiêng liêng, vì nơi đây là nơi Đức Thủy Tổ Hà Duyên Thúc đã tìm đường đến xây dựng cơ nghiệp từ năm 1406. Hơn hai mươi thế hệ nối tiếp nhau, dòng họ Hà Duyên đã trải qua bao biến cố thăng trầm, kẻ đi xa, người lại ở gần. Mọi người dân trong dòng họ sống luôn nhớ về cội nguồn, gốc gác. Mỗi dịp cuối năm, tết đến xuân về, dù có bận việc đồng áng đến thế nào, mọi người ai cũng đến viếng mộ Tổ Tiên, ông bà thắp hương giữ trọn đạo hiếu. 

PGS.TS  Hà Duyên Châu dự lễ Tế Tổ kỷ niệm 600 năm ngày Giỗ Tổ họ Hà Duyên năm 2006 (người đứng thứ ba từ trái sang là TS. Hà Duyên Cam, trưởng họ, thứ hai là ông Hà Duyên Vy, Thủ Chỉ họ Hà Duyên, đứng cuối cùng là PGS.TS Hà Duyên Châu)

Mảnh đất Xuân Lai chứa đựng tất cả những gì thân thương nhất, ngọt ngào, gần gũi nhất, gắn bó nhất với tuổi thơ của ông. Nơi ấy có dòng sông Chu thơ mộng nước chảy lững lờ, có những cánh đồng lúa xanh bát ngát, điểm tô bằng những cánh cò trắng phau trên nền trời xanh ngắt, hoặc một màu vàng ươm như một tấm lụa vàng khi mùa lúa chín, với mùi thơm của hương lúa, rơm rạ… Nơi ấy xóm làng yêu thương đùm bọc lẫn nhau, dù cuộc sống không giàu sang nhưng con người sống có tình có nghĩa, với một tình cảm chân thành, mộc mạc, trong sáng, đầy lạc quan…

Tuổi thơ những ngày gian khó

PGS.TS Hà Duyên Châu sinh ra khi dân tộc Việt Nam đang trong kháng chiến chống Pháp. Hồi đó, lứa học sinh thế hệ ông phải hàng ngày một buổi đến trường, một buổi ra đồng tham gia làm nông nghiệp cùng với gia đình và bà con trong hợp tác xã như những lao động chính, tham gia cày, bừa, nhổ mạ, gánh phân, đập đất, làm cỏ… Rồi ngày chủ nhật hàng tuần phải lên rừng cách nhà mười, hai mươi cây số hái củi cho việc nấu ăn hàng ngày. Đó là những năm mưa thuận gió hòa. Còn có những năm thiên tai, hạn hán lũ lụt xảy ra, ông và dân làng phải ăn củ chuối thay cơm!

Năm 1965, Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại, đánh phá miền bắc Việt Nam bằng không quân. Ngày đêm máy bay gầm rú trên bầu trời tỉnh Thanh. Lớp ông phải chuyển sang học ban đêm, đội mũ rơm đi bộ đến trường vào lúc ba, bốn giờ sáng.

Những dấu ấn trong học tập và con đường đến với nghiên cứu khoa học

Học lớp 10 năm 1966 có lẽ là thời điểm quan trọng, một bước ngoặt đánh dấu một chặng đường mới đối với PGS.TS Hà Duyên Châu. Trong kỳ thi học sinh giỏi toán lớp 10 do tỉnh Thanh Hóa tổ chức, ông đã đạt giải Nhì (19/20 điểm), cùng với chú ruột được cử đi dự kỳ thi giỏi toán toàn miền Bắc và được lựa chọn vào danh sách cử đi học ở nước ngoài. Tháng 8/1966, ông lên tàu cùng các bạn lên đường đi học tại Rumani, một nước Đông Âu xinh đẹp nằm bên bờ Hắc Hải. Tại đó, ông được phân công vào học Khoa Vật lý, trường đại học Tổng hợp Bu Ca Rét, một trường đại học nổi tiếng của Rumani. Tại trường đại học Tổng hợp Bu Ca Rét, ông và các bạn nhận được sự giúp đỡ tận tình, chỉ bảo ân cần của các giáo sư người Rumani. Đặc biệt, trong số các thầy cô dạy ông trên giảng đường đại học, giáo sư Pătrascu Ştefan dạy địa từ học là người có tầm quan trọng bậc nhất đối với ông. Chính giáo sư đã hướng ông vào một lĩnh vực khoa học vô cùng hấp dẫn của vật lý học, đó là môn Địa từ học. Với sự hướng dẫn tận tình của giáo sư Pătrascu Ştefan, ông đã hoàn thành xuất sắc luận văn tốt nghiệp đại học với nhan đề “ Plasma Mặt Trời và từ trường Trái Đất”. Chính luận văn này đã mở ra hướng nghiên cứu sau này mà ông rất tâm đắc, đó là nghiên cứu bão từ, bởi vì bão từ chính là hậu quả của tương tác giữa plasma Mặt Trời và từ trường Trái Đất, khi Mặt Trời hoạt động mạnh.

Cuối năm 1972 ông trở về nước và được Bộ phân công về làm nghiên cứu tại Phòng Vật lý địa cầu. PGS.TS Hà Duyên Châu được nhận vào làm ở tổ địa từ. Đến năm 1982, phòng Vật lý địa cầu phát triển thành Trung tâm nghiên cứu Vật lý địa cầu, và đến 1986, phát triển thành Viện Vật lý địa cầu, còn tổ địa từ được chuyển lên thành phòng Địa từ cho đến ngày nay.

Mặc dù lúc đó đời sống của cán bộ nghiên cứu gặp muôn vàn khó khăn, nhưng ông vẫn rất phấn khởi, nghĩ rằng so với những chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận, những anh chị thanh niên xung phong đang dầm mưa giãi nắng trên dãy Trường Sơn thì những khó khăn đó có thấm tháp gì. Về cơ quan hôm trước, hôm sau ông đã lên đường đi thực địa vùng Tây Bắc cùng với các anh chị trong phòng, tham gia vào đề tài “Tập bản đồ các yếu tố địa từ mặt đất Việt Nam niên đại 1975.5” mà phòng đang thực hiện. 

PGS.TS  Hà Duyên Châu  đi thực địa đo từ trường Trái Đất tại Hoàng Mai, Nghệ An tháng 11/1997

Ngoài việc học, bổ xung các kiến thức chuyên môn cũng như ngoại ngữ, ông còn trang bị cho mình một ngôn ngữ nữa, ngôn ngữ máy tính. Ông học ngôn ngữ số Minsk 22, tiếp sau đó ông học ngôn ngữ lập trình Fortran. Say sưa trong học tập, nghiên cứu, trang bị chu đáo kiến thức, ngoại ngữ, tin học, với những kết quả nghiên cứu đầu tiên, ngay năm sau đó ông đã được Viện Khoa học Việt Nam tin tưởng tiếp tục gửi đi thực tập tại Cộng hòa Pháp. Ông được nhận vào thực tập tại phòng nghiên cứu Địa từ trong trường Đại học Pierre-et-Marie-Curie (Đại học Paris VI), trường đại học vào loại danh tiếng nhất của Pháp.

Sau một năm miệt mài nghiên cứu tại ViệnVật lý địa cầu, ông đã hoàn thành một công trình về đề tài nghiên cứu của ông cùng Giáo sư Le Mouël và Giáo sư J. Ducruix “Sur le caractère planétaire du saut de variation séculaire de 1969-70” (Về đặc trưng toàn cầu của đột biến biến thiên thế kỷ 1969-1970). Đây là một đề tài có tính chất thời sự nóng hổi lúc bấy giờ, lôi cuốn rất nhiều nhà nghiên cứu trong cộng đồng khoa học về Trái Đất.

Tháng 4 năm 1992 ông được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng Địa từ, phụ trách mảng mạng lưới đài trạm địa từ quốc gia. Do yêu cầu khách quan, trong 2 năm 1992 – 1993 một chương trình nghiên cứu cấp nhà nước được đặt ra, một mặt để nghiên cứu biến thiên từ vùng vòng dòng xích đạo, mặt khác để xây dựng một đài địa từ hành tinh tại Phú Thuỵ. GS.TS Hà Duyên Châu được giao trách nhiệm chủ trì phần “Lắp đặt và duy trì hoạt động của đài OMP Phú Thuỵ”. Cùng với chuyên gia Pháp và cùng với các cán bộ trong Phòng địa từ, ông đã hoàn thành tốt phần việc của mình và đầu tháng 7/1993, đài địa từ hành tinh Phú Thuỵ đã đi vào hoạt động. Ngày 1/7/1993, tệp số liệu địa từ đầu tiên bằng máy ghi từ hiện số fluxgate ở Việt Nam ra đời, có độ chính xác rất cao, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành địa từ Việt Nam.

Song song với các đề tài đó, ông được giao trách nhiệm thư ký cho dự án cấp nhà nước 339-IGCP “Correlation of modern geomagnetic field in the region of geomagnetic equator” (Mối tương quan của trường địa từ hiện đại trong khu vực xích đạo từ). Dự án đạt kết quả xuất sắc, đưa ra được nhiều đặc trưng quan trọng cho từ trường Trái Đất trong vùng xích đạo từ của Việt Nam.

Từ năm 1996 – 1998, do nhu cầu cấp bách của việc xây dựng một trung tâm dữ liệu quốc gia về dữ liệu Vật lý Địa cầu, đề tài cấp nhà nước “Cơ sở dữ liệu Vật lý Địa cầu” được đặt ra cùng với tập thể tác giả, ông đã hoàn thành tốt việc xây dựng cơ sở dữ liệu về địa từ. Đây là những số liệu quốc gia hết sức quí giá, không những phục vụ đắc lực cho các yêu cầu khoa học cũng như thực tiễn trong nước mà còn phục vụ cho việc trao đổi hội nhập trong khu vực cũng như trên quốc tế.

Năm 1997, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (thành lập năm 1993 trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học Việt Nam) thí điểm tổ chức thi tuyển nâng ngạch nghiên cứu viên lên nghiên cứu viên chính. Ông tham gia và trở thành một trong ba người đầu tiên trong toàn quốc là nghiên cứu viên chính thông qua thi tuyển. Ông giữ chức danh này cho đến năm 2005, khi được bổ nhiệm chức danh nghiên cứu viên cao cấp sau đợt thi tuyển do Bộ Nội vụ tổ chức.

Năm 1998, những trận bão từ của chu trình Mặt Trời lần thứ 24 bắt đầu xuất hiện. Khi bão từ xuất hiện, nó sẽ tác động mạnh đến đời sống con người trên Trái Đất. Nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề, năm 1998 Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia đã quyết định mở một đề tài nghiên cứu cấp Bộ mang tên “Nghiên cứu bão từ và ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điên ở Việt nam”, giao cho PGS.TS Hà Duyên Châu làm chủ trì. Ba cơ quan sẽ cùng tham gia đề tài, đó là Viện Vật lý Địa cầu, Tổng công ty điện lực Việt Nam, Đại học Kyushu (Nhật Bản). Sau hơn một năm mày mò, tìm hiểu, thử nghiệm, cuối cùng các ông đã thành công. Các ông đã thu được tín hiệu dòng điện cảm ứng gây ra do biến thiên từ chạy qua dây trung tính của máy biến áp 500-220kV tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Vào tháng 6/1999, tệp giản đồ dòng điện cảm ứng đầu tiên chạy qua máy biến áp 500kV Hoà Bình được ghi lại. Đây có thể là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình nghiên cứu của ông. Lần đầu tiên ở Việt Nam đã thiết lập hệ máy ghi chính xác và chi tiết dòng điện cảm ứng qua đường dây trung tính của trạm biến áp 500kV ở Việt Nam.

Năm 2001 PGS.TS Hà Duyên Châu được anh chị em cán bộ viện Vật lý địa cầu tín nhiệm bầu vào vị trí Phó viện trưởng viện Vật lý địa cầu, và được Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia ký Quyết định bổ nhiệm vào tháng 4/2001, phụ trách các vấn đề nội chính và xây dựng cơ bản. Ông giữ chức vụ này cho đến tháng 7/2008, khi được Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam bổ nhiệm làm quyền Viện trưởng viện Vật lý địa cầu.

Hợp tác quốc tế, nhiệm vụ quyết định cho sự phát triển của ngành Vật lý địa cầu nói chung và địa từ nói riêng 

Vào năm 1997 và 2003, hai đợt đo từ chuẩn đã được thực hiện trên toàn lãnh thổ Việt Nam trong chương trình hợp tác với viện Vật lý địa cầu Paris, với các thiết bị đo mang từ Pháp và sự tham gia của chuyên gia Pháp, ông Daniel Gilbert, và do PGS.TS. Hà Duyên Châu chịu trách nhiệm về phía Việt Nam. Hai đợt đo từ đã thu được tập hợp số liệu giá trị tuyệt đối từ trường trái đất tại tất cả các điểm trong mạng lưới điểm đo lặp quốc gia với độ chính xác cao dạng chuẩn quốc tế. 

PGS.TS  Hà Duyên Châu cùng các đồng nghiệp và chuyên gia Anh lắp đặt thiết bị ghi dòng điện cảm ứng tại trạm 500kV Hòa Bình để nghiên cứu tác động của bão từ đối với hệ thống truyền tải điện năm 2001 (từ trái sang phải: PGS.TS Hà Duyên Châu, kỹ sư Lê Trường Thanh, kỹ sư Ngô Văn Quân, GS.TSKH. D.H. Boteler)

Năm 2014 ông đã liên hệ với các nhà khoa học thế giới về địa từ, cùng với các nhà khoa học địa từ Pháp đưa được đài địa từ Đà Lạt vào chương trình địa từ quốc tế INTERMAGNET, trở thành đài địa từ hành tinh (OMP) thứ hai của Việt Nam, sau Phú Thụy, giúp Việt Nam có thể hội nhập sâu hơn vào cộng đồng khoa học quốc tế về địa từ, một thành công ngoài sự mong đợi của khoa học địa từ Việt Nam.

Ngoài duy trì hợp tác với Pháp, ông là người đầu tiên mở ra hợp tác với Nhật Bản về địa từ. Từ năm 2006, một thỏa thuận hợp tác quốc tế về điện ly giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia Nhật Bản (NICT) được ký kết.

PGS.TS  Hà Duyên Châu Chủ trì Hội nghị quốc tế hợp tác Việt Nam – Nhật Bản về thời tiết vũ trụ tại Hà Nội tháng 3/2007 (thứ hai từ phải sang)

PGS.TS Hà Duyên Châu, trong quá trình công tác của mình đã được mời đi dự nhiều Hội nghị Quốc tế về địa từ để trao đổi kết quả nghiên cứu với các nhà khoa học thế giới. Đó là các hội nghị do IAGA (Hội địa từ và cao không quốc tế), IUGG (Tổng hội Quốc tế về Trắc địa và Vật lý địa cầu), INTERMAGNET (Mạng lưới Đài địa từ thời gian thực Quốc tế) … tổ chức tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Áo, Australia, Italia, Ấn Độ, Indonexia, Thái Lan, Trung Quốc, Ai Cập… Nhiều kết quả ông thu được đã được đánh giá cao. Đó cũng chính là các dịp quan trọng để ông điều chỉnh các hướng nghiên cứu để đóng góp được nhiều nhất vào sự phát triển khoa học nước nhà, đồng thời hội nhập được với cộng đồng khoa học quốc tế.
 
Nghiên cứu khoa học gắn liền với đào tạo thế hệ trẻ

PGS.TS Hà Duyên Châu ủng hộ quan điểm gắn liền việc nghiên cứu khoa học với nhiệm vụ đào tạo. Theo ông, một người cán bộ nghiên cứu muốn có kết quả nghiên cứu tốt thì phải trải qua quá trình đào tạo nghiêm túc. Đồng thời muốn việc nghiên cứu được duy trì, phát triển, người cán bộ đó phải tham gia vào quá trình đào tạo. Năm 1994 ông bắt đầu tham gia hướng dẫn các nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ. Và hiện nay ông đang tiếp tục hướng dẫn một nghiên cứu sinh nữa làm luận án Tiến sĩ tại viện Vật lý địa cầu. Ngoài đào tạo Tiến sĩ, ông cũng tham gia vào việc hướng dẫn các sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp đại học, cũng như làm luận văn Thạc sĩ. Nhiều sinh viên được ông hướng dẫn đã bảo vệ thành công khóa luận hoặc luận văn đạt kết quả xuất sắc.

Trong mọi mặt cuộc sống hàng ngày cũng như trong nghiên cứu khoa học, ông luôn luôn nêu cao phong cách làm việc tập thể, luôn gắn bó đoàn kết và sẻ chia với đồng nghiệp. Với những cống hiến được ghi nhận trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo, năm 2002 PGS.TS Hà Duyên Châu vinh dự được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước xét trao học hàm Phó Giáo sư về khoa học Trái Đất, sau những đợt xét tuyển rất chặt chẽ, nghiêm túc.

Thành quả của đam mê

Kể từ khi bước chân vào nghiên cứu khoa học cho đến nay hơn 40 năm. Ông đã hoàn thành xuất sắc 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước (chủ trì các đề tài nhánh), chủ trì 6 đề tài nghiên cứu cơ bản cấp nhà nước, chủ trì 4 đề tài cấp bộ và nhiều đề tài cấp cơ sở viện Vật lý địa cầu khác. Đặc biệt ông đã duy trì và phát triển chương trình hợp tác về địa từ rất có hiệu quả với viện Vật lý địa cầu Paris, đưa thêm được đài địa từ Đà Lạt vào hệ thống đài địa từ hành tinh thế giới. Đến nay, ông đã công bố gần 100 công trình, chủ biên hay đồng tác giả, đăng trong trong các tạp chí có uy tín trong nước hay quốc tế, hoặc trong các tuyển tập các Hội nghị khoa học quốc tế hay quốc gia về Vật lý địa cầu trong tất cả các lĩnh vực mà ông trực tiếp nghiên cứu, trong đó hơn 10 bài báo được đăng trên các tạp chí uy tín xếp thứ hạng cao, được nhiều người trích dẫn.

PGS.TS  Hà Duyên Châu tham dự và báo cáo tại Hội nghị khoa học quốc tế về Địa từ và Cao không IAGA tháng 6/2008  tại Colorado, Mỹ ( người thứ 6 hàng đầu từ trái sang)

Nhờ những cố gắng không mệt mỏi của ông trong mọi lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, đào tạo, trong các công tác hợp tác quốc tế, công tác công đoàn, cho đến nay ông đã được tặng hơn 40 giấy khen, bằng khen các loại từ các cấp khác nhau. Nhiều năm ông được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt ông đã vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ do Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng năm 2006, là đồng tác giả của công trình khoa học “Atlas Quốc gia Việt Nam”, do Cục đo đạc bản đồ Nhà nước xuất bản năm 1996, trong đó tập bản đồ các yếu tố địa từ mặt đất lãnh thổ Việt Nam niên đại 1975.5 là nội dung cơ bản của tập bản đồ quốc gia về địa từ. 

Đầu năm 2014 ông nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo sau đại học tại Viện Vật lý địa cầu, nơi hiện đã có một đội ngũ hùng hậu gấp 10 lần so với khi ông mới đến, gồm hơn 100 cán bộ công nhân viên chức, trong đó có đến hơn 20 TS, PGS, đã và đang triển khai nhiều dự án, đề tài tầm cỡ quốc gia, đóng góp được nhiều kết quả khoa học quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước. Ông có quyền tự hào vì trong sự phát triển đó có một phần đóng góp công sức xây dựng của bản thân ông.

Hiện nay đã bước sang tuổi 65, thế nhưng nhà khoa học, nhà giáo ấy vẫn chưa ngừng nghỉ, ông vẫn miệt mài với những đề tài nghiên cứu, những bài giảng, giáo trình truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ. Nhìn lại chặng đường mà PGS.TS Hà Duyên Châu đã và đang làm, chắc hẳn chúng ta không ai là không khỏi khâm phục, ngưỡng mộ và trân trọng những cống hiến của ông cho khoa học, cho đào tạo và cho ngành nghiên cứu địa từ nước nhà. Và đối với quê hương Xuân Lai, Thọ Xuân, Thanh Hóa, luôn khắc ghi một người con ưu tú của quê hương, đã làm rạng danh và tô điểm thêm những truyền thống tốt đẹp trên quê hương yêu dấu, xứng đáng là một tấm gương về tinh thần hiếu học và cống hiến cho các thế hệ trẻ ngày nay noi theo. Tiếp nối truyền thống của gia đình và noi gương người cha yêu quí của mình, người con gái đầu của ông – cô Hà Diệu Anh, vừa tốt nghiệp Khoa Sinh Đại học quốc gia Hà Nội, đã nhận được học bổng VEF của chính phủ Mỹ sẽ lên đường sang Mỹ trong tháng 8/2014 để tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học mà cha cô đã và đang trải qua. Và cô con gái thứ hai, Hà Diệu Trang, nữ sinh lớp 12 chuyên Anh trường phổ thông trung học Amsterdam Hà Nội cũng đang phấn đấu tiếp bước con đường mà cha và chị cô đã chọn.

Nguồn: Tấm gương người làm khoa học. Tập 9. H- Văn hóa Thông tin, 2014.