Gặp PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ tại Học viện Tài chính, chúng tôi có dịp “kiểm chứng” lại thông tin được tiếp nhận. Anh khá giản dị và thân thiện, không giữ khoảng cách xã giao như thường thấy trong lần gặp đầu. Có lẽ do chúng tôi là “người quê” và như anh nói vui: “Các anh đã “thuộc bài” về tôi rồi còn gì”.
Sinh năm 1963 ở thôn Trung Sơn, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà, tuổi thơ của anh gắn liền với đồng ruộng và cả sự khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp ngày ấy. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp PTTH, anh thi đỗ vào Trường Đại học Tài chính- Kế toán Hà Nội (tiền thân của Học viện Tài chính ngày nay). Cả tỉnh Hà Bắc khoá ấy mới có 8 sinh viên nên ai nấy đều bảo nhau học hành nghiêm túc. Tốt nghiệp đại học, anh được giữ lại trường làm giảng viên môn Phân tích hoạt động kinh tế. Nghe thì…oách nhưng thực tình, những năm ấy giáo viên là nghề “ế ẩm” nhất vì lương quá thấp. Với tấm bằng đại học chính quy chuyên ngành kế toán, nếu làm việc ở các cơ quan tài chính, chắc chắn thu nhập sẽ ổn hơn nhưng anh vẫn chọn nghề sư phạm. Nhắc lại những khó khăn thuở ấy, anh cười bảo: “Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, khi mình mới đi dạy học, đọc mục “Từ điển tra chéo” của báo Tiền phong mà cười ra nước mắt. Họ định nghĩa: Giáo viên là người có nghề chính là dạy học, nghề phụ là bán bánh phở nhưng thu nhập chính từ bán bánh phở mà thu nhập phụ từ dạy học. Mình tuy không “hành nghề” bán bánh phở nhưng thực sự cũng rất khó khăn, vất vả”. Cuộc sống bộn bề lo toan nhưng mối lo cơm áo gạo tiền không làm anh vơi đi ý chí phấn đấu, vươn lên trong công việc. Năm 1995, sau 10 năm làm giảng viên, anh nhận bằng Thạc sĩ và 5 năm sau, năm 2000, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về đề tài “Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính trong doanh nghiệp cổ phần phi tài chính ở Việt Nam” tại Trường Đại học Tài chính- Kế toán Hà Nội. Ngoài ra, anh còn theo học văn bằng hai đại học chuyên ngành Tiếng Anh tại Viện Đại học Mở Hà Nội để phục vụ cho công việc. Năm 2006, anh vinh dự được phong học hàm PGS và từ năm 2007 đến nay, là Phó Giám đốc Học viện Tài chính.
PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ (hàng trên, bên trái) nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Trò chuyện với anh về nghề, mới thấy ngành tài chính – kế toán không hẳn đơn thuần là những con số, khô khan, cứng nhắc. Anh bảo chuyên ngành của anh là phân tích tài chính doanh nghiệp, đi sâu tìm hiểu, thực sự rất thú vị và có tác dụng tốt không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho cả các nhà đầu tư, nhà quản lý, thậm chí cả nhà báo. Đơn cử như trước đây một thời báo chí trung ương ca ngợi nước hoa Thanh Hương ăn nên làm ra, nhưng nếu nhà báo hiểu về phân tích tài chính, chỉ cần đọc báo cáo tài chính thì có thể biết ngay doanh nghiệp này đang làm ăn thua lỗ (sau này phá sản). Hay như gần đây báo chí thường viết “lãi giả, lỗ thật”, nhiều bài báo đã phân tích, phát hiện ra mối quan hệ giữa các con số, thấy được những điều hợp lý và không hợp lý giữa chúng. Nói như anh thì đó là những con số kế toán “có tâm hồn” và làm kế toán là một nghệ thuật và có nguyên tắc riêng của nó.
Là người say mê nghiên cứu khoa học, anh đã tham gia hàng chục đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở; công bố nhiều bài báo khoa học, bài nghiên cứu tại các hội thảo, các tạp chí chuyên ngành có uy tín ở cả trong và ngoài nước. Anh đồng thời là tác giả và đồng tác giả của gần 20 đầu sách thuộc các lĩnh vực: kế toán, kiểm toán, phân tích tài chính… Một số đề tài nghiên cứu khoa học anh tham gia được đánh giá cao và có tác động tích cực tới đời sống kinh tế- xã hội như: Hoàn thiện giải pháp tài chính nhằm phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam; Định hướng chiến lược và giải pháp phát triển kiểm toán độc lập ở Việt Nam v.v… Đối với công việc của một người thầy, dù bận rộn với vai trò quản lý nhưng anh vẫn dành thời gian lên lớp, hướng dẫn học viên làm luận văn cao học và nghiên cứu sinh, bởi với anh, đó vừa là nghề, vừa là niềm say mê, yêu thích. Từ kinh nghiệm giảng dạy, anh đã đúc kết, biên soạn lại thành những cuốn giáo trình, sách giáo khoa cô đọng, dễ hiểu, là cẩm nang cho không chỉ sinh viên Học viện mà cả những ai quan tâm tới lĩnh vực tài chính- kế toán. Sách của anh có đối tượng bạn đọc cụ thể, ví dụ như dành cho khối doanh nghiệp có các cuốn: Phân tích tài chính doanh nghiệp – Lý thuyết và thực hành; Kế toán và phân tích chi phí, giá thành trong doanh nghiệp; Phân tích tài chính vĩ mô… Dành cho đối tượng ngoài doanh nghiệp có các cuốn rất có giá trị như: Quản trị doanh nghiệp hiện đại dùng cho giám đốc, thành viên hội đồng quản trị; Đọc và phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp v.v… Với sự nỗ lực, cố gắng và những thành công trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, năm 2008, anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Hiện nay, ngoài cương vị Phó Giám đốc, anh còn làm Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Công đoàn Học viện Tài chính.
Làm công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, thời gian rảnh rỗi không có nhiều nhưng với quê hương, anh vẫn luôn hướng về và mong được đóng góp phần nào nhỏ bé cho quê nhà. Anh tâm sự: “Ở quê, mình còn cha mẹ già, anh chị em và các bạn cùng trang lứa. Có việc gì mọi người “alô”, mình vẫn cố gắng thu xếp về nhưng để làm việc gì đó thực sự có ý nghĩa, mình vẫn chưa làm được và cũng chưa biết phải bắt đầu như thế nào”. Chúng tôi tin đó là những trăn trở rất thật của anh cũng như của đội ngũ những nhà khoa học, trí thức thành danh là người con quê hương Bắc Giang đang công tác ở khắp mọi miền đất nước mà chúng tôi đã gặp. Mong rằng, với tấm lòng tha thiết, chân thành với quê hương của anh nói riêng và những nhà khoa học người Bắc Giang nói chung, sẽ có nhiều con đường, nhiều cánh cửa mở rộng đón các anh về cùng góp sức xây dựng quê hương.
THU HƯƠNG – VIỆT HƯNG