Sinh viên theo nguyên tắc tự quản. Vào năm thứ nhất, tuy nhà trường có chỉ định tới 2 thầy chủ nhiệm, nhưng chẳng bao giờ các thầy chủ nhiệm hỏi han đến việc của lớp, chỉ đến khi họp tổng kết cuối học kỳ, trò mới biết mặt thầy chủ nhiệm. Sang năm thứ 2, không còn chức danh chủ nhiệm lớp nữa. Khi lên lớp, chẳng bao giờ thầy đặt câu hỏi, cũng ít khi kiểm tra. Khi lên lớp giờ chính trị hoặc mời giáo sư thỉnh giảng, mấy trăm sinh viên chen chúc tại giảng đường, càng không có chuyện trao đổi qua lại giữa thầy trò.
Sang năm cuối thì khác hẳn, sinh viên phải làm luận văn, tập tễnh nghiên cứu khoa học, giảng viên hướng dẫn phải kèm cặp từng người. G/S, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng chính là thầy hướng dẫn, là vị ân sư của tôi, ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc đời tôi.
Thầy Dũng xuất thân từ thế gia giàu truyền thống học thuật. Thân phụ ông, G/S Nguyễn Lân là nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, cuốn “Từ điển từ và nghĩa tiếng Việt” do ông biên soạn cho tới nay vẫn là cuốn từ điển cùng loại đầy đủ nhất. Thầy tôi tốt nghiệp đại học năm 18 tuổi, kỷ lục này chắc khó có ai phá nổi. Đời người thường lắm điều trớ trêu, chỉ vì thầy có người anh cả, G/S, nhạc sĩ, nghệ sĩ công huân Liên Xô Nguyễn Lân Tuất lấy vợ Nga, định cư ở Novosibirsk, khiến lý lịch đáng tự hào của thầy tôi bị đánh dấu. Ngày nay, hôn nhân vượt biên giới như cơm bữa, người ta còn coi đó là niềm vinh hạnh; nhưng vào thời đó, lấy vợ và định cư ở nước ngoài, dù là “anh cả Liên Xô”, cũng chẳng khác gì “phản quốc”. Thầy tôi không được đi đào tạo ở nước ngoài, chỉ được đi thực tập tại Trung Quốc. Sau khi đất nước mở cửa, năm 1988, G/S Lân Tuất trở về và được đón tiếp như một anh tài, được mời gia nhập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được phong danh hiệu Vinh danh nước Việt. Tôi cũng có vinh dự được gặp GS Tuất tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Khi tôi ra trường, cánh cửa lưu học các nước XHCN rộng mở, nhưng chỉ dành cho những sinh viên thành phần cơ bản, bất kể học lực ra sao. Lúc đó, giữa sinh viên chúng tôi truyền miệng nhau chuyện tiếu lâm châm biếm: Một con bò, chỉ cần ra khỏi biên giới, khi quay về sẽ nghiễm nhiên đeo trên cổ chiếc biển “Phó tiến sĩ”! Giỏi giang như thầy tôi, mà cơ hội học tập duy nhất ở nước ngoài là thực tập sinh 9 tháng tại Viện Nghiên cứu Thổ nhưỡng Thẩn Dương Trung Quốc, thọ giáo GS Trương Hiến Vũ. Với vốn ngôn ngữ tự học mà thầy đã hoàn thành một Luận văn xuất sắc đầu đề “Nghiên cứu khu hệ vi sinh vật đất trồng lúa” và được báo cáo tại Hội nghị Thổ nhưỡng học được tổ chức tại tỉnh Liêu Ninh. Những danh hiệu cao quý mà thầy đạt được hoàn toàn do tự học trong nước mà có.
Có thể do được hưởng nguồn gene do thân phụ để lại, cả gia tộc Nguyễn Lân đều là những kẻ sĩ đỗ đạt cao. Ngoài GS.TSKH âm nhạc Lân Tuất nêu trên, còn có GS TS, chuyên gia đầu ngành tim mạch Lân Việt; PGS.TS chuyên khảo cổ học Lân Cường; chuyên gia nông học Lân Hùng; PGS.TS chuyên gia cấp dẫn điện Lân Tráng; PGS.TS.chuyên gia ngôn ngữ (kiêm bóng đá) Lân Trung; vợ thầy cũng là PGS.TS nguyên Viện phó Bệnh viện trung ương quân đội 108 Nguyễn Kim Nữ Hiếu; PGS.TS Lân Hiếu, con trai thầy là BS nổi tiếng về tim mạch học can thiệp; con gái Nữ Thảo đã nối nghiệp thầy, là TS (tốt nghiệp tại Mỹ), hiện là Trưởng phòng Công nghệ cao của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (ĐHQG Hà Nội); con rể Thế Hải (đào tạo sau TS tại Mỹ) hiện là Phó chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh vật học (Đại học KHTN Hà Nội)
Mặc dù thầy tôi đã có độ nổi danh khá cao, là đại biểu quốc hội 3 nhiệm kỳ liên tiếp, nhưng thầy tôi vẫn ngoài Đảng. Trong một lần tiếp xúc cử tri, thầy tôi bị chất vấn: “Trong lý lịch, tôi thấy ông đã 19 năm liền là chiến sĩ thi đua, ông hãy thành thật nói với cử tri, ông có tội gì to lắm mà không được kết nạp Đảng?” Thầy tôi nhanh nhẹ trả lời: “Cả nước ta có tới 86 triệu người ngoài Đảng, chẳng lẽ họ đều phạm tội cả à? Tôi muốn làm một công dân tốt trong một nước có Đảng cộng sản lãnh đạo”.
Tôi xuất thân từ một gia đình tư sản di cư, nhưng thầy không hề phân biệt đối xử, tận tình hướng dẫn, chỉ tiếc là tôi không đủ nghị lực như thầy để chống chọi nghịch cảnh, nên đã không theo được nghiệp thầy.
Căn nhà xưa của thầy ở số 22 phố Yết Kiêu, gần ga Hàng Cỏ Hà Nội đã thành địa chỉ quen thuộc đối với tôi khi có nghi vấn gì cần thầy giải đáp. Về sau tôi mới biết con phố nhỏ dài chừng 200 m này đã sản sinh ra các nhà văn hóa lớn: Ngoài GS Nguyễn Lân ra, còn có nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Hồ Dzếnh, nhà văn lớn Nguyễn Đình Thi. GS Nguyễn Lân, sau 10 năm ngày mất, năm nay sẽ được ghi thành tên của một đường phố dài 2km tại Hà Nội.
Không chỉ trên bục giảng, trong một lần đi thực tập tại ngoại thành Hà Nội, nhằm đưa các chế phẩm sinh học về phục vụ chăn nuôi, thầy đã lăn lộn cùng ăn cùng ở với sinh viên chúng tôi. Qua những lần xâm nhập thực tế như vậy, tôn hiểu thêm thầy không chỉ là một nhà khoa học nghiêm túc, còn có thế giới nội tâm hết sức phong phú, về sau trở thành “Người của công chúng” như nhiều người ca ngợi.
Phương Tây có câu danh ngôn: “Người thông minh chưa hẳn đã hài hước (humous), nhưng người biết hài hước nhất định là thông minh”. Thầy chính là con người như vậy. Một lần có khách đến thăm, mọi người hỏi thầy thấy ông ta ra sao, thầy chỉ trả lời đơn giản: “Trông mặt ông ta giống như cái nhân pyrol”. “Nhân pyrol” là một thuật ngữ hóa học, có hình ngũ giác. Mọi người không những được trận cười, đồng thời hiểu ngay cuộc phỏng vấn không mấy vui vẻ. Thầy trở thành một chuyên gia phổ biến khoa học ít ai địch nổi không chỉ vì sự hiểu biết rộng mà còn vì nụ cười rất tươi và tính hài hước trong khi trả lời.
Thầy rất yêu thơ ca, nhớ có lần vào dịp Tết, tổ Vi sinh ra báo tường, thầy đã làm bài vè rất ấn tượng, đến nay tôi còn loáng thoáng nhớ mấy câu: “Năm mới năm me, lấy que cấy thử…” Trong Blog tiếng Việt mà thầy là một blogger có nhiều người đọc ngang với blog Trần Đăng Khoa thầy còn ghi cảm nhận bằng thơ. Thầy rất thích tập thơ “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt, tôi còn nhớ mấy câu cuối bài thơ:
….
Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?
Tôi biết đôi chút tiếng Trung, có ưu thế trong việc tham khảo tài liệu; mỗi năm tôi bao giờ cũng “thoát” những buổi lao động nặng nhọc và những buổi tập quân sự bò lê bò càng nhờ nhà trường triệu tập dịch tài liệu Trung văn. Khi phải chấp bút viết khóa luận, “ưu điểm” của tôi đã trở thành điểm yếu trí mạng. Do vốn tiếng Việt nghèo nàn, tôi đã lập kỷ lục Guiness Việt Nam viết khóa luận bằng tiếng Hoa. Chính thầy đã giúp tôi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Tôi đã tốt nghiệp loại giỏi cũng nhờ sự hỗ trợ của thầy.
Hơn nửa TK đã trôi qua, bôn ba lận đận, tuy biết “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt”, nhưng tôi vẫn không dám làm sai giáo huấn của thầy, tuy không thành đạt, nhưng không dám làm điều gì trái với lương tâm.
Sống ở tỉnh lẻ, nhưng tôi vẫn theo dõi từng bước thăng hoa của thầy trên con đường nghiên cứu khoa học. Năm 1972, mặt trận Đường 9 – Nam Lào vào hồi nóng bỏng, do thiếu thuốc kháng sinh, nhiều chiến sĩ không chết dưới làn đạn quân thù, lại chết oan uổng do nhiễm trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa). Thầy đã ra tận mặt trận, tổ chức sản xuất chất kháng sinh tại chỗ bằng phương pháp thủ công, đã cứu chữa được cho biết bao chiến sĩ. Nhờ chiến công đó, cùng với các công trình nghiên cứu khác về sau thầy đã vinh dự đón nhận Huân chương Kháng chiến hạng 2 và Huân chương Lao động hạng 3.
Thầy tuy đã nghỉ hưu, nhưng “nghỉ mà không hưu”, vẫn hướng dẫn luận văn tiến sĩ, làm Cố vấn cho Liên đoàn CNSH châu Á (AFOB) và cố vấn cho Viện nghiên cứu mà thầy đã dày công góp phần xây dựng. Thầy còn đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như Phó Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học – Giáo dục của UBTW MTTQVN, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam và thường xuyên tham gia phổ biến khoa học trên Đài, trên các báo và trên các bộ sách Hỏi gì đáp nấy, Có thể bạn chưa biết…. Thầy đã có gần 200 công trình, gồm các bài báo khoa học, các sách nghiên cứu và phổ biến khoa học.
Thầy đã dùng “con thuyền trí thức” đưa tôi qua bến đò của cuộc đời, tưởng duyên thầy trò đã hết, nhưng ai nói trước được chữ “ngờ”.
Tết Trung thu năm 2007, tôi có dịp ra Hà Nội, bỗng dưng nghĩ đến phải đến thăm thầy, liền mua hộp bánh trung thu đến biếu thầy. Buổi gặp gỡ tuy ngắn ngủi, nhưng đã khơi dậy những hồi ức tưởng đã tan biến như mây như khói. Về TP.HCM, tôi đã dùng thầy làm nguyên mẫu, viết bài “Người thầy của tôi”, gửi đi dự thi và được giải Nhất ở báo Người lao động. Sự việc trên đã khiến tôi thoát ra khỏi chiếc vòng “kim cô” mặc cảm về trình độ tiếng Việt hạn chế của mình. Từ đó đến nay, tôi đã viết tổng cộng tới cả ngàn bài đăng tải trên các báo lớn của Thành phố. Tuy chẳng nên cơm cháo gì, nhưng đã mang lại niềm vui cho tôi khi đã bước qua tuổi “cổ lai hi”, tiền nhuận bút có thể tự trang trải tiêu vặt, khỏi phải ngửa tay xin vợ.
Thầy đã hướng dẫn tôi sưu tầm tài liệu cùng viết với thầy phần “Sinh thái học vi sinh vật”, in trong bộ giáo trình “Vi sinh vật học” dầy hai tập, dùng chung cho sinh viên nhiều trường Đại học và Cao đẳng.
Hai thầy trò cũng đã ra chung cuốn sách “Ký sự đường xa” ( in năm 2013), ai được tặng đều khen hay và đã được nhà văn Ma Văn Kháng viết lời giới thiệu.
Hàng tuần chiều thứ Sáu, nghe thầy giải đáp trên VTV I, vẫn phong độ và uyên bác như năm xưa. Tôi thường xuyên mở trang Blog tiếng Việt của thầy (blogtiengviet. net/nguyenlandung), và cảm thấy như mình đang được ngồi đối diện trao đổi với thầy vậy.
Thầy hay nhắc tới câu châm ngôn được người khác tâm đắc: “Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc”.
Nhân dịp năm nay thầy đại thọ ở tuổi 75, tôi đã làm bài thơ chúc thọ thầy:
Ngọc Hoàng ban chỉ lão tiên ông:
Thần nữ sánh duyên chí hướng cùng.
Ngưỡng mộ thế gian đôi hiệp lữ,
Nối giòng Hiếu, Thảo nếp gia phong.
Lữ Khách