Người đam mê kiến trúc cổ dân tộc

Tốt nghiệp chuyên ngành Khảo cổ học vào năm 1968 tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1969 ông Trịnh Cao Tưởng về làm việc tại phòng Khảo cổ học lịch sử Việt Nam – Viện Khảo cổ học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Từ đó, ông tham gia thực hiện trực tiếp hàng trăm cuộc khai quật khảo cổ ở trong và ngoài nước. Mỗi cuộc khai quật được thực hiện tại một địa phương khác nhau và đó cũng là dịp để ông tận mắt thấy những công trình kiến trúc đặc sắc của mỗi vùng, từ đình, chùa, đền, miếu đến các tháp Phật giáo, các lăng mộ của vua chúa, quan lại…, cũng như được quan sát những ngôi nhà ở của cư dân địa phương. Rồi dần dần qua thời gian, ông tích lũy được những hiểu biết phong phú về kiến trúc cổ truyền và tìm ra những nét độc đáo của kiến trúc dân tộc cũng như những nét giao thoa văn hóa giữa kiến trúc Việt với kiến trúc của các nước láng giềng, đặc biệt là với kiến trúc Trung Hoa.

Với niềm đam mê nghề nghiệp của tuổi trẻ, chỉ trong vòng 10 năm sau khi ra trường, ông đã tham gia 6 cuốn sách đồng tác giả và xuất bản riêng một cuốn nữa. Trong số 7 cuốn sách đó, có hai cuốn chuyên về kiến trúc, đó là cuốn Hà Bắc ngàn năm văn hiến (Ty văn hóa Hà Bắc xuất bản, tập I năm 1973; tập II năm 1975 viết chung với PGS Chu Quang Chứ[1]) và cuốn Chùa Keo (Ty văn hóa Thái Bình xuất bản năm 1974, viết chung với PGS Đỗ Văn Ninh[2]). Cuốn Non nước Đồ Sơn của tác giả Trịnh Cao Tưởng ra mắt độc giả năm 1978, do Sở Văn hóa Hải Phòng đặt hàng nhằm quảng bá cho du lịch Đồ Sơn thời kỳ đó, cho đến nay vẫn được xem là cuốn sách viết về Đồ Sơn hay nhất, trong đó có một chương viết về kiến trúc tháp cổ Tường Long.

Trong sự nghiệp nghiên cứu về kiến trúc cổ, PGS.TS Trịnh Cao Tưởng chuyên tâm nhất đến đề tài đình làng người Việt. Thời kỳ nước nhà chưa thống nhất, ông chủ yếu nghiên cứu các ngôi đình vùng đồng bằng Bắc bộ. Đặc biệt ông quan tâm nhiều hơn đến đình ở Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh), vì ông cho rằng đó là vùng đất học nổi tiếng, đã sản sinh ra “một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn” – như dân gian từ xưa đã nói thế. Ông đi khảo sát hầu hết các ngôi đình nổi tiếng ở miền Bắc có niên đại thế kỷ XVI, XVII và XVIII, mà theo ông thì đó là thời kỳ đình được xây dựng rầm rộ nhất ở hàng loạt làng đồng bằng Bắc bộ, như: Đình Bảng, Phù Lưu, Hồi Quan, Diềm, Niềm, Như Nguyệt… (Bắc Ninh); Phù Lão, Thổ Hà, Thắng Núi, Cao Thượng, Yên Việt… (Bắc Giang); Nhân Thọ (Hải Phòng)… Cùng với việc nghiên cứu các ngôi đình kể trên, ông đã viết những bài giới thiệu về đặc điểm kiến trúc đình miền Bắc nói chung và từng ngôi đình nói riêng.

PGS.TS Trịnh Cao Tưởng bên bàn làm việc, 1995

Sau năm 1975, có dịp vào Nam khai quật và thám sát khảo cổ học, ông tiếp tục chú ý đến những ngôi đình ở vùng đồng bằng Nam bộ, đặc biệt là vùng Tây Nam bộ, nhưng chưa có điều kiện đi nghiên cứu. Ông cho rằng, phải chú ý xây dựng đình làng ở vùng đất miền Tây gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền dân tộc. Còn ở miền Trung, ông nghiên cứu đình quê xứ Nghệ, đã khảo sát điền dã được đình Hoành Sơn, Trung Cần – Nam Đàn, đình làng Hội Thống, nơi có thương cảng được coi là cổ nhất ở Việt Nam.

Trong sổ tay điền dã, ông ghi chép tới gần 50 ngôi đình trên cả nước, tại Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An…[3].

Ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, một vấn đề lớn được ông quan tâm là đi tìm hình tượng biểu đạt của kiến trúc đình làng, mà theo ông, điều này có ý nghĩa cốt lõi trong việc tìm hiểu tính dân tộc trong kiến trúc Việt Nam. Bởi lẽ, hơn ai hết, ông hiểu sâu sắc rằng: Mỗi làng quê người Việt đều có một ngôi đình, đó không chỉ là công trình kiến trúc oai nghiêm, đồ sộ, mà còn là trung tâm văn hóa, chính trị của làng; càng tìm hiểu ông càng thấy được trong “văn hóa đình làng” có những dấu ấn mang đậm nét văn hóa dân tộc ở mỗi vùng miền. Một hướng tiếp cận có sức hấp dẫn đối với ông, mà đó vốn là dự cảm của học giả Pháp Victor Goloubev: Những hình nhà trên trống đồng Đông Sơn mà hậu duệ của nó có thể thấy qua các ngôi đình quê, cũng như nhà của người S’ema Nag, trông như những con thuyền to nhỏ khác nhau. Ông đã chứng minh dự cảm của Goloubev có thể đúng trên những bình diện khác nhau của kiến trúc đình làng. Ông lấy đình Hồi Quan ở Bắc Ninh làm một ví dụ. Dân làng Hồi Quan cho rằng đất làng họ như một con thuyền, ngôi đình làng là cái “lầu thuyền” ở ngay giữa làng, dù đây là nơi bị ngập nước vào mùa mưa hàng năm. Các cánh đồng trong làng cũng được đặt tên theo cách đó: đồng “mũi thuyền”, đồng “cột buồm”, đồng “bánh lái”. Người ta còn dùng những từ chỉ các bộ phận khác nhau của con thuyền để sử dụng khi nói về mái đình như: “tàu mái”, “lá tàu”, “then tàu”, “tàu đao lá mái”…, ở bộ khung của kiến trúc đình thì có “vì lòng thuyền”[4]

Để nghiên cứu sâu về đình, vào đầu những năm 1980, ông chọn đình Phù Lão ở Bắc Giang làm đề tài luận án tiến sĩ của mình. Theo ông, chọn đình làng Phù Lão vì đó là một làng nghèo, xa các trung tâm thương mại, nên không bị sửa sang như nhiều ngôi đình ở các vùng dân cư phát triển nghề buôn bán. Mặt khác, đình làng Phù Lão còn giữ được khá nguyên vẹn các thành phần kiến trúc của thời khởi dựng ở thế kỷ XVII, điêu khắc trang trí của ngôi đình này có nội dung phản ánh sống động cuộc sống ở làng quê Việt Nam thế kỷ XVII. Ngoài ra, bản vẽ ngôi đình này lưu tại Trung tâm thiết kế và tu bổ các công trình văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin) là bản vẽ hoàn chỉnh nhất trong số các bản vẽ những ngôi đình cùng thời. Mặc dù luận án "Đình làng Phù Lão – Hà Bắc trong nền cảnh đình làng Bắc bộ" được viết xong từ những năm 80, nhưng do bận rộn và một số lý do khác nên đến năm 1994 ông mới đưa ra bảo vệ tại Viện Khảo cổ học.

Nội dung luận án đề cập những vấn đề chung nhất về ngôi đình: đất dựng đình, mặt bằng tổng thể kiến trúc, kết cấu bộ mái tòa đại đình, kết cấu bộ khung của đại đình, điêu khắc trang trí, hình tượng kiến trúc, niên đại đình, giới thiệu đình Phù Lão trong nền cảnh đình làng Bắc bộ. Trịnh Cao Tưởng nhận thấy giữa Phù Lão với nhiều cư dân Đông Nam Á có một đặc điểm chung về đất dựng đình: Đó là tập quán đặt ngôi nhà của mình ở gần nơi nguồn nước và mang theo biểu tượng của yếu tố nước – vùng thấp, như: con rùa, con trâu, con thuyền… Đình Phù Lão được dựng trên khu đất được coi là lưng một con rùa, bên cạnh dòng sông cổ và nhìn ra nơi được coi là rùa vươn cổ uống nước. Cùng với nhận định như vậy, ông đã chỉ ra một thực tế: nhiều ngôi đình ở miền Bắc nước ta thường được dân làng xây dựng không phải ở nơi cao ráo nhất làng, mà là nơi gần ao hồ, sông nước, có nơi thậm chí trũng nhất làng và vì thế dân làng phải tốn nhiều công tôn cao nền đất. Đặc biệt, quan niệm hình tượng kiến trúc đình làng là hình tượng con thuyền đã trở thành điểm quan trọng nhất của ông nêu ra và nhất quán từ những năm 1980 đến sau này.

Ảnh PGS.TS Trịnh Cao Tưởng (vị trí thứ 2 từ trái sang) trong lễ bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ khoa học Lịch sử về đề tài "Đình làng Phù Lão – Hà Bắc trong nền cảnh đình làng Bắc Bộ", 1994

Cũng trong luận án này, ông mô tả chi tiết về bộ khung, bộ mái tòa đại đình. Theo ông, bộ mái đại đình Phù Lão làm theo kiểu tàu đao lá mái, đấu đơn đội cột, lợp ngói mũi hài, khác với mái nhà Trung Quốc: tàu hộp, chồng đấu, tiếp rui và lợp ngói âm dương. Đó cũng là một đặc trưng của kiến trúc cổ Việt Nam mà tuyệt đại đa số các ngôi đình Việt ra đời từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII đều làm theo kiểu này. Còn về bộ khung, ông Trịnh Cao Tưởng cho rằng khung đình Phù Lão được tạo bởi 6 vì kèo, chia lòng đình thành 5 gian, và các vì kèo đều có 6 hàng chân cột, đình có hai chái, giống như hầu hết các ngôi đình cùng thời. Đình Phù Lão có tổng số 48 cột to bằng gỗ lim, tạo ra 3 hàng: cột cái, cột quân và cột hiên. Hệ thống cột trong từng vì được liên kết với nhau theo kiểu trên rường dưới kẻ, liên kết chồng rường[5]. Khi mô tả khung đình Phù Lão, ông dùng nhiều từ ngữ trong kiến trúc dân gian như: con rường, kẻ, dầm dọc, xà thượng, xà trung, xà hạ, dầm ngang… Tất cả bộ khung đại đình được liên kết bằng các loại mộng khác nhau. Người thợ mộc làm mộng khéo đến mức ngôi đình được dựng từ lâu đời như vậy mà nhiều mộng chưa bị hở hay nứt. Với cách thức liên kết bằng mộng, khi cần thay thế bộ phận nào đó, hoặc muốn nâng cao đình hay di dời đình đều có thể xử lý một cách tiện lợi.

Người thợ mộc đã khắc ghi toàn bộ các yếu tố kiến trúc chủ yếu của bộ khung đình (như cột, xà, kẻ, khoảng cách giữa các cột) bằng những dấu mã hóa trên một thanh tre gọi là cây thước tầm. Mỗi khi cần thay thế bộ phận nào đó, chỉ cần xem thước tầm, đo kích cỡ để làm bộ phận thay thế cho đúng nguyên mẫu. Có lẽ đây là lần đầu tiên PGS.TS Trịnh Cao Tưởng đề cập đến cây thước tầm. Về sau, ông viết sâu hơn về đề tài này trong bài Về những dấu mã hóa trên cây thước tầm trong nền kiến trúc cổ Việt Nam[6]. Trong bài viết này, ông đưa ra những vấn đề như: những yêu cầu tối thiểu để có thể đọc được “mã”, nguyên tắc ghi mã của người thợ, những mã thường được sử dụng và các phường thợ hoàn toàn hiểu được nhau, sự khác nhau giữa các phường… Đây cũng là vấn đề khoa học lý thú mà ông đã hướng dẫn cho sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tham gia nghiên cứu khoa học và giành giải nhất năm 1999.

Việc tiếp cận nghiên cứu đình xứ Nghệ của ông có muộn hơn so với nghiên cứu các ngôi đình phía Bắc. Năm 1998, ông mới có dịp tìm hiểu trong một đợt đi điền dã miền quê xứ Nghệ. Từ kết quả điều tra, ông có một bài viết về đình quê xứ Nghệ[7]. Theo ông, mặc dù có vài ngôi đình được khởi dựng từ thế kỷ XVII nhưng phải đến thế kỷ XIX mới là thời kỳ bùng nổ kiến trúc đình làng ở địa phương này, muộn hơn vùng đồng bằng Bắc bộ khoảng một thế kỷ. Ông cũng chỉ ra những điểm giống và khác nhau về mặt bằng tổng thể, bộ mái, bộ khung giữa đình xứ Nghệ và đình phía Bắc. Đặc biệt, ông nêu một trường hợp biệt lệ, đó là đình Hội Thống: lợp mái theo kiểu tàu hộp hay giả tàu, kiểu mái có nguồn gốc nam Trung Quốc. Theo ông, có thể do ngôi đình này vốn nằm cạnh thương cảng cổ Hội Thống (Hà Tĩnh) nổi tiếng, có nhiều thương nhân người Hoa đến buôn bán và họ đã mang kiểu mái phương bắc đến cho ngôi đình này ở xứ Nghệ. Đây chính là sự giao thoa văn hóa, dẫn đến xuất hiện yếu tố kiến trúc ngoại lai. Vấn đề này cũng được ông đề cập trong bài viết Có phong cách Nhật Bản trong trong kiến trúc cổ Hội An hay không?[8].

Cùng với việc nghiên cứu kiến trúc đình làng, ông Trịnh Cao Tưởng cũng dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu vấn đề thờ Thành hoàng và nghệ thuật điêu khắc trang trí đình làng. Đây cũng là những vấn đề khoa học lý thú với những nhận định mới mẻ của ông mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong một dịp khác.

Từ việc nghiên cứu đình làng, ông đã có một bài tổng kết về 100 năm nghiên cứu đình trong cuộc hội thảo kỷ niệm 100 năm ngành Khảo cổ học Việt Nam. Trong bài viết này, ông liệt kê những học giả danh tiếng nước ngoài và trong nước ngay từ thế kỷ trước đã chú ý đến ngôi đình Việt như P. Giran, L. Bozaxie, Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Văn Huyên, sau đó ông đề cập những vấn đề chính xung quanh ngôi đình như: nguồn gốc,vị trí dựng đình, Thành hoàng, kiến trúc đình làng, mặt bằng tổng thể, cấu trúc đại đình, bộ mái, bộ khung, điêu khắc trang trí, ngôn ngữ biểu tượng. Ông cũng đưa ra nhận định khắt khe rằng: nhiều câu hỏi khoa học về đình làng đã được nêu lên nhưng chưa được giải đáp thỏa đáng, về nguồn gốc, lịch sử phát triển, sự “đột nhập” của Thành hoàng vào đình làng, đặc trưng kỹ thuật, hình tượng kiến trúc… Theo ông, “công trình tập thể tìm hiểu đình làng, sau non một thế kỷ tuy vẫn chưa kết thúc hoàn toàn bước đi ban đầu, song đã có những thành tựu đáng kể được ghi nhận trong bước đi này”[9]. Ông đã “bàn giao” cho thế kỷ sau tiếp tục công việc nghiên cứu đình làng của thế hệ đi trước với những công việc như: phải thống kê đầy đủ số ngôi đình trên cả nước, phải tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc ngôi đình, về Thành hoàng, hệ thống hóa các cấu trúc và khám phá những phép tính toán trong kiến trúc đình làng trên phạm vi cả nước, giải mã thông tin về điêu khắc trang trí đình làng. Đó là những vấn đề quanh ngôi đình mà thế hệ trước chưa hoàn thành, tác giả muốn gửi lại để thế hệ sau tiếp bước trên hành trình của chúng ta về đình làng[10].

Về lĩnh vực kiến trúc cổ, ngoài vấn đề đình làng, ông Trịnh Cao Tưởng còn nghiên cứu những vấn đề khác, như: Về cái củng trong nền kiến trúc cổ Việt Nam; Kiến trúc cổ Việt Nam – cái nhìn từ Khảo cổ học; Tìm hiểu tháp Phật giáo Việt Nam; Vấn đề bẩy và kẻ trong kiến trúc cổ Việt Nam; Kiến trúc nhà thờ Thiên chúa giáo – loại hình kiến trúc cổ cần được nghiên cứu… Ông cũng quan tâm đến những vấn đề mà kiến trúc cổ đã giải quyết được để công trình có thể tồn tại sau những cơn thịnh nộ của thiên nhiên như động đất, bão lốc. Ý tưởng này được ông cùng với nhóm sinh viên trường Đại học Kiến trúc thể hiện và đã giành giải ba trong cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2000. Ông cũng quan tâm tới vấn đề bảo vệ các kiến trúc cổ trong thời kỳ bùng nổ xây dựng đô thị thời nay.

PGS.TS Trịnh Cao Tưởng không chỉ là người say mê nghiên cứu kiến trúc cổ dân tộc, ông còn là người ngưỡng mộ những tài năng Việt kiệt xuất về kiến trúc trong lịch sử. Đó là những người thợ tài ba của các làng quê đã xây dựng nên những ngôi đình Việt trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là cụ Nguyễn An[11]. PGS.TS Trịnh Cao Tưởng ca ngợi cụ như sau: “Nguyễn An đã đi vào lịch sử với hành trang của một kiến trúc sư thiên tài, một công trình sư, một nhà thơ, một nhân cách mẫu mực, nên dù ông không thể đem tài năng kiệt xuất của mình phục vụ cho đất mẹ sinh thành ra ông nhưng ông vẫn là niềm tự hào của chúng ta. Bởi, ông đã làm tỏa rạng trí tuệ Việt Nam, nhân cách Việt Nam nơi đất khách quê người. Ông xứng đáng là một biểu tượng sáng giá nhất của các kiến trúc sư Việt Nam thời cổ đại”[12].

Các tác giả bài viết này đã hết sức cố gắng để hiểu và viết về những đóng góp của PGS.TS Trịnh Cao Tưởng trong lĩnh vực nghiên cứu kiến trúc cổ dân tộc. Nhưng do những hạn hẹp về kiến thức trong lĩnh vực đó, nên chúng tôi hy vọng những ai quan tâm đến vấn đề này, xin hãy tìm hiểu thêm trong những bài viết của ông được tập hợp khá đầy đủ vào cuốn Một chặng đường tìm về quá khứ mà bài viết này đã có trích dẫn.

PGS.TS Nguyễn Thị Thi

Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

 Nguyễn Thúy Tiềm

[1]. Trong số 4 người cùng thời nghiên cứu về kiến trúc cổ dân tộc: PGS Chu Quang Chứ, PGS.TS Trịnh Cao Tưởng, PGS Nguyễn Du Chi và PGS.TS Trần Lâm Biền, hiện nay chỉ còn lại PGS Trần Lâm Biền.

[2]. PGS Đỗ Văn Ninh đã mất năm 2013.

[3]. Trịnh Cao Tưởng, Một chặng đường tìm về quá khứ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr. 292-293.

[4]. Trịnh Cao Tưởng, “Hình tượng con thuyền trong kiến trúc đình làng”, Sưu tập Dân tộc học , Viện Dân tộc học, Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, 1981.

[5]. Trịnh Cao Tưởng, Một chặng đường tìm về quá khứ, sách đã dẫn.

[6]. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 1-2000.

[7]. Trịnh Cao Tưởng, Một chặng đường tìm về quá khứ, sách đã dẫn, tr. 433-436.

[8]. Trịnh Cao Tưởng, Một chặng đường tìm về quá khứ, sách đã dẫn, tr. 559.

[9]. Trịnh Cao Tưởng, Một chặng đường tìm về quá khứ, sách đã dẫn, tr. 468.

[10]. Trịnh Cao Tưởng, Một chặng đường tìm về quá khứ, sách đã dẫn, tr. 474.

[11]. Nguyễn An sống vào đầu thế kỷ XV, bị giặc Minh bắt về Trung Quốc, trở thành Thái giám trong triều đình nhà Minh. Ông được đào tạo về kiến trúc ở Trung Quốc và trở thành tổng công trình sư tạo dựng cung điện, lâu thành Bắc Kinh ở thế kỷ XV.

[12]. Trịnh Cao Tưởng, “Nguyễn An, một kiến trúc sư – một nhà thơ – một nhân cách mẫu mực”, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 1-1997.