Người đặt nền móng cho khoa học tài chính, ngân hàng Việt Nam

Tôi có may mắn được nhiều lần trò chuyện với bà Phan Việt Liên, phu nhân của cố GS.TS Trần Linh Sơn ở căn nhà cũ, số 50B phố Châu Long, Hà Nội. Lần nào cũng vậy, nhắc đến người bạn đời, bà luôn xúc động không cầm được nước mắt, trái hẳn với phong thái mang đậm chất của một người làm báo lâu năm như bà. Qua những chia sẻ của bà Việt Liên và những tài liệu lưu giữ được về GS Trần Linh Sơn, chúng ta có thể phác họa nên chân dung của một nhà khoa học đã dành cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho khoa học ngân hàng ở Việt Nam.

Thời trẻ sôi động

Giáo sư Trần Linh Sơn tên thật là Trần Văn Sinh, sinh ngày 1-9-1923 tại Savanakhet, Lào. Bố mẹ ông vốn là Việt kiều, làm nghề buôn bán, sinh sống tại Lào và Thái Lan. Giống như nhiều nhà tư sản dân tộc yêu nước của Việt Nam lúc bấy giờ, bố mẹ ông từng quyên góp nhiều tài sản cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến chống Pháp và có hai người con trai là liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Sau khi học xong tiểu học ở Lào, Trần Linh Sơn được gửi về Việt Nam để học trung học ở trường Quốc học Huế, sau đó chuyển sang học trường Dòng Pellerin, Huế. Ở trường dòng, với chương trình 3 năm chuyên khoa Trần Linh Sơn chỉ hoàn thành trong 1 năm.

Sau khi lấy bằng tú tài ở Huế, Trần Linh Sơn ra Hà Nội và theo học tại khoa Luật của trường Đại học Đông Dương (1942-1945). Đây là khóa học cuối cùng thời thuộc Pháp. Thời gian này, Trần Linh Sơn tích cực tham gia các hoạt động yêu nước của phong trào thanh niên Việt Nam tại Hà Nội. Trong những ngày Cách mạng tháng Tám 1945, Trần Linh Sơn trở về Lào và tham gia các hoạt động yêu nước ở đó. Sự kiện đặc biệt với ông trong thời gian này là ông đã bị phát xít Nhật bắt giam cùng với một số thanh niên Việt kiều yêu nước ở Savanakhet (từ ngày 1 đến ngày 8-8-1945).

Ông tiếp tục tham gia các hoạt động cách mạng ở Lào và là Ủy viên Ban chấp ủy Hội Việt kiều Cứu quốc, Ủy viên Ủy ban Lào độc lập tỉnh Savanakhet (19-8-1945 đến 23-10-1945). Ngoài ra, ông còn là Chính trị viên Liên quân Lào – Việt ở Mặt trận đường số 9 (từ 11-1945 đến 6-3-1946). Sau đó ông chuyển sang công tác trong Tổng bộ Việt Minh ở Thanh Hóa (10-1946 đến 1-1947). Với sự nỗ lực và hoạt động không hề biết mỏi mệt, tháng 6-1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Công tác tại địa bàn Thanh Hóa đến đầu năm 1949, Trần Linh Sơn còn đảm nhận nhiều trọng trách, như Đặc phái viên Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa để tổ chức công cuộc kháng chiến ở miền thượng du Thanh Hóa, là Chính trị viên Ban lãnh đạo Dân quân thượng du Thanh Hóa, rồi Ủy viên quân sự Ủy ban Kháng chiến Hành chính ở miền thượng du Thanh Hóa. Tháng 4-1949 ông về công tác ở Văn phòng của Tổng Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách về kinh tế, tài chính. Sau đó, ông được phân công công tác ở Ngân hàng quốc gia Trung ương từ tháng 4 – 1951, và giữ chức Phó phòng nghiệp vụ, trước khi được cử đi Liên Xô để học tập.

Trong 9 kháng chiến chống Pháp, nền kinh tế, tài chính non trẻ của Việt Nam không những duy trì mà còn phát triển, có những đóng góp phần lớn để quan trọng đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Việc cử một số cán bộ, thanh niên sang Liên Xô để đào tạo về một số ngành khoa học, trong đó có tài chính, ngân hàng là sự nhìn xa trông rộng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc xây dựng đất nước khi chiến tranh kết thúc. Việc ông Trần Linh Sơn được giao giữ những trọng trách liên quan đến kinh tế, tài chính và được cử sang Liên Xô học tập là một nhiệm vụ nặng nề nhưng là niềm vinh dự lớn đối với ông. Có thể nói, từ thời điểm năm 1951, một trọng trách trong công cuộc xây dựng, định hình nền khoa học ngân hàng, tài chính ở Việt Nam trong tương lai dường như đã đã đặt lên vai Trần Linh Sơn.

Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học tài chính, ngân hàng

Năm năm học tại Học viện Tài chính Moskva, Liên Xô (1951-1956), là những năm tháng Trần Linh Sơn tập trung trau dồi, thu nạp kiến thức về chuyên môn tài chính, ngân hàng. Khi về nước, Trần Linh Sơn vừa đảm trách vai trò là Giám đốc Cục tín dụng Công thương nghiệp, Ngân hàng Trung ương và Ủy viên đảng đoàn Ngân hàng Trung ương (1958 – 1961), vừa tham gia giảng dạy ở trường Nghiệp vụ Ngân hàng Hải Phòng.

Giáo sư Trần Linh Sơn (thứ 3 từ trái, hàng ngồi) cùng cán bộ ngành Ngân hàng trong chuyến thăm và làm việc ở Pleiku, tháng 3-1981

Theo nhiều học trò[1] thì thầy Trần Linh Sơn là người đầu tiên đưa lý luận tín dụng ngắn hạn từ Liên Xô vào Việt Nam. Khi mới về nước, ông vừa làm việc ở cơ quan Ngân hàng Trung ương, vừa dành thời gian đi giảng bài ở trường Nghiệp vụ Ngân hàng Hải Phòng. Lúc này vì chưa có sách giáo khoa tiếng Việt, cũng chưa có bài giảng sẵn, lên bục giảng trước mặt ông là cuốn giáo trình dày cộp của Liên Xô và những cặp tài liệu đều bằng tiếng Nga, ông vừa dịch vừa giảng. Nhớ về những tháng ngày được học tập ở lớp học này, ông Văn Lệ – nguyên Chủ nhiệm Khoa Tại chức, Trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng Hà Nội, một học trò đã từng học thầy Linh Sơn chia sẻ: “Cả lớp chăm chú lắng nghe, không xì xào, không một tiếng động… một số học viên vì nghe không kịp, cộng với số câu thầy vừa dịch nhẩm vừa nói có phần chưa xuôi, nên đã không ghi nổi, đành bỏ trống để sau buổi lên lớp mượn vở bạn ghi lại. Mỗi buổi giảng của thầy, nhà trường bố trí một vài giáo viên ngồi nghe và ghi chép để sau đó tập hợp lại, tu chỉnh dần dần làm thành bài giảng”[2].

Học trò Thanh Duy, người từng theo học những giờ lên lớp đầu tiên của thầy giáo Trần Linh Sơn vào cuối những năm 1950, thì cho rằng khi ấy thầy Sơn giảng chưa hay, chưa hấp dẫn vì mới bước chân vào nghề. Hơn thế nữa, những kiến thức về tiền tệ, ngân hàng vừa khó, lại rất mới mẻ với học viên. Nhưng quả thực, ở thời điểm đó thầy giáo Trần Linh Sơn như người đi khai hoang, cuốc những nhát đầu tiên để khai phá một mảnh đất hoàn toàn mới về tài chính và ngân hàng. Hình ảnh những giọt mồ hôi lăn trên má, đôi mắt nhiệt huyết của thầy Sơn sau cặp kính cận khiến những thế hệ học trò ngày ấy mãi không bao giờ quên[3].

Sau một số năm miệt mài với công tác của ngành ngân hàng và nhiều đêm thức trắng để soạn bài giảng, dịch tài liệu lên lớp cho cán bộ ngành ngân hàng thì đến năm 1962, Trần Linh Sơn quay trở lại Học viện Tài chính Moskva, Liên Xô để làm nghiên cứu sinh. Luận án Sự trưởng thành và phát triển của hệ thống tiền tệ và tín dụng của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-1960) được đúc rút từ lý thuyết của hệ thống tiền tệ, tín dụng trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam suốt một thời kỳ dài từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, mà ông là một thực thể đã tham gia và gắn bó trong nhiều năm. Trở về nước với học vị Phó tiến sĩ, ông được cử làm Vụ trưởng Vụ kinh tế và kế hoạch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1962-1977). Thời gian này ông viết nhiều bài nghiên cứu về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, trực tiếp đi sâu vào thực tiễn, diễn biến của đời sống kinh tế xã hội để có thể có những nhìn nhận và đánh giá đúng đắn. Ông là người có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hướng dẫn công tác báo chí của ngành. Với tập san Ngân hàng, ông là tác giả thường xuyên và có nhiều bài viết. Ông luôn tự động viên bản thân mình phải cố gắng học tập và rèn luyện để có thể phục vụ tốt hơn công việc. Trong những trang viết của mình ngày 8-1-1969, ông chia sẻ: “Phải tiếp xúc rất nhiều, đi rất nhiều, thâm nhập vào cuộc sống muôn màu, muôn vẻ. Tích lũy từng hạt cát kinh nghiệm một cách nhạy bén, thông minh, không chút bảo thủ, không gì làm mờ ám đầu óc sáng suốt bình tĩnh, nắm thật vững khoa học và nghệ thuật cuộc sống, cố gắng giải quyết mọi trường hợp cuộc sống đặt ra một cách chính xác, gọn gàng nhất…Thực tiễn và thực tiễn: thước đo, tiêu chuẩn, tự nó mở ra và trở về với nó. Làm cách mạng là phải luôn phấn đấu, không bao giờ kêu ca, nói ít làm nhiều, kiên trì đạt mục đích đã đặt ra… Là học trò nhiều tuổi, học trò nhỏ của quần chúng, nhưng phải luôn luôn vươn lên…”. [4]

Năm 1977, sau khi đất nước thống nhất được vài năm, PTS Trần Linh Sơn được cử làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giữ vai trò này cho đến năm 1985. Những năm cuối cuộc đời (1985-1989), ông làm cố vấn, trực tiếp làm việc, nghiên cứu chính sách tiền tệ, tín dụng, chiến lược kinh tế giúp Ngân hàng Nhà nước và tham gia vào nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước về lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Ngoài việc giảng dạy ở các khoa kinh tế, trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng và một số trường khác, GS Trần Linh Sơn còn giúp đỡ, hướng dẫn một số nghiên cứu sinh bảo vệ luận án phó tiến sĩ trong hoặc ngoài nước. Có thể khẳng định rằng rất nhiều cán bộ chủ chốt của ngành Ngân hàng đã trưởng thành từ những lớp học đầu tiên của thầy giáo Trần Linh Sơn.

Suốt cuộc đời cống hiến của mình, đi đôi với công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành trong lĩnh vực tín dụng, kế hoạch hóa tiền tệ, tín dụng, công tác điều tra nghiên cứu kinh tế và công tác thông tin thống kê trong hệ thống Ngân hàng nhà nước, GS Trần Linh Sơn còn tham gia nghiên cứu khoa học; dịch và chỉ đạo công tác biên dịch tư liệu nghiên cứu nước ngoài, tham gia giảng dạy và đào tạo cán bộ ở nhiều trường đại học, trường nghiệp vụ có chuyên ngành tài chính, kế toán, ngân hàng. Những công trình biên soạn hoặc dịch thuật mà ông tham gia đã trở thành giáo trình cơ bản được sử dụng giảng dạy tại một số trường đại học.

Với trình độ, kiến thức được đào tạo bài bản và bề dầy kinh nghiệm, GS Trần Linh Sơn đã được Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giao trách nhiệm chủ trì một số đề án quan trọng để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng chính phủ; chỉ đạo dự thảo văn bản về quản lý tiền tệ, tín dụng, và nhiều trọng trách khác.

Thông qua những cống hiến khoa học cùng cuộc đời hoạt động gắn bó với lĩnh vực tài chính ngân hàng của GS.TS Trần Linh Sơn, có thể thấy rõ những đóng góp của ông được thể hiện ở một số điểm như sau:

 Thứ nhất, xây dựng cơ sở đầu tiên về cơ chế hoạt động của hệ thống tín dụng, vận dụng các nguyên lý và phương pháp tín dụng ngân hàng xã hội chủ nghĩa vào hoàn cảnh Việt Nam. Xúc tiến việc phát triển hệ thống tiền tệ, tín dụng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từ năm 1956 đến 1985. Đặc biệt, ông có đóng góp không nhỏ vào việc dự thảo để ban hành các chế độ, thể lệ, biện pháp để quản lý công tác tín dụng và tổ chức công tác thanh toán không dùng tiền mặt qua các giai đoạn phát triển của đất nước[5].

Thứ hai, GS Trần Linh Sơn là người soạn thảo và xây dựng các tài liệu giảng dạy đầu tiên về khoa học tiền tệ, tín dụng, ngân hàng ở nước ta; xây dựng một số tài liệu giáo trình cơ bản và các môn học: Lưu thông tiền tệ và tín dụng, tổ chức và kế hoạch hóa tín dụng cho các trường đại học và các lớp cao cấp nghiệp vụ ngân hàng; góp phần thực hiện chủ trương và chính sách đào tạo cán bộ có trình độ đại học, có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo ở các ngân hàng tỉnh, thành phố, có khả năng nghiên cứu ở các Vụ, Cục, Ban Ngân hàng Trung ương. Ông cũng tham gia đào tạo giúp đỡ, dìu dắt đội ngũ cán bộ giảng dạy cho các trường cao cấp và trung cấp nghiệp vụ ngân hàng và cho các trường đại, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ có trình độ đại học[6].

Thứ ba, GS Trần Linh Sơn là người tổng kết và nghiên cứu lý luận, thực tiễn của hơn ba mươi năm xây dựng và phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; góp phần làm sáng tỏ thêm các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; giải thích, phổ biến, tuyên truyền, giới thiệu một số thành tựu và kinh nghiệm của Việt Nam trong các lĩnh vực nói trên[7].

Thứ tư, GS Trần Linh Sơn là người đề xuất các chủ trương chính sách về quản lý tiền tệ tín dụng, ngân hàng với các cơ quan Đảng và Nhà nước; góp phần chuẩn bị một số ý kiến cho các đồng chí lãnh đạo phát biểu ở các Đại hội Đảng lần thứ III, IV về công tác ngân hàng, ở các hội nghị của Hội đồng Chính phủ, các ban của Đảng, các Bộ, Tổng cục. Ông cũng góp phần tích cực vào việc nghiên cứu và xây dựng hệ thống quản lý kinh tế mới ở nước ta, đặc biệt là về phần sử dụng các đòn bẩy kinh tế, tín dụng, lãi suất, thanh toán đó đối với việc sử dụng công cụ kế hoạch[8]

Cứ đến dịp tháng 5 hàng năm (từ 5-1951), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại long trọng kỷ niệm ngày thành lập ngành. Trong lịch sử ngành Ngân hàng – Tài chính Việt Nam, tên tuổi GS Trần Linh Sơn cùng các bậc tiền bối đã có công gây dựng và phát triển ngành luôn được ghi nhớ và tri ân mãi mãi.

Nguyễn Thanh Hóa

[1] Một số học trò như: Văn Lệ – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tại chức, Trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng Hà Nội; Phan Xuân Khoáng, giảng viên Trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng Hà Nội…

[2] 40 mùa sen nở (1991), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hà Nội, tr. 451.

[3] 40 mùa sen nở (1991), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hà Nội, tr. 413.

[4] Trần Linh Sơn, Theo dòng thời gian (Tùy bút viết tay), 1969, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Bản khai lý lịch khoa học của GS Trần Linh Sơn, 15-3-1977, lưu trữ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

[6] Bản khai lý lịch khoa học của GS Trần Linh Sơn, 15-3-1977, tài liệu đã dẫn.

[7] Bản khai lý lịch khoa học của GS Trần Linh Sơn, 15-3-1977, tài liệu đã dẫn.

[8] Bản khai lý lịch khoa học của GS Trần Linh Sơn, 15-3-1977, tài liệu đã dẫn.