Người đặt nền móng chọn tạo giống dâu mới ở Việt Nam

 Kỳ 2: Lai tạo và chọn lọc giống dâu mới – nhân giống hữu tính[1]

Tạo giống dâu đột biến ĐB86

Thực tế trong quá trình áp dụng vào sản xuất, các giống dâu được lai tạo theo phương pháp nhân giống vô tính đã bộc lộ một số nhược điểm như vận chuyển hom dâu tương đối cồng kềnh và tốn nhiều chi phí, hệ số nhân giống thấp (1 ha vườn dâu nhân giống được 3-4 ha), thời vụ gieo trồng ngắn (giới hạn trong tháng 11 và 12), đặc tính chịu hạn kém nên chỉ thích ứng với những điều kiện đất đai và khí hậu cụ thể… Ngoài ra, do bộ rễ kém phát triển nên các giống dâu này mau già cỗi, năng suất lá giảm nhanh và tỷ lệ cây bị nhiệm bệnh virus rất cao.

Qua điều tra và tổng hợp phản ánh của người dân và cán bộ các địa phương, kỹ sư Hà Văn Phúc vừa tiếp tục lai tạo nhân giống dâu, vừa trăn trở tìm hướng nghiên cứu mới, nhằm khắc phục những nhược điểm của phương pháp nhân giống vô tính.

Năm 1977, trong lúc đang dự định thực hiện hướng nghiên cứu mới, ông được Bộ Nông nghiệp cử đi nghiên cứu sinh tại Bulgaria. Trong thời gian làm luận án phó tiến sĩ, ông may mắn được PGS.TS. Lia Lakimob Penkob I. (lúc đó là Chủ nhiệm bộ môn Nghiên cứu về dâu, Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Vratsa) hướng dẫn ông với đề tài “Nghiên cứu đặc tính sinh vật học của một số tổ hợp dâu lai F1” để chọn ra giống dâu theo phương pháp nhân giống hữu tính (trồng hạt). Ông chia sẻ: Phương pháp này đã khắc phục được hạn chế của việc nhân giống vô tính mà tôi đã trăn trở bấy lâu[2].

Năm 1982, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ, ông về nước, dự định bắt tay ngay vào việc nghiên cứu chọn tạo giống dâu theo phương pháp mới. Tuy nhiên, theo chủ trương của Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương khi đó, ông phải tiếp tục hoàn tất một số công đoạn để các giống dâu No.7, No.11, No.12 được Hội đồng khoa học của Bộ Nông nghiệp công nhận là giống quốc gia.

Cũng trong thời gian này, ở Việt Nam đang triển khai chương trình FAO[3] đầu tư cho dâu tằm, do TS Das (cán bộ Viện Nghiên cứu Maixo, Ấn Độ) làm điều phối viên. Ông nhớ lại: Lúc đó TS Das luôn khuyên tôi tiếp tục lai tạo dâu theo phương pháp nhân giống vô tính như Ấn Độ. Vì vậy, dự định nghiên cứu nhân giống hữu tính của ông buộc phải tạm dừng.

Năm 1985, cán bộ Hà Văn Phúc được Bộ Nông nghiệp đề bạt làm Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương, kiêm nhiệm Trưởng bộ môn Nghiên cứu cây dâu, làm việc tại Trạm nghiên cứu Dâu tằm tơ Việt Hùng, Thái Bình.

Năm 1986, qua khảo sát các giống dâu bản địa tại Thái Bình, ông Hà Văn Phúc và các cộng sự như KS Vũ Đức Ban, KS Tống Thị Sen, KS Ngô Xuân Bái… đã lựa chọn được giống Đa Thái Ninh có ưu thế sinh trưởng tốt, năng suất lá cao, phổ biến ở vùng ven biển để làm nguyên liệu gây tạo đột biến mới. Sau này, PGS.TS Hà Văn Phúc kể lại: Giống dâu Đa Thái Ninh có những tính trạng tốt, được người dân địa phương ưa chuộng, lại sẵn có ở trạm giống, nên chúng tôi đã sử dụng ngay để thử nghiệm[4].

Sau khi chiếu tia phóng xạ Co60 lên hom cây dâu Đa Thái Ninh (đã được xử lý bằng cách ngâm với hóa chất cônxisin) với liều lượng tập trung từ 8000 – 10000R, ông và các cộng sự đã thu nhận được cây dâu đột biến. sau đó thông qua việc kiểm tra số lượng nhiễm sắc thể trong tế bào tại Viện Di truyền nông nghiệp, để xác nhận đột biến tứ bội thể (4n=56), có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ hơn đột biến C71A trước đó. Ông đã đặt tên cho đột biến này là ĐB86[5],

Lai tạo dâu theo phương pháp nhân giống hữu tính

Năm 1993, sau khi chương trình FAO về dâu tằm kết thúc ở Việt Nam, ông Hà Văn Phúc và các cộng sự bắt tay vào việc nghiên cứu để lai tạo giống dâu mới nhân giống hữu tính (trồng từ hạt).

Qua khảo sát các giống bản địa, ông đã tin tưởng tiếp tục sử dụng giống dâu Hà Bắc (một trong những giống dâu lưỡng bội thuần chủng nhất) để lai hữu tính với dâu mang đột biến ĐB86, từ 15 tổ hợp lai F1, chọn ra được giống dâu lai tam bội thể VH9[6]. Giống dâu lai này có những ưu điểm như năng suất lá đạt trên 35 tấn/ha cao hơn so với giống dâu đang trồng phổ biến ngoài sản xuất từ 30-40%; kích thước lá to, dày và hàm lượng các axit amin trong lá đều tăng 28%[7]

TS Hà Văn Phúc (giữa) và cộng sự đang nghiên cứu, gây tạo đột biến đa bội thể bằng hóa chất cônxisin tại Trạm nghiên cứu Dâu tằm tơ Việt Hùng, Thái Bình, 1986

Thêm nữa, giống dâu VH9 còn khắc phục được một số nhược điểm của phương pháp lai tạo cũ, như thời vụ gieo trồng kéo dài (từ tháng 2 đến tháng 11), hệ số nhân giống cao (1kg hạt dâu sau khi ươm cây trung bình có thể trồng được 5-6 ha, hoặc nếu gieo qua bầu có thể trồng được 10-15 ha); nhân giống bằng hạt nên bộ rễ cọc phát triển sâu và rộng, thích ứng với nhiều loại đất đai, kể cả đất đồi, đất cát ven biển… Hơn thế nữa, giống dâu VH9 còn có những ưu điểm vượt trội so với các giống nhập nội như Quế ưu, Sa nhị luân (Trung Quốc)…

Nhiều địa phương đã liên hệ với Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương để đăng ký chọn mua giống dâu VH9, tiêu biểu là Công ty Dâu tằm tại Mộc Châu (Sơn La) và Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Trước nhu cầu ngày càng lớn của thực tiễn sản xuất, Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương đã không cung cấp đủ hạt dâu giống VH9. Vì thế, một số địa phương đã sử dụng cành dâu của giống VH9 để nhân rộng vào sản xuất. Lúc đó, ông Hà Văn Phúc đã phải về địa phương, trực tiếp tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ và người dân về kỹ thuật ươm trồng dâu VH9 để đạt năng suất tốt nhất.

Từ mô hình thành công ở Sơn La và Vĩnh Phúc, giống dâu VH9 tiếp tục được nhiều địa phương tin tưởng sử dụng. Tính đến năm 2002, giống dâu này đã được trồng trình diễn ở trên 20 tỉnh trong cả nước, bao gồm một số tỉnh ở vùng núi, vùng đồng bằng, vùng ven biển miền Trung và vùng cao nguyên[8].

Với quan niệm nghiên cứu khoa học phải gắn với nhu cầu thực tiễn, ông Hà Văn Phúc luôn tiếp thu những góp ý của cán bộ và người dân. Có khi ông về địa phương, ghé vào ăn cơm hoặc uống nước ven nông trường, để lắng nghe người nông dân trò chuyện về những ưu, nhược điểm của các giống dâu.

Năm 1996, trong chuyến đi khảo sát tại Lâm Đồng, PGS.TS Hà Văn Phúc được ông Vũ Tiến Trịnh, khi đó là Giám đốc Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam tiếp đón, và phản ánh về việc giống dâu VH9 có khả năng sinh trưởng mạnh, năng suất cao, nhưng nhược điểm là lá dai, mặt lá hơi thô, nên khó hái, cây dâu thường bị xước vỏ cành nên dễ nhiễm các bệnh do vi khuẩn.

Trở về Thái Bình, ông tiến hành nghiên cứu cách khắc phục nhược điểm của giống VH9. Qua khảo sát một số giống nhập nội, ông nhận thấy giống dâu nhị bội thể IA[9] có những ưu thế vượt trội như lá không xẻ thùy, mặt lá bóng và mềm nên dễ hái, năng suất cao và sức đề kháng tốt với bệnh nấm bạc thau…[10].

Từ nghiên cứu đó, ông và các cộng sự đã thực hiện lai hữu tính giống dâu có đột biến tứ bội ĐB86 với giống dâu IA, chọn tạo ra được giống dâu tam bội thể VH13 có đặc điểm sinh trưởng khỏe, lá to và giòn nên dễ hái, khắc phục nhược điểm của VH9. Qua trồng thí điểm tại Trạm nghiên cứu Dâu tằm tơ Việt Hùng trong 5 năm (1998-2002), TS Hà Văn Phúc cùng cộng sự nhận thấy năng suất lá dâu bình quân của giống VH13 cao hơn giống Hà Bắc 53%, và cao hơn giống VH9 là 9%[11].

Từ năm 2001, được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông và cộng sự đã tiến hành khu vực hóa giống dâu lai VH13 tại 13 tỉnh, trong đó có 12 tỉnh trong nước và 1 tỉnh ở Lào (Uđômsay).

 

PGS.TS Hà Văn Phúc (bên trái) cùng cán bộ địa phương khảo sát vườn ươm giống dâu VH15 tại Thiệu Đô, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, 2014

Qua quá trình áp dụng vào thực tiễn sản xuất, giống dâu VH13 đã được nhiều địa phương đánh giá cao: … Qua gần 7 tháng sinh trưởng và phát triển trong vườn dâu, chúng tôi nhận xét bước đầu giống VH13 có tỷ lệ sống cao > 95%, dâu sinh trưởng khá, cành nhiều, tốc độ ra lá nhanh, lá to trung bình, đốt lá tương đối dày… (Bản nhận xét của Tổng Công ty Dâu tằm tơ Trung ương sau khi trồng khảo nghiệm tại xã Đamb’ri, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng, 14-12-2004); … Năng suất lá của giống dâu mới VH13 cao hơn hẳn so với giống địa phương từ 30-50% và cao hơn giống dâu No.12, giống dâu Trung Quốc trên 10% ở trong cùng điều kiện đất đai chăm sóc… (Bản nhận xét của Sở Nông nghiệp tỉnh Nam Định khi trồng khảo nghiệm tại Hợp tác xã Đại An, Nam Trực và Nông trường Rạng Đông, Nghĩa Hưng, 14-12-2004); … Sức sinh trưởng của cây dâu rất khỏe. Sau khi trồng được 4 tháng cây dâu đã đạt chiều cao thân trên 1,5m, và cho thu hoạch lá để nuôi tằm. Năng suất lá dâu ở năm đầu ước đạt trên 15 tấn… (Bản nhận xét về giống dâu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hỏa Bình khi trồng khảo nghiệm tại Đà Bắc, Cao Phong, Mai Châu, 20-12-2004)…

Sau khi lai thành công giống dâu VH9, VH13, ông Hà Văn Phúc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình tạo vườn ươm giống dâu trồng hạt, nhằm tạo ra giống thuần chủng và cho năng suất cao, với những yêu cầu nghiêm mật: Khu vực gây dựng vườn ươm giống phải cách ly cánh đồng dâu hơn 1km (để tránh phấn hoa từ các ruộng lân cận bay vào ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn), để năng suất hạt cao thì phải gieo hạt theo sơ đồ. Ông chia sẻ: Lúc đó ở Liên Xô và Bulgaria áp dụng sơ đồ 3 cây cái xen kẽ 1 cây đực, nhưng tôi và cộng sự đã thay đổi, cải tiến thành sơ đồ 3 hàng cái xen kẽ 1 hàng đực ở giữa, và nghiên cứu để đảm bảo quy trình ra hoa và thụ phấn phù hợp cho khớp nhau. Ông cũng điều chỉnh thời gian ra hoa trùng với thời điểm thụ phấn, bằng cách cắt ngọn, bón phân đạm.

Cùng với việc áp dụng các giống dâu VH9, VH13 vào thực tiễn sản xuất, PGS.TS Hà Văn Phúc tiếp tục nghiên cứu, lai hữu tính giữa giống dâu đột biến tứ bội ĐB86 với giống dâu nhị bội K10 lưỡng bội của Trung Quốc, chọn tạo ra giống dâu VH15 kế thừa ưu điểm các giống trước, và tăng cường khả năng chống chịu bệnh bạc thau.

Việc ứng dụng giống dâu lai theo phương pháp trồng hạt đã tạo ra tập quán mới, làm thay đổi quy trình sản xuất của người nông dân, đồng thời là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự thay đổi của ngành sản xuất dâu tằm, và góp phần mở ra hướng cứu nghiên cứu mới về lai tạo giống dâu ở Việt Nam.

Ba giống dâu VH9, VH13, VH15 do PGS.TS Hà Văn Phúc cũng các cộng sự lai tạo thành công lần lượt được công nhận là giống chính thức vào các năm 2000, 2006, 2015. Quy trình kỹ thuật và chăm sóc cũng được phổ biến rộng rãi tại các vùng sản xuất trong cả nước. Thành quả trên đúc kết những năm tháng miệt mài nghiên cứu không biết mệt mỏi của ông, mở ra hướng nghiên cứu mới về chọn tạo giống dâu ở Việt Nam, đồng thời là cơ sở để các thế hệ cán bộ trẻ tiếp tục học hỏi, phát huy sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống người dân.

Phạm Ngọc Hải

[1] Kỳ 1: Thành công đầu tiên với những giống dâu lai nhân giống vô tính, http://cpd.vn/news/detail/tabid/77/newsid/3700/seo/Nguoi-dat-nen-mong-chon-tao-giong-dau-moi-o-Viet-Nam/Default.aspx, 29-8-2017.

[2] Hỏi thông tin PGS.TS Hà Văn Phúc, 5-6-2017, Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Từ viết tắt của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc.

[4] Hỏi thông tin PGS.TS Hà Văn Phúc, 5-6-2017, tài liệu đã dẫn.

[5] Ký hiệu của nghiên cứu đột biến, được tạo ra năm 1986.

[6] VH là viết tắt của từ Việt Hùng.

[7] Theo số liệu trong Tham luận của PGS.TS Hà Văn Phúc tại Hội thảo “Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thanh Hóa, 7-2002. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. (cô Nga sửa).

[8]Theo số liệu trong Tham luận của PGS.TS Hà Văn Phúc tại Hội thảo “Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thanh Hóa, 7-2002, tài liệu đã dẫn.

[9] Giống dâu IA bắt nguồn từ Ấn Độ, được nhập nội vào Việt Nam từ năm 1990.

[10] Tham khảo Báo cáo đề tài cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Nghiên cứu lai tạo và công nghệ nhân giống dâu lai F1 trồng bằng hạt” do PGS.TS Hà Văn Phúc làm Chủ nhiệm, Hà Nội, 2004, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[11] Tham khảo Báo cáo đề tài cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Nghiên cứu lai tạo và công nghệ nhân giống dâu lai F1 trồng bằng hạt” do PGS.TS Hà Văn Phúc làm Chủ nhiệm, Hà Nội, 2004, tài liệu đã dẫn.