Người đầu tiên sáng lập ngành CNTT Việt Nam

  Vào những năm 1960 của thế kỷ trước, khi miền Bắc nước ta đang bị máy bay giặc Mỹ đánh phá ác liệt, cuộc chiến đấu cho ngày thống nhất đất nước đang huy động biết bao nguồn lực của cả nước cho miền Nam, GS Tạ Quang Bửu vẫn không quên xây dựng một đội ngũ nhân lực KHCN cho đất nước, nổi bật là những nhà toán học, những người làm máy tính điện tử mà sau này được gọi là Tin học, rồi CNTT.

Theo sáng kiến của GS Tạ Quang Bửu, lúc bấy giờ là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật Nhà nước (KHKTNN), nước ta bắt đầu xây dựng ngành máy tính điện tử mà một trong những việc đầu tiên là nhập một máy tính điện tử cỡ trung bình, máy tính điện tử Minsk-22 của Liên xô.

Để chuẩn bị cho việc lắp đặt,vận hành và khai thác máy tính điện tử Minsk-22 (tốc độ 6.000 phép tính/giây, bộ nhớ 32Kbytes, làm bằng đèn bán dẫn), Ủy ban KHKTNN đã cử một đoàn thực tập sinh gồm 9 người được tuyển chọn từ nhiều nơi (ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Tổng hợp Hà Nội – nay là ĐH Quốc Gia Hà Nội và từ quân đội) để đi thực tập về máy tính điện tử ở Liên Xô.

Trong đó có 5 người thực tập ở Trung tâm Tính Toán Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô ở Moskva là Nguyễn Tâm (đã mất), Hồ Thuần, Trần Văn Nho (đã mất), Trần Văn Tiểu và tôi -Nguyễn Lãm và 4 người thực tập ở Tashkent là Nguyễn Liệu (đã mất), Nguyễn Hoàng, Trần Văn Ân (đã mất), Lê Thiện Phố. Trong số những người đi thực tập, có người, sau 2 năm, hết thời hạn thực tập thì về nước, có người ở lại làm nghiên cứu sinh.Vào khoảng năm 1966, lại có thêm một đoàn cán bộ khác sang thành phố Minsk thực tập để nhận máy tính điện tử Minsk-22 về.

Giám đốc Trung tâm tính toán Viện hàn lâm khoa học Liên xô lúc bấy giờ là Viện sĩ hàn lâm khoa học Liên xô Anatoli Alekxêevich Dorodnitsyn. Khi ở lại làm nghiên cứu sinh,tôi được viện sĩ trực tiếp hướng dẫn. Viện sĩ đã từng làm việc, có thể nói là khá thân thiết với GS Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm. Qua những lúc thầy trò tâm sự, tôi cảm nhận sự kính trọng của Viện sĩ đối với các vị tiền bối ngành toán học này của nước ta. Ông cũng biết được GS Lê Văn Thiêm nguyên là một nhà toán học ở Pháp, đã về nước theo tiếng gọi của Bác Hồ vào khoảng năm 50 của thế kỷ trước và lặn lội dọc đường rừng Trường Sơn từ miền Nam ra miền Bắc. Còn với GS Tạ Quang Bửu thì Viện sĩ đã có nhiều lần trao đổi về sự phát triển ngành máy tính nói chung và ở Việt Nam nói riêng (Viện sĩ A.A.Dorodnitsyn cũng tròn 100 tuổi vào năm nay, 2/12/1910 – 2/12/2010).

Để chuẩn bị cho việc tổ chức bảo trì, khai thác máy tính điện tử Minsk-22 và xây dựng đội ngũ cán bộ máy tính, cán bộ điều khiển học, Ủy ban KHKTNN thành lập phòng Toán học Tính toán trực thuộc Ủy ban, là tiền thân của Viện CNTT – Viện KKHCN ngày nay. Vào khoảng cuối năm 1967, máy Minsk-22 về nước. Lúc bấy giờ GS Tạ Quang Bửu tuy không còn làm phó chủ nhiệm Ủy ban KHKTNN mà đã sang làm bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nhưng vẫn rất quan tâm đến xây dựng ngành máy tính ở nước ta.

Ông đã có tác động quan trọng trong việc chuẩn bị chỗ đặt máy Minsk-22 ở tầng 1 nhà 39 Trần Hưng Đạo (trụ sở Bộ KHCN ngày nay) và chuẩn bị cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm CNTT ở nước ta. Đặt máy ở 39 Trần Hưng Đạo là một thuận lợi lớn cho việc bảo trì, khai thác máy. Quyết định đặt ở đấy là một quyết định táo bạo vì địch có thể bắn phá bất cứ lúc nào. Ủy ban cũng đã chuẩn bị một địa điểm khác, làm một hầm sâu trong khu Đồi thông ở phố Đội cấn (Về sau này, khi máy ODRA về nước thì được đặt ở đấy).

Khi máy tính điện tử Minsk-22 đã được vận hành, GS đã có tác động với các Bộ, các ngành khai thác máy tính điện tử và nhiều ngành đã khai thác thành công như ngành khí tượng thủy văn, ngành giao thông vận tải, ngành xây dựng kiến trúc… Đặc biệt, máy tính điện tử Minsk-22 trở thành một nơi đào tạo thực hành cho sinh viên nhiều trường đại học. Tuy GS không trực tiếp chỉ đạo và điều hành phòng Toán học Tính toán thuộc Ủy ban KHKTNN, nhưng chúng tôi, những người phụ trách bộ phận này đã không ít lần trực tiếp xin ý kiến GS về vấn đề này vấn đề khác, đặc biệt là việc điều động cán bộ từ các trường ĐH về công tác tại phòng Toán học tính toán.

Chính GS Tạ Quang Bửu đã ký quyết định đưa GS Phan Đình Diệu từ Trường ĐH Sư phạm Hà nội (sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học ở ĐH Lomonosov) về công tác tại Phòng Toán học Tính toán – UBKHKTNN. GS Tạ Quang Bửu cũng đã trực tiếp can thiệp để cử những người giỏi đi học nước ngoài và họ đều đã trở thành những người tài. Làm việc với GS, chúng tôi luôn cảm nhận được sự thông cảm, sự cởi mở thẳng thắn và tận tình giúp đỡ.

Cũng trong những năm chiến tranh , GS Tạ Quang Bửu đã mời một số nhà toán học nước ngoài từng được tặng Giải thưởng Fields như Laurent Schwartz, Alexandre Grothendieck sang thăm Việt nam và trình bày về các vấn đề toán học hiện đại cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu toán học nước ta. GS là người đề xuất và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc thi tuyển sinh đại học một cách nghiêm túc và kiểm tra kiến thức cho người được lựa chọn đi làm nghiên cứu sinh một cách công bằng. Ông cũng là một trong những người chủ trương mở các lớp phổ thông chuyên toán ở nước ta và mạnh dạn đưa học sinh nước ta đi dự thi các Olympic Toán Quốc tế ngay từ năm 1974. Như ta đã biết,nhiều học sinh chuyên toán về sau này đã trở thành những nhà toán học,những nhà khoa học nổi tiếng ở nước ta.

Nhà ngôn ngữ toán học Mỹ Noam Chomsky, người được tạp chí Mỹ Newsweek đánh giá là “một trong những nhà bác học lớn nhất thế kỷ 20”,một nhà trí thức chống chiến tranh của Mỹ ở Việt nam, theo lời mời của GS Tạ Quang Bửu, vào năm 1972 sang thăm Việt Nam và trình bày một chuyên đề về Toán – Ngôn ngữ cho cán bộ khoa học ở nước ta. Buổi chuyên đề đó tổ chức ở Trường ĐH Bách khoa – Hà nội. Tôi có dự.

Hội trường Trường ĐH Bách khoa người nghe ngồi chật kín. Khi mới bắt đầu trình bày thì bỗng một hồi còi tàu hỏa vang lên (hội trường ở gần đường sắt), GS Chomsky ngừng lại, nhìn đăm chiêu, rồi nói: Ở quê nhà, tôi cũng thường được nghe những hồi còi tàu như thế này! Toán-Ngôn ngữ là một trường phái mới do GS Chomsky lập ra,nó gắn chặt chẽ với điều khiển học, với máy tính điện tử. Dĩ nhiên, đối với các nhà toán học nước ta, đây là một vấn đề khá mới mẻ.

Tưởng nhớ đến GS, chúng tôi tỏ lòng kính phục và ghi nhớ sâu sắc lòng biết ơn GS, người đã luôn có những ý tưởng sắc sảo, tiên phong, sáng tạo trong quá trình mở đường cho sự phát triển một lĩnh vực mới mẻ ở nước ta, một ngành mà ngày nay nước ta xem là ngành mũi nhọn – ngành CNTT.

                                                                                             Theo PC World VN

 www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/ictnews.vn/Nguoi-dau-tien-sang-lap-nganh-CNTT-Viet-Nam/4611688.epi