Chị là một trong hai người vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia dành cho những nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam năm 2011 vào đầu tháng 3 vừa qua, khi ở tuổi 42.
TỪ CHIẾC ÁO BLU ĐẾN VIỆC ĐỨNG ĐẦU PHÒNG THÍ NGHIỆM TRỌNG ĐIỂM
Có lẽ, trong giấc mơ được làm việc trong phòng thí nghiệm khi còn ở Thái Bình ngày nào, cô bé Hà không hề nghĩ đến sẽ trở thành người quản lý nó. Sau mười mấy năm làm việc ở Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, năm 2008, chị được giao trọng trách đứng đầu phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu khi mới 38 tuổi. Giờ chẳng mấy khi chị mặc chiếc áo blu trắng nữa, việc tiến hành thí nghiệm đã có những nghiên cứu sinh và cán bộ khác làm, còn nhiệm vụ của chị là định hướng các ý tưởng mới, thiết kế các phương pháp nghiên cứu, thực nghiệm khoa học để hướng dẫn cho họ.
Chị say sưa kể về phòng thí nghiệm nằm trong khuôn viên của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, đã được Nhà nước đầu tư 67 tỷ đồng để trang bị những thiết bị nghiên cứu khoa học và sản xuất thử nghiệm hiện đại và đồng bộ. Sau bốn năm chính thức đi vào hoạt động, đã có 30 cán bộ làm việc ở đây, một nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và chín nghiên cứu sinh đang làm luận án tiến sĩ. Đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài, tạo điều kiện về môi trường làm việc, có mức thu nhập đủ để giữ chân các cán bộ trẻ là những việc mà chị đã làm ngay từ những năm đầu hoạt động. Và giờ đây, Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu được đánh giá là phòng thí nghiệm hoạt động hiệu quả nhất trong số 19 phòng thí nghiệm trọng điểm của Việt Nam.
Chị tiết lộ thêm một tin vui nữa: Viện Nghiên cứu các quá trình Xúc tác và Môi trường, Cộng hòa Pháp, sau khi đã giúp tư vấn xây dựng Phòng thí nghiệm trọng điểm cũng như hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực, đã quyết định lựa chọn phòng thí nghiệm của chị vào hệ thống “Phòng thí nghiệm liên kết quốc tế” (gọi tắt là LIA). Hiện tại, hai bên đang chuẩn bị hồ sơ, và việc trở thành phòng thí nghiệm LIA sẽ góp phần nâng cao vị thế của phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu.
TIÊN PHONG TRONG CÔNG NGHỆ XÚC TÁC DỊ THỂ
PGS Vũ Thị Thu Hà là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về công nghệ xúc tác dị thể ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường tại Việt Nam. Theo chị, trên thế giới, các nhà khoa học có xu hướng nghiên cứu các quá trình xúc tác dị thể để thay thế dần các quá trình truyền thống, sử dụng xúc tác đồng thể. Vì quá trình dị thể có độ chọn lọc sản phẩm cao hơn nên có ít sản phẩm phụ hơn, dễ dàng tách xúc tác ra khỏi sản phẩm nên quá trình tinh chế sản phẩm đơn giản hơn dẫn đến giảm chi phí sản xuất, ít ô nhiễm môi trường.
Theo đuổi những nghiên cứu này từ năm 1999, giai đoạn từ 2001-2003, khi quay trở lại Pháp để làm thực tập sinh sau tiến sĩ, chị lại tiếp tục tìm tài liệu, các công bố trên thế giới trong lĩnh vực này. Nhưng phải đến khi có phòng thí nghiệm trọng điểm, thì hướng nghiên cứu này của chị mới bước đầu có những thành công nhất định, để sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, trong đó có nhiên liệu sinh học biodiesel và dung môi sinh học.
Hiện tại, chị và các cộng sự đã hoàn thiện công nghệ sản xuất biodiesel trên xúc tác dị thể từ các nguồn nguyên liệu không cạnh tranh với lương thực ở quy mô thí điểm và đã sẵn sàng cho việc triển khai dự án xây dựng nhà máy công nghiệp 30.000 tấn/năm khi tìm được nhà đầu tư. Còn công nghệ sản xuất dung môi sinh học thay thế các dung môi có nguồn gốc từ dầu mỏ, mặc dù chưa đến giai đoạn sản xuất thử nghiệm, nhưng các kết quả nghiên cứu của chị và các cộng sự đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cấp độc quyền sáng chế và hiện đang được Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp bảo hộ độc quyền.
20 năm làm khoa học, công bố 60 công trình trong nước, 12 công trình trên các tạp chí quốc tế, sở hữu sáu giải pháp hữu ích và sáng chế tại Việt Nam và đặc biệt là hai độc quyền sáng chế quốc tế, chị vẫn chưa dừng lại. Nhà nữ nghiên cứu khoa học ấy đưa ra dự định: Sẽ tiếp tục nghiên cứu công nghệ sản xuất xúc tác dị thể cho quá trình sản xuất biodiesel. Khi đề tài thành công, Việt Nam không những có thể hoàn toàn chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất biodiesel mà còn có thể chủ động về việc cung cấp xúc tác dị thể cho quá trình này.
Về nguyên liệu sản xuất biodiesel, chị đang hướng tới nguồn nguyên liệu thế hệ thứ hai là nguồn nguyên liệu phế thải như dầu mỡ, axít béo phế thải để thay thế cho cây cạnh tranh lương thực. Chị còn hướng tới nguồn nguyên liệu thế hệ thứ ba là các cây cho dầu không cạnh tranh với lương thực như Jatropha, tảo… Tuy nhiên, còn cần phải đầu tư nghiên cứu nhiều và đồng bộ để có được nguồn nguyên liệu ổn định.
KHÔNG ĐỂ THỜI GIAN CHẾT
PGS, TS Vũ Thị Thu Hà hẹn gặp tôi ngay tại phòng làm việc vào một buổi sáng mờ sương, khi chị đang sửa soạn đi dự một cuộc họp tại Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam. Chị mặc chiếc váy len mầu boóc-đô, chiếc khăn len cùng mầu, chiếc áo khoác nhẹ mầu đen. Mái tóc ngắn cứng cỏi và hiện đại, nhưng giọng nói lại dịu dàng, nữ tính. Chị sử dụng thời gian một cách tiết kiệm như thể cách chị hẹn gặp tôi vậy. Công tác quản lý không chiếm nhiều thời gian của chị, mà phần lớn thời gian chị dành cho công tác nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm trọng điểm, kể cả vào những ngày nghỉ. Buổi tối là thời gian duy nhất cả nhà quây quần sau hơn 12 giờ đồng hồ xa nhau. Về đến nhà, chị vẫn phải làm việc, nhưng thường là khi mọi người đã ngủ yên, vì chị không nỡ lấy đi những giây phút hạnh phúc của gia đình.
Có lẽ chồng chị, một kỹ sư điện học cùng Trường đại học Bách khoa Hà Nội với chị, là người hiểu và cảm thông với vợ hơn cả. Anh cũng bận bịu với công việc, nhưng anh biết chị bận hơn anh, cần thời gian hơn anh, nên anh luôn muốn chia sẻ công việc gia đình với chị. Anh nấu những bữa cơm nóng hổi đợi chị và các con về, anh trở thành “trợ lý” nghe những cuộc điện thoại mỗi khi chị bận… Có được người đàn ông làm chỗ dựa vững vàng, với chị là một niềm hạnh phúc.
Chị Hà còn nhớ, năm 26 tuổi, chị sang Pháp làm nghiên cứu sinh sau bao nhiêu cố gắng để dành được học bổng của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Vậy mà, sang đến nơi, nỗi nhớ quê, nhớ chồng và cảm thấy mọi thứ đều xa lạ đã khiến chị nằng nặc đòi trở về. May mắn thay, chị được một giáo sư đầu ngành về xúc tác – hấp phụ của Việt Nam, lúc đó sang Pháp công tác động viên chị vượt qua sự yếu đuối đó, để rồi ba năm sau chị trở về Việt Nam với tấm bằng tiến sĩ.
“Có lẽ, vì tôi là người luôn muốn tiến lên phía trước, nên trước mỗi thất bại, không có nhiều thời gian để chán nản, buông xuôi. Tôi chỉ đủ thời gian để nhìn nhận xem vì sao mình thất bại và làm thế nào để khắc phục điều đó”, chị nói và cười vui.
* Chị nhận mình là một phụ nữ làm khoa học may mắn, bởi từ khi còn bé cho đến tận bây giờ, chị luôn nhận được sự động viên, khuyến khích của bố mẹ, chồng, gia đình chồng và cả các con. Những nhà khoa học đi trước cũng luôn động viên, khuyến khích chị trước những thành công hay thất bại của chị.