Người đưa công nghệ mới vào xây đập ở Việt Nam

Công nghệ bê tông đầm lăn (RCC) là một trong những công nghệ như thế. GS, TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), là người đầu tiên chỉ đạo trực tiếp việc đưa phương pháp thi công RCC vào xây dựng đập ở Việt Nam.

Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, các nhà vật liệu xây dựng thế giới thấy rằng: Lượng nước để bảo đảm thủy hóa trong khối bê tông thấp hơn nhiều so với lượng nước trộn vào hỗn hợp bê tông truyền thống và nếu giảm lượng nước trộn thì có thể giảm được lượng xi măng của hỗn hợp mà cường độ bê tông vẫn không thay đổi. Phương thức thi công theo công nghệ RCC hình thành từ ý tưởng đơn giản mà thông minh như vậy. Đây là công nghệ sử dụng bê tông không có độ sụt, được làm chặt bằng thiết bị rung lèn từ mặt ngoài, thích hợp cho các công trình bê tông khối lớn, không cốt thép và hình dáng không phức tạp như lõi đập, mặt đường, sân bãi… Từ đây giúp cho thi công nhanh hơn, rẻ hơn so với công nghệ thi công bê tông truyền thống.

Năm 1961, RCC lần đầu tiên được ứng dụng ở đập Thạch Môn, Đài Loan. Những năm 1961-1964, xây dựng đập Alpe Gera, I-ta-li-a áp dụng công nghệ này đã rút được khoảng 1/3 thời gian thi công so với cách làm cũ. Từ thập kỷ 80 trở đi, RCC được áp dụng rộng rãi ở Nhật Bản, Mỹ, Anh, Trung Quốc… Đến nay, toàn thế giới đã xây dựng được hơn 300 đập ở 44 quốc gia theo RCC. Theo GS Phạm Hồng Giang thì ngành thủy lợi của nước ta phải đến năm 1998 mới chính thức đặt vấn đề xây dựng đập nước đầu tiên bằng RCC. Đập Định Bình trên thượng lưu sông Côn, thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định được lựa chọn.

Thi công bằng công nghệ RCC trên đập chính Nhà máy
Thủy điện Sơn La (tháng 10-2008). Ảnh do nhân vật cung cấp

Đây là công trình cỡ trung, có tác dụng tổng hợp: Chống lũ, tưới tiêu và phát điện. Đập thuộc loại bê tông trọng lực, cao 95,3m, dài 571m, tổng khối lượng bê tông hơn 420.000m3. Địa phương đang rất tha thiết với việc xây dựng con đập đa năng này; thiết kế và thi công đều là đơn vị “thiện chiến” của ngành thủy lợi. Vậy mà khi được đặt vấn đề ứng dụng một tiến bộ kỹ thuật của thế giới, thì các bên đều tỏ ra… e ngại. Địa phương lo lần đầu áp dụng công nghệ mới như vậy liệu về lâu dài khi đưa vào sử dụng đập có “sơ sẩy” gì không? Bên thiết kế thì đã hoàn chỉnh bản thiết kế theo phương pháp truyền thống, nay áp dụng RCC tức là làm lại từ đầu. Bên nhận thầu, khi chuyển đổi phương pháp thi công cũng phải mua sắm thêm thiết bị mới, vả lại chưa có kinh nghiệm nào trong công nghệ này.

Trước sự chỉ đạo kiên quyết của Bộ NN&PTNT mà người chịu trách nhiệm chính là GS Phạm Hồng Giang, tất cả đã đồng lòng vào cuộc. Cuối cùng thì vào năm đầu của thế kỷ 21, đập Định Bình được chính thức khởi công. Quá trình thi công diễn ra suôn sẻ hơn nhiều so với những lo ngại ban đầu. Mọi chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đều đạt và vượt yêu cầu, đặc biệt đã rút ngắn tiến độ so với phương thức thi công cũ 1,5 năm.

Sau thành công ở Định Bình, ngành thủy lợi và thủy điện đều tiến hành rút kinh nghiệm và triển khai đồng bộ theo hướng RCC. Nổi bật là việc thi công các công trình thủy điện quan trọng ở miền Trung như: Thủy điện A Vương trên sông Vu Gia, Quảng Nam; Pleikrông trên sông Krông Pô Cô, Kon Tum; Bản Vẽ trên sông Cả, Nghệ An. Đặc biệt, với công trình Thủy điện Sơn La trên sông Đà, vấn đề áp dụng công nghệ thi công mới được cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng ở các cấp chỉ đạo Nhà nước. Ban đầu người ta vẫn nghĩ tới phương pháp thi công truyền thống bởi đơn vị tổng thầu là Tổng công ty Sông Đà đã có bề dày kinh nghiệm từ nhiều công trình thủy điện lớn như: Đồng Nai, Ya Ly, Thác Mơ… Rồi, trước yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ, phương thức RCC mới chính thức được thông qua. Cũng cần nói thêm: Ở các công trình thủy điện nêu trên, đều có sự tham gia của một số đơn vị kinh tế-quốc phòng của quân đội.

GS.TSKH Phạm Hồng Giang. Ảnh: Quang Đẩu

Công trình Thủy điện Sơn La đặt tại xã Ít Ong, huyện Mường La, khi hoàn thành có 6 tổ máy, tổng công suất 2,4 triệu kW, lớn gấp rưỡi Thủy điện Hòa Bình, đến nay vẫn là công trình lớn nhất Đông Nam Á. Đập bê tông khổng lồ chắn ngang sông cao 228,1m, dài 961,6m. Dẫu đã có những tham khảo khi thi công bằng RCC từ các đập thủy điện trong nước và nước ngoài trước lúc khởi công công trình, song do quy mô quá lớn, cộng với các yêu cầu về mặt kỹ thuật ngặt nghèo hơn nhiều, nên những người thợ Sông Đà hầu như đều phải “làm mới” rất nhiều về kiến thức, cũng như trang thiết bị thi công. Thời gian thi công phải lùi lại 2 tháng (dự kiến tháng 11-2007), càng gia tăng sức ép lên người thi công bởi chẳng gì bất lợi hơn, nếu phải thực thi trong mùa mưa. Song may thay, trời cũng “chiều” lòng người, năm đó ít mưa hơn hẳn so với các năm trước. Sản xuất bê tông đầm lăn đòi hỏi rất ngặt nghèo, phải trải qua nhiều công đoạn thí nghiệm trong thời gian khá dài, có khi mất cả năm trời. Đơn cử công đoạn cuối cùng phục vụ cho mẻ bê tông chính thức đầu tiên, trên công trường cũng đã phải đổ tới vài nghìn khối bê tông theo đúng cường độ và thời gian quy định, sau đó là quá trình bảo dưỡng, vệ sinh… Chờ ít nhất 3 tháng mới khoan lấy mẫu đưa vào phòng thí nghiệm xem các thông số có khớp với yêu cầu thiết kế không. Mẻ bê tông đầu tiên cho đập chính được đổ vào trung tuần tháng 1-2008. Bắt đầu từ đó, công trường làm việc liên tục bất kể ngày đêm. Khẩn trương, nhưng vẫn phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu kỹ thuật, điều đó đã giúp cho hầu hết các mẻ bê tông đầm lăn đều được thi công ở “khe nóng” (tức điều kiện chuẩn cho lu lèn) nên không phải làm đi làm lại nhiều lần. Chạy đua với thời gian, sau có 8 tháng, những người thợ Sông Đà đã lấp đầy khoảng thời gian bị “trượt” ban đầu. Cuối cùng họ đã về đích trước 3 năm. Rõ ràng, việc mạnh dạn áp dụng một công nghệ tiên tiến là yếu tố quyết định cho mức kỷ lục vượt thời gian thi công và hạ giá thành trên công trình thế kỷ này.

Kể từ ngày thi công lần đầu tiên bằng công nghệ RCC tại đập Định Bình, đến nay ở nước ta đã có gần 20 đập nước quy mô lớn và vừa được hoàn thành theo công nghệ này. Hiện GS Phạm Hồng Giang đã ở tuổi “thất thập”, vẫn minh mẫn, năng động. Ông đang cùng các đồng nghiệp của Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) ngày ngày tiếp tục công việc nghiên cứu tư vấn, phát triển công nghệ RCC cho các loại đập nước phù hợp với điều kiện địa hình, nguyên vật liệu tại chỗ ở Việt Nam.

Phạm Quang Đẩu
Nguồn: www.sknc.qdnd.vn