Ông theo học ngành địa chất tại Ba Lan. Về nước, gắn bó cả cuộc đời với ngành địa chất, ông đã hoàn thành nhiều đề tài, dự án có ý nghĩa thực tiễn, góp phần cải thiện môi trường và cuộc sống của người dân. Ông đã đi nhiều nơi, đến nhiều vùng miền trên cả nước để đánh giá, nghiên cứu; Có thể nói, cuộc đời ông thực sự gắn bó mật thiết với “đất – nước”.
Quá trình học tập và công tác
PGS.TSKH Vũ Cao Minh gắn bó với đất nước Ba Lan ở Châu Âu xa xôi với hơn 10 năm học tập và nghiên cứu . Năm 1966, ông bắt đầu theo học tại trường Đại học Tổng hợp Vasava – Ba Lan, chuyên ngành địa chất công trình. Đây là một trong những trường đại học nằm ở thủ đô, và cũng là trường đại học lớn nhất ở Ba Lan, theo xếp hạng của Times Higher Education Supplement, trường đứng thứ nhì về chất lượng đào tạo ở Ba Lan và xếp trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Trong những năm đại học, chàng sinh viên trẻ Vũ Cao Minh đã say mê học tập, gắn bó với thầy, với bạn và với đất nước, con người Ba Lan. Tốt nghiệp đại học năm 1972 với kết quả xuất sắc, ông là người duy nhất được nhà trường mời và Bộ Giáo dục Việt Nam lựa chọn chuyển tiếp làm luận án tiến sĩ. Sau khi hoàn thành,, mặc dù được nhà trường tạo điều kiện ở lại làm tiếp Luận án Tiến sĩ khoa học, nhưng ông mong muốn trở về nước, với suy nghĩ được nắm bắt thực tế và góp phần xây dựng lại quê hương vừa qua một cuộc chiến tranh khốc liệt. Ông công tác tại Viện địa chất – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (trước là Viện các Khoa học về Trái đất), và tiến hành nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chuyên môn là địa chất tai biến, địa chất công trình và địa kĩ thuật. Cùng các những người đi trước, những đồng nghiệp, ông tham gia xây dựng bộ ATLAS Quốc gia Việt Nam. Gắn với đó là những hành trình trải dài theo đất nước, suốt một dọc từ Lũng Cú (Hà Giang) đến tận đồng bằng sông Cửu Long. Rồi tiếp đó là việc khảo sát những công trình thủy điện miền Trung như Đargna, Đăkmi, Sông Tranh, A Vương… Ông cùng các đồng nghiệp trẻ trong phòng, trong viện, vượt sông, vượt lũ, đến những vùng miền còn chưa dứt tiếng súng, lướt qua những “bước chân Fulro” còn nóng hổi, để khảo sát tận đầu nguồn những con sông, con suối. Đó là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ.
Là trưởng phòng Thổ chất – Địa cơ học tại Viện các khoa học về trái đất, ông cũng đặc biệt chú ý về nghiên cứu hệ thống đê điều ở Việt Nam. Cùng hoạt động với Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông và đồng nghiệp tham gia phát hiện, xử lý nhiều sự cố đê sông, đê biển, đặc biệt ở vùng Bắc Bộ; Tham gia các hội thảo trong và ngoài nước, tham gia viết tài liệu cho các tạp chí khoa học… Năm 1986, một lần nữa, ông lại quay trở lại với đất nước Ba Lan, nơi đã trở thành một miền kí ức không thể quên, một quê hương thứ hai, để tiếp tục nghiên cứu. Năm 1990, ông hoàn thành Luận án Tiến sĩ khoa học trong lĩnh vực địa chất học và dù có nhiều gợi ý ở lại làm việc trong các cơ sở khoa học tiên tiến, và đất nướcViệt Nam đang trong muôn vàn khó khăn, ông vẫn trung thành với ước nguyện cuộc đời, trở về xây dựng quê hương.
Cùng đồng nghiệp đi khảo sát xây dựng thủy điện ở miền
trung và Tây Nguyên trong khu vực còn Fulro, có lực lượng
bộ đội và dân quân bảo vệ (Ảnh chụp năm 1983)
Từ năm 1992 đến năm 2009, PGS.TSKH Vũ Cao Minh đảm nhận vai trò là Trưởng phòng Địa kỹ thuật và sau đó là Phó viện trưởng Viện địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong thời kỳ này ông chủ trì nhiều nội dung nghiên cứu về lũ quét, về thu trữ nước, về tôn tạo các di sản địa chất cho mục đích dân sinh. Ông đã đi đến những vùng xa xôi nguy hiểm nơi được coi là lò phát sinh ra những trận lũ bùn đá, lũ quét có sức tàn phá khủng khiếp để tận mắt chứng kiến và nghiên cứu tìm ra giải pháp giảm nhẹ tác hại của chúng. Có những lúc ông đã phải hai tay hai que nhọn, băm vào sườn núi cheo leo, vượt qua các vách trơn trượt để tới được đầu nguồn lũ quét. Những chuyến đi như vậy đã để lại những ấn tượng sâu sắc. Nhiều tài liệu về lũ quét, đã được viết trong thời kỳ này. Khi đi về vùng núi cao, nhìn thấy những khó khăn của đồng bào về nước sinh hoạt , ông trao đổi với các đồng nghiệp tìm giải pháp biến cái hại của lũ thành cái lợi cho đời sống. Ý tưởng về thu trữ nước làm hồ bắt đầu xuất hiện từ đó. Công việc này đã chiếm gần trọn thời gian nghiên cứu của ông trong nhiều năm trời. Không chỉ làm công tác khoa học tại Viện nghiên cứu, từ năm 2006, ông trực tiếp tham gia công tác giảng dạy, và là chủ nhiệm bộ môn Địa kỹ thuật tại trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học quốc gia Hà Nội. Ông luôn tâm niệm rằng, việc truyền thụ kiến thức cho lớp trẻ cũng cần thiết như nước cần cho sự sống. Ông đã tận tình hướng dẫn các em, như những gì mà các giáo sư Ba Lan đã dạy mình, lấy chính những nghiên cứu, những kinh nghiệm thực tiễn quý báu làm bài giảng cho các em. Ông được sinh viên rất yêu mến.
Nghiên cứu khoa học – Công việc và sự đam mê
Ngày nay, nhắc đến việc làm khoa học, là nhắc đến sự khó khăn, vất vả; Nhắc đến khoa học là nhắc đến sự khô khan và cứng nhắc. Không phải ai cũng có thể làm nghiên cứu khoa học, bởi đó là nghề không phải chỉ đơn giản là cần có cái tài, cần có tri thức, mà còn cần có sự say mê, kiên trì. Công việc trong lĩnh vực địa chất của PGS.TSKH Vũ Cao Minh đòi hỏi ông phải đi nhiều nơi, đến nhiều vùng đất khác của tổ quốc để tìm hiểu thực địa, mới có thể nắm bắt, hình dung thật chi tiết, kĩ càng những việc cần làm, những thứ cần đưa vào nghiên cứu hay kiến tạo cái mới. Cũng nhờ có sự say mê với địa chất, tình yêu với nghề nghiệp, mới có thể đưa ông đi được xa và đi được nhiều nơi như thế. Thành công của ông, những việc ông đã làm được có thể nhìn thấy qua rất nhiều đề tài, dự án đã được công bố rộng rãi. Một số công trình Khoa học công nghệ chủ yếu có thể kể đến như: Nguy cơ lũ bùn đá đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyển tập Hội thảo Khoa học toàn quốc Tai biến Địa chất và giải pháp phòng chống, Hà Nội (2008); Tai biến sụt lún karst và một số kết quả dự báo phân vùng nguy hiểm, Tuyển tập Hội thảo Khoa học toàn quốc Tai biến Địa chất và giải pháp phòng chống, Hà Nội (2008); Giải pháp công nghệ cho việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất trên vùng cao núi đá Hà Giang, Kỷ yếu Hội thảo khoa học” Vì Hà Giang phát triển (2010); Biến động cửa Ba Lạt và cửa Hà Lạn trong thời kỳ cận đại và ảnh hưởng của chúng tới diễn biến xói lở bồi tụ khu vực Hải Hậu, Nam Định, Tạp chí KHCN Thủy Lợi (2013)… Ông đã tham gia, chủ trì nhiều đề tài, dự án Khoa học công nghệ cấp nhà nước, cấp bộ như: Cơ sở khoa học nắn chỉnh, ổn định dòng chảy khu vực hạ lưu sông Cà Lồ (Đông Anh – Sóc Sơn) phục vụ mục tiêu an toàn sinh thái và phát triển kinh tế xã hội của thủ đô Hà Nội (đề tài cấp Thành phố 2006 – 2008); Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp tổng thể để ổn định vùng bờ biển Nam Định từ cửa Ba Lạt tới cửa Đáy (đề tài độc lập cấp Nhà nước 2010 – 2013); Nghiên cứu thực trạng và ứng dụng giải pháp công nghệ xử lý nhiễm bẩn nước tại các hồ treo trên 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang (đề tài cấp tỉnh 2011 – 2013); Nghiên cứu xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp giảm thiểu sụt lún đất trên địa bàn thành phố Cẩm Phả (đề tài cấp nhà nước 2014 – 2015).
Với đặc thù của ngành địa chất, những nghiên cứu khoa học của PGS.TSKH Vũ Cao Minh không chỉ có những đóng góp về mặt lí luận mà còn có tính ứng dụng cao, có ý nghĩa thực tiễn rộng. Ông cũng đã có những công trình được đưa vào áp dụng trong thực tiễn như: Nghiên cứu xác định các giá trị nổi bật và thử nghiệm các dạng tôn tạo di sản nhằm nâng cao vị thế và độ hấp dẫn của Cao nguyên đá Đồng Văn (2014) Giải pháp khoa học công nghệ hồ treo cấp nước sinh hoạt cho một số khu vực đặc biệt khó khăn vùng núi phía Bắc, áp dụng với các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La và một số địa phương khác từ năm 2002; Giải pháp công nghệ điều tiết, thu trữ nước hang động karst, áp dụng ở các tỉnh Sơn La và Hải Phòng từ năm 1999, 2008 đến nay. Công trình khoa học công nghệ hồ treo cấp nước sinh hoạt đã mang lại nhiều ý nghĩa đối với người dân vùng núi phía Bắc, giúp cải thiện đời sống sinh hoạt của họ. Hồ treo là tên gọi chung về công nghệ phát hiện, thu và trữ các nguồn nước phi truyền thống. Hồ treo dùng cấp nước sinh hoạt cho các khu vực đặc biệt khó khăn về nguồn nước. Vào cuối những năm 90 thế kỷ XX, trước tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt của nhân dân vùng cao và đề nghị của một số địa phương, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia lúc đó (nay là Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã giao cho Viện Địa chất thực hiện một số nhiệm vụ KHCN, trong đó có nhiệm vụ “Nghiên cứu thử nghiệm một số giải pháp cấp nước cho một số khu vực đặc biệt khó khăn vùng núi phía Bắc”. Đối với vùng núi cao, nhất là vùng đá vôi ở các tỉnh miền núi phía Bắc đây là vấn đề còn nan giải về khoa học và công nghệ. Bao nhiêu nước mưa đều thấm hết vào hang hốc chẩy tuột xuống sâu mà khả năng kinh tế-kỹ thuật của con người chưa với tới được. Ở Việt Nam lúc đó chủ yếu tồn tại hai công nghệ giải quyết khó khăn về nguồn nước. Một là công nghệ địa chất thủy văn dùng kỹ thuật khoan để bơm hút nước ngầm. Hai là công nghệ thủy lợi dùng kỹ thuật đắp đập trên sông suối để khai thác nước mặt. Trong khi đó, ở các vùng khó khăn về nguồn nước (Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La,…) thường lại không có hệ thống sông suối hoặc có tầng nước ngầm nhưng nằm rất sâu. Và như vậy với cách tiếp cận truyền thống các nhà chuyên môn chưa thể đưa ra giải pháp nào khả dĩ khắc phục được khó khăn này.
Qua một thời gian dài quan sát thực tế và phân tích lý luận, ông cùng nhóm tác giả nghiên cứu đã phát hiện ra sự tồn tại của tầng nước ngầm vách núi và tìm ra được công nghệ khai thác chúng mà bây giờ ta quen gọi là công nghệ hồ treo. Để nghiên cứu được việc thu trữ nước ở vùng núi cao, ông đã phải lăn lội những ngày mưa gió, một mình một xe máy trên những vách đường lởm chởm đá hộc, phía dưới là vực sâu, lần mò tìm mạch nước. Bà con bản làng yêu quý ông, tận tình giúp đỡ, thân thiết như người trong gia đình. Có cán bộ người dân tộc nhận ông làm anh nuôi… Nhiều lúc, ô tô vừa về đến Hà Nội, có điện thoại báo sự cố, ông nghỉ ngơi trong vài tiếng, và lại lên ô tô đi tiếp 500- 600 km lên vùng núi trong đêm. Được đồng nghiệp trong phòng, trong viện tận tình cộng tác, ý tưởng về công nghệ dần được cụ thể hóa. Mong muốn công nghệ này có thể đi vào thực tế phuc vụ con người, ông và các cộng sự lại phải dành 5 năm công sức để hoàn thiện kỹ thuật và điều đáng nói hơn là phải thuyết phục được các nhà quản lý, các nhà khoa học khác về tính khả thi của công nghệ ấy. Có người nói cách ông làm là cả một sự “lội ngược dòng”. Cuối cùng các mô hình thực tế về hồ treo lấy nước từ vách núi đã chứng tỏ đủ khả năng cấp nước cho nhiều cụm dân cư vùng cao. Hồ treo vừa là nguồn nước, vừa là một nét đẹp về văn hóa và môi trường trên các vùng cao núi đá. Trên cơ sở thực nghiệm và thí điểm đã có, từ năm 2007 Chính phủ đã cho triển khai rộng mô hình hồ treo dể lấy nước sinh hoạt cho nhân dân vùng cao tỉnh Hà Giang và một số khu vực khác. Hiện các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và một số địa phương đang nhân rộng mô hình này. Riêng tỉnh Hà Giang đã xây dựng được trên một trăm hồ chứa nước, giải quyết được cơ bản nhu cầu tối thiểu về nước sinh hoạt cho dân cư vùng cao.
Mô hình thí điểm hồ treo cấp nước sinh hoạt tại xã
Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
Với tầm hiểu biết rộng cùng với tình yêu tới từng mảnh đất – con người, ông thường tâm niệm không có vùng đất nào nghèo mà chỉ có vùng đất chưa được khai thác làm giầu. Với suy nghĩ đó, khi đặt chân lên các hoang mạc đá Đồng Văn thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt, nơi mà đời sống người dân đang rất nghèo nhưng lại có bạt ngàn các kiểu rừng đá, các dẫy núi dạng kim tự tháp, các hẻm vực sâu hút, ông đã trao đổi với đồng nghiệp và đề nghị với lãnh đạo tỉnh biến nơi đây thành nơi thu hút khách du lịch để người dân có thể thông qua dịch vụ du lịch mà nâng cao dần mức sống. Ông đã tích cực đề xuất đến các ban ngành, cùng tham gia xây dựng các cứ liệu khoa học để cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viện Địa chất toàn cầu. Giờ đây, khi miền đất này đã được vinh danh, trở thành điểm hút khách du lịch cả nước và quốc tế, ông vẫn cùng các đồng nghiệp miệt mài tìm kiếm phát hiện bổ sung những giá trị đặc sắc hơn nữa, nhằm nâng cao độ hấp dẫn khoa học và du lịch. Ông nói còn nhiều vùng đất có thể đầu tư nghiên cứu để vừa giảm bớt khó khăn hiện tại về thiên tai, nước sinh hoạt, vừa nâng cao vị thế về sản xuất, du lịch tạo thêm sinh kế cho người dân. PGS.TSKH Vũ Cao Minh đã có không ít đóng góp cho công cuộc nghiên cứu khoa học của nước nhà.
Những đóng góp của ông không chỉ thúc đẩy cho sự phát triển của ngành địa chất học, mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn, góp phần làm cải thiện, thay đổi cuộc sống sinh hoạt của người dân. Hơn nữa, tinh thần say mê nghiên cứu khoa học trong cái nghề tưởng chừng như rất khô khan và khó khăn này cũng đáng để những thế hệ trẻ nể phục và noi gương. Chúng tôi muốn kết thúc bài giới thiệu này với những lời chia sẻ của các đồng nghiệp đã nhiều năm cộng tác với ông tại Viện Địa chất- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Thạc sĩ Trịnh Quốc Hải và kỹ sư Tạ Văn Kha: “Chúng tôi có may mắn ra trường được về làm việc tại phòng chuyên môn do ông phụ trách. Điều ông lôi cuốn chúng tôi và mọi người là lòng say mê, luôn đề xuất những ý tưởng mới trong khoa học gắn liền với thực tiễn đất nước. Trong cái mây cái gió khi đi thực địa, đứng trên các đỉnh núi cao, ông đã nói “Tại sao người Pháp tìm được Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, chúng ta thì không ? Phải xem những giải đất cao trên 1000m là tài nguyên du lịch, là vùng dược liệu quí trong tương lai”. Từ ý tưởng này năm 2000 ông đã cùng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đi khảo sát giải đất sườn phía đông Tam Đảo để phát triển du lịch. Năm 2002 chúng tôi cùng ông khảo sát vùng đất xung quanh các đỉnh cao Phia Đén (1391m) ở Cao Bằng, các vùng núi cao ở Sơn La, Điện Biên để tư vấn cho tỉnh phát triển vùng sinh thái. Vào miền Nam, nhìn lũ đồng bằng sông Cửu Long, bên cành hoa Điên điển ông nói : “Đừng cực đoan, phải xem mùa nước nổi là tài nguyên, phải xem đẹp như là tuyết ở châu Âu, khoa học phải làm gì để mang lại nguồn lợi thiên nhiên này cho đất nước”. Nghe nói sắp tới bằng tiền riêng của mình ông sẽ trở lại miền đất 6 tỉnh này để tiếp tục phát triển ý tưởng của mình say mê ấp ủ bấy lâu nay.Người ta thích làm khoa học gắn với các dự án có kinh tế. Làm khoa học cơ bản phát triển nhũng ý tưởng mới thường vất vả và ít tiền. Nghĩ về ông tôi vẫn nhớ ca khúc mà ông thường hát lúc mệt nhọc “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Đẹp lắm thầy Minh ơi. Ở tuổi gần 70 này thầy vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết để say mê với những ý tưởng khoa học làm giàu cho Tổ quốc. Thầy là một tấm gương cho các thế hệ trẻ khoa học, cám ơn thầy đã đưa chúng tôi tiếp nối một đời người trong rừng cây khoa học làm đẹp, làm giàu cho đất nước”.
Nguồn: Tấm gương người làm khoa học. Tập 12. H – Hồng Đức, 2015. Trang 286 – 295.