Theo cách mạng, “kết duyên” với múa
Năm 12 tuổi, cậu bé Lê Ngọc Canh đi theo cách mạng, làm liên lạc cho các chiến sĩ cảm tử quân bảo vệ Thủ đô. Ông kể, hồi ấy các chú bộ đội bảo cậu bé này nhỏ người, vừa làm liên lạc vừa làm văn nghệ hát múa cho các chiến sĩ Thủ đô vui chiến đấu. Những động tác múa đầu tiên chính là các điệu múa của hướng đạo sinh, được các chú bộ đội chỉ dạy. “Các chú bộ đội chính là những người thầy đầu tiên trên con đường nghệ thuật của tôi, dẫn dắt tôi theo đuổi nghệ thuật múa cho đến ngày hôm nay”-NSND Lê Ngọc Canh nói trong ánh mắt lấp lánh niềm vui.
PGS, TS, NSND Lê Ngọc Canh. Ảnh: Nguyễn Đỗ
Thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp, là một diễn viên của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội), Lê Ngọc Canh cùng anh chị em nghệ sĩ đã sống, chiến đấu cùng đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Chính thời gian này, các điệu múa dân gian, mang bản sắc văn hóa của bà con dân tộc Thái, Tày, Mường…đã dần ngấm vào người nghệ sĩ Lê Ngọc Canh. Ban đầu là học của bà con, rồi về múa phục vụ bộ đội xem. Đến những năm sau chiến thắng “chấn động địa cầu”, trở về trong ngày vui giải phóng Thủ đô, Lê Ngọc Canh được theo học một lớp do chuyên gia người Triều Tiên giảng dạy. Khóa học kéo dài 20 tháng đã đem đến cho ông nền tảng cơ bản để có được những sáng tác kịch múa sau này. Ông tự mình sáng tác, tự biên đạo, tự diễn. Những điệu múa đầu tiên mà ông biên đạo và thể hiện là “Vui lá reo”, “Múa trồng bông dệt vải”, “Múa đào công sự”…
Tên tuổi của Lê Ngọc Canh thực sự nổi bật trong nghệ thuật và được công chúng biết đến, khi ông là một trong những biên đạo dàn dựng thành công vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”. Vở kịch múa 3 màn, 7 cảnh với đề tài cách mạng, mô tả phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh và sự liên minh công nông trong những năm 1930-1931, chống lại đế quốc Pháp và phong kiến. Vở diễn được công diễn đầu tiên vào tháng 9- 1960, không đếm nổi có bao nhiêu buổi diễn “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” phục vụ đông đảo nhân dân và chiến sĩ. Năm 1964, vở diễn được mang sang Trung Quốc biểu diễn. “Bác Hồ đã gửi thư thăm hỏi sức khỏe các nghệ sĩ, diễn viên văn công Tổng cục Chính trị. Đọc thư Bác cả đoàn òa khóc vì Bác bận như thế mà vẫn gửi thư cho anh em”-NSND Lê Ngọc Canh xúc động kể lại. Vở diễn “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” của tập thể biên đạo múa Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II, năm 2001.
Đóng góp lớn cho nghệ thuật múa dân tộc
Nói về người anh nghệ sĩ trong nghề, NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam khẳng định: “NSND Lê Ngọc Canh là một trong những biên đạo múa đầu tiên đưa đến cho chúng tôi những điệu múa, tác phẩm kịch múa. Ông là người anh, người nghệ sĩ lớn có những đóng góp quan trọng trong nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam”.
Múa rồng-một trong những điệu múa cổ Hà Nội trong đề án do NSND Lê Ngọc Canh sưu tầm, đã được phục dựng. Ảnh: Quang Hà
NSND Lê Ngọc Canh cũng là một trong những nghệ sĩ múa đầu tiên được đi tu nghiệp ở nước ngoài. Trong thời gian tu nghiệp tại Bun-ga-ri, tư duy khoa học đưa ông đi sâu vào nghiên cứu lý luận múa. Trở về nước, người nghệ sĩ tưởng chịu ảnh hưởng tư duy sâu sắc của múa phương Tây hiện đại, lại hướng về truyền thống cội nguồn dân tộc. Ông luôn tâm niệm, bất cứ sự suy chuyển nào của nghệ thuật đều không thể để mất đi cái gốc là văn hóa dân tộc. Tư tưởng ấy đã đi theo ông suốt chặng đường nghệ thuật, bởi như ông nói, từ lâu ông đã chọn hướng đi dân gian là hướng chủ đạo trong sự nghiệp của mình. Múa dân gian, tính cách tâm hồn dân tộc, văn hóa từng vùng, miền, tộc người, không bị lẫn lộn trong những tác phẩm múa cũng như công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật múa của NSND Lê Ngọc Canh. Để đi sâu vào lĩnh vực mà mình đam mê tâm huyết, NSND Lê Ngọc Canh đã lặn lội khắp mọi miền đất nước để tìm hiểu văn hóa dân gian, nơi đâu nghe có múa là có mặt Lê Ngọc Canh. Mọi người vẫn gọi ông là “người trên từng cây số”.
“Có lần tôi vào tận những bản làng xa xôi hẻo lánh, phải xắn quần móng lợn, lội bộ mấy cây số mới vào tới bản. Bù lại, những nghệ nhân mình gặp được, những điệu múa mình tìm thấy làm mình hạnh phúc đến trào nước mắt. Có những khi vào được đến bản thì trời đã tối, bà con phải đốt đuốc đi gọi nhau đến múa để tôi xem và ghi chép lại… Đến giờ tôi vẫn luôn tự nhắc nhở mình rằng, không được quên công ơn của các nghệ nhân dân gian, họ là “báu vật sống” của văn hóa dân tộc, không có họ thì không có những sáng tác, công trình nghệ thuật múa dân tộc của tôi ngày hôm nay”-NSND Lê Ngọc Canh chia sẻ.
Sau gần 40 năm gắn bó với Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, từ diễn viên múa đến biên đạo múa, mang quân hàm Trung tá, năm 1984 Lê Ngọc Canh chuyển sang công tác tại Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, NSND Lê Ngọc Canh dốc toàn tâm toàn ý cho các công trình nghiên cứu. Với niềm say mê ấy, ông cho ra đời những công trình khoa học, nghiên cứu chuyên sâu về múa dân gian. Nơi đây, ông đã khẳng định vai trò của một nhà nghiên cứu khoa học với học hàm Phó giáo sư và vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (giải cá nhân).
Vương Hà
Nguồn: www.qdnd.vn