Người mở lối phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm Việt Nam

Từ “hành trang” về thanh học tại Tiệp Khắc

Bác sĩ Phạm Kim gắn bó và được GS Trần Hữu Tước[1] dìu dắt từ những ngày đầu xây dựng Bệnh khoa Tai Mũi Họng ở Việt Bắc (1953). Mang tâm hồn nghệ sĩ, BS Phạm Kim yêu thích âm nhạc, quan tâm đến giọng ca của các ca sỹ nên được chọn cử vào Tổ Nghiên cứu y học nghệ thuật của Bộ Văn hóa (năm 1964). Thành viên Tổ nghiên cứu đã từng kiểm tra, đo âm vực xếp loại giọng hát, tiến hành cắt amidan, phổ biến cách chăm sóc giọng cho các ca sĩ. Nhiều ca sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như Tân Nhân, Vũ Dậu…đều do BS Phạm Kim trực tiếp đo âm vực giọng hát. Chính vì vậy, sau Đại hội ngành Tai Mũi Họng(1964), BS Phạm Kim được GS Trần Hữu Tước tin tưởng giao phụ trách phân khoa Thanh học. 

Với cương vị Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, kiêm Chủ nhiệm khoa Tai Mũi Họng, GS Trần Hữu Tước rất chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ chuyên khoa có trình độ cao, bằng cách cử ra nước ngoài học tập. Năm 1966, Bác sĩ Phạm Kim được cử sang Tiệp Khắc thực tập,với bản đề cương nghiên cứu về Ảnh hưởng của các phẫu thuật thanh quản bán phần đến giọng nói. Theo gợi ý của GS Trần Hữu Tước, BS Phạm Kim chuẩn bị thêm kế hoạch tìm hiểu Các vấn đề về trẻ điếc câm và cách chăm sóc giọng hát cho các ca sĩ.

Tháng 9-1967, sau khi kết thúc khóa học ngoại ngữ ở Hamr na Jezere,Tiệp Khắc, BS Phạm Kim được phân về thực tập tại Bệnh viện trường Đại học Olomouc nằm ở phía đông Tiệp Khắc dưới sự hướng dẫn của GS Jan Chvojka. Bằng sự cần cù và kinh nghiệm nhiều năm làm việc cùng GS Trần Hữu Tước, BS Phạm Kim nhanh chóng được GS Jan Chvojka chú ý và đặc biệt quan tâm. Ông thường được cùng GS Chvojka đi khám tại các buồng bệnh mỗi buổi sáng, cũng như luôn có mặt mỗi khi có ca cấp cứu bệnh nhân để quan sát, học hỏi. Ở Olomouc các thực tập sinh chỉ được phụ mổ và quan sát bác sĩ phẫu thuật, nhưng Phạm Kim là trường hợp ngoại lệ. Một lần BS Phạm Kim cùng nhiều thực tập sinh quan sát GS Jan Chvojka cấp cứu một bệnh nhân bị hóc, đây là ca cấp cứu khó, một hồi lâu nhưng GS Jan Chvojka vẫn chưa gắp được dị vật trong thực quản của bệnh nhân, khuôn mặt ông lộ rõ sự căng thẳng. Với kinh nghiệm nhiều lần cấp cứu hóc xương ở Việt Nam, nhất là vào những dịp tết, BS Phạm Kim mạnh dạn xin phép thầy được xử lý trường hợp này. Sau khi kiểm tra phát hiện niêm mạc thực quản bị phù nề không nhìn rõ dị vật, ông liền sử dụng thuốc co mạch  đặt vào thực quản bệnh nhân. Sau khi thuốc phát huy tác dụng, ông nhìn rõ dị vật là hàm răng giả có móc sắt ở 2 đầu. Nếu gắp kéo dị vật lên ngay sẽ gây thương tổn cho thực quản, ông khéo léo xoay hàm răng giả theo chiều dọc ống thực quản và nhẹ nhàng kéo dần lên. Khi dị vật đã được đưa lên gần hết ống thực quản, BS Phạm Kim dừng lại rồi chuyển cho thầy hướng dẫn thực hiện tiếp với lý do rất tế nhị: “trường hợp này khó quá, không thể xử lý tiếp”. GS Chvojka quan sát các thao tác biết rằng Phạm Kim đã xử lý thành công ca cấp cứu nhưng ông vẫn tiếp tục ca bệnh theo đề nghị của học trò. Từ đó Giáo sư càng quý mến, tin tưởng trình độ của BS Phạm Kim và cho phép học trò thực hiện một số ca phẫu thuật dưới sự hướng dẫn của ông. Vậy là sau hơn 1 năm kể từ khi sang Tiệp Khắc thực tập, BS Phạm Kim được trực tiếp cầm dao mổ. Ca phẫu thuật đầu tiên của BS Phạm Kim tại Tiệp Khắc là cắt amidan. Ở Việt Nam ông đã thực hiện thủ thuật này hàng trăm lần, nhưng được thực hiện ở Tiệp Khắc lại là sự kiện rất có ý nghĩa. Bởi đó là sự ghi nhận của GS Chvojka cũng như các đồng nghiệp tại Bệnh viện trường Đại học Olomouc. Dù chưa quen với các dụng cụ mổ của Tiệp nhưng ông đã thực hiện thành công ca phẫu thuật. 

Sau thành công của ca phẫu thuật amidan, BS Phạm Kim được thực hiện những ca phẫu thuật khó hơn như mổ nạo vét hạch cổ, mổ nạo xoang hàm. Đặc biệt, ông được thực hiện ca phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần đầu tiên. Không chỉ thực hiện tốt các ca phẫu thuật, BS Phạm Kim còn gây bất ngờ với các bác sĩ và đồng nghiệp khi vận dụng phương pháp dạy nói bằng giọng thực quản cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Đó là phương pháp nuốt và giữ hơi ở dạ dày sau đó ợ hơi ra và nói qua miệng thực quản, người bệnh sử dụng miệng thực quản như dây thanh để phát âm. Nhận thấy năng lực chuyên môn và kiến thức của BS Phạm Kim hoàn toàn có thể làm luận án phó tiến sĩ, GS Chvojka đề xuất để BS Phạm Kim chuyển  sang chế độ nghiên cứu sinh. Tháng 7-1968, BS Phạm Kim nhận được quyết định chuyển sang chế độ nghiên cứu sinh nhưng không lâu sau đó GS Chvojka phải chuyển đơn vị công tác không thể tiếp tục hướng dẫn học trò. Trước khi rời trường Đại học Olomouc, GS Chvojka đã giới thiệu Phạm Kim đến Viện Thanh học ở Praha gặp GS Seeman để xin hướng dẫn.

Sự chuyển đổi vị trí công tác của GS Chvojka ảnh hưởng rất lớn đến chương trình nghiên cứu sinh của BS Phạm Kim. Trước đó ông cùng thầy hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện luận án: năm đầu xem và thực tập nhiều kiểu phẫu thuật thanh quản toàn phần và bán phần, hai năm tiếp theo sẽ thu thập, phân tích các tiêu bản ghi âm lời nói của những ca tiêu biểu ngay sau khi ổn định vết mổ và 3 tháng huấn luyện phục hồi chức năng, để đánh giá từng loại phẫu thuật riêng đối với chức năng ngôn ngữ. Nhưng khi chuyển sang Viện Thanh học thì kế hoạch này không còn khả thi. Nhận thấy thính lực lời được sử dụng rộng rãi và thường xuyên trong thực hành chuyên khoa Tai Mũi Họng ở các nước trên thế giới. Tùy vào đặc điểm ngôn ngữ của từng nước, người ta xây dựng các bảng từ thử và bảng câu thử thính lực lời khác nhau. Vì vậy BS Phạm Kim đề xuất và được GS Seeman đồng ý cho ông thực hiện đề tài về một Bảng từ thử cho đo thính học bằng lời nói tiếng Việt. Dù phải bắt đầu lại từ đầu nhưng với tinh thần và quyết tâm cao, BS Phạm Kim dần giải quyết được những vấn đề khó. Ông theo học lớp học bổ túc về thanh học cho bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng toàn quốc, mở tại Praha nhằm bổ sung kiến thức làm luận án.Tuy nhiên, khi công việc đang trôi chảy thì GS Seeman bị tai biến mạch máu não phải nằm viện điều trị, dù sau đó ông trở lại làm việc nhưng sức khỏe đã giảm sút nhiều. Đầu tháng 5-1970, GS Seeman bị tai biến lần thứ 2 phải nhập viện và chính thức không thể hướng dẫn luận án cho BS Phạm Kim. Dù khá buồn vì không thể hoàn thành luận án, trong  khi thời gian học tập tại Tiệp Khắc đã gần hết nhưng BS Phạm Kim vẫn kịp chuyển sang kế hoạch B – tham quan, thực tập tại các trường và cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm ở Praha.

Trong thời gian 5 tháng còn lại trước khi về nước, BS Phạm Kim lên kế hoạch thực tập dày đặc tại các trường, cơ sở uy tín nhất của Tiệp Khắc về phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm. Đó là trường dạy trẻ có tật về ngôn ngữ ở Kbysílý với đối tượng là trẻ ngọng, nhịu, lắp nhưng có thính lực và IQ bình thường; các trường dành cho trẻ nghễnh ngãng ở Jecná Ulice Praha; trường dành cho trẻ còn một phần thính giác ở Randlicich Praha; trường ở Holecková, Praha dạy trẻ điếc đặc (điếc câm) chủ yếu dạy bằng ngôn ngữ ký tự. Tháng 10-1970, BS Phạm Kim về nước sau khi kết thúc thời gian tu nghiệp ở Tiệp Khắc mà không hoàn thành luận án phó tiến sĩ thanh học, nhưng trong hành trang của ông đã có thêm nhiều kiến thức phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm.

Đến chuyên gia phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm ở Việt Nam

Về nước, BS Phạm Kim công tác ở Viện Tai Mũi Họng Trung ương, đúng thời điểm vấn đề phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm ở Việt Nam được quan tâm. Năm 1971, các tổ chức quốc tế như Liên đoàn Quốc tế Bảo vệ trẻ em (UIPE) và Hiệp hội L'Appel de Paris viện trợ một số máy móc, thiết bị giúp Việt Nam xây dựng 10 trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm. Để nhận được hết số viện trợ này, Việt Nam phải có chương trình nghiên cứu về trẻ điếc câm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm.

Bác sĩ Phạm Kim (thứ 3, từ trái) dạy trẻ câm điếc cấu âm qua hệ thống khuếch đại tập thể của máy B29, năm 1972

Năm 1966, Hội đồng Chính phủ đã ban hành thông tư số 202/Cp về chính sách đối với người già, trẻ mồ côi không nơi nương tựa và những người tàn tật. Bộ Nội vụ (nay là Bộ Lao động – Thương binh xã hội) có thông tư 08/NV, 09/NV hướng dẫn thi hành chính sách nói trên. Trong đó quy định người điếc – câm thuộc đối tượng  được hưởng chính sách, đồng thời đề ra nhiệm vụ cần nghiên cứu tổ chức các trường dạy văn hóa và dạy nghề cho những người tàn tật trẻ tuổi còn sức khỏe. Bộ Giáo dục đã cử một số cán bộ sang Liên Xô đào tạo về tật học nhưng số lượng được đào tạo về trẻ điếc câm khá ít.

Tháng 7-1971, lần đầu tiên, Viện Tai Mũi Họng tổ chức buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề “Trẻ điếc – câm”, với sự tham gia của những người làm công tác khoa học thuộc ngành y tế, giáo dục, ngôn ngữ…, đã phân tích thực trạng vấn đề trẻ điếc câm ở Việt Nam. Sau buổi sinh hoạt đó, GS Trần Hữu Tước giao cho BS Phạm Kim nhiệm vụ nghiên cứu vấn đề trẻ điếc câm ở Việt Nam và tin tưởng người học trò thân cận sẽ hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, bởi BS Phạm Kim đã tiếp cận được một số vấn đề cơ bản về trẻ điếc câm sau chuyến thực tập ở Tiệp Khắc. Mặt khác BS Phạm Kim thành thạo tiếng Pháp sẽ thuận lợi trong quá trình làm việc với các tổ chức quốc tế. Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, BS Phạm Kim nghiên cứu các tiêu chuẩn trên thế giới rồi phối hợp với các địa phương tổ chức điều tra để có số liệu về trẻ điếc câm ở Việt Nam; tham khảo kết quả điều tra trực tiếp tại khoa Điếc trẻ em (Viện Tai Mũi Họng Trung ương) thông qua khám bệnh cho đối tượng trẻ em đến khám thường nhật; tìm hiểu, nghiên cứu các nguyên nhân gây điếc với những trường hợp cụ thể… Sau đó, là bước tổ chức các lớp huấn luyện, phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm. Trong quá trình xây dựng, phát triển lĩnh vực phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm, BS Phạm Kim nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ Y tế, Viện Ngôn ngữ, Viện Khoa học giáo dục, trường Đại học Tổng hợp và nhiều đơn vị khác với những cá nhân như Nguyễn Quý Hưng, Lý Toàn Thắng, Đoàn Thiện Thuật… Năm 1971-1974, BS Phạm Kim đã phối hợp với ông Đoàn Thiện Thuật thực hiện đề tài “Nghiên cứu ngôn ngữ trẻ em” để xây dựng những mức chuẩn (norme) của Việt Nam trong quá trình phát triển của trẻ  từ 0 đến 3 tuổi về sinh lý, tâm lý, trong đó có ngôn ngữ. Qua đó sắp xếp hệ thống ngữ âm từ dễ đến khó trong giáo trình giảng dạy.

Những nghiên cứu của BS Phạm Kim cùng đồng nghiệp bước đầu đạt kết quả. Đó là sự ra đời của lớp thí điểm phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm đầu tiên được thành lập ở Viện Tai Mũi Họng đầu năm 1972, sau đó là trường dạy trẻ câm điếc Hà Nội (nay là trường PTCS Xã Đàn) cùng hàng loạt trung tâm phục hồi chức năng ở các địa phương được thành lập. Những kết quả nghiên cứu cùng kinh nghiệm trong phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm cũng lần lượt được BS Phạm Kim công bố trên các báo, tạp chí như báo Nhân dân, Tạp chí Y học thực hành, Nội san Tai Mũi Họng với tần suất ngày càng nhiều. Điều đó khẳng định những kết quả trong công tác phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm của BS Phạm Kim và cộng sự ngày một lớn. Nhà báo Quang Phùng đã nhận xét trên Báo ảnh Việt Nam số 270, 6-1981 như sau: Ngoài việc chữa bệnh theo chức năng chuyên khoa của mình, Viện Tai Mũi Họng Trung ương đã có nhiều đóng góp đáng kể trong việc chăm sóc người tàn tật. Riêng BS Phạm Kim, Phó viện trưởng đã thành công trong 26 công trình khoa học phục hồi chức năng nghe và nói cho trẻ điếc câm. Anh là người đỡ đầu trực tiếp cho học sinh trường điếc câm Hà Nội từ nhiều năm nay.

Sau 10 năm nghiên cứu vấn đề trẻ điếc trên góc độ y học và tham gia với các ngành liên quan trên bình diện xã hội, giáo dục, đứng trên quan điểm y tế, BS Phạm Kim cùng đồng nghiệp đã đề xuất các phương pháp phục hồi chức năng sớm cho trẻ điếc. Vấn đề này được ông tổng hợp trong cuốn sách Những vấn đề phục hồi chức năng cho người điếc được Nhà xuất bản Y học xuất bản năm 1984. Cuốn sách có giá trị về mặt khoa học được GS Trần Hữu Tước đánh giá là góp phần tích cực vào sự nghiệp bước đầu của phục hồi chức năng nghe hiện nay ở nước ta cho các cháu nhỏ và có giá trị lý luận và thực tiễn vững chắc đã giúp cho gần 20 trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ điếc hiện nay có một kết quả đáng khích lệ. 

Không phụ sự tin tưởng và tấm lòng của người thầy – GS Trần Hữu Tước khi lựa chọn ông là người mở lối trong lĩnh vực phục hồi chức năng cho trẻ điếc câm, BS Phạm Kim đã hết lòng cống hiến vì các em nhỏ bị thiệt thòi. Ông trở thành chuyên gia hàng đầu trong trong lĩnh vực này, dù đó chỉ là “phương án B” của chuyến thực tập về thanh học ở Tiệp Khắc.

Lê Nhật Minh

____________________

* PGS Phạm Kim, chuyên ngành Tai Mũi Họng, nguyên Phó viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Việt Nam (1974-1983).

[1] GS.TS Trần Hữu Tước (1913-1983), Viện trưởng đầu tiên của Viện Tai Mũi Họng Trung ương.