Người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Sinh năm 1928 trong một gia đình công chức thời Pháp thuộc, học trong trường nữ sinh Đồng Khánh (Hà Nội) do người Pháp mở ra, nhưng Nguyễn Thị Ban sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong Mặt trận Việt Minh và Đoàn Phụ nữ cứu quốc (tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) từ năm 1944. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, bà lại xung phong làm nữ cứu thương trong trung đội tự vệ phố Duy Tân, tham gia cuộc chiến 60 ngày đêm giam chân địch tại Hà Nội, vượt qua bom đạn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

PGS Nguyễn Thị Ban trong buổi làm việc với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 26-2-2019

PGS Nguyễn Thị Ban trong buổi làm việc với nghiên cứu viên

 Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, 26-2-2019

Hoàn thành chương trình phổ thông năm 1949, bà lại xung phong nhập ngũ, vào phục vụ chiến trường, nhận bất kỳ công việc nào để cống hiến cho đất nước. Từ y tá tòa báo Quân Chính (thuộc Bộ Tổng Tham mưu), bà vào học trường Đại học Quân dược, được phân công làm Trưởng ban Thuốc tiêm, Phó ban Dược chính (Cục Quân y), tham gia cùng đồng nghiệp sản xuất thuốc phục vụ cho bộ đội. Khó khăn vất vả là thế nhưng trong tâm trí người phụ nữ trẻ ấy chưa từng có ý nghĩ nản chí, bỏ cuộc.

Năm 1958, khi về công tác tại Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương I, Nguyễn Thị Ban mang quân hàm Đại úy, lại tiếp tục gánh vác trách nhiệm sản xuất thuốc để phục vụ chiến trường miền Nam. Khắc phục hoàn cảnh gia đình khó khăn và sức khỏe yếu, bà đã trực tiếp tham gia chủ trì nhiều hoạt động nghiên cứu, điển hình là việc cải tiến quy trình sản xuất các loại thuốc như Philatop, thuốc tiêm Vitamin C, thuốc tiêm Novocain…

Suốt những năm tháng ở Xí nghiệp, nhất là khi đã đảm nhận vai trò lãnh đạo, mặc dù bận rộn với công việc nhưng PGS Nguyễn Thị Ban vẫn chú trọng việc nuôi dạy con cái thành tài, thu vén gia đình để chồng (Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội) yên tâm công tác.

Ở tuổi 91, bà vẫn cập nhật thông tin Dược học hàng ngày, vui vẻ với cuộc sống và chia sẻ những kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe với những người xung quanh. Chính vì thế bà được nhiều người quý trọng, coi như hình mẫu người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Phạm Ngọc Hải

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam