Người “quyết đem thân phò nghĩa cả”

Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai Ảnh: Tư liệu

Nghĩ đến GS Hoàng Như Mai là nghĩ đến một trong dăm bảy học giả cao niên, khả kính của giới nghiên cứu văn hóa, văn học nước ta hiện nay. Cũng như các GS Trần Văn Giàu, Nguyễn Lương Ngọc, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn…, ông là mẫu hình tiêu biểu cho sự gắn bó giữa bục giảng với bàn viết trong suốt 2/3 thế kỷ.

Bất chấp gian khổ, thách thức

Thầy Hoàng Như Mai bắt đầu tham gia giảng dạy từ năm 1943 ở Trường Trung học tư thục Đông Hải (Hải Dương). Việc nhận lên lớp rất tình cờ và có phần ngẫu hứng thể theo lời mời của một người bạn. Tưởng rằng việc này chỉ mang tính nhất thời, không ngờ đó là cái duyên khiến thầy gắn bó với nghề cao quý này cả một đời người.

Đất nước ta từ những năm 1940 trở đi có biết bao biến động dữ dội. Cũng như nhiều nhà trí thức chân chính khác, GS Hoàng Như Mai – xuất thân trong một gia đình quan lại cao cấp – đã đứng vững, vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của tình thế. Đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, được Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Bình giao làm hiệu trưởng Trường Trung học Phan Thanh, thầy đã cùng các giáo sư, văn nghệ sĩ nổi tiếng bình tĩnh giảng dạy trong vòng vây ngày càng thắt chặt của giặc Pháp. Năm 1950, công cuộc kháng chiến còn rất khó khăn, thầy đã cùng đồng nghiệp chấp nhận cảnh ăn đói mặc rét, xây dựng thành công một trong vài cỗ máy cái của ngành giáo dục lúc đó: Trường Sư phạm Việt Bắc.

Cứ thế, bất chấp mọi gian khổ, thách thức, thầy đã lần lượt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình – khi trên bục giảng, lúc trong cương vị lãnh đạo – ở Trường Sư phạm trung cấp Trung ương, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (sau tách ra là Trường ĐH KHXH-NV). Non 20 năm trước khi tạ thế (tháng 9.2013), thầy chủ yếu đóng góp vào việc đào tạo bậc sau ĐH và nhận chức trách hiệu trưởng Trường Trương Vĩnh Ký, một trường trung học tư thục lớn của TP.HCM.

Còn nhớ, cuối tháng 8.2004, hơn 20 thạc sĩ, tiến sĩ được GS Hoàng Như Mai hướng dẫn làm luận án đã đội mưa đến họp mặt mừng thầy tròn 85 xuân. Nhìn lại chặng đường dài hơn 6 thập kỷ qua, biết bao người được học thầy đã trở thành những trí thức chân chính, hữu dụng. Không ít người đã vĩnh viễn nằm xuống trên các chiến trường ác liệt trong suốt 30 năm chiến tranh. Nhiều người đang là nhà khoa học hàng đầu của các chuyên ngành KHXH-NV nước ta. Tất nhiên, đây là công sức đào tạo của một tập thể giáo sư nhưng phần cống hiến của riêng thầy quả không nhỏ.

Nhân hậu, thủy chung

Là thế hệ hậu sinh, nghĩ về GS Hoàng Như Mai cũng như một số vị bậc thầy khác, tôi hay vẩn vơ tự hỏi: Động lực nào đã khiến họ có thể chủ động và vững vàng tiến bước trên đường đời và đường khoa học có không ít gian truân? Riêng về GS Hoàng Như Mai, tôi thấy có 3 phương diện đáng chú ý.

Thứ nhất, đó là lý tưởng sống rất rạch ròi, như thầy đã tâm sự khi lại tạm biệt thủ đô, cùng đồng nghiệp và sinh viên Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên vùng núi rừng heo hút Thái Nguyên năm 1966: “Hai mươi năm trước dân không nước/ Hai chục năm sau biết có mình? / Đã quyết đem thân phò nghĩa cả/ Niềm riêng chạnh nghĩ luống buồn tênh”.

Là con dân Việt Nam ai mà chẳng yêu nước nhưng đặc biệt, với những người từng chịu đựng cảnh ngộ “dân không nước”, lòng yêu nước ấy sâu sắc lắm. Một khi đã được hít thở trong bầu khí quyển độc lập, họ quyết không chấp nhận lại mang cái nhục mất nước. Chính vì thế, cái “niềm riêng” nếu “chạnh nghĩ” đến có thể vẫn làm nhà trí thức này buồn – chúng ta tôn trọng nỗi buồn sâu kín nào đấy của thầy – nhưng thái độ sống của ông thật dứt khoát: “Đã quyết đem thân phò nghĩa cả”.

Thứ hai, tôi nghĩ đến bản chất nhân hậu của GS Hoàng Như Mai. Sự vô cảm, lạnh lùng – chứ đừng nói đến cái ác – hoàn toàn xa lạ đối với thầy. Trong các mối quan hệ, đặc biệt với bè bạn và học trò, thầy luôn đối xử rất có tình. Nhân hậu cũng là đặc điểm nổi bật trong rất nhiều trang viết của thầy. Vì vậy, các thế hệ học trò phục thầy về tài năng nhưng quan trọng hơn, họ quý trọng ông về đức độ.

Thứ ba, thầy rất có ý thức bảo đảm cân đối 2 hoạt động dạy và viết. Hơn 60 năm đứng trên bục giảng cũng là chặng đường dài thầy gắn bó với bàn viết. Chỉ có điều, khác với nhiều đồng nghiệp, GS Hoàng Như Mai không chỉ viết nghiên cứu phê bình mà còn làm thơ, viết kịch, dựng chân dung nhân vật, viết hồi ký và cả truyện cho thiếu nhi.

Hai con người nghiên cứu và sáng tác lẽ ra khá tách bạch, rạch ròi nhưng ở ông lại có sự hòa hợp, bổ sung, tác động đến nhau một cách tích cực. Nhiều bài thơ, kịch bản của thầy ẩn chứa một chiều sâu văn hóa, một tầm suy tư triết lý. Ngược lại, nhiều bài nghiên cứu văn hóa, văn học của thầy vẫn bảo đảm sự sắc sảo, già dặn của tư duy luận lý, đồng thời lại thể hiện tính ngẫu hứng, phóng khoáng, không hàn lâm kinh viện.

Có thể xem hệ thống những bài viết về các nhà khoa học lớn, nhà giáo dục nổi tiếng và văn nghệ sĩ tiêu biểu của thầy là vùng giao thoa của 2 lĩnh vực nghiên cứu và sáng tác. Hơn đâu hết, mảng bài này thể hiện đầy đủ hơn cả tấm lòng của tác giả – một tấm lòng nhân hậu, tình nghĩa thủy chung.

Công trình đột phá, mở đầu

Công trình quy mô dày dặn hơn cả của GS Hoàng Như Mai là tập giáo trình “Văn học Việt Nam hiện đại” (1945-1960). Sách được NXB Giáo dục in năm 1961, chủ yếu phục vụ việc dạy và học cho các khoa ngữ văn ở ĐH. Nghiên cứu một cách hệ thống về 15 năm văn học đương đại (nếu căn cứ vào thời điểm xuất bản) là một hoạt động khoa học cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn cao nhưng quả là không đơn giản, nhất là với tư cách một công trình đột phá, mở đầu.

 

Trần Hữu Tá/ Người lao động

Nguồn:motthegioi.vn/tieu-diem/nguoi-quyet-dem-than-pho-nghia-ca-257914.html