“Người rẽ rào đầu tiên” trong ngành Dược

Từ những thành công trong việc tìm ra cây vàng đắng, chiết xuất để sản xuất thuốc becberin tại Học viện Quân y (1975), được sự đồng ý của GS Đỗ Xuân Hợp[1], DS Nguyễn Liêm đã lựa chọn cây vàng đắng để thực hiện đề tài luận án Phó tiến sĩ của mình từ năm 1978. Nhờ những kết quả nghiên cứu đã có, chỉ mất một thời gian ngắn, DS Nguyễn Liêm đã viết xong 4 chương của luận án với 200 trang. Luận án được bảo vệ thử tại trường Đại học Dược Hà Nội, nhưng được hội đồng nhận xét: Bản báo cáo của luận án rộng nhưng hời hợt, nên loại bỏ bớt, chỉ nên nghiên cứu sâu về mảng thực vật và hóa học của cây vàng đắng. Đến năm 1982, ông đã hoàn thành đề tài luận án Góp phần nghiên cứu về thực vật và hóa học của cây vàng đắng và bảo vệ chính thức tại Học viện Quân y.

DS Nguyễn Liêm trong buổi bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ

Nhớ lại ngày bảo vệ thành công luận án, GS Liêm không khỏi tự hào. “Tôi là người đầu tiên làm luận án Phó Tiến sĩ trong nước chuyên khoa Dược liệu theo quyết định của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đưa về Học viện Quân y. Việc bảo vệ thành công luận án của tôi như là người “rẽ rào” đầu tiên. Mà tôi rẽ rào rồi qua được vì làm một cách bài bản, thứ nữa là tôi làm đúng phạm vi dược liệu, không lấn sân “nhảy” sang thực vật hoặc điều trị chữa bệnh…”- GS Nguyễn Liêm chia sẻ.

Cũng trong buổi làm việc, ông đã tặng bản luận án Phó Tiến sĩ cùng các giấy tờ cá nhân và ảnh tư liệu trong quá trình công tác của mình cho Trung tâm lưu giữ.

 

Hoàng Thị Liêm

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

————–

[1] Khi đó là Giám đốc Học viện Quân y.