Trước đó, tôi biết PGS Phạm Hoàng Hiệp khi anh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2011. Anh cũng là người trẻ nhất Việt Nam được phong PGS năm 2011, khi mới 29 tuổi.
Những thành công nối tiếp
Tạ Quang Bửu là giải thưởng thường niên tôn vinh các nhà khoa học có thành tích nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của giới khoa học Việt Nam.
Với công trình viết chung cùng Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Giáo sư Jean-Pierre Demailly mang tên “A sharp lower bound for the log canonical threshold” (Một đánh giá tốt nhất có thể của ngưỡng chính tắc) đăng trên tạp chí Acta Mathematica số 212, tập 1, năm 2014, PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp đã giành giải thưởng nhà khoa học trẻ duy nhất của giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015.
Người si mê Toán – ảnh 1 PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp giao lưu “thu hút nhà khoa học trẻ, cách nào?” của báo Tiền Phong.
GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu nói: “Đây là lần đầu tiên một nhà toán học Việt Nam ở trong nước có bài đăng trên tạp chí Acta Mathematica – tạp chí được xếp hạng cao nhất theo chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn nằm trong danh mục 302 tạp chí ngành toán lý thuyết của cơ sở dữ liệu ISI.
Công trình này được viết chung với nhà toán học hàng đầu của thế giới. Theo thư ủng hộ của vị GS này thì PGS Phạm Hoàng Hiệp là người đề xuất vấn đề nghiên cứu và đưa ra ý tưởng chính để giải quyết vấn đề, đồng thời là người đóng vai trò chủ chốt trong việc viết bài. Công trình này đưa ra một ước lượng tốt nhất cho một chỉ số quan trọng trong Hình học, có thể giúp giải quyết giả thuyết Guedj và Rashkovskii đang được nhiều nhà toán học hàng đầu thế giới quan tâm nghiên cứu”. PGS Phạm Hoàng Hiệp cho rằng, đây là một trong năm kết quả nghiên cứu mà anh ưng ý nhất từ trước đến nay.
Cùng với giải thưởng Tạ Quang Bửu, năm 2015, PGS Phạm Hoàng Hiệp cũng nằm trong danh sách 70 gương mặt nhà khoa học trẻ tiêu biểu gặp mặt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 9. Tài liệu BTC gửi cho phóng viên có phần giới thiệu về Phạm Hoàng Hiệp: “Đã công bố 34 bài báo khoa học trên các tạp chí Toán học quốc tế, trong đó có 30 bài trong danh mục ISI.
Các giải thưởng khoa học gồm: Giải thưởng khoa học Viện Toán học năm 2013, Giải thưởng khoa học Công nghệ trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2013, Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa trẻ năm 2015. Các hội nghị Toán học đã tham gia đọc bài giảng như: Hội nghị Toán học Việt Pháp tại Huế; Hội nghị Toán học Quốc tế “Analytical aspects of the dbar equation” tại Đại học Nagoya, Nhật Bản; Hội nghị Toán học Quốc tế “2015 Seoul Workshop on Complex Geometry and Analysis” tại Đại học Seoul National University, Hàn Quốc.
“Được cống hiến cho Tổ quốc mình, sống cạnh người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng phong tục tập quán quen thuộc là điều tuyệt vời nhất”
PGS Phạm Hoàng Hiệp
Tại buổi giao lưu Thu hút nhà khoa học trẻ, cách nào? do báo Tiền Phong tổ chức tháng 8/2015, có độc giả hỏi Phạm Hoàng Hiệp “điều gì giúp anh đạt được những thành công khi tuổi đời còn trẻ?”. Phạm Hoàng Hiệp nói, bất cứ một vấn đề gì để có thành công phải có đam mê, nhiệt huyết về vấn đề đó. Khoa học còn yêu cầu chúng ta phải tập trung tư duy và sự kiên trì, nhẫn nại. Chúng ta cố gắng giải quyết các vấn đề khoa học đơn giản trước để tạo sự hứng thú, niềm đam mê tiếp tục giải quyết các vấn đề khoa học phức tạp.
Anh kể thêm, lúc bắt đầu nghiên cứu đã nhận được quan tâm, giúp đỡ, động viên của GS Nguyễn Văn Khuê và trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi trước đây anh công tác. Sau đó, anh đọc một số bài báo của GS Urban Cegrell và bắt đầu nghiên cứu về phương trình Monge-Ampere, cố gắng giải quyết một số câu hỏi mở trong lĩnh vực này. Lược đồ giải quyết câu hỏi mở đã đúng hướng nhưng có một số vấn đề kỹ thuật rất khó khăn để vượt qua. Sau một thời gian dài thì những vấn đề kỹ thuật mới được giải quyết. “Nghiên cứu cần sự nhẫn nại và kiên trì là thế”, anh Hiệp nói.
Người si mê Toán – ảnh 2 PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp (thứ ba, phải sang) nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Muốn cống hiến nhiều hơn cho toán học Việt Nam
Cũng tại buổi giao lưu tại báo Tiền Phong, độc giả hỏi PGS Phạm Hoàng Hiệp: “Tại sao anh lại chọn con đường nghiên cứu khoa học cơ bản – con đường mà ngày càng nhiều người giỏi từ bỏ vì những khó khăn, vất vả và rủi ro?”.
Phạm Hoàng Hiệp say mê trả lời: “Như chúng ta đã biết, khoa học cơ bản là rất quan trọng giúp nâng tầm hiểu biết của con người về thế giới vật chất khách quan cũng như giúp con người có những định hướng phát triển trong tương lai. Trong lịch sử của con người, khoa học cơ bản và ứng dụng đã đồng thời phát triển, là động lực của nhau, cùng hỗ trợ lẫn nhau.
Trong Toán học, có bài toán đơn giản là tìm một hình với chu vi cho trước, mà có diện tích lớn nhất. Câu trả lời đó là hình tròn. Như vậy, một ống nước thiết kế hình tròn là tiết kiệm vật liệu nhất. Trong các tính toán chịu lực của các công trình xây dựng không thể thiếu các công thức Toán học. Chuyển động của cánh tay rôbốt được mô tả bằng các phương trình lượng giác.
Trong lĩnh vực tin học thì toán học xuất hiện rất nhiều dưới dạng các thuật toán như bức ảnh được đồng nhất với một ma trận pixel, … Như vậy, Toán học cùng với các lĩnh vực khoa học cơ bản khác đã giúp chúng ta hiểu và tìm ra những quy luật về thế giới vật chất để từ đó tìm ra những ứng dụng trong cuộc sống”.
Nói về tình yêu toán học bất tận, PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp kể, năm lớp 9 khi tình cờ đọc một cuốn sách về số học mà bố anh mua cho từ trước đó rất lâu, anh bắt đầu thích toán học và nuôi mơ ước đi thi toán quốc tế.
Cậu học sinh khi ấy say sưa tìm giải các đề thi toán trong tạp chí Toán học và Tuổi trẻ. Mặc dù không thực hiện được ước mơ thi toán quốc tế (Hiệp chỉ đoạt giải ở các cuộc thi toán của tỉnh Hải Dương) nhưng theo anh, đó chính là những năm tháng đã rèn luyện cho anh cách tự học, đọc sách, và suy nghĩ giải quyết vấn đề. Thi vào học Khoa Toán, ĐHSP Hà Nội, Phạm Hoàng Hiệp ở lại trường giảng dạy, bắt đầu nghiên cứu. Sau đó nhận học vị Tiến sĩ Toán học tại ĐH Umea, Thụy Điển. Năm 2013, Nhận học vị Tiến sĩ khoa học tại ĐH Aix-Marseille, Pháp.
Tình yêu với toán học không chỉ dừng lại ở tự mình đam mê nghiên cứu, PGS Phạm Hoàng Hiệp còn muốn truyền lửa đó cho cậu con trai của mình. Người cha yêu Toán đã sớm nghĩ đến việc biên soạn cho con trai 6 tuổi và các bé cùng tuổi ở Việt Nam một bộ sách giáo khoa Toán trực quan, sâu sắc.
Một điều đáng quý là khi nhiều bạn bè, đồng nghiệp của PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp chọn ở lại nước ngoài, nơi có điều kiện sống, nghiên cứu tốt hơn nhiều, Phạm Hoàng Hiệp chọn con đường về nước. “Được cống hiến cho Tổ quốc mình, sống bên cạnh người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng phong tục tập quán quen thuộc là điều tuyệt vời nhất”, anh nói.
PGS Phạm Hoàng Hiệp cũng có nhiều trăn trở với các bạn trẻ. “Chúng ta cần phải học tập, trau dồi ngoại ngữ để có thể tiếp cận các kiến thức khoa học của cộng đồng quốc tế để từ đó tiếp thu kho tàng tri thức của thế giới. Trong quá trình học tập, nghiên cứu, chúng ta nên thường xuyên tham gia các seminar khoa học để cùng nhau trao đổi những kiến thức mới. Chúng ta chủ động, tích cực tự đọc tài liệu khoa học nắm vững những kết quả quan trọng, đồng thời cập nhật những kết quả nghiên cứu mới trên thế giới, trau dồi khả năng ngoại ngữ để khi có cơ hội chúng ta có thể phát huy được hết khả năng của mình”, anh nói trong buổi giao lưu Thu hút nhà khoa học trẻ, cách nào? của báo Tiền Phong.
Hiện tại, PGS Phạm Hoàng Hiệp nghiên cứu một số vấn đề, câu hỏi mở trong Toán học, đồng thời xây dựng một nhóm nghiên cứu gồm các sinh viên có niềm say mê nghiên cứu khoa học. “Mục tiêu lâu dài của mình là tiếp tục cống hiến cho khoa học và giáo dục như phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ Toán học để góp phần xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu, các giảng viên trẻ ở các viện và trường đại học”, anh tâm sự.
PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp sinh ngày 1/3/1982 trong một gia đình có bố là kỹ sư thủy lợi, mẹ là giáo viên cấp 3, quê ở Hải Dương. PGS đã lập gia đình và có một con trai.
Nguyễn Hoài
Nguồn: www.tienphong.vn/Gioi-Tre/nguoi-si-me-toan-983153.tpo