Năm 1977, Nguyễn Bình Định bắt đầu sự nghiệp giảng dạy âm nhạc tại trường Nghệ thuật Quân đội (nay là trường ĐH Văn hoá nghệ thuật quân đội) Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. Năm 1985, ông trở thành giảng viên tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học việc Âm nhạc quốc gia Việt Nam), và từng kinh qua nhiều chức vụ như Phó chủ nhiệm khoa kiến thức âm nhạc, Phó viện trưởng Viện Âm nhạc, Viện trưởng Viện Âm nhạc. Trên con đường nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Bình Định dành nhiều tâm huyết với âm nhạc truyền thống. Ông từng là chủ nhiệm và tham gia thực hiện nhiều đề tài như "Các lối ký âm cổ truyền và vấn đề ký âm nhạc truyền thống Việt Nam", "Bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam thông qua phục hồi và số hoá dữ liệu Analogue tại Viện Âm nhạc", "Vấn đề nghiên cứu và đào tạo âm nhạc dân tộc học ở Việt Nam"…
PGS.TS Nguyễn Bình Định
Năm 2017, ông là chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước "Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam". Đây cũng là một trong những công trình nghiên cứu ông tâm đắc nhất. Mục tiêu chung của đề tài nhằm trên cơ sở làm rõ hiệu quả, tác động của chính sách và nhận diện những vấn đề cấp bách trong bảo tồn và phát huy, tiến hành đề xuất các quan điểm, giải pháp, cơ chế chính sách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đến năm 2030.
Những kiến nghị, đề xuất trong đề tài trên, không chỉ giúp mọi người hiểu rõ vai trò, giá trị di sản âm nhạc cổ truyền, đáp ứng nhu cầu học tập và thưởng thức âm nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn giúp công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền được thực hiện theo đường lối, định hướng của Đảng và Nhà nước.
Nguyễn Hằng