Người tăng tuổi thọ cho… lâm sản

PGS-TS Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng các chuyên gia kiểm tra mẫu tại bãi thử nghiệm tự nhiên. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chủ nhiệm của nhiều đề tài khoa học

Với cương vị Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp VN, PGS-TS Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia đấu thầu và thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp bộ… Chỉ riêng năm 2014, viện đã thực hiện 82 nhiệm vụ khoa học công nghệ và môi trường (cấp nhà nước 14 đề tài, cấp bộ 48 đề tài, cấp viện 13 đề tài và cấp tỉnh 7 đề tài). Hầu hết các đề tài, dự án của viện được Hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá đạt loại khá trở lên.

Với nhiệm vụ chuyên môn, PGS-TS Nguyễn Thị Bích Ngọc là chủ nhiệm của nhiều dự án, đề tài khoa học mang lại hiệu quả cao khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Dự án sản xuất thử cấp nhà nước “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết bị sản xuất chế phẩm XM5 và ứng dụng để bảo quản gỗ rừng trồng sử dụng ngoài trời là trụ chống cho cây hồ tiêu, thanh long” (2006-2009) đã giúp gỗ rừng trồng được bảo quản có khả năng chống mối mọt và nấm mục tốt, kéo dài tuổi thọ sử dụng gấp 4-5 lần, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu làm trụ chống cho hồ tiêu, thanh long. Kết quả nghiên cứu này đã mở ra một giải pháp mới về sử dụng cây trụ chống có giá thành rẻ, thay thế cho cách dùng gỗ quý tự nhiên và trụ bêtông. Đề tài “Nghiên cứu công nghệ bảo quản, chế biến gỗ rừng trồng” (đề tài khoa học công nghệ trọng điểm cấp bộ) với việc nghiên cứu thành công 2 loại thuốc bảo quản lâm sản chứa hoạt chất là dầu vỏ hạt điều được Hội đồng KHCN của Bộ NNPTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật năm 2010. 2 loại thuốc bảo quản lâm sản mới này đã được Bộ NNPTNT cấp giấy phép đăng ký và đưa vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở VN… Từ những kết quả nghiên cứu và triển khai đạt được, chị Ngọc đã được nhận Giải thưởng Bông lúa vàng lần thứ nhất năm 2012 của Bộ NNPTNT.

Áp lực là động lực

Giống như cha mình, trước tình trạng nhiều loại lâm sản dễ bị sâu, nấm, côn trùng, hà biển và các yếu tố phi sinh vật như thời tiết, nhiệt độ, ánh sáng, lửa… làm hư hại, chị Ngọc đã chọn ngành bảo quản lâm sản làm hướng đi của mình. Việc nghiên cứu tìm giải pháp kéo dài tuổi thọ sử dụng cho các sản phẩm làm từ lâm sản trở thành mệnh lệnh, chiếm hết tâm huyết, công sức, thời gian của chị. Đáp lại, chị Ngọc luôn tìm thấy niềm vui khi những kết quả nghiên cứu của mình và đồng nghiệp được ứng dụng trong cuộc sống thực sự mang lại hiệu quả cao, gắn bó, gần gũi với đời sống người dân; góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết của xã hội.

Theo chị Ngọc, gỗ rừng trồng đang là nguồn nguyên liệu chính cho các nhu cầu sử dụng ở nước ta, nhưng lại có độ bền thấp hơn nhiều so với gỗ rừng tự nhiên. Cùng với đó là sức ép của yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống đòi hỏi những kết quả nghiên cứu bảo quản lâm sản về sau phải tốt hơn và thân thiện, gần gũi hơn với môi trường. Đây chính là áp lực lớn đối với những người làm nghiên cứu khoa học bảo quản lâm sản. Tuy nhiên, theo chị Ngọc, “chính những áp lực ấy lại trở thành động lực để những người làm công tác bảo quản lâm sản chung thủy, dấn thân với ngành nghề vì lợi ích người tiêu dùng và cả cộng đồng”.

Thành tích cá nhân PGS-TS Nguyễn Thị Bích Ngọc: Liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm 2005-2014; Chiến sĩ thi đua cấp bộ các năm 2006, 2009, 2012; Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2014; Bằng khen của Bộ NNPTNT năm 2008; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010; Huân chương Độc Lập hạng Ba của Chủ tịch Nước tặng thưởng năm 2012; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐVN tặng năm 2011; Giải thưởng “Bông lúa vàng VN” lần thứ nhất năm 2012 của Bộ NNPTNT.

Xuân Trường

Nguồn:laodong.com.vn/xa-hoi/nguoi-tang-tuoi-tho-cho-lam-san-355592.bld