Người tạo thương hiệu vaccine cúm “Made in Vietnam”
GS-TS Nguyễn Thu Vân.
Đây sẽ là “vũ khí” khống chế hiệu quả loại virus cúm nguy hiểm với giá thành rẻ hơn nhiều so với ngoại nhập, tăng khả năng tiếp cận của cộng đồng.
Công trình nghiên cứu sản xuất vaccine cúm A/H5N1 này vừa được tôn vinh là một trong 15 thành tựu khoa học kỹ thuật y tế nổi bật trong 10 năm qua.
GS Thu Vân tiết lộ: “Đây là công trình không những được dư luận trong nước kỳ vọng, mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng rất quan tâm vì lần đầu tiên chúng ta sử dụng tế bào thận khỉ tiên phát để sản xuất, thế giới chưa có nơi nào làm được”.
Từ năm 2004, trước sự bùng phát của dịch cúm gia cầm, GS Thu Vân và các cộng sự tại Cty vaccine và sinh phẩm số 1 đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine cúm A/H5N1. Sau đó, loại vaccine này đã được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (trên 20-30 người) và giai đoạn 2 (trên 200-300 người), đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của Châu Âu.
Tiếp tục thử nghiệm giai đoạn 3 trên người, sẽ có 1.200 người ở Thanh Hóa và Hà Nam tình nguyện tham gia trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Theo GS Thu Vân, nếu kết quả qua 3 lần thử nghiệm tốt sẽ là cơ sở trình Bộ Y tế để cấp phép đăng ký lưu hành, đưa vaccine vào sản xuất đại trà và sử dụng ở người. Dự kiến vào năm 2013, sẽ có vaccine cúm H5N1 do Việt Nam sản xuất được sử dụng rộng rãi với giá thành rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu, tăng khả năng tiếp cận với vaccine phòng bệnh ở cộng đồng.
Thành quả đã nhãn tiền, nhưng có lẽ ít ai biết được sự hy sinh thầm lặng của các nhà khoa học nghiên cứu vaccine trong phòng thí nghiệm. Để sản xuất thành công một loại vaccine ngăn ngừa bệnh tật cho cả cộng đồng, họ phải mất gần chục năm miệt mài, thậm chí quên ăn, quên ngủ giữa một “núi” công việc khổng lồ, bởi lẽ chỉ một người dừng lại là cả bộ máy sẽ bị ảnh hưởng. Phòng làm việc ngặt nghèo như “nhà tù”, chủ yếu giao tiếp bằng cử chỉ, ít hỏi, ít nói… nếu không kiên trì rất dễ bỏ nghề.
Hơn nữa, việc sử dụng tế bào thận khỉ tiên phát để nghiên cứu, bào chế vaccine cúm A/H5N1 hoàn toàn khác với các loại tế bào truyền thống càng khiến công việc của chị gặp nhiều trắc trở.
Lúc đầu, nhiều chuyên gia trong nước tỏ ra nghi ngại, WHO cũng nhiều lần đến “lục vấn”, điều tra kỹ càng về quy trình sản xuất. Nhưng cuối cùng, bằng chứng khoa học đã thuyết phục được các nhà khoa học, khiến họ nhiệt tình hỗ trợ.
GS Vân được biết đến là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vaccine dự phòng. Chị cho hay, niềm đam mê thám hiểm thế giới vi sinh vật đã đưa chị gắn bó trọn đời với việc nghiên cứu các loại vaccine phòng bệnh cho người. Hiện chị là chủ nhân của 3 loại vaccine đã được đưa vào ứng dụng là vaccine viêm gan B từ huyết tương người, vaccine viêm gan A và vaccine tái tổ hợp.
Cùng với việc nghiên cứu sản xuất vaccine cúm A/H5N1, các nhà khoa học VN cũng đã bắt tay nghiên cứu để sản xuất vaccine cúm A/H1N1, vaccine ngừa bệnh tay – chân – miệng và viêm màng não mủ với những kết quả ban đầu rất khả quan.
Cứ mỗi khi xuất hiện một loại virus, vi khuẩn gây bệnh mới cũng là lúc GS Thu Vân và các đồng nghiệp lại bắt tay vào cuộc chiến mới – cuộc chiến bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người.