GS. TS. Dương Đình Thiện sinh năm 1932 tại vùng quê Hưng Yên, thời đi học đã sớm phải vượt khó trong cuộc sống bằng việc dạy học cho con em các gia đình khá giả và các công việc lao động khác. Đời sống vất vả, khó khăn nhưng anh vẫn luôn học giỏi. Năm 1954, Thủ đô Hà Nội giải phóng, anh là sinh viên y khoa năm thứ nhất của trường Đại học Y Dược khoa.
Bác sĩ dịch tễ – Chuyên khoa mới và khó

Từ hai cuốn sách bằng tiếng Pháp và tiếng Nga kết hợp giữa lý thuyết của sách và thực tiễn bệnh học Việt Nam, một đất nước có khí hậu nóng ẩm, kinh tế chưa phát triển, có nhiều bệnh tật, ông đã biên soạn hàng trăm trang giáo trình lý thuyết và các kỹ năng phòng chống dịch. 2 năm sau, năm 1962, bác sĩ Dương Đình Thiện biên soạn xong cuốn sách Bài giảng Dịch tễ học và một năm sau ông biên soạn cuốn Dịch tễ học đại cương, và tiếp theo là cuốn Dịch tễ học từng bệnh.
Dịch tễ học là khoa học nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tật trong các cộng đồng và tạo nền tảng cho những kế hoạch y tế trong việc chữa trị và phòng ngừa bệnh tật. Dịch tễ học giúp chuyên viên y tế xác định các yếu tố nguy cơ của bệnh, phát triển và tối ưu hóa phương thức điều trị của y học lâm sàng. Đó là các cuốn sách giáo khoa dành cho sinh viên năm thứ 5 các trường đại học y của cả nước trong gần 50 năm qua.
Trong nhiều năm qua, lớp lớp bác sĩ học trò của ông, được trang bị những kiến thức vệ sinh và dịch tễ ở Trường đại học Y vững vàng công tác tại các trạm vệ sinh phòng dịch các tỉnh, đã hoạt động có hiệu quả, dập tắt nhanh các vụ dịch tại địa phương. Với nhiệm vụ trưởng hoặc phó đoàn các đoàn chống dịch của Bộ Y tế, bác sĩ Thiện thường xuyên cùng các học trò là các bác sĩ trẻ, sinh viên các năm cuối, xông pha các nơi phòng chống dịch với nhiều thành công. Ông không quan ngại việc phải tiếp xúc với các ổ dịch nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo.
Người triển khai khoa học dịch tễ học hiện đại ở Việt Nam
Sau 20 năm giảng dạy và làm việc với thực tế phòng chống các bệnh truyền nhiễm, như đã ngăn chặn thành công dịch tả ở Quảng Bình trong khi bên kia vĩ tuyến 17 Mỹ ngụy chiếm đóng luôn có dịch tả hoành hành, hay tham gia phòng chống thành công bệnh dịch hạch tại Nha Trang, Khánh Hòa và nhiều vụ dịch khác tại các địa phương. Bác sĩ Thiện trong những đợt đi công tác tại nước ngoài, được tiếp cận với những thay đổi và phát triển của dịch tễ học thế giới, hình thành một khoa học mới: dịch tễ học hiện đại. Ông đã tâm huyết viết cuốn sách Dịch tễ học hiện đại và đã đưa vào chương trình giảng dạy tại Trường đại học Y Hà Nội và các trường đại học y trong cả nước.
Bác sĩ Thiện tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các cán bộ các trường đại học và các cán bộ y tế các địa phương về dịch tễ học hiện đại, nhằm đưa khoa học này nhanh chóng được phát triển ở nước ta. Từ đó giúp cho cán bộ ngành y tế nước ta dễ dàng hòa nhập với trình độ khoa học y học khác, lấy dịch tễ học hiện đại làm nòng cốt mà các chuyên gia nước ngoài sau này sang giúp đỡ nước ta đã đề cập đến trong quá trình hội nhập về nhiều khía cạnh y tế khác nhau.
Người thầy về dịch tễ học lâm sàng tại Việt Nam
Năm 1986-1987, bác sĩ Dương Đình Thiện được cử đi học tập và công tác tại nước ngoài. Ông nhận thấy có những vấn đề mới, dịch tễ học đã được vận dụng tốt vào y học lâm sàng và có những kết quả nổi bật. Nhiều nước đã bắt đầu xây dựng một bộ phận rất quan trọng của dịch tễ học hiện đại là khoa học dịch tễ học lâm sàng.
Ở Việt Nam, khoa học dịch tễ học hiện đại vừa mới được tiếp cận và triển khai trong khó khăn, nhưng để theo kịp với trình độ dịch tễ học lâm sàng thế giới, bác sĩ Thiện đã cố học tập, sưu tầm, tập hợp nhiều tài liệu của các nước Âu Mỹ và tiếp xúc với nhiều nhà dịch tễ học lâm sàng các nước tiên tiến để nắm bắt được những vấn đề cốt lõi của môn khoa học này.
Trở về nước, với cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Dịch tễ, ông miệt mài tiếp tục viết sách giáo khoa về dịch tễ học lâm sàng. Ông đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đưa nhiều danh từ chuyên môn mới từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt tương đối chính xác.

Môn dịch tễ học lâm sàng mới phát triển trong những năm gần đây nhưng đã nhanh chóng được y học các nước trên thế giới trong đó có các nước đang phát triển đón nhận và quan tâm, nhất là các thầy thuốc lâm sàng. Cho đến nay người ta đã coi dịch tễ lâm sàng là một môn học cơ sở của y học lâm sàng.
Để phổ biến rộng rãi các kiến thức chuyên ngành, ông đã thành lập Trung tâm Dịch tễ học lâm sàng đặt tại Trường đại học Y Hà Nội để tranh thủ sự giúp đỡ của các nước bạn qua các dự án, và sự quan tâm đầu tư của Bộ Y tế. Từ trung tâm, nhiều lớp đào tạo lại được tổ chức tại các tỉnh cho anh chị em bác sĩ các địa phương. Trung tâm cũng mời được nhiều vị giáo sư nước ngoài tới Việt Nam để mở rộng hiểu biết về dịch tễ học lâm sàng cho cán bộ Y tế Việt Nam.
Cũng như nhiều giáo sư, từ lâu GS. Dương Đình Thiện đã hình thành cho mình sự gắn kết giữa giảng dạy và nghiên cứu. Tính đến nay ông đã cho công bố nhiều công trình, đã hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh. Ông là chủ biên, là tác giả 7 cuốn sách giáo khoa đại học và sau đại học, là đồng tác giả trong 5 cuốn sách giáo khoa khác.
GS. Dương Đình Thiện hoàn thành luận án Tiến sĩ năm 1989, được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 1991, Giáo sư năm 2003; được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2008 và Huân chương Lao động hạng Ba về những đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ông đã 80 tuổi, 50 năm tuổi nghề, vẫn phát huy vai trò của một người thầy đầu ngành, hiện đang tâm huyết triển khai chuyên đề mới về Thống kê dịch tễ học vào nước ta. Giáo sư Dương Đình Thiện là Chủ tịch Hội Y tế công cộng từ khi thành lập (2002) đến nay. Ông vẫn giảng dạy, hiện hướng dẫn luận án cho 2 nghiên cứu sinh và là cố vấn chuyên môn cho một số dự án lớn.
Trần Giữu
Nguồn: baomoi.com/Home/SucKhoe/suckhoedoisong.vn/Nguoi-thay-cua-dich-te-hoc/8032234.epi