Người thầy của nhiều thế hệ kiến trúc sư – GS Ngô Huy Quỳnh

Với niềm đam mê hội họa từ nhỏ, năm 1938, Ngô Huy Quỳnh tốt nghiệp trung học và thi vào trường Mỹ thuật Đông Dương, khóa 10, khoa Kiến trúc và trở thành thế hệ kiến trúc sư cuối cùng được đào tạo tại ngôi trường mỹ thuật danh giá này. Ngay từ khi là sinh viên năm thứ ba, ông đã thiết kế, hướng dẫn xây dựng một số nhà ở tại Hà Nội như phố Nguyễn Du, Cao Đạt; tại thành phố Nam Định; làng Đình Bảng ở Bắc Ninh… Đáng tiếc nhiều công trình đã bị bom phá hoặc sửa chữa đến không còn dấu tích. Tốt nghiệp đại học (1943), ông làm việc tại Văn phòng kiến trúc sư nổi tiếng Võ Đức Diên – người tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương trước ông 8 khóa, tác giả của công trình nhà Thủy Tạ ở Hồ Hoàn Kiếm.

Sau Cách mạng tháng Tám, kiến trúc sư (KTS) Ngô Huy Quỳnh tích cực hoạt động cách mạng, tham gia Ban chấp hành cứu quốc Hà Nội, Đoàn Văn hóa kháng chiến, Sở Thông tin Liên khu X… Năm 1945, ông được giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ đạo lắp dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Lễ đài được dựng bằng gỗ, ván, đinh, vải, chỉ thi công trong một ngày – được coi là công trình mở đầu nền kiến trúc cách mạng của Việt Nam. Và tại Lễ đài lịch sử này, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ Lâm thời đã ra mắt quốc dân đồng bào và trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông còn là một trong 8 người sáng lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam) năm 1948.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn ác liệt, với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Bác Hồ đã đặt vấn đề tìm sự giúp đỡ ở một số nước bạn. Năm 1951 đoàn cán bộ Việt Nam đầu tiên gồm 21 người được cử đi đào tạo tại Liên Xô, học về các ngành: kiến trúc, kho bạc, sản xuất vũ khí, chất nổ, luyện kim… để chuẩn bị cho sự nhiệp xây dựng, kiến thiết đất nước.Kiến trúc sưNgô Huy Quỳnh là thành viên trong đoàn, khi ấy ông đang là cán bộ Bộ Giao thông công chính1. Sau 4 năm học tập về quy hoạch xây dựng đô thị tại Liên Xô, ông về nước công tác tại Bộ Thủy lợi – Kiến trúc2với sự hăm hở đem kiến thức mới về xây dựng miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng.

Ngay khi các trường đại học lớn của Việt Nam được thành lập năm 1956, ông được Bộ Thủy lợi – Kiến trúc giao nhiệm vụ mới – tham gia công tác đào tạo kiến trúc sư tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ khóa đầu tiên. Ông tham gia kỳ tuyển chọn 26 sinh viên kiến trúc trong số trên 300 sinh viên đăng ký thi tuyển, xây dựng chương trình đào tạo và trực tiếp giảng dạy họ. Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, họa sĩ Lương Xuân Nhị, họa sĩ Phạm Văn Đôn… cũng tham gia giảng dạy lớp kiến trúc khóa I này.

Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đã thảo xong phương hướng đào tạo kiến trúc sư phù hợp giai đoạn đầu của cách mạng ở Việt Nam. Ông xây dựng chương trình các môn học dựa theo kinh nghiệm của một số nước ngoài, mời một số thầy và trực tiếp hướng dẫn bài tập thiết kế nhà ở, giảng dạy môn Kiến trúc nhập môn, hướng dẫn thiết kế kiến trúc cổ kết hợp giới thiệu kiến trúc dân tộc. Tuy nhiên do vấn đề kinh phí, khoảng năm 1958, lớp kiến trúc của trường Đại học Bách khoa bị tạm dừng.

Tranh tự họa của KTS Ngô Huy Quỳnh, 1966

Sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II (1951) và Đại hội Đoàn kiến trúc sư Việt Nam (1957), hoạt động sưu tầm tư liệu và ký họa một số công trình kiến trúc dân gian và kiến trúc cổ Việt Nam được tiến hành tích cực dưới sự chỉ đạo của Ban chấp hành Đoàn kiến trúc sư Việt Nam. KTS Ngô Huy Quỳnh đã trực tiếp tham gia công tác này cùng với tập thể cán bộ Đoàn kiến trúc sư Việt Nam, Cục đô thị và nông thôn3và sinh viên kiến trúc khóa I trường Bách khoa. Cựu sinh viên khóa I lớp kiến trúc, trường Đại học Bách khoa – PGS.TS Tôn Thất Đại nhớ lại:Thày Quỳnh đưa chúng tôi đi vẽ tại các địa điểm tham quan như chùa chiền, công trình cổ và các công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội… Sinh viên lớp chúng tôi được tập thói quen đi đâu cũng vẽ ký họa. Có lần đi thực tập ở Lào Cai, ra bờ sông vẽ ký họa chiếc cầu biên giới còn suýt bị công an biên phòng bắt4.

Trên cơ sở những tư liệu sưu tầm được, KTS Ngô Huy Quỳnh đã khái quát sự phát triển của lịch sử kiến trúc Việt Nam và biên soạn cuốn “Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam”. Đây là cuốn sách kiến trúc Việt Nam đầu tiên, xuất bản năm 1961, được dùng làm bài giảng đào tạo kiến trúc sư. Trong lời tựa đề cuốn tái bản (Nxb Xây dựng, 2008) trích lời tác giả viết:Nhằm phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, tiến tới "một nền kiến trúc xã hội chủ nghĩa có tính hiện đại, tính dân tộc" theo đường lối của Đại hội IV của Đảng, sách này cố gắng khái quát và sơ bộ đánh giá vốn truyền thống và giá trị văn hóa dân tộc trong nghệ thuật kiến trúc, theo tinh thần: "Học xưa là vì nay, học cũ để làm mới, không phải để quay lại thời xưa, hoặc dẫm chân tại chỗ".

“Dân tộc” và “Hiện đại” – hai yếu tố ấy luôn được KTS Ngô Huy Quỳnh kết hợp khéo léo và hài hòa. Đó cũng là tư tưởng, xu hướng thiết kế kiến trúc của ông. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã có bài viết đăng báo năm 1941, phê phán quan điểm nghệ thuật tư sản của một số họa sĩ thời bấy giờ và cổ vũ cho nghệ thuật dân tộc. Vì bài viết này ông suýt bị đuổi học. Là người từng tiếp xúc với ông khi công tác tại Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng chia sẻ:Trong các sáng tác của mình, ông cố gửi gắm vào đó cái hồn dân tộc qua từng đường uốn cong của mái nhà, từng nét trang trí họa tiết, hay bố cục không gian, tổ chức sân vườn mang phong cách Á Đông, mà biệt thự số 84 Nguyễn Du là tiêu biểu5. Theo Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam – GS.TS Ngô Quốc Thông, xu hướng kết hợp yếu tố dân tộc và hiện đại của GS Ngô Huy Quỳnh vẫn ảnh hưởng sâu đậm trong giới kiến trúc ngày nay.

Khi Lớp đào tạo Kiến trúc sư của Bộ Kiến trúc (1961), khoa Kiến trúc Đô thị của trường Đại học Xây dựng (1966) và trường Đại học Kiến trúc (1969) được thành lập, KTS Ngô Huy Quỳnh là một trong những người đầu tiên tham gia giảng dạy tại các đơn vị này. Bài giảng về quá trình phát triển nền kiến trúc dân tộc của ông đã được Bộ trưởng Bộ Kiến trúc Bùi Quang Tạo duyệt để làm giáo án cho Đại học Kiến trúc. Ngoài kiến thức về kiến trúc, ông còn bồi dưỡng cho sinh viên kiến thức về hội họa, mĩ thuật… GS.TS Ngô Quốc Thông chia sẻ:GS Ngô Huy Quỳnh có kiến thức uyên bác về lịch sử, văn hóa dân tộc và tiếp thu kiến trúc hiện đại phương Tây. Từ lối suy nghĩ cho đến cách làm việc của cụ đều nhã nhặn, dí dỏm và rất thương học trò. Là con người tài hoa nhưng cụ rất khiêm tốn, cách cụ chia sẻ kiến thức với sinh viên cho thấy cụ rất tôn trọng học trò, không hề kênh kiệu là mình biết nhiều, hiểu rộng6.

Là một trong những sinh viên Lớp Đào tạo kiến trúc sư khóa I (1961-1966), KTS Trần Bảo Châu năm nay đã gần bát tuần chia sẻ:GS Ngô Huy Quỳnh là kiến trúc sư và họa sĩ tài năng và là người thầy, bậc đàn anh của chúng tôi. Dù theo học thầy Quỳnh không nhiều nhưng đối với tôi đó là may mắn lớn. Cụ luôn xả thân vì nghề, về già, cụ còn sang cả Angola giảng dạy. Dù ở vị trí nào, cụ vẫn gìn giữ lương tâm nghề nghiệp. Suốt cuộc đời làm nghề của chúng tôi sau này đều chịu ảnh hưởng bởi tấm gương của cụ7.

Sau khi đất nước thống nhất, KTS Ngô Huy Quỳnh tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu ra hầu hết các tỉnh phía Nam để sưu tầm tài liệu, nghiên cứu về kiến trúc dân tộc. Những tài liệu này đã được in và gửi tới nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học. Ông cũng viết tiếp phần kiến trúc Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám cho tới hết kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1965). Năm 1975 ông đã tặng trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh một số tập bài và một tập ảnh để phục vụ việc giảng dạy. Theo lời mời của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp8, từ năm 1973, ông làm Trưởng tiểu ban lịch sử kiến trúc trong Hội đồng bồi dưỡng về kiểm tra kiến trúc nghiên cứu sinh đi học nước ngoài. Mỗi năm ông giảng dạy, bồi dưỡng nghiên cứu sinh hàng chục tiết về kiến trúc Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc. Ông còn viết các tài liệu về lịch sử kiến trúc Lào, kiến trúc Khơ-me, Ấn Độ để phục vụ công tác giảng dạy này. Trong sơ yếu lý lịch tự khai năm 1979, ông cho biết:Tất cả các bài viết đó đều làm tự nguyện, không ai yêu cầu, phần lớn làm ngoài giờ chính quyền, lại đem đến tận trường để phục vụ và không bao giờ có thù lao.

GS Ngô Huy Quỳnh đã viết 10 cuốn sách, gần 30 bài báo về kiến trúc được đăng trên Tạp chí Kiến trúc, Báo Nhân dân và nhiều tham luận báo cáo tại hội nghị trong nước và quốc tế. Nhiều cuốn sách của ông như: “Quy hoạch cải tạo và xây dựng đô thị”, Nxb Văn hóa, 1997; “Hình thức kiến trúc cổ điển thế giới”, Nxb Văn hóa dân tộc, 1997; “Lịch sử kiến trúc Việt Nam”, Nxb thành phố Hồ Chí Minh (lần 1); “Kiến trúc dưới góc độ mỹ học”, NXB Văn hóa; “Kiến trúc cổ đại châu Á”, NXB Văn hóa, 2000; “Kiến trúc nông thôn Việt Nam”, Nxb Chính trị Quốc gia, 2001… được coi như cẩm nang dành cho các thế hệ kiến trúc sư Việt Nam.

Nhắc đến sự nghiệp của GS Ngô Huy Quỳnh, như nhà báo Thọ Phương từng nhận định, thật khó để tách bạch trong ông ở các vai trò: nhà nghiên cứu lý luận uyên bác, nhà quy hoạch tài năng; nhà giáo tận tụy với nghề… Tất cả những phẩm chất ấy đã hòa quyện để tạo nên kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh – cây đại thụ của nền kiến trúc Việt Nam.

Nguyễn Điệp

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

____________________________

*GS. KTS Ngô Huy Quỳnh (1920-2003), nguyên Vụ trưởng Vụ Quy hoạch đô thị – Nông thôn, Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc.

[1]Nay là Bộ Giao thông vận tải.

[2]Nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng.

[3]Nay là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP).

[4]Tôn Đại,Kiến trúc – Nghề truyền thống của gia đình, Tạp chí Kiến trúc, số 2,2018. Tham khảo https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/kien-truc-nghe-truyen-thong-cua-gia-dinh.html

[5]Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2020, tr. 17.

[6]Tài liệu ghi âm GS.TS Ngô Quốc Thông, 15-5-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7]Tài liệu ghi âm KTS Trần Bảo Châu, 15-5-2020, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[8] Nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo.