Tháng 5-2009, Khoa Văn học và Ngôn ngữ của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH-NV) TPHCM tổ chức hội nghị khoa học về nghiên cứu Hán Nôm và văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, nhân hội nghị này, các nhà nghiên cứu Hán Nôm nước ta và các cán bộ, giảng viên của Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã có nhiều tham luận tôn vinh giáo sư Bửu Cầm – người đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu Hán Nôm.
Nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ nổi tiếng tuổi đời đã trên 70 vẫn bày tỏ niềm hạnh phúc vì đã từng được là học trò của giáo sư Bửu Cầm, và cùng ôn lại những hồi ức, kỷ niệm về người thầy uyên bác và đáng kính của mình.
Giáo sư Bửu Cầm sinh ngày 14-8-1920 tại thôn Vỹ Dạ, Huế; giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (nay là Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) suốt từ năm 1958 đến khi nghỉ hưu năm 1981. Thầy đã có trên 20 đầu sách về biên khảo, dịch thuật, chú giải được xuất bản: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tìm hiểu Kinh dịch, Tống Nho – Triết học khảo luận, Hồng Đức bản đồ, Việt ngữ chính tả từ vựng…
Các tác phẩm của thầy đều là những công trình nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, thể hiện trình độ Hán học uyên thâm và tinh thần cầu toàn đáng trân trọng. Nhiều thế hệ trí thức ở các lĩnh vực Hán học, văn học, sử học, triết học, văn bản học, dân tộc học, ngôn ngữ học đã được giáo sư Bửu Cầm trang bị kiến thức khoa học và thấm nhuần bài học về nhân cách.
Thạc sĩ Nguyễn Khuê, cán bộ giảng dạy Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, từng là học trò của thầy Bửu Cầm, cho biết: “Thầy Bửu Cầm không phải là một trí thức khoa bảng mà là một học giả. Kiến thức uyên bác của thầy chủ yếu là kết quả của sự tự học. Ở độ tuổi 20 thầy đã là chủ biên tạp chí Tinh Hoa văn tập và tập san Gió Lên.
Ở tuổi 25 thầy đã biên soạn cuốn “Tống Nho – Triết học khảo luận” – một công trình biên khảo rất có giá trị về mặt tư tưởng học thuật”. Thầy là một nhà giáo khả kính, sống mẫu mực, giảng dạy tận tâm và nghiêm túc, là một tấm gương về phong cách nghiên cứu khoa học: kiến thức sâu rộng và uyên thâm, phương pháp khoa học thực nghiệm, cẩn trọng và chịu khó, trung thực và cầu thị.
PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, cũng là học trò của thầy Bửu Cầm, kể: “Thầy Bửu Cầm là người đứng đầu danh sách 5 học giả Hán học tiêu biểu nhất ở phía Nam. Nhiều năm nay, vì lý do sức khỏe yếu, thầy Bửu Cầm đã bế môn tạ khách, không tiếp ai nữa. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của thầy Bửu Cầm ngày ấy, lúc bấy giờ thầy tuổi đã cao, tóc bạc trắng, dù lưng đã hơi còng nhưng phong thái vẫn nho nhã. Trong giờ dạy, thầy chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên, không bao giờ nói chuyện ngoài lề. Ai không biết sẽ nghĩ rằng thầy khó nhưng thật ra thầy rất thương học trò, đồng thời đòi hỏi sinh viên phải học tập nghiêm túc”.
Chỉ qua 2 bài thơ “Dã Phương trai” và “Mừng thọ tám mươi tuổi” của giáo sư Bửu Cầm viết khi đã nghỉ dạy, về sống ẩn dật, có thể nhận ra cốt cách thanh bạch mà phong lưu của một nhà giáo:
“Nhà tôi chỉ có sách và hoa,
Một chiếc đàn tranh, một ấm trà”
…
“Hoàn thành ước nguyện lòng thanh thản
Thượng uyển phương quỳnh chớm nở hoa”.
HUỲNH THANH LUÂN
www.baomoi.com/Info/Nguoi-thay-dang-kinh-cua-chung-toi/59/4446744.epi