Người thay đổi thân phận cây nấm

Tài năng và những công trình nghiên cứu kiệt xuất về nấm, đất nước Tiệp Khắc (CH Séc bây giờ) nhiều lần đưa ra lời đề nghị các chế độ đãi ngộ hoàn hảo để giữ lại, nhưng người đàn bà ấy quyết định quay về. Người ta đã gọi PGS-TS Nguyễn Thị Chính là “Bà chúa nấm”, mặc định cho bà cái vị thế số một trong ngành nấm Việt Nam. Nhưng với bà, danh vọng chỉ là những thứ phù du.

I. Nấm Việt Nam bây giờ đã có vị thế toàn cầu. Công nghệ sản xuất nấm được nhiều quốc gia đặt hàng. Nấm trở thành một mặt hàng xuất khẩu lợi nhuận, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, hộ gia đình… Nấm làm giàu, nấm chữa cả bệnh ung thư.

Nhưng nếu hơn 40 năm trước người đàn bà này không trở về Việt Nam thì sẽ thế nào? “Thời điểm ấy, Việt Nam còn quá nghèo. Đang chiến tranh nhưng chúng tôi được tạo điều kiện đi học. Bản thân tôi xác định, kiến thức học được không phải để phục vụ cho đất nước người ta. Ở lại có thể mình giàu lên chứ đất nước không được thụ hưởng”.

Khi Nguyễn Thị Chính tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Tiệp Khắc và làm thạc sỹ tại Viện Hàn lâm khoa học Praha năm 1973, bà là người Việt Nam đầu tiên mang các chủng nấm ở Châu Âu về nước. Đó là thời điểm đất nước đang ở trong một cuộc chiến tranh khốc liệt. Nghèo nàn, lạc hậu và tang tóc. Thành thử bà bảo, đưa nấm về lúc ấy chẳng khác nào múa rối cho người mù thưởng thức.

Bà chúa nấm” PGS-TS Nguyễn Thị Chính

Nhưng chính những khó khăn ấy trở thành động lực để Nguyễn Thị Chính quyết tâm. Bà quay trở lại Tiệp Khắc để học tập, nghiên cứu. Năm 1984, bà thực hiện luận án tiến sĩ về “Vi sinh vật trong công nghiệp trồng nấm” bảo vệ tại Tiệp Khắc. Năm 1986 bà được cấp bằng sáng chế của Tiệp Khắc về công nghệ sản xuất nấm sò trên rơm không cần khử trùng nguyên liệu, đạt năng suất cao.

Sự kiện một cô nghiên cứu sinh người Việt được cấp bằng sáng chế Paten gây chấn động trong lĩnh vực nghiên cứu nấm ở Châu Âu. Bởi, nếu đem so thực tế nơi phát triển nấm ở tầm rất cao thì một người Việt sáng tạo ra công nghệ sản xuất mới nâng sản lượng và hiệu quả lên gấp đôi thì quả là chuyện động trời. Luận án nghiên cứu của bà khi đem ra hội đồng, cả 11 thành viên đều bỏ phiếu xuất sắc.

Những lời mời gọi, những vị trí làm việc, mức thu nhập vô cùng hấp dẫn liên tục đến với Nguyễn Thị Chính. Từ Châu Âu tới Châu Á, từ Tiệp Khắc đến Brunei, mức lương hàng chục nghìn đô nhưng bà đều khước từ. Bà cũng là nhà khoa học nữ người Việt được mời làm cố vấn đặc biệt về nấm cho thành phố Giang Sơn, Triết Giang (Trung Quốc) và là thành viên của mạng lưới nấm quốc tế.

Đối với thế hệ bà, ở lại Tiệp Khắc hay các nước Châu Âu thời điểm ấy là cả một giấc mơ mòn mỏi. “Tôi nghĩ, cần phải đưa những gì đã nghiên cứu, đã học được về phục vụ cho đất nước, cho người dân của mình”, bà nghĩ thế.

Quay về. Đó là quyết định đồng nghĩa với việc từ bỏ một môi trường nghiên cứu, làm việc ở trình độ cao để bắt tay vào một môi trường không thể khó khăn hơn. Một môi trường mà công nghệ sản xuất nấm được cấp bằng sáng chế danh giá bên trời Âu bỗng nhiên phải ứng dụng vào nơi không phòng thí nghiệm, không nơi trồng thử và không kinh phí. Trong khi ở Tiệp Khắc và các nước châu Âu, người nông dân đã sử dụng các chất thải nông nghiệp để sản xuất nấm với qui mô lớn và rất hiệu quả, thì ở Việt Nam, chất thải ấy đang bị người dân tìm cách bỏ đi.

Căn phòng tập thể rộng 16m2, nơi sinh sống của gia đình bà là nơi trồng thử nấm. Chiếc giường ngủ duy nhất cũng trồng nấm, 5 người trong gia đình phải ngủ sàn. Nấm trồng xong phải mang đi bán kèm với thịt ở chợ Hôm, chợ Mơ… Khi việc trồng thử một số loại nấm đã thành công, bà lại tiếp tục hành trình đưa nấm về các vùng nông thôn, trực tiếp hướng dẫn nông dân và nhiều chủ trang trại cách trồng nấm trên các loại chất thải nông nghiệp, lâm nghiệp.

Cuối cùng, công nghệ sản xuất nấm của PGS-TS Nguyễn Thị Chính đã mở ra hướng sản xuất lớn. Nhiều địa phương lấy trồng nấm làm mô hình mũi nhọn phát triển kinh tế cho nông dân. Công nghệ sản xuất nấm ở Việt Nam được cả thế giới biết đến. Những đơn đặt hàng tầm cỡ quốc tế nâng vị thế cây nấm Việt Nam lên tột bậc.

II. Bây giờ người ta gọi PGS-TS Nguyễn Thị Chính là “Bà chúa nấm”. Bà bảo gọi gì cũng được, bởi với bà, điều quan trong là được tiếp tục nghiên cứu tìm ra những công dụng mới của nấm mà thôi. Bà là người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công sinh khối linh chi dạng sợi. Nhờ công trình nghiên cứu này, bà được nhận Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2002.

Năm 2006, các sản phẩm khoa học của bà được đưa vào phục vụ Hội nghị Diễn đàn APEC Hội nhập và Phát triển. Tại đây, 2 sản phẩm Sinh Linh và rượu linh chi được tặng giải thưởng Tinh hoa Việt Nam.

PGS-TS, Nguyễn Thị Chính nói với tôi rằng, sứ mệnh trồng nấm làm giàu đạt được rồi. Bây giờ là trồng nấm cứu người.

“Ở hội nghị nấm quốc tế Hồng Kông năm 1993, tôi gặp một người đàn bà 14-15 năm trời, đi khắp nơi nhưng không tìm ra bệnh gì. Cuối cùng người đàn bà ấy sử dụng nấm linh chi và hết ốm đau. Từ đó tôi đã có suy nghĩ nấm linh chi có thể chữa bệnh. Khi còn công tác ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên tôi cũng dạy về cơ chế tác nhân gây ung thư và công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Thực chất, về cơ chế ngăn ngừa những bệnh nan y, thì nấm linh chi trước tiên là một loại thức ăn rất đầy đủ dinh dưỡng mà không có loại thức ăn nào bằng nó.

Thứ hai là các hoạt chất có trong nấm có tác dụng trung hòa các chất độc, tăng khẩu vị ăn uống, điều chỉnh những sai hỏng trong cơ thể, nâng cao hệ miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt, nó có tác dụng mạnh trong việc hỗ trợ điều trị ung thư bởi các hoạt chất trong nấm linh chi có tác dụng sửa chữa được các cấu trúc sai hỏng trong quá trình trao đổi chất và đột biến gen. Hiện còn có loại  nấm mặt trời có xuất xứ từ Brazil có khả năng ngăn ung thư tới 70% đến 99%”, PGS-TS Nguyễn Thị Chính chia sẻ.

Từ những năm 2000, PGS-TS Nguyễn Thị Chính tiến hành sử dụng thí điểm cho các bệnh nhân ung thư dùng bào tử nấm linh chi phối hợp với các loại nấm khác như nấm vân chi, nấm đồng tiền, nấm đầu khỉ… Nhóm OH và nhóm O2 (gốc oxy tự do) sản sinh trong cơ thể, người nào nhiều gốc OH sẽ chóng già hoặc đột biến gây ung thư. Khử được gốc đó thì ngăn chặn được ung thư, chống lão hóa. Nấm linh chi nếu nuôi trên cây long não sẽ có hoạt chất chống ung thư, làm tan u 100%.

Bệnh nhân đầu tiên của PGS-TS Nguyễn Thị Chính là một cậu sinh viên Trường Đại học Bách khoa vừa bị lao vừa bị tâm thần sống gần nhà. Nặng đến nỗi phải nôn ra máu, không còn nhận ra bố mẹ mình, bệnh viện trả về. Bà Chính chiết nước linh chi cho uống. Sau một thời gian sinh viên ấy khỏe mạnh, hết bệnh và đòi lấy vợ.

Thần kỳ nhất có lẽ là bệnh nhân Lê Công Dũng. Dũng bị ung thư xương. Bệnh viện K xác định phải khoanh để cắt bỏ đùi, tiêm hóa chất nhưng nhà Dũng nghèo quá, không có tiền. Biết tin, bà Chính cưu mang và chữa trị bằng nấm linh chi. Gần một năm trời thì Dũng khỏi hoàn toàn. Bây giờ Dũng ngày ngày đi đánh cá, lấy vợ đẻ 2 con ngon ơ.

Đã ngoài 60 tuổi, gần 40 năm làm nấm, tâm huyết, trách nhiệm của bà vẫn vẹn nguyên.

PGS-TS Nguyễn Thị Chính hiện là Ban chủ nhiệm CLB nữ khoa học Hà Nội. Nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh, khoa Sinh học (Đại học Khoa học Tự nhiên). Thành viên mạng lưới nấm quốc tế. Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nấm dược liệu Việt Nam – Hàn Quốc. Giám đốc Trung tâm sản xuất và ứng dụng các sản phẩm từ nấm và vi khuẩn.

Huệ Anh
Nguồn: nongnghiep.vn