Người Thầy lỡ hẹn

Người truyền cảm hứng

K42 của TS Đinh Thị Thanh Huyền là khóa cuối cùng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đào tạo theo hình thức chuyển tiếp giai đoạn. Đến khoảng cuối 1999, tức năm thứ 3 đại học, TS Đinh Thị Thanh Huyền chọn Dân tộc học sau 1,5 năm đầu tiên học các môn đại cương cơ bản. Lớp cô là một trong những khóa có số sinh viên chọn chuyên ngành này đông nhất (24 người). Và người đã gợi cảm hứng cũng như truyền động lực để cô cùng các bạn bè đồng khóa lựa chọn theo đuổi chuyên ngành Dân tộc học trong số nhiều chuyên ngành hứa hẹn khác của Khoa Lịch Sử như Văn hóa học, Khảo cổ học,… chính là PGS.TS Hoàng Lương. Trong những giờ lên lớp, thầy thường sử dụng một thuật ngữ mà hiện nay luôn gắn liền với Nhân học đó là Anthropology. Đây cũng là lần đầu tiên cô được nghe tới khái niệm nhân học thay vì dân tộc học. Thầy tận tình viết lên bảng và giải thích: Nhân học là gì? Nhân học ở Mỹ như thế nào? Nhân học trên thế giới ra sao? Dù ở thời điểm đó, hướng tiếp cận của chuyên ngành Dân tộc học chịu ảnh hưởng rất rõ nét bởi trường phái dân tộc học Xô Viết.

Cố Nhà giáo ưu tú PGS.TS Hoàng Lương

Sau khi bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp Đại học mang tên Biến đổi về nghề đúc gang ở làng Khương Mỹ, xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vào tháng 6-2001, năm 2002, TS Đinh Thị Thanh Huyền quay trở lại nộp hồ sơ thi Cao học chuyên ngành Dân tộc học.  Tới đầu năm 2004, cô bắt tay thực hiện luận văn do PGS.TS Hoàng Lương hướng dẫn. Sau khi xin ý kiến tham vấn của các thầy trong Bộ môn, TS Đinh Thị Thanh Huyền quyết định nghiên cứu về Quan họ Bắc Ninh với đề tài cụ thể là Trang phục trong văn hóa Quan họ Bắc Ninh, nghiên cứu trường hợp làng Diềm, xã Hòa Long, huyện Yên Phong. Ấn tượng khó phai trong lòng cô nghiên cứu viên năm ấy khi đi điền dã thực địa đó là làng có khung cảnh cực kì cổ kính và đặc biệt là rất đông dân (hơn 4000 dân/1000 hộ vào thời điểm năm 2004). Sở dĩ cô nắm rõ số liệu này vì sau khi quay trở lại làm nghiên cứu sinh, TS Đinh Thị Thanh Huyền đã tiến hành điều tra định lượng và rất vất vả trong vấn đề chọn mẫu tại địa phương. Trong gần 2 năm đó, cô đi lại giữa Bắc Ninh và Hà Nội, đồng thời mở rộng nghiên cứu để có sự so sánh với một số làng khác ở huyện Yên Phong và thậm chí tới cả làng Thổ Hà, Bắc Giang. Nghiên cứu về đề tài này cho TS Đinh Thị Thanh Huyền cơ hội được làm việc với các nghệ nhân, chính quyền địa phương, những người có liên quan tới loại hình nghệ thuật Quan họ. Cô gặp lại và làm quen thêm những anh, chị trước đây cùng khoa Lịch sử đã trở về quê Bắc Ninh làm nghiên cứu ở Sở Văn hóa, trong đónhà nghiên cứu văn hóa Quan họ nổi tiếng Lê Danh Khiêm. Đó là những người sau này thường xuyên có thảo luận nhóm với cô xoay quanh vấn đề bảo tồn di sản từ góc độ nhà quản lý địa phương. Bên cạnh đó, đề tài luận văn còn liên quan đến yếu tố mỹ thuật. Bởi vậy, ngoài thông tin, chia sẻ của nghệ nhân, nhà nghiên cứu, cô còn làm việc với những người thiết kế trang phục Quan họ, đặc biệt là trong giai đoạn loại hình nghệ thuật này được đưa vào sân khấu biểu diễn với một số cách tân, cải biên so với trang phục truyền thống. TS Đinh Thị Thanh Huyền đã đến làm việc với họa sĩ Lê Thuần, ở Thị Cầu, từng học trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và được ông tặng những bản vẻ áo mớ ba, mớ bảy của liền chị Quan họ và áo the, khăn xếp của liền anh. Đó là những thiết kế ông được đặt hàng từ Sở Văn hóa tỉnh Bắc Ninh, Đoàn Quan họ tỉnh Bắc Ninh. Một người nữa mà cô thường lui tới trò chuyện là ông Nguyễn Hữu Thu-một thợ may nổi tiếng ở địa phương, chuyên may trang phục Quan họ và có một cửa hiệu ở trung tâm thị trấn Bắc Ninh, cô còn đặt ông may riêng cho một bộ làm kỷ niệm. Bên cạnh đó, không thể quên nhắc tới vai trò dẫn dắt của PGS.TS Hoàng Lương. Kể lại những ký ức về tình thầy trò, TS Đinh Thị Thanh Huyền bồi hồi: mỗi lần cô gọi điện ngỏ ý muốn xin thầy đến nhà trao đổi công việc, thầy đều đồng ý ngay. Nhiều lúc chỉ dự định đến phiền thầy khoảng 1 tiếng nhưng khi nào nhà giáo đáng kính cũng nhiệt tình giảng giải gấp đôi thời gian. Không chỉ vậy, PGS Hoàng Lương còn mang “đủ thứ” ra mời học viên ăn uống. Thầy luôn dặn rằng: “Các em vẫn còn đi học, làm gì có điều kiện, đi làm rồi thì lương cũng thấp, đến đây không phải mua cái gì cho thầy”. Cô còn nhớ mỗi dịp lễ trong năm như 20-11 hoặc Tết, mọi người trong Khoa đều rất thích được đến nhà thầy bởi một lý do đơn giản là được ăn các món đặc sản của người Thái và uống rượu cần. Vậy để thấy rằng, PGS.TS Hoàng Lương là một nhà giáo rất dễ mến, gần gũi và luôn cố gắng tạo điều kiện giúp đỡ học viên hết sức có thể. Dưới sự hướng dẫn của thầy, tháng 12-2005, TS Đinh Thị Thanh Huyền bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ.

Từ 2006-2009, TS Đinh Thị Thanh Huyền công tác tại Ban Văn hóa đương đại thuộc Viện Văn hóa của Đại học Văn hóa Hà Nội. Sau 3 năm công tác, cô được cơ quan tạo điều kiện cho học lên tiến sĩ tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vào năm 2009. Tận dụng những kết quả nghiên cứu của luận văn thạc sĩ trước đó, TS Đinh Thị Thanh Huyền phát triển lên và mở rộng nghiên cứu để làm luận án tiến sĩ. Trong chặng đường mới này, cô may mắn vẫn nhận được sự đồng hành và giúp đỡ của PGS.TS Hoàng Lương với vai trò giảng viên hướng dẫn chính, ngoài ra có thêm PGS.TS Lê Sỹ Giáo là người hướng dẫn thứ hai. Không những thế, thầy Hoàng Lương còn nhờ PGS.TS Nguyễn Văn Chính giúp cô các vấn đề liên quan đến lý thuyết trong quá trình thực hiện luận án dù thầy Chính không chịu trách nhiệm hướng dẫn cô.

Đầu năm 2014, cô trở lại làng Diềm, Bắc Ninh điền dã. Sau khi thảo luận với hai giảng viên hướng dẫn và PGS.TS Nguyễn Văn Chính, cô quyết định mở rộng nghiên cứu thêm ở làng Hoài Thị, huyện Tiên Du. Vì trong lịch sử văn hóa Quan họ, làng Hoài Thị và làng Diềm có mối giao tình, kết chạ tương truyền rất lâu đời. Trong quá trình đó, có một nghệ nhân lớn tuổi tên là Nguyễn Văn Thị hay còn gọi là cụ Tư Thị đã cung cấp cho cô rất nhiều thông tin để thực hiện luận văn. Nhưng đáng tiếc là khi cô quay trở lại làm luận án thì cụ đã qua đời. Dù vậy, tên tuổi và sức ảnh hưởng của cụ vẫn rất lớn đối với nghệ nhân thế hệ sau.

Ngày 30-12-2014, TS Đinh Thị Thanh Huyền thảo luận bản thảo luận án ở cấp bộ môn. Ngày 07-02-2015, cô bảo vệ luận án cấp cơ sở. Đó là dấu mốc không bao giờ cô quên được vì chỉ một tuần sau, PGS.TS Hoàng Lương-người thầy chịu trách nhiệm hướng dẫn chính luận án của cô mất (15-02-2015). Tháng 4-2015, cô gửi luận án đi phản biện độc lập, đến đầu tháng 8-2015 thì nhận lại được bản nhận xét của hội đồng chấm kín. Sau đó là quãng thời gian cô chỉnh sửa luận án, viết giải trình, đăng báo nhân dân rồi mới được trường ra quyết định bảo vệ chính thức vào ngày 09-9-2015 do PGS.TS Lâm Bá Nam là Chủ tịch Hội đồng chấm luận án. Ngoài ra, buổi bảo vệ còn có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành khác như GS.TS Lê Hồng Lý, PGS.TS Phạm Quang Hoan, PGS.TS Nguyễn Văn Chính,… Một điểm đáng nhớ đó là cô mời được những người trong cuộc đến tham dự buổi bảo vệ luận án, như cặp liền chị nổi tiếng ở Bắc Ninh là Nguyễn Thị Sang-Nguyễn Thị Thềm, chị Tư, anh Hai Yên (chủ nhiệm CLB Hoài Thị) và một số nghệ nhân khác. Sự tham gia của họ giúp cho buổi bảo vệ của cô trở nên ý nghĩa và giàu tính chân thực. Sau khi bảo vệ thành công với kết quả xuất sắc, TS Đinh Thị Thanh Huyền gửi luận án đi thi và đạt giải Ba Giải thưởng Phạm Thận Duật.

Nỗi day dứt cho người ở lại

Kể về sự ra đi đột ngột của thầy, TS Đinh Thị Thanh Huyền không khỏi xúc động: Trong buổi bảo vệ cấp cơ sở, có những câu hỏi, góp ý của Hội đồng mà cô chưa giải trình được, PGS Hoàng Lương đã đứng lên giảng giải lại và nói đỡ cho. Sau khi kết thúc, cô tiễn thầy ra về. Mọi ngày thầy vẫn hay đi xe ôm tới trường nhưng hôm đó nhất quyết tự đi bộ về nhà ở Mễ Trì để tranh thủ tập thể dục. Vậy để thấy, trước đó thầy vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn nên không ai có thể ngờ được chỉ một tuần sau, thầy mất do nhồi máu cơ tim.

Sau khi nhận được điện báo của PGS.TS Nguyễn Văn Sửu (nay là Trưởng khoa Nhân học) về tình hình của thầy Hoàng Lương, TS Đinh Thị Thanh Huyền tức tốc chạy đến bệnh viện. Cô nhớ như in khung cảnh lúc đó, dù thầy nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt, người ngoài không được vào thăm nhưng học trò đến túc trực rất đông, đứng đầy khắp hành lang và sân bệnh viện. Đến ngày 25-12-2014 (âm lịch), sau khi các y bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng không được, thầy ra viện để về quê. Khi được đẩy ra khỏi phòng bệnh, hơi thở thầy đã rất yếu, cô chỉ kịp nắm tay, chào người thầy của mình lần cuối. Chia sẻ thêm về ảnh hưởng từ sự ra đi đột ngột đó, TS Đinh Thị Thanh Huyền cho biết: ngay sau khi kết thúc buổi bảo vệ cấp cơ sở, hai thầy trò đã cùng nhau thảo luận, giúp cô tháo gỡ những vấn đề mà Hội đồng phản biện đặt ra. Do đó, về mặt kết quả, PGS.TS Hoàng Lương đã hoàn toàn làm tròn trách nhiệm của một người thầy hướng dẫn tận tâm. Dù vậy, ông lại không thể tham dự buổi bảo vệ luận án mà mình đã dày công hướng dẫn. Điều này trở thành nỗi day dứt và tiếc nuối lớn nhất trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu của TS Đinh Thị Thanh Huyền. Chính vì thế, ngay sau khi kết thúc buổi bảo vệ, lời cảm ơn đầu tiên và chân thành nhất cô đã dành trọn cho người thầy “lỡ hẹn” của mình.

Như vậy, trong suốt chặng đường theo đuổi chuyên ngành Dân tộc học, PGS.TS Hoàng Lương là người đã trao truyền cho TS Đinh Thị Thanh Huyền cũng như rất nhiều thế hệ sinh viên không chỉ kiến thức mà còn là đam mê, nhiệt huyết, tình yêu nghề và cảm hứng nhân học. Dù nhiều năm trôi qua, bản thân cũng đã trở thành một nhà giáo, có cơ hội được học tập, tiếp xúc với các thầy cô, đồng nghiệp mới nhưng hình ảnh về người thầy năm nào vẫn luôn ghi dấu sâu đậm trong tâm trí của TS Đinh Thị Thanh Huyền. Đó chính là câu chuyện cảm động về tình thầy trò, về hình ảnh Nhà giáo ưu tú PGS.TS Hoàng Lương mà MEDDOM luôn trân trọng và muốn lưu giữ.

Viết Thị Thanh Hà