Có những người Thầy chỉ dạy trò về kiến thức, nhưng có những bậc Thầy dạy trò bằng cách gợi mở và chỉ đường dẫn lối; còn việc có được kiến thức hay không là tùy vào sự hiểu biết và tiếp thu của mỗi học trò. Quả thật, GS.TS Bùi Xuân Tám chính là người mở đường cho sự nghiệp khoa học của đời tôi. Sở dĩ tôi đạt được bằng cấp và học vị như ngày nay, trước tiên là nhờ sự hướng nghiệp và dạy dỗ của Thầy, trong suốt 20 năm (1975-1995). Đó là thời gian thày trò chúng tôi gắn bó nhiều nhất với nhau trong công việc. Thầy là người vạch đường, chỉ lối cho tôi trong mọi việc chuyên môn, nghiên cứu khoa học cũng như phấn đấu để trưởng thành.
GS.TS.TTND Bùi Xuân Tám, 1991
Tôi vốn học ở trường Đại học Y Hà Nội. Cuối tháng 4 năm 1975, tôi được lệnh tổng động viên vào Quân đội. Tôi là một trong bốn người được giữ lại trường và nhận công tác ở Khoa A3 (lúc đó là khoa Lao), Viện 103, Đại học Quân y, với quân hàm chuẩn úy. Khoa nhỏ với 20 giường bệnh, 3 bác sĩ, một y sĩ hành chính, 2 y tá và 2 công vụ. Thầy Bùi Xuân Tám là Thiếu tá, Bác sĩ, Chủ nhiệm khoa A3.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp Thầy, đó là một nhà trí thức đáng tin và đáng kính! Mặc dù trước đó tôi đã được tổ chức đả thông rằng: “Về Khoa, đồng chí nên dựa vào BS. Khanh là Đảng viên,… Tôi thấy Thầy Tám chỉ chuyên tâm đọc sách, thu nhận, tìm tòi những kiến thức mới, để cống hiến cho chuyên ngành. Tôi cũng rất ham đọc sách, ham học hỏi, vì thế Thầy trò nhanh chóng quý mến nhau. Những ai chưa hiểu, thì rất sợ Thầy vì tính thị phạm và nghiêm khắc trong chuyên môn. Thầy rèn tôi từ nét chữ, cách ghi chép bệnh án, cách dán phiếu xét nghiệm, cách sơ kết và tổng kết bệnh án… Đặc biệt Thầy bắt chúng tôi phải ghi lại kết quả xét nghiệm và đóng khung bằng chì đỏ trong bệnh trình để tiện theo dõi bệnh nhân. Thầy quy định mỗi tuần hai buổi thông qua bệnh án. Những buổi đó Thầy thường đọc phim, kiểm tra việc kê đơn, xét nghiệm và sự theo dõi bệnh nhân. Thầy gay gắt, thậm chí mắng mỏ, khi chúng tôi sai sót. Thầy có thói quen thích viết bút mực, nét to, chữ đậm, luôn viết đẹp và rõ ràng. Cho nên chúng tôi không ai dám viết ngoáy, viết tắt. Mà riêng tôi thì đã giữ được nét chữ chân phương của mình, cũng như phong cách làm việc nghiêm túc cho đến tận ngày nay. Và cũng cho đến nay tôi càng nhận ra rằng thầy đã dạy tôi thực hành một cách nghiêm túc và tận tâm, trong tất cả mọi công việc chuyên môn.
Đọc X-quang
Nhắc đến Giáo sư Bùi Xuân Tám, người ta thường nhớ đến người đọc phim có kinh nghiệm nhất, người có thể thông qua phim là nắm được bệnh nhân. Tôi học được Thầy điều này, chính là nhờ sự rèn dũa của Thầy, ngay từ khi tôi còn trứng nước. Như thường lệ, mỗi tuần một buổi, Thầy ở lại khoa. Những buổi tối hôm đó Thầy luôn gọi tôi đưa bệnh nhân lên khoa X quang để chiếu điện. Thường thì chiếu từ 7 đến 10 bệnh nhân, Thầy chỉ bảo cho tôi từng loại tổn thương: đâu là xơ, đâu là hang; rồi cách chiếu điện phổi. Khi về khoa, Thầy vẽ lại và ghi chép tỉ mỉ từng hình ảnh X-quang của các bệnh nhân, đồng thời lấy phim chụp ra để so sánh. Gần như Thầy thuộc hết từng bệnh nhân trên hình ảnh X-quang. Cứ như vậy, tôi trưởng thành từ lúc nào không biết. Năm 1980, khi vào Sài Gòn dạy học viên thực tập tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; mỗi lần khám bệnh nhân xong, tôi đã vẽ được tổn thương gần giống với hình ảnh X-quang, khi tôi đưa học viên đi chiếu điện.
Làm kỹ thuật
Những kiến thức vốn được trang bị ở Đại học Y Hà Nội, đã có thể giúp tôi nhanh chóng làm việc được. Nhưng kiến thức về chuyên ngành Phổi thì buộc tôi phải học và tìm hiểu thêm nhiều. Thầy giao cho BS Khanh chỉ dẫn giúp tôi làm các kỹ thuật thường có ở khoa. Với niềm say mê học và làm, chẳng bao lâu tôi đã thành thạo các kỹ thuật: chọc hút khí màng phổi và bơm hơi màng bụng qua máy Kuss; rồi hút dịch màng phổi, rửa phế quản và rửa dạ dày xét nghiệm BK, tiêm thuốc vào hạch lao, bơm thuốc vào hang lao, cũng như chụp phế quản cản quang… Tôi thích sáng tạo, nên khi làm các kỹ thuật, tôi đều có cải tiến để làm cho thuận lợi. Thời đó chụp phế quản cản quang chọn lọc là rất khó. Khi được xem bộ sonde Metrade, tôi đã chế tạo được từ ống sonde Nelaton uốn cong và khi bơm vào một chút thuốc cản quang là có thể tìm và móc vào các lỗ phế quản để chụp chọn lọc. Tháng 8 năm 1975, Thầy cử tôi và BS Khanh đưa bệnh nhân ra Khoa Tai-Mũi-Họng, Viện 108 để học nội soi phế quản. Người trực tiếp hướng dẫn chúng tôi soi ống cứng kiểu Liên Xô, là bác sĩ Long. Người hướng dẫn soi ống mềm Olympus của Nhật là bác sĩ Đặng Hiếu Trưng – Chủ nhiệm khoa. Cứ mỗi tuần một lần, chúng tôi đưa bệnh nhân ra để soi và học. Các Thầy thì rất nhiệt tình, tận tụy, mà không cần phải một chút thù lao nào. Năm 1975 tại khoa A3, kỹ thuật soi phế quản ống cứng, đã được chúng tôi thực hiện liên tục từ đó trở đi. Sau này chính tôi lại là người hướng dẫn làm các kỹ thuật này cho các bác sĩ khi mới về khoa.
Dạy học
Để trang bị kiến thức chuyên ngành, tài liệu giúp tôi làm và học là bộ sách của Fattorusso V. và quyển Bệnh Lao của bác sĩ Đỗ Đình Luận (CNK Lao viện 108). Nhưng quan trọng vẫn là đi dự học các bài giảng của thầy Bùi XuânTám cho sinh viên Đại học và sau Đại học. Thỉnh thoảng Thầy có hỏi tôi vài điều, như một sự kiểm tra. Khi biết chắc tôi đã có kiến thức cơ bản, Thầy liền giao cho tôi giảng dạy. Lúc đầu thì làm Chủ nhiệm các lớp Y tá Trung cấp A và B, sau rồi hướng dẫn thực hành cho một số tốp khóa 6 và 7, rồi dần giao cho tôi làm chủ nhiệm các tốp khóa 8 đi vòng 1 và các khóa khác về sau này. Đến 1980 tôi mới chính thức trở thành giảng viên Bộ môn Nội chung, mà Thầy lúc đó phụ trách Chủ nhiệm Bộ môn Nội chung. Từ sau 1976 thì các mặt bệnh Lao không còn phong phú như trước nữa, do tiến bộ của điều trị. Thầy cử tôi nhiều lần xuống Trạm lao, gần nhà thờ Thạch Bích, để xin những ca bệnh khó về dạy học. Cho nên khoa A3 không thiếu mặt bệnh huấn luyện bao giờ.
Từ 1977 Thầy viết 4 tập bài giảng, in roneo. Đây đã là một sự tổng hợp lớn về kiến thức bệnh hô hấp. Tất cả các bác sĩ và học trò đều phấn khởi, vì có giáo trình chính thống để làm việc. Tuy vậy Thầy vẫn chưa hài lòng, cho nên năm 1979 Thầy lại tiếp tục viết lại và bổ sung 4 tập bài giảng mới. Sách in nội bộ nên Thầy không có một chút nhuận bút, cũng như không có một lời khen nào của cấp trên. Cứ thế Thầy âm thầm làm việc, lúc nào cũng thấy Thầy đọc sách. Thầy thường lên thư viện tìm tài liệu mới, còn chủ yếu là đi mua ở các hiệu sách. Thầy liên tục hối thúc chúng tôi buổi chiều phải lên thư viện để đọc. Nhờ có tác phong và kiến thức của Thầy truyền đạt mà chúng tôi cũng như các bác sĩ chuyên ngành sau này mới có khả năng tổng hợp để chẩn đoán sâu hơn về các bệnh hô hấp và lao, có cách nhìn toàn diện hơn, đổi mới hơn.
Nghiên cứu khoa học
Khi tôi còn chưa biết nghiên cứu khoa học là thế nào, thì cuối năm 1975 Thầy Bùi Xuân Tám đã nhận một công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, chung với khoa K60 và Bệnh viện tỉnh Hà Tây. Đó là công trình chữa hen bằng thuốc nam Ecvatin (cây Ớt rừng). Thế là khoa Lao trở thành khoa Phổi (gồm Lao và bệnh phổi). Chúng tôi phải theo dõi thời gian cắt cơn hen của từng bệnh nhân. Công việc rất vất vả, cuối cùng cũng thành công, đề tài được nghiệm thu, Thầy Bùi XuânTám được khen thưởng, còn tôi thì được ghi tên trong thành viên nghiên cứu đề tài và trưởng thành từ đấy.
Thầy Bùi Xuân Tám đưa cho tôi một số quyển đăng ký số liệu nghiên cứu khoa học của Thầy đã làm dở về các đề tài: Viêm phổi, U phổi, Lao phổi… Trong đó thầy kẻ từng ô và viết tóm tắt bệnh sử, xét nghiệm, vẽ hình X quang… Tôi tiếp tục đăng ký vào những quyển sổ đó. Và thế là tôi biết tự mình nghiên cứu khoa học như thế nào. Thầy thường bảo tôi phải chụp ảnh lưu giữ những trường hợp bệnh hiếm gặp, hoặc thành công trong chẩn đoán và điều trị, để tích lại sẽ thành tài liệu quý. Những điều này giúp tôi duy trì mãi đến bây giờ và đã thành tác phong khi thực hành lâm sàng.
Nguyễn Xuân Triều bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, 2-1995
Không chỉ trong chuyên môn, mà trên con đường phấn đấu trưởng thành của tôi cũng luôn có dấu ấn dìu dắt của Thầy Bùi Xuân Tám. Năm 1975, tôi còn là một Đoàn viên và đối tượng của Đảng. Thầy đã gợi ý đề nghị tôi làm Bí thư chi đoàn thay cho y tá Nguyễn Thị Thành ra quân. Chi đoàn lúc đó là chi đoàn ghép khoa A3 và A8, chỉ có 3 đến 5 đoàn viên. Nhưng đã có những hoạt động nổi danh: tổ chức khoảng 10 buổi sinh hoạt khoa học/năm; trồng lúa và rau xanh vượt chỉ tiêu; săn sóc bệnh nhân tận tình chu đáo, tham gia Hội diễn văn nghệ đạt giải…, Tất cả đều do sự hướng dẫn và chỉ đạo của Thầy Bùi Xuân Tám. Vì thế Chi đoàn chúng tôi đã giật được cờ thưởng “Chi đoàn xuất sắc nhất Tổng cục Chính trị”, suốt 2 năm liền (1976 và 1977). Từ những bước hoạt động chuyên môn cũng như phong trào quần chúng, mà tôi đã được trưởng thành dần lên.
Năm 1978 tôi thi trúng tuyển đi học NCS ở nước ngoài, được kết nạp Đảng, được trở thành giảng viên. Cho đến 1984 Thầy Tám hướng dẫn tôi một đề tài nghiên cứu khoa học về màng phổi và đưa tôi đi tham dự Hội nghị khoa học Tuổi trẻ sáng tạo toàn quốc, tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó thầy khuyên tôi học Chuyên khoa cấp II – Nội chung. Tôi đã hoàn thành xuất sắc khóa học, được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm bộ môn, rồi được đi thực tập sinh Tiệp Khắc. Thầy đã cho tôi tập viết sách giáo khoa và gợi cho tôi cũng như các học trò khác về các khía cạnh đề tài để làm nghiên cứu khoa học.
Năm 1992 thầy đưa tôi xem mẫu kim sinh thiết màng phổi Castelain (của Pháp), tôi đã tự mầy mò chế tạo ra kim sinh thiết của riêng mình và nhờ đó đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ (1995). Thầy là người trực tiếp hướng dẫn tôi làm luận án. Lúc đó khả năng tiếng Anh của tôi còn rất kém. Tôi đã phải đi học một khóa tiếng Anh tại chức của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Thầy thường xuyên kiểm tra tôi đọc dịch, rồi đưa tôi hàng chục tài liệu để tôi dịch và thầy sửa. Chẳng bao lâu tôi đã biết cách đọc nhanh và tra cứu các tài liệu tham khảo. Sau ngày bảo vệ luận án thành công, thầy mời tôi ra nhà và mở tiệc chiêu đãi. Có lẽ ít có học trò như tôi, được thầy thân thiết như người nhà của mình. Tôi nhiều lần được ăn nghỉ cùng thầy, được nằm cùng giường với thầy.
GS.Bùi Xuân Tám cùng Phu nhân tại nhà riêng (2016)
Suốt hàng chục năm gắn bó bên thầy, tôi đã học được tác phong độc lập nghiên cứu, say mê khoa học. Từ đây tôi đã tự mình chắp cánh bay lên để đạt tiếp những thành tựu khoa học của mình. Tuy vậy lúc nào tôi cũng tranh thủ ý kiến của thầy. Lúc nào thầy cũng say mê cuốn hút chúng tôi tới những nghiên cứu mà Việt Nam còn chưa làm được. Lúc nào thầy cũng đọc sách. Thầy đọc mê mải. Lúc nào cũng hướng tới cái mới. Thầy đưa cho chúng tôi nhiều tài liệu quý để đọc. Ngay cả những lúc ốm nặng trên giường bệnh, thầy cũng không rời quyển sách chuyên môn. Khi thầy nghỉ hưu, tôi là người kế tiếp lãnh đạo Bộ môn- Khoa. Tôi luôn đề nghị cấp trên mời thầy làm cố vấn, để tiếp tục tranh thủ kinh nghiệm của thầy và nhờ thầy truyền thụ tiếp cho nhiều thế hệ đàn em và học trò của mình.
Tới nay đã một năm, Thầy Bùi Xuân Tám ra đi mãi mãi. Thầy không còn được chứng kiến hơn nữa sự trưởng thành của Viện 103, Học viện Quân y, cũng như sự trưởng thành của các học trò của mình. Nhưng trong lòng chúng tôi luôn tri ân, luôn nhớ đến thầy như một tấm gương cao quý của một nhà khoa học chân chính – người Thầy thuốc Nhân dân, một nhà giáo lão thành suốt đời cống hiến cho khoa học.
Thầy Bùi Xuân Tám là Giáo sư đầu ngành Lao và Bệnh Phổi của Quân đội. Ông sớm giác ngộ Cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1947. Ông vào bộ đội từ 1950 sau đó hoạt động liên tục trong Quân đội cho đến khi nghỉ hưu.
Ông tốt nghiệp Bác sĩ Đại học Y Hà Nội từ 1955, được phong hàm Phó Giáo sư (1980), rồi Giáo sư – Tiến sĩ (1991). Ông đã kinh qua các chức vụ: Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh Phổi Viện 108 (1957 – 1963) và Viện 103 ( 1964 – 1979). Làm Chủ nhiệm Bộ môn Phổi và Bộ môn Nội chung – Học viện Quân y (1967 – 1989). Làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Bệnh viện 103 (1980 – 1989). Ông là Chuyên viên Kỹ thuật đầu ngành Phổi của Quân đội và là Ủy viên BCH Hội Lao và Bệnh Phổi Việt Nam (1985 – 2014). Khi nghỉ hưu, ông thường được các Bệnh viện mời làm Cố vấn cho Ngành Lao và Bệnh Phổi.
Ông đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ, được nhận các Huân chương cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng 3, Huân chương Quân công hạng 3 và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhưng phần thưởng cao quý hơn cả ở ông, đó là ông đã đào tạo được một thế hệ các Thầy thuốc chuyên ngành, với nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, các tướng lĩnh và lãnh đạo của nhiều bệnh viện trong và ngoài quân đội.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Triều