Ngay sau khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, ngày 6/1/1946, người thanh niên trẻ Đỗ Nghị đã tình nguyện gia nhập Quân đội, được giao chức trách là y tá phụ trách quân y Tiểu đoàn Hưng Đạo. Từ tháng 12/1946 đến tháng 8/1949, ông lần lượt phụ trách trạm quân y Bến Hối (Phúc Yên), quân y Đại đội 654, quân y Tiểu đoàn 55 chiến đấu ở mặt trận Bắc Cạn. Ngày 4/9/1947, khi đang ở tuổi 17 và mới sau hơn 1 năm nhập ngũ, ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó ông được điều về Trung đoàn 72 công tác, rồi được cử đi học y sĩ.
Cuối năm 1949, Đảng ta chủ trương chuyển cuộc kháng chiến trường kỳ sang giai đoạn mới, chỉ ra các nhiệm vụ chủ yếu về chính trị, kinh tế và quân sự. Thời điểm đó, cơ quan Cục Quân y chuyển về xã Phú Tiến, thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Chấp hành nghiêm túc chỉ thị của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, Cục Quân y đã chấn chỉnh tổ chức, thành lập thêm một số phòng nghiệp vụ. Một số bác sĩ được cử về Cục Quân y nhận nhiệm vụ mới, trong đó có bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc, Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 174 Cao Bằng về phụ trách Ban Công tác chính trị. Y sĩ Đỗ Nghị được nhận công tác tại cơ quan Cục Quân y, với chức trách là Trưởng Tiểu ban Tuyên huấn thuộc Ban Công tác chính trị. Một thời gian sau, ông được giao phụ trách Ban Cán bộ, rồi làm Bí thư cho đồng chí Cục trưởng Vũ Văn Cẩn.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông được Cục trưởng, Trưởng ban Quân y chiến dịch Vũ Văn Cẩn giao nhiệm vụ là Đội trưởng Đội chuyển thương T59, một công việc hết sức phức tạp ở thời điểm đó. Dưới sự chỉ huy của ông, Đội chuyển thương T59 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt 56 ngày đêm chiến dịch. Khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, việc vận chuyển thương binh, bệnh binh về hậu phương là một trong những vấn đề rất lớn, rất cấp bách, được Bộ Tư lệnh chiến dịch và Ban Quân y chiến dịch hết sức quan tâm chỉ đạo. Ngoài 72 thương binh nặng chưa thể chuyển ngay về hậu phương, còn có tới 6.044 thương binh cần chuyển gấp về các bệnh viện ở tuyến sau. Để công tác chuyển thương đạt hiệu quả cao, cấp trên có chủ trương vừa vận chuyển vừa điều trị để vết thương không gây biến chứng và di chứng, Ban Quân y chiến dịch đã tổ chức thành 4 tuyến vận chuyển, mỗi tuyến có một ban chỉ huy phụ trách. Trên từng tuyến lại chia thành các trạm tùy theo mỗi cung đường, với 9 trạm dành cho chuyển thương cơ giới và 22 trạm dành cho dân công cáng thương. Các trạm chuyển thương bằng cơ giới hoặc cáng bộ đều dựa vào cơ sở của các trạm vận tải và quân nhu, có phân công cụ thể: quân y tổ chức hộ tống và bảo đảm ăn uống dọc đường; quân nhu bảo đảm việc cung cấp thực phẩm; vận tải phụ trách về phương tiện, giáo dục ý thức phục vụ cho lái xe và dân công. Trên quãng đường dài hơn 400 cây số, phải vượt qua nhiều đèo cao, suối sâu, rừng già, nên cả dân công và thương binh đều rất vất vả, mệt nhọc. Với cương vị là Đội trưởng Đội chuyển thương T59, đồng chí Đỗ Nghị đã đề ra khẩu hiệu: “Mỗi xe ô tô là một bệnh xá”, “Mỗi tổ dân công là một gia đình thân yêu”. Dọc đường cáng thương dưới trời nắng gắt hoặc khi mưa tầm tã, ông đã vận động anh chị em dân công làm mui cáng cho thương binh. Mui cáng được che bằng nilon hoặc lợp lá rừng nên thương binh không bị ướt, không bị nắng. Sau hơn 3 tháng vật lộn với đường xa và các hiểm nguy trên đường, Đội chuyển thương T59 và các trạm chuyển thương đã vận chuyển hơn 6.000 thương binh về hậu phương bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Tháng 9/1956, y sĩ Đỗ Nghị và các bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc, Trần Bảo, Nguyễn Trinh Cơ được Bộ Quốc phòng gửi sang Liên Xô (cũ) học nghiệp vụ, trong đó ông chuyên học tiếng Nga để sau đó theo học chương trình đào tạo bác sĩ dài hạn của Quân y Liên Xô. Với tố chất thông minh, chỉ sau 2 năm ông đã sử dụng tiếng Nga thông thạo, đặc biệt trong lĩnh vực y học quân sự. Tuy nhiên, khi mới bước vào học chương trình đào tạo bác sĩ được khoảng 1 năm thì ông được rút về nước để theo học lớp đào tạo bác sĩ đầu tiên (lớp YA) của Viện Nghiên cứu y học quân sự (nay là Học viện Quân y). Sau khi tốt nghiệp bác sĩ, tháng 3/1962, ông là một trong số ít cán bộ quân y được chọn đi phục vụ chiến đấu ở miền Nam, với cương vị là Chủ nhiệm Quân y Lữ đoàn 305. Năm 1964, trong chiến dịch giải phóng Nậm Thà, cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng ở Bắc Lào, ông được giao nhiệm vụ là phái viên của Tổng cục Hậu cần, phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc chỉ đạo công tác bảo đảm quân y cho chiến dịch. Trong quá trình chiến đấu, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên công tác vận chuyển thương binh, bệnh binh về tuyến sau chưa được tổ chức chu đáo, chặt chẽ; công tác bảo đảm vật tư, thuốc quân y không được kịp thời và đầy đủ, nên thương binh, bệnh binh bị ùn ứ ở các cơ sở điều trị tuyến trước, gây khó khăn cho công tác tiếp tế thuốc men, bông băng và các phương tiện chữa trị. Trước khó khăn của Ban Quân y chiến dịch, ông đã cùng bác sĩ Nguyễn Công Vỵ, bác sĩ Bùi Tung và dược sĩ Nguyễn Trần Thành nghiên cứu và mạnh dạn cho đóng gói các cơ số chiến thương Y, K để phục vụ kịp thời các cơ sở điều trị và các đơn vị chiến đấu. Từ thực tế ở chiến trường Bắc Lào, các cơ số Y, K phục vụ chiến đấu đã ra đời. Sau đó các cơ số này đã nhiều lần được cải tiến về nội dung và phương pháp đóng gói, trở thành loại hình cơ số chủ yếu phục vụ các chiến trường; đến nay cơ số Y và cơ số K vẫn đang được sử dụng trong ngành Quân y.
Năm 1967, nhằm buộc các đơn vị chủ lực cơ động chiến lược của Mỹ, ngụy phải phân tán lực lượng để đối phó trực tiếp với các đơn vị chủ lực miền Bắc, tạo thuận lợi cho chiến trường Khu 5, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định mở chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh. Trên cương vị cán bộ Cục Quân y, ông và các bác sĩ Nguyễn Trí Tri, Phạm Thế Đô, Lê Thái Hà và các dược sĩ Nguyễn Duy Tô, Nguyễn Trần Thành, Nguyễn Văn Vy được Tổng cục Hậu cần tăng cường cho Phòng Quân y chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh. Với chức trách tham mưu cho Phòng Quân y chiến dịch, ông đã tổ chức một cuộc hội thảo để quân y các đơn vị mới vào chiến trường và quân y các đơn vị của mặt trận B5 học tập kinh nghiệm bảo đảm quân y trên chiến trường B, thống nhất về tổ chức và chiến thuật quân y. Sau cuộc hội thảo đó, ông đã đề nghị Phòng Quân y chiến dịch cử những bác sĩ có kinh nghiệm về bảo đảm quân y, về kỹ thuật xử trí vết thương chiến tranh đến các đơn vị trực tiếp chiến đấu để tổ chức huấn luyện kỹ thuật cứu chữa thương binh, bệnh binh và các biện pháp bảo đảm vệ sinh phòng dịch cho bộ đội. Ông đã trực tiếp hướng dẫn quân y các đơn vị tham gia chiến đấu vận dụng kinh nghiệm quý về bảo đảm sức khỏe bộ đội trong chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp, những kinh nghiệm của quân y mặt trận B5 – Vĩnh Linh, đã góp thêm kinh nghiệm trong việc tổ chức bình thường hóa sinh hoạt của bộ đội trong chiến dịch, trong điều kiện ta tổ chức vây ép, áp sát tiến công địch dài ngày.
Năm 1970 ông được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Tổ chức – Kế hoạch Cục Quân y và giữ chức vụ này cho tới năm 1976. Tại thời điểm đó, công tác chỉ đạo và bảo đảm quân y cho các chiến trường, đặc biệt là chiến trường miền Nam, đang là trách nhiệm vô cùng nặng nề của cơ quan Cục Quân y. Thấu hiểu những khó khăn của chiến trường, lại được giao nhiệm vụ ở cơ quan chiến lược chỉ đạo và tổ chức bảo đảm quân y cho các chiến trường, ông đã làm việc không mệt mỏi, có những đóng góp xuất sắc về xây dựng lý luận và củng cố lực lượng ngành Quân y, điển hình là:
– Đề nghị chấn chỉnh biên chế đại đội quân y trung đoàn bộ binh. Trước đó, từ năm 1954, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, các đại đội quân y trung đoàn được biên chế gọn, nhẹ, chỉ làm nhiệm vụ cứu chữa bước đầu. Nhưng thực tế chiến trường lại hoàn toàn khác. Từ những thực tế của ông ở chiến trường và những phản ánh của các cán bộ quân y từ chiến trường trở về cho thấy, đại đội quân y trung đoàn ở chiến trường, trước hết là chiến trường miền Nam, thường phải làm nhiệm vụ cứu chữa cơ bản, phân chia thành 2-3 đội phẫu thuật phục vụ cho nhiều hướng khác nhau. Ông đã đề nghị và được Cục Quân lực chấp nhận cho tăng biên chế đại đội quân y trung đoàn bộ binh từ 30 lên 36 người với 2 bác sĩ và 7 quân y sĩ, bảo đảm cho đại đội quân y có thể tách thành nhiều đội phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.
– Viết các tài liệu chỉ đạo công tác bảo đảm quân y trong chiến đấu. Hai tài liệu ông viết trong thời gian này là “Đội phẫu thuật lưu động” và “Công tác chuyển thương” được sử dụng làm cơ sở cho công tác bảo đảm quân y trong chiến đấu.
Tháng 10/1977, ông và bác sĩ Nguyễn Tụ được Bộ Quốc phòng gửi sang Học viện Quân y Kirov (Liên Xô) học nâng cao về chuyên ngành tổ chức và chiến thuật quân y trong thời gian 18 tháng. Có thực tiễn từ công tác tổ chức bảo đảm quân y trong chiến tranh, lại thành thạo tiếng Nga, nên hai ông không chỉ chú trọng học những kiến thức bạn truyền đạt, mà còn cố gắng đi sâu tìm hiểu cơ chế, căn nguyên của lý luận. Bác sĩ Đỗ Nghị đã từng kể với các đồng nghiệp ở Cục Quân y: “Chúng tôi nhiều lần hỏi các giáo sư Liên Xô tại sao lại có tỉ lệ này, cách thức để tìm ra và xác định các tỉ lệ, thí dụ cách xác định các tỉ lệ thương vong trong trường hợp địch sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Trở về nước vào năm 1979, ông được Bộ Quốc phòng giao trọng trách là Phó Cục trưởng Cục Quân y. Khi các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Polpot, trên cương vị là Phó Cục trưởng, ông trực tiếp phụ trách cơ quan tiền phương Cục Quân y ở phía Nam, tổ chức chỉ đạo công tác bảo đảm quân y cho các đơn vị chiến đấu trên chiến trường K.
Năm 1983, ông được trên cho đi học lớp đào tạo cán bộ cấp chiến lược tại Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Kết thúc khóa học, ông được bầu vào Thường vụ Đảng ủy Cục Quân y. Cũng trong thời gian này, ông đã trực tiếp nhiều lần đến các đơn vị ở biên giới phía Bắc chỉ đạo công tác quân y chống chiến tranh lấn chiếm biên giới.
Không chỉ chăm lo công tác bảo đảm quân y phục vụ các chiến trường, ông còn chú trong xây dựng lý luận cơ bản về công tác tổ chức và chỉ huy quân y. Ngay khi mới ở Liên Xô về nước năm 1979, trên cương vị Phó Cục trưởng Cục quân y, ông đã tập hợp một số cán bộ quân y có kinh nghiệm để biên soạn sách giáo khoa về tổ chức và chỉ huy quân y. Nhóm biên soạn nòng cốt do ông phụ trách trực tiếp gồm các bác sĩ Nguyễn Tụ, Trịnh Văn Luận, Nguyễn Duy Tuân. Nhóm làm việc hằng tuần, thông qua từng bài, thậm chí có bài phải thông qua từng câu, từng chữ. Vất vả nhất lúc đó là tìm thuật ngữ thích hợp để xác định nhiệm vụ, phạm vi cứu chữa cho tuyến quân y trung đoàn. Nếu dịch nguyên văn theo tiếng Nga là cứu chữa đầu tiên do bác sĩ, nhưng đối với tiếng Việt thì thuật ngữ đó lại không phù hợp. Sau nhiều lần thảo luận, cuối cùng tổ biên soạn mới thống nhất được thuật ngữ cứu chữa bước đầu là thuật ngữ được chấp nhận và sử dụng cho tới ngày nay. Sách giáo khoa về tổ chức và chỉ huy quân y do Đỗ Nghị và Nguyễn Duy Tuân chủ biên được Cục Quân y xuất bản năm 1979 với tên là “Những vấn đề cơ bản về tổ chức và chiến thuật quân y trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc”. Tài liệu được dùng làm cơ sở cho công tác huấn luyện quân y tại các nhà trường và bảo đảm quân y trong chiến đấu nhiều năm sau đó.
Năm 1980, ông được Bộ Quốc phòng thăng quân hàm Đại tá và năm 1984 được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 1990, khi tuổi đời tròn 60, ông được trên cho nghỉ hưu.
Đại tá, Phó Giáo sư, Phó Cục trưởng Cục Quân y Đỗ Nghị thuộc lớp cán bộ lớp đầu tiên của ngành Quân y đã tự nguyện phục vụ Quân đội trong suốt các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia. Trưởng thành từ một y tá đại đội, ông đã trực tiếp phục vụ bộ đội, phục vụ thương binh, bệnh binh trong nhiều chiến dịch trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; chỉ đạo công tác bảo đảm quân y trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, luôn giữ vững phẩm chất của người cán bộ, đảng viên, nêu cao ý thức trách nhiệm trước sức khỏe bộ đội. Không chỉ tự mình nêu gương sáng về y đức, y thuật, ông còn giáo dục cán bộ, nhân viên quân y thực hiện tốt lời dạy “Lương y kiêm từ mẫu” của Bác Hồ, tận tâm, tận sức chăm sóc sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh. Ông là một cán bộ quân y lão thành có năng lực và có tính sáng tạo trong công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo ngành Quân y; đã nêu gương sáng cho các thế hệ quân y kế cận về tinh thần tự học, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, chỉ đạo nghiệp vụ quân y. Hơn thế nữa, ông còn là một trong những cán bộ quân y chủ chốt say mê nghiên cứu khoa học thuộc chuyên ngành tổ chức chỉ huy quân y, đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cùng với toàn ngành xây dựng hệ thống tổ chức quân y khoa học và vững mạnh, đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội. Những công trình nghiên cứu khoa học của ông cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị khoa học và thực tiễn, góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, phát triển, xây dựng và củng cố mạng lưới quân y toàn quân.
Đại tá Phó Giáo sư Đỗ Nghị đã về cõi vĩnh hằng lúc 4 giờ ngày 22/1/2014 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 84 tuổi. Ông đã để lại cho các lớp cán bộ quân y kế cận một di sản quý báu, có giá trị mãi mãi với thời gian. Đó là nhân cách và phẩm chất đạo đức cao đẹp của ông; đó là tinh thần tận tâm, tận sức phục vụ bộ đội, phục vụ thương binh, bệnh binh; đó là lối sống giản dị, chân thành, gần gũi và chan hòa với đồng đội, đồng nghiệp; đó là người chỉ huy gương mẫu, không có sự phân cách, ranh giới giữa thủ trưởng với trợ lý, giữa cấp trên với cấp dưới.
GS.TS. Nguyễn Duy Tuân
BS. Nguyễn Ngọc Bích
Nguồn: www.yhqs.vn