Người thầy thuốc với hành trình nối dài sự sống

GS.TS Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Chinhphu.vn

GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là 1 trong 72 thầy thuốc, bác sỹ được phong tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân đợt này, đồng thời cũng vừa là người vinh dự có công trình khoa học ghép tế bào máu được công nhận là thành tựu y học nổi bật – một trong những niềm tự hào của Y học Việt Nam.

4 may mắn góp phần làm nên thành công

GS.TS Nguyễn Anh Trí vẫn luôn tâm niệm rằng, có được thành công ngày hôm nay một phần là do ông có được những may mắn lớn trong cuộc đời. Ông là người con của miền quê nghèo khó Lệ Thủy, Quảng Bình, cũng là mảnh đất luôn bị máy bay Mỹ bắn phá nhiều nhất trong chiến tranh. Chính mảnh đất còn nhiều khó khăn ấy, chính những con người miền Trung gan dạ trong chiến đấu đã tôi luyện cho ông ý chí, sức chịu đựng gian khổ để vượt qua mọi trở ngại. Vì vậy với ông, trong cuộc sống, ông ít khi sợ hãi, ít khi chùn bước, vì những cái khó khăn nhất, gian khổ nhất, thì đều đã trải qua.

 Được học tập dưới mái Trường Đại học Y khoa Hà Nội là may mắn thứ hai của GS.TS Nguyễn Anh Trí. Thời đó, rất nhiều giáo sư tên tuổi của nền Y học Việt Nam đã giảng dạy trực tiếp cho ông như GS.Tôn Thất Tùng, GS. Đặng Văn Chung, GS. Phạm Khuê. Ông đã tiếp thu từ các thầy những kiến thức, những kinh nghiệm quý báu làm hành trang cho con đường trở thành bác sỹ chuyên khoa về huyết học truyền máu cũng như nghiên cứu khoa học và quản lý sau này.

Với GS.TS Nguyễn Anh Trí, được học, được làm việc là hạnh phúc. Ông luôn ý thức được rằng nghề y là nghề rất khó và là nghề phải học suốt đời. Ông chọn chuyên khoa huyết học truyền máu bởi lý do rất đơn giản đó là chuyên khoa này có cả labor và lâm sàng, vừa có thể nghiên cứu trên labor, nhưng khi có những vấn đề cần áp dụng thực tiễn ngay trên lâm sàng cũng đều làm được.

Ông làm việc ở Bệnh viện Hữu Nghị, giai đoạn 1985-2003, thời gian này vấn đề giáo dục y đức luôn được đề cao. 18 năm ở Bệnh viện Hữu Nghị làm việc với ông là may mắn thứ 3, ở đây không khác gì quá trình ông học ở nội trú. Niềm yêu thích công việc, say mê học tập, nghiên cứu khoa học luôn thôi thúc ông phải nỗ lực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, làm việc không nghĩ đến giờ giấc, để tiếp tục vươn tới kỹ thuật, công nghệ, cách thức chẩn đoán mới, áp dụng hiệu quả cho điều trị.

Và hiện nay, một tập thể đồng lòng, đoàn kết, sáng tạo, là Viện Huyết học Truyền máu Trung ương nơi ông đang quản lý cũng là một may mắn nữa của ông. 

GS.TS Nguyễn Anh Trí đã có trên 220 công trình nghiên cứu khoa học các cấp đã được công bố ở trong và ngoài nước. Ông đã viết 16 quyển sách về lĩnh vực huyết học truyền máu và hướng dẫn 24 học viên cao học.

Ông vẫn thường tâm sự có được ngày hôm nay ông phải tri ân rất nhiều người, trong đó quê hương, đất nước đã nâng cánh cho ước mơ, khát vọng, cho con đường phấn đấu của ông. “Tôi có cảm giác rất lạ mỗi khi ra nước ngoài, khi máy bay cất cánh, chỉ trong 2-3 phút đấy thôi, đều dậy lên trong lòng mình cảm giác rất lạ, đủ cho mình thấy được tất cả như thước phim quay chậm về quá khứ, để mình dành lời cảm ơn tới những người đã giúp đỡ mình có được thành công ngày hôm nay”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

GS.TS Nguyễn Anh Trí vẫn cho đó là những may mắn trong cuộc đời ông những người biết ông, hiểu ông thì lại thấy rằng đó là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực, say mê, tâm huyết với nghề mới có được thành công.

Phòng ghép tế bào gốc hiện đại của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Ảnh do Viện HHTMTU cung cấp

Hành trình nối dài sự sống

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết, ghép tế bào gốc là thành tựu chung của nhân loại. Ở Việt Nam hiện có nhiều cơ sở tiến hành công việc này, đầu tiên là Viện Huyết học và Truyền máu TP.HCM, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Quân đội 108.

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tuy vào cuộc sau nhưng đã vào cuộc rất quyết liệt và đã thành công trên nhiều phương diện cả về đầu tư trang thiết bị, cách thức làm việc, áp dụng phác đồ điều trị mới nhất, hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Đây là phương pháp đặc biệt trong điều trị ung thư máu, ghép tế bào gốc tạo máu là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao, chuyên môn giỏi… nhưng hiệu quả lại vượt trội như, không gây đau đớn và mang đến nhiều cơ hội sống cho người bệnh.

Hiện nay có ghép tế bào gốc tự thân và ghép tế bào gốc đồng loại, sử dụng các phác đồ và trang thiết bị mới nhất của Mỹ nhưng do Viện trực tiếp đứng ra làm toàn bộ và thường xuyên liên hệ với các chuyên gia của Mỹ. Viện đã tiến hành ghép trên 40 ca, hầu hết đều trong tình trạng thập tử nhất sinh, 75% thành công bền vững, nhiều trường hợp ghép xong có cuộc sống bình thường.

Không chỉ thành công với phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại trong điều trị bệnh máu ác tính. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương còn thực hiện thành công nhiều ca ghép tế bào gốc tự thân. Đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao, chuyên môn giỏi nhưng hiệu quả lại vượt trội như: không gây suy tuỷ kéo dài, giúp người bệnh giảm bớt đau đớn so với điều trị thông thường (dùng hóa chất), giảm nguy cơ tử vong do các biến chứng nhiễm trùng, xuất huyết mang lại cuộc sống bình thường cho người bệnh từ 5 năm trở lên.

Viện đã chuyển giao công nghệ này cho nhiều bệnh viện như, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện 198, sắp tới sẽ chuyển giao cho Bệnh viện Bình Định. Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, ghép tế bào gốc tự thân có thể chuyển giao được cho hầu hết các bệnh viện tỉnh, thành phố trên cả nước.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, ghép tế bào gốc không chỉ áp dụng cho các bệnh lý về huyết học, các bệnh về ung thư máu, suy tủy xương mà còn cho những bộ phận không phải là cơ quan tạo máu như tim, thần kinh, nội tiết, da… đặc biệt là ngoại khoa. Ghép tế bào gốc là hướng đi, lối ra lớn cho ngành y tế và nước ta đang tập trung triển khai công nghệ này.

Tuy nhiên, nhiều người muốn được ghép tế bào gốc nhưng rất hiếm người hiến tế bào gốc. Mặt khác một số thuốc sử dụng trong quá trình ghép tế bào gốc cũng rất hiểm và bảo hiểm y tế chỉ thanh toán cho người được ghép mà người hiến không được thanh toán.

Hiện nay việc ghép tế bào gốc không khó khăn về kinh phí. GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết, ghép tế bào gốc tự thân kinh phí khoảng 130-150 triệu đồng, trong đó bảo hiểm đã chi trả trên 60%. Ghép tế bào gốc đồng loại khoảng 300 triệu đồng. Như vậy, chi phí cho mỗi ca ghép tế bào gốc trong nước, cụ thể là tại Viện Huyết học  – Truyền máu TƯ thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Nếu dùng phác đồ điều trị bằng hóa chất kinh phí sẽ đắt hơn nhiều và để đi ra nước ngoài điều trị sẽ mất khoảng từ 75.000-100.000 USD, chưa kể kinh phí cho người nhà đi cùng và các chi phí bên ngoài bệnh viện như ăn ở, đi lại…

Chính vì vậy, lối ra cho vấn đề này theo GS.TS Nguyễn Anh Trí chính là cần có chương trình tế bào gốc quốc gia, việc tình nguyện hiến tế bào gốc không chỉ từ người ruột thịt mà còn từ người trong cộng đồng. Bởi cứ 30.000 người thì có 2 người giống nhau, tức là phù hợp được 6 alen. Muốn vậy phải có chương trình tế bào gốc quốc gia, việc hiến tế bào gốc phải cần có rất nhiều người tình nguyện tham gia. Một lần hiến khoảng 20ml, không gây đau đớn.

Hiện nay Viện đã chính thức xin Bộ Y tế cho phép xây dựng Chương trình tế bào gốc quốc gia. Chỉ cần cả nước có 300 người đồng ý ghép là đã có ngân hàng tế bào gốc, khi có nguồn vốn này chúng ta có thể kết nối với thế giới để có ngân hàng tế bào gốc trên toàn cầu.

Việc xây dựng được Chương trình tế bào gốc quốc gia hiện nay không chỉ là mong muốn mà còn là trăn trở của người Thầy thuốc Nhân dân-GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để nối dài thêm sự sống cho người bệnh.

Mai Chi

Nguồn: baomoi.com/Home/SucKhoe/baodientu.chinhphu.vn/Nguoi-thay-thuoc-voi-hanh-trinh-noi-dai-su-song/7956363.epi