“Người thầy vĩ đại trong trái tim tôi”

GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân (1924-2013) được biết đến là chuyên viên đầu ngành của chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình. Ông là tác giả của nhiều sáng kiến, cải tiến, là người sáng lập ra ngân hàng xương đầu tiên ở Việt Nam để bảo quản xương đồng loại ở độ lạnh -250C; sáng tạo bộ dụng cụ để làm kết xương nén ép (kết xương bên trong) và dụng cụ cọc ép ren ngược chiều (kết xương bên ngoài); tái tạo ngón tay cái bị cụt bằng phẫu thuật “cái hóa” ngón tay dài… Các công trình nghiên cứu GS Nhân đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, áp dụng trên bệnh nhân và đem lại kết quả tốt. Những kinh nghiệm trong công tác chuyên môn đều được GS Nhân truyền lại cho các thế hệ học. Và “học trò ruột” được GS Nhân nhắc đến khi còn sống chính là GS.TS, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình.

Mặc dù công việc rất bận rộn nhưng với lời đề nghị của nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS.TS Nguyễn Tiến Bình đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về người thầy đáng kính – GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội (1978), tôi đã viết đơn đề đạt nguyện vọng vào công tác tại Sở Y tế Lâm Đồng để gần vợ sắp cưới được phân về công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm Khánh Hòa và được Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng nhận về công tác. Tuy nhiên, theo phân công của nhà trường, tôi có trong danh sách sang quân đội công tác. Sau một thời gian huấn luyện, tôi được điều về Viện Quân y 109. Tại đây, tôi được trực tiếp làm việc, học tập kinh nghiệm của các thầy đã được đào tạo chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình ở Liên Xô: thầy Vũ Trọng Kính, Nguyễn Văn Nhân, Vũ Tam Hoán. Nhưng hành trình “tầm sư học đạo” của tôi gắn liền với thầy Nguyễn Văn Nhân hơn cả.

Luôn mày mò, sáng tạo

Thầy Nhân luôn mày mò sáng tạo, vật lộn, phản biện với chính mình. Trong điều kiện hoàn cảnh chiến tranh, trang thiết bị kỹ thuật thiếu thốn chỉ có máy chụp X-quang, không có máy siêu âm, chụp cắt lớp…, việc khám chữa bệnh chủ yếu là lâm sàng, thầy Nhân cùng đội ngũ y bác sỹ suy nghĩ, trăn trở để tìm ra phương pháp chữa trị tối ưu. Thầy dặn chúng tôi: Bất cứ việc gì cũng phải đặt ra các tình huống khác nhau, nhìn trước nhìn sau, nhìn trong, nhìn ngoài, nhìn trên nhìn dưới, thậm chí đặt ra các tình huống xấu nhất để có thể ứng xử kịp thời, không bị lúng túng. Đó là việc cực kỳ quan trọng, cần thiết đối với người thầy thuốc, đặc biệt thầy thuốc ngoại khoa. Khi cầm con dao rạch cơ thể người bệnh không thể biết hết được bên trong là gì, không thể nói trước được những biến cố, biến chứng xảy ra. Người thầy thuốc phải tiến hành phẫu thuật bằng trí tuệ (cái đầu) mới được…. Thầy Nhân có thói quen đi ngủ sớm, 1-2h sáng dậy làm việc. Khi nhớ ra việc gì cần trao đổi hay nghĩ ra một sáng kiến cải tiến, thầy Nhân thường gọi điện cho tôi mà không để ý rằng lúc đó mọi người đang còn say giấc. Có lần tôi “than” với thầy: Mới 1 rưỡi sáng con đang ngủ say mà ông đã gọi? Thầy nói vui lại: Sáng rồi thì ông mới làm việc chứ.

Hầu hết các công trình nghiên cứu của thầy Nhân đều thực hiện trong hoàn cảnh chiến tranh và hậu chiến tranh. Thầy dành 90% thời gian để nghiên cứu cho ba chuyên đề: Điều trị không liền xương – khớp giả – mất đoạn xương cẳng chân bằng phương pháp phẫu thuật; Phương pháp phẫu thuật tái tạo ngón tay cái; và Bộ dụng cụ cố định ngoại vi (hay còn gọi là cọc ép ren ngược chiều). Trong đó, thầy Nhân dành nhiều tâm huyết nhất cho công trình nghiên cứu về dụng cụ cố định ngoài. Qua thời gian, thầy Nhân tiếp tục cải tiến và cho ra đời các cọc ép ren ngược chiều với nhiều kích cỡ khác nhau, ứng dụng điều trị trên nhiều loại bệnh. Ban đầu bộ cọc ép chỉ dùng để điều trị gãy xương, vỡ khớp do vũ khí chiến tranh cả mới và cũ (khớp giả, mất đoạn xương nhiễm khuẩn, viêm xương…), sau mở rộng thêm điều trị bàn chân khoèo, bàn chân thuổng, kết xương hai ổ và kéo dài chi…

GS.TS Nguyễn Văn Nhân (thứ 2, từ trái sang) cùng BS Nguyễn Tiến Bình (bìa phải) và hai chuyên gia nước ngoài

Thầy Nhân có phương pháp mổ dứt khoát, quyết đoán, nhanh và cầu toàn. Khi mổ xong, thầy yêu cầu đưa bệnh nhân đi chụp phim X-quang, để kiểm tra sau mổ. Thầy xem phim X-quang thấy kết quả không ưng, thậm chí hỏng, lúc đó dù có đói mệt, dù là đang đêm, thầy trò vẫn mổ lại, mà mỗi ca mổ kéo dài đến vài tiếng. Tôi còn nhớ ca phẫu thuật “cái hóa” đầu tiên thực hiện tại Viện Quân y 109, phải mất 5-6 tiếng thầy trò mới mổ xong. Đã thành thói quen, sau ca mổ, tôi phải đưa bệnh nhân đi chụp phim X-quang. Sau khi xem kết quả, thầy Nhân bảo phải mổ lại vì hai phần xương nối bằng lò xo chưa khớp. Dù người đói mệt lả nhưng thầy trò vẫn phải đi quấn lại lò xo với kích thước phù hợp, đem đi hấp khử trùng rồi tiến hành mổ lại.

Hết lòng vì bệnh nhân, học trò

Trong công tác khám chữa bệnh, thầy Nguyễn Văn Nhân luôn trăn trở làm sao điều trị cho người bệnh được tốt hơn. Đối với người bệnh, thầy Nhân thăm khám rất tỉ mỉ, cẩn thận, trách nhiệm cao, nhưng luôn làm cho bệnh nhân cảm thấy bớt đau đớn và sẵn sàng gửi niềm tin. Tôi nhớ mãi chuyện có một bệnh nhân bị đứt gân, thầy trò mổ nối gân. Sau khi mổ, thầy hướng dẫn bệnh nhân cách tập, nhìn mặt bệnh nhân nhăn nhó, thầy vừa nghiêm khắc vừa hài hước nói: Tôi chưa làm đã giẫy thì khỏi sao được. Bà xem, anh này (Nguyễn Tiến Bình) mổ tay cho tôi, mổ xong tôi tập cầm nắm quả bóng suốt, tôi tập cả trong lúc ngủ say. Nghe thầy nói vậy, bệnh nhân lại tủm tỉm cười vì trong lúc ngủ say thì có ai tập được.  

Một trong những điều đặc biệt ở thầy Nhân là sự kiên trì theo dõi kết quả điều trị, có những bệnh nhân được ông theo dõi, quan tâm sau phẫu thuật liên tục vài chục năm (diễn giải cho rõ hơn – cô Nga). Là học trò thân cận với thầy, nhiều lần tôi bị thầy “triệu” đi cùng về tận Hải Hậu (Nam Định), Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn tìm gặp bệnh nhân để thăm khám lại. Có những bệnh nhân quên lịch tái khám, thầy “sai” tôi về tận nơi kiểm tra xem tình hình tiến triển ra sao, chụp lại kết quả gửi thầy xem. Trong một hội thảo quốc tế, thầy đã trình bày bản báo cáo khoa học về trường hợp một bệnh nhân mổ ghép xương được ông theo dõi trong suốt hơn 30 năm, từ những năm 60, khiến các bạn đồng nghiệp Pháp, Mỹ… kinh ngạc, nể phục. Thầy Nhân từng nói: việc theo dõi một bệnh nhân trong 10 năm là bạc, 15 năm là vàng, 20 năm là kim cương. Đó là tài sản của người bác sĩ, mỗi một bệnh nhân cho chúng ta một kinh nghiệm riêng nếu không giữ lại được kết quả nghiên cứu xa về người bệnh thì bác sĩ không có gì cả.

Với bệnh nhân là vậy, còn với cấp dưới, với các thế hệ đồng nghiệp, thầy Nhân là người thầy rất nghiêm khắc. Thầy dặn viết bệnh án thì không được viết tắt, phải viết rõ ràng để mọi người đọc được. Mỗi lần thầy chủ trì giao ban, cấp dưới đều sợ vì hay bị thầy “truy”, thậm chí nếu làm chưa tốt còn bị thầy quát mắng. Thầy nóng tính là vậy, nhưng cũng rất hài hước, hóm hỉnh. Thầy có biệt tài làm mọi người sợ đến đỉnh điểm rồi thả bẫng xuống. Còn nhớ có lần thầy xuống khoa Chấn thương chỉnh hình, Học viện Quân y, tôi đang ngồi làm việc trong phòng, thầy ở ngoài gọi toáng lên: Anh Bình đâu rồi? Anh xuống mà xem y tá của anh làm ăn thế này. Anh hướng dẫn, huấn luyện nhân viên của anh làm như thế sao? Tôi vội vàng chạy xuống phòng bệnh, Thầy đứng đó, chỉ vào một trường hợp thương binh bị vết thương cột sống, liệt hai chi dưới, có nhiều biến chứng và nói: Anh xem, nhân viên của anh bơm đầy “kem đánh răng” vào hậu môn bệnh nhân đây này. Hóa ra do y tá bơm nhiều thuốc môt cách lãng phí, mà thuốc thì khan hiếm, nên thầy mới gọi toáng lên vậy, khiến tôi hốt hoảng tưởng xảy ra chuyện gì nghiêm trọng.

Còn với học trò, thầy Nhân rất tận tình đầy trách nhiệm, luôn chỉ bảo cặn kẽ, hướng dẫn cách làm, nhắc nhở học trò khi chưa thực hiện đúng tiến độ. Thầy luôn cẩn thận, tỉ mỉ trong việc sửa chữa luận án, thẳng thắn đưa ra các góp ý. Khi tham gia hội đồng chấm luận án, thầy hết sức nghiêm khắc, thầy đã từng “đánh trượt” nghiên cứu sinh với lý do không đảm bảo sự trung thực, cắt dán, sao chép. Thầy Nhân đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo các bác sĩ chấn thương ở các vùng miền khác nhau, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Theo thầy, có nhiều bác sĩ giỏi ở khắp nước sẽ giúp điều trị cho nhiều người bệnh tốt hơn, kịp thời hơn. Không có tay nghề không điều trị được, lòng tốt không đủ. Lòng tốt cùng với sự kém cỏi nghiệp vụ tri thức thì còn làm hại người bệnh.

GS.TS, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, 2016

Thầy Nhân là con người sắt đá, bản lĩnh như vậy nhưng ẩn sâu bên trong là một tâm hồn dễ xúc động, giàu lòng nhân ái. Tôi đã chứng kiến ba lần thầy Nhân xúc động đến rơi lệ. Lần thứ nhất, trong buổi tôn vinh thầy ở Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, sau khi trình bày về thân thế sự nghiệp, con người thầy và thay mặt Hội tôi tặng hoa chúc mừng thầy. Thầy khóc vì quá cảm động. Lần thứ hai, trong buổi lễ ra mắt thành lập Viện Chấn thương chỉnh hình quân đội (2002), tôi chuẩn bị bài phát biểu và các slide hình ảnh giới thiệu, thầy rất xúc động vì đó là tâm nguyện từ lâu của thầy. Lần thứ ba là khi thầy 75 tuổi, tôi thuê người đúc tượng tặng thầy. Vì muốn tạo bất ngờ, tôi không nói trước mà “ngấm ngầm” chụp ảnh các góc cạnh để đưa thợ đúc. Theo yêu cầu, anh thợ đúc cần gặp thầy Nhân trực tiếp để hoàn thành tác phẩm. Tôi hẹn chủ nhật sẽ đèo thầy đến. Thầy Nhân ngồi xe máy cẩn thận lắm, không ngồi sau xe máy của ai, trừ tôi. Thầy có động tác là túm chặt vào hai vai của tôi. Còn đi với người khác, thầy đèo. Đến chỗ đúc tượng, bất ngờ mở tấm vải che, nhìn tượng mới đúc phác thảo mà đã “giống như thật”, mắt thầy đỏ hoe vì xúc động. Sau buổi gặp đó, anh thợ đúc chỉnh sửa mẫu, rồi đúc bằng đồng cho vào trong hộp kính để tôi mang đến tặng thầy. Con người thầy trong công việc rất nghiêm khắc, nhiều khi “ngoa ngôn”, lúc tức giận thì mặt đỏ au, nhưng cũng hay mủi lòng, giàu tình cảm.

Thầy Nhân nghiêm khắc là vậy nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy “sợ” cả, mà thấy may mắn vì được sống và làm việc cùng thầy. Suốt mấy chục năm làm việc cùng nhau, chẳng có gì thầy giấu tôi, kể cả việc riêng tư, gia đình, họ hàng, anh em, bạn bè của thầy, đặc biệt là chuyên môn, cái gì thầy cũng trao đổi, tin tưởng ở nơi tôi. Cả một chặng dài được quan sát, theo dõi thầy Nhân mổ, cùng thầy tiến hành cải tiến trang thiết bị, những lần thăm khám bệnh nhân, hội chẩn… tôi tự đúc kết những kinh nghiệm cho bản thân và dần trưởng thành. Không chỉ trong chuyên môn mà về tính cách của thầy dường như cũng ngấm vào trong con người tôi từ lúc nào không hay. Có người bảo tôi nói cũng giống thầy, tính nết, xử sự cũng giống thầy. Nhưng cho đến lúc thầy mất, tôi mới thấy ra một điều, chưa bao giờ tôi được nhận một câu khen của thầy. Thầy dạy bảo, mắng nhiều hơn khen, thậm chí là nặng lời… Tôi cho mình là người học trò khổ cực nhất trong tất cả các học trò của thầy. Ai cũng bảo thầy yêu quý tôi nhất, coi tôi như con đẻ. Hiểu tính thầy, tôi không để tâm mà chỉ một lòng theo thầy học đạo và tôi đã học được rất nhiều. Thầy chẳng giống ai, rất thầy Nhân, có tính cách kỳ lạ. Trong cuộc sống hôm nay thầy Nhân là người bình thường nhưng đối với tôi, thầy đúng là người trí thức chân chính, một thầy thuốc quân đội trong trẻo, chân phương, tận tụy với công việc. Thầy chẳng đòi hỏi gì. Thầy Nguyễn Văn Nhân là người thầy vĩ đại trong trái tim tôi.  

 

                                                                                                                                                                    Hoàng Thị Liêm (ghi)

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam