Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh
Nhớ lại, tôi đến nhà Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh vào một buổi sáng mùa thu nắng nhạt. Ngôi nhà của ông nằm sâu trong một làng giữa Hà Nội. Khó khăn lắm tôi mới dắt được xe qua con ngõ nhỏ.
Hôm ấy ông tiếp tôi rất tự nhiên và cởi mở trong phòng khách giản dị. Căn phòng chỉ độ hơn hai chục mét vuông, mọi đồ đạc kê trong phòng hầu như đã cũ, trang trọng nhất là chiếc tủ xếp đầy sách. Như biết được ý định của tôi, Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh nhâm nhi chén trà rồi kể lại con đường mà ông đến với nghề kiến trúc.
Ông sinh ra và lớn lên ở làng Ngọc Lập (xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên). Một miền quê chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và hoa màu. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã ham thích kẻ vẽ. Đi đâu nhìn thấy hình ảnh gì đẹp là ông về ngồi hàng giờ để vẽ lại bằng được hình ảnh đó. Có lần bố mẹ ông đánh cho no đòn về tội đem giấy mực vẽ vời linh tinh. Lớn lên người thanh niên Ngô Huy Quỳnh quyết định thi và trúng tuyển vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (ngày ấy ở Đông Dương chỉ có duy nhất một trường cao đẳng mỹ thuật). Và con đường, sự nghiệp kiến trúc của đời ông bắt đầu từ đó.
Trong hơn 3 năm học ở trường, ông luôn là học sinh xuất sắc, các bài thi của ông được giảng viên đánh giá rất cao về chất lượng. Sau hơn 3 năm học tập và phấn đấu ông đã tốt nghiệp loại ưu. Tốt nghiệp xong, ông được nhiều kiến trúc sư nước ngoài mời sang làm việc với mức lương rất hậu hĩnh và điều kiện làm việc rất thuận lợi với bản thân ông. Tính ra một tháng lương họ trả bằng cả năm lao động ở trong nước. Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu Tổ quốc, ông quyết định ở lại mang kiến thức đã học để phục vụ đất nước, phục vụ quê hương nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng. Ông về công tác tại Văn phòng Kiến trúc sư của ông Võ Đức Diện ở Hà Nội.
Hỏi về kỷ niệm ông được vinh dự giao thiết kế Kỳ đài tại vườn hoa Ba Đình để Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945, ông xúc động như sống lại những ngày lịch sử hào hùng của dân tộc, ông kể lại:
Sáng 1/9/1945, tôi đang làm việc ở văn phòng thì thấy ông Phạm Văn Khoa hoạt động trong tổ chức Văn hóa Cứu quốc (sau này là Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn, Cục trưởng Cục Điện ảnh đầu tiên) đến truyền đạt yêu cầu của Kỳ bộ Việt Minh việc thiết kế Kỳ đài để chiều mai (ngày 2 tháng 9) Hồ Chủ tịch đứng đọc Tuyên ngôn Độc lập và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào tại vườn hoa Ba Đình. Nghe đến đây ông không tin vào tai mình nữa, xúc động và vinh dự đến bất ngờ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập trên kỳ đài ngày 2.9.1945
Ông thầm nghĩ: từ trước đến nay gia đình, bố mẹ và bản thân bị nô lệ dưới ách thực dân, cuộc đời thật khổ cực trăm bề. Nay Cách mạng đã thành công, bao chiến sĩ đã đổ máu hy sinh để giành độc lập, bây giờ Đảng cần đến tay nghề của mình để làm một việc có ý nghĩa lớn, ông phấn khởi nhận lời. Ông Khoa cũng yêu cầu Kỳ đài làm giản dị nhưng phải trang nghiêm và trên lễ đài có thể đứng được hơn 30 người.
Mặc dù thời gian rất gấp nhưng ông hẹn ông Phạm Văn Khoa 12h trưa hôm ấy quay lại xem bản vẽ. Chia tay ông Phạm Văn Khoa, trong lòng ông xao xuyến bồi hồi khó tả, vừa mừng vừa lo, mừng vì được làm một việc có ý nghĩa lớn cho cách mạng, để lại một dấu ấn trong cuộc đời ông, lo làm sao tính toán thiết kế cho phù hợp và kịp thời gian tổ chức đã đặt ra.
Theo kinh nghiệm nghề nghiệp, muốn thiết kế công trình gì thì cũng phải khảo sát địa hình thực tế. Quay vào chuẩn bị mấy thứ đồ dùng xong, ông vội đạp xe đến vườn hoa Ba Đình để khảo sát. Đoạn đường từ chỗ ông đến vườn hoa Ba Đình chưa đầy 3km nhưng ông cảm thấy sao đi lâu đến thế. Đến nơi, ông đứng ngắm toàn cảnh vườn hoa Ba Đình một lần, khảo sát tất cả các địa điểm, mặt bằng, những hình khối xung quanh vườn hoa có liên quan rồi vẽ lên 3 kiểu. Vẽ xong, ông hình dung Hồ Chủ tịch đang đứng trên kỳ đài vẫy chào mọi người, tự nhiên ông xúc động và hạnh phúc dâng trào càng thôi thúc ông hoàn thành nhanh công việc khó khăn này.
Gần trưa quay lại, thấy đã hoàn thành bản vẽ, ông Khoa rất mừng. Sau khi xem xét, ông Khoa và một số đồng chí trong Hội Văn hóa Cứu quốc (như ông Nguyễn Đình Thi, ông Nguyễn Huy Tưởng, ông Lưu Ngọc Lợi, ông Ba Hương…) quyết định chọn bản vẽ thứ nhất mà mọi người cho là đơn giản lại đẹp nhất, phù hợp nhất.
Thế là 12h30’ ngày 1/9/1945, Kỳ đài bắt đầu được thi công. Nơi dựng Kỳ đài là bồn cỏ tròn, trước các cổng cuốn tròn tỳ trên hệ thống cột kiến trúc theo kiểu To scan (Pháp). Công trình này màu vàng nhạt như hai tay ôm lấy phía sau lễ đài, cùng với khối cây cổ thụ màu xanh như đóng vai trò “trẩm” theo cách nhìn phong thủy mà bà con nhân dân quen thuộc.
Là người thiết kế nhưng vì thời gian quá gấp nên Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh trực tiếp cùng mọi người trong Ban Tổ chức thi công Kỳ đài. Ban Tổ chức liên hệ với các đồng chí ở Thành ủy Hà Nội xin xe để chở vật liệu. Lúc sau, nhận được hai chiếc xe vận tải (của Tòa Đốc Lý cũ của Pháp) còn mang ở sườn xe hai chữ V.H. Đó là hai chữ viết tắt bằng tiếng Pháp: Ville Hà Nội.
Không khí những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9/1945 sôi sục khí thế cách mạng, người nào cũng muốn đóng góp sức người sức của cho cách mạng. Đến xưởng để mượn gỗ, mọi người trong Ban Tổ chức được đón tiếp niềm nở. Các ông chủ gỗ rất vui vẻ: “Các anh muốn lấy thứ gỗ nào cứ lấy. Nếu có cần phải xẻ cũng được”. Đến các cửa hiệu ở chợ Đồng Xuân để mượn vải, các chủ hiệu đưa ra mấy xúc vải nhung màu đỏ và nói: “Các anh cố giữ đừng để rách, nếu cần phải pha cũng được”.
Cũng buổi sáng hôm đó, ông Phạm Văn Khoa đến thuê ông Quyến là thợ mộc rất giỏi ở phố Hàng Hành. Xem qua bản vẽ, ông Quyến tính số khung, số ván, số đinh và một số vật liệu khác để Ban Tổ chức chuẩn bị. Ông Phạm Văn Khoa nhờ luôn ông Quyến huy động thêm 10 người thợ mộc. Còn phụ việc huy động 40 anh em ở Ban Cổ động, Ban Khánh tiết, Ban Khoa giáo.
Khó mà quên được buổi chiều hôm đó, nắng vàng trải khắp vườn hoa. Các đồng chí ở Sở Liêm phóng Bắc Bộ đang khẩn trương triển khai kế hoạch bảo vệ buổi lễ.
Ngay trong đêm mồng 1/9, lực lượng bảo vệ đã triển khai tại khu vực vườn hoa Ba Đình và các điểm chốt dọc đường Phan Đình Phùng và các tuyến phố khác đến Bắc Bộ phủ. Anh em được trang bị súng ngắn, quần áo đồng phục thống nhất. Một số anh em cảnh sát chuẩn bị được bố trí thành hàng rào danh dự dọc đường đoàn xe của Hồ Chủ tịch và các thành viên Chính phủ lâm thời đi đến lễ đài…
Đơn vị Giải phóng quân của đồng chí Đàm Quang Trung từ chiến khu về được giao phối hợp cùng tự vệ Cứu quốc Hoàng Diệu, lực lượng vũ trang thủ đô bảo vệ vòng ngoài cuộc mít tinh. Còn những người thi công Kỳ đài làm việc luôn tay mà không thấy mệt, chỗ này cưa, chỗ kia dọc gỗ. Tiếng đục, tiếng đóng đinh chan chát. Lúc bấy giờ vườn hoa Ba Đình chỉ là khoảng đất phẳng, nên mọi người chôn các trụ của Kỳ đài xuống đất, như thế vừa tiết kiệm gỗ lại không phải cưa và tạo cho Kỳ đài vững chắc.
Khi Kỳ đài vừa được dựng lên, anh em trong Ban Khánh tiết bọc vải, ken hoa và chuẩn bị hệ thống âm thanh. Gần 6h sáng hôm sau (ngày 2/9/1945), Kỳ đài được hoàn thành. Kỳ đài cao hơn 4m, rộng và sâu hơn 4m, trên đó có 1 cột cờ cao hơn 10 m, hai bên có hai lư hương lớn bằng gỗ.
Khi đứng trên Kỳ đài để kiểm tra lần cuối cùng ông Ngô Huy Quỳnh thấy đông đảo bà con hừng hực khí thế cách mạng đổ về, cờ hoa, các biểu ngữ: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”; “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chủ tịch”; “Mặt trận Việt Minh muôn năm”; “Hồ Chủ tịch muôn năm”… tràn ngập không gian. Khói thơm từ hai lư hương lớn bay lên càng gợi những ý tưởng thiêng liêng. Sau khi thi công xong, mọi người phấn khởi quên cả mệt. Hôm ấy, ông Quỳnh cũng được vinh dự cầm súng cùng với các đồng chí trong Sở Liêm phóng Bắc Bộ đứng bảo vệ lễ đài.
Đầu giờ chiều, buổi lễ mít tinh bắt đầu được tiến hành. Đứng nghe Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, mọi người rất xúc động khi Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Lời Bác như lời non nước vọng lại làm cả biển người đồng thanh hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”; “Việt Nam độc lập muôn năm!”… tưởng như không bao giờ dứt. Tự nhiên nước mắt trào ra vì sung sướng, ông càng tin ở Cách mạng, ở Bác vô cùng.
Sau này, Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh tham gia vào công tác quy hoạch, cải tạo đô thị đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Năm 1951, ông được Nhà nước gửi sang Liên Xô tiếp tục học tập. Về nước, ông trực tiếp tham gia xây dựng nhiều đồ án quy hoạch đô thị lớn và đảm nhiệm những chức vụ quan trọng như Ủy viên Ủy ban Kiến thiết Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch đô thị – nông thôn, Cố vấn chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước. Ông còn là Ủy viên thường vụ, Bí thư Đảng Đoàn Hội Kiến trúc Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc.
Năm 1984, ông được Nhà nước phong Giáo sư, là tác giả của cuốn: “Lịch sử kiến trúc Việt Nam” Nhà xuất bản Thông tin (1.320 trang). Cuối tháng 5/2003, vì tuổi cao sức yếu, Giáo sư – Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đã đi về nơi vĩnh hằng
Phương Thanh
Nguồn: http://antg.cand.com.vn