Người thiết kế kỳ đài Độc Lập

 Ngay từ khi còn nhỏ ông đã ham thích kẻ vẽ. Đi đâu nhìn thấy hình ảnh gì đẹp là ông về ngồi hàng giờ để vẽ lại. Lớn lên, Ngô Huy Quỳnh quyết định thi và trúng tuyển vào trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông dương (Ngày ấy ở Đông dương chỉ có duy nhất một trường Cao đẳng Mỹ thuật). Con đường và sự nghiệp kiến trúc của ông bắt đầu từ đó.

 Sau hơn ba năm học tập và phấn đấu, Ngô Huy Quỳnh đã tốt nghiệp loại ưu. Ông về công tác tại Văn phòng Kiến trúc sư của ông Võ Đức Diện ở Hà Nội. Ông là người vinh dự được giao nhiệm vụ thiết kế Kỳ đài tại vườn hoa Ba Đình để Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945.
Sáng 1/9/1945, Kiến trúc sư Huy Quỳnh đang làm việc ở văn phòng thì thấy ông Phạm Văn Khoa – một người hoạt động trong tổ chức Văn hóa Cứu quốc (Sau này trở thành Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn, Cục trưởng Cục Điện ảnh- PV) đến truyền đạt yêu cầu của Kỳ bộ Việt minh về việc thiết kế kỳ đài để chiều 2/9 Hồ Chủ tịch lên đọc Tuyên ngôn Độc lập và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào tại vườn hoa Ba Đình.
 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình 
Ảnh: TL
 
Nghe đến đây ông không tin vào mình nữa, xúc động và vinh dự đến nghẹn ngào! Ông Khoa cũng yêu cầu: Kỳ đài làm giản dị nhưng phải trang nghiêm; Trên lễ đài có thể đứng được hơn 30 người. Mặc dù thời gian rất gấp nhưng ông hẹn ông Phạm Văn Khoa 12 giờ trưa hôm ấy quay lại xem bản vẽ. Chuẩn bị mấy thứ đồ nghề, ông vội đạp xe đến vườn hoa Ba Đình để khảo sát thực địa. Đứng ngắm toàn cảnh vườn hoa Ba Đình, khảo sát tất cả các địa điểm, mặt bằng, những hình khối xung quanh vườn hoa có liên quan rồi vẽ 3 kiểu. Gần trưa quay lại, thấy đã hoàn thành bản vẽ, ông Khoa rất mừng. Sau khi xem xét, ông Khoa và một số đồng chí trong Hội văn hóa Cứu quốc quyết định lấy bản vẽ thứ nhất mà mọi người cho là đơn giản lại đẹp nhất, phù hợp nhất.
 
Thế là 12 giờ 30 ngày 1/9/1945, kỳ đài bắt đầu được thi công. Là người thiết kế nhưng vì thời gian quá gấp nên kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh trực tiếp cùng mọi người thi công Kỳ đài. Cũng buổi sáng hôm đó, ông Phạm Văn Khoa đến thuê ông Quyến là thợ mộc rất giỏi ở phố Hàng Hành. Xem qua bản vẽ, ông Quyến tính số khung, số ván, số đinh và một số vật liệu khác để Ban Tổ chức chuẩn bị. Ông Phạm Văn Khoa nhờ luôn ông Quyến huy động thêm 10 người thợ mộc cùng 40 anh em ở Ban Cổ động, Ban Khánh tiết, Ban Khoa giáo đến giúp việc. Không khí làm việc khẩn trương, tràn đầy hưng phấn.
 
Những người thi công Kỳ đài làm việc luôn tay mà không thấy mệt, chỗ này cưa, chỗ kia dọc gỗ. Tiếng đục, tiếng đóng đinh chan chát vang cả không gian. Lúc bấy giờ vườn hoa Ba Đình chỉ là khoảng đất phẳng, nên mọi người chôn các trụ của Kỳ đài xuống đất, như thế vừa tiết kiệm gỗ lại không phải cưa và tạo cho Kỳ đài vững chắc. Khi Kỳ đài vừa được dựng lên, anh em trong ban Khánh tiết bọc vải, ken hoa và chuẩn bị hệ thống âm thanh.
 
Gần 6 giờ sáng hôm sau (ngày 2/9/1945) Kỳ đài được hoàn thành. Kỳ đài cao hơn 4m, rộng và sâu hơn 4m, trên đó có 1 cột cờ cao hơn 10 m, hai bên có hai lư hương lớn bằng gỗ. Khi đứng trên Kỳ đài để kiểm tra lần cuối cùng ông Ngô Huy Quỳnh thấy đồng bào khắp nơi đang đổ về với khí thế cách mạng hừng hực, cờ hoa, biểu ngữ giăng khắp. Mùi trầm từ hai lư hương lớn bay lên càng gợi không khí thiêng liêng.
 
Đầu giờ chiều, buổi Lễ mít tinh được tiến hành. Đứng nghe Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, cả biển người nghẹn ngào xúc động khi nghe Người hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?" Lời Bác như lời non nước vọng lại làm biển người đồng thanh hô vang: "Hồ Chủ tịch muôn năm!"; "Việt Nam độc lập muôn năm!"… tưởng như không bao giờ dứt. Nước mắt kiến trúc sư Huy Quỳnh trào ra vì sung sướng, hạnh phúc.
 
Sau này, Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh tham gia vào công tác quy hoạch, cải tạo đô thị đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Năm 1951, ông được Nhà nước gửi sang Liên Xô tiếp tục học tập. Về nước, ông trực tiếp tham gia xây dựng nhiều đồ án quy hoạch đô thị lớn và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng.
 
Với nhiều đóng góp lớn lao cho nền kiến trúc nước nhà; Năm 1984, ông được Nhà nước phong hàm giáo sư, là tác giả của cuốn: "Lịch sử kiến trúc Việt Nam"-(Nhà xuất bản thông tin -1320 trang). Cuối tháng 5 năm 2003, vì tuổi cao sức yếu, Giáo sư – Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đã ra đi về nơi vĩnh hằng. Bài viết này thay nén nhang mong ông an nghỉ nơi chín suối mát lành.
 
Nguyễn Đức Quý
(ghi theo lời kể và tư liệu của gia đình Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh)
 
Nguồn: http://giadinh.net.vn/2010090103155637p0c1000/nguoi-thiet-ke-ky-dai-doc-lap.htm