Cuối thập niên 80 là thời điểm ngôn ngữ học tri nhận bắt đầu được chú ý như một trường phái nghiên cứu mới. Nó nghiên cứu ngôn ngữ dựa trên vốn kinh nghiệm và sự cảm thụ của con người về thế giới khách quan cũng như cách thức mà con người tri giác và ý niệm hóa các sự vật và sự tình của thế giới khách quan đó. Năm 1989, hội thảo ngôn ngữ học tại Duisburg (Đức) đã thông qua quyết nghị thành lập Hội ngôn ngữ học tri nhận và sau đó cho ra đời tạp chí “Cognitive Linguitics”. Ông Thắng cũng rất quan tâm đến vấn đề này và quyết định làm luận án tiến sĩ với đề tài: “Bức tranh thế giới: Ngôn ngữ, văn hóa và tri nhận”.
GS.TSKH Lý Toàn Thắng
Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1993, nhưng đến năm 2005, ông Thắng mới biên soạn và cho xuất bản cuốn sách liên quan: “Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt” do Nxb Khoa học xã hội phát hành. Tuy vậy, đây vẫn là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu sâu về vấn đề ngôn ngữ học tri nhận với những đóng góp mang tính thời sự, nhận được sự hưởng ứng của nhiều nhà nghiên cứu trong đó có PGS Cao Xuân Hạo. Cuốn sách còn mở ra hướng nghiên cứu mới trong ngôn ngữ học, tạo “hiệu ứng” ngôn ngữ học tri nhận với sự xuất hiện của hàng loạt các đề tài, luận án, luận văn thạc sĩ… viết về vấn đề này.
Nguyễn Thị Hằng