Người vẽ bản đồ Tảo Việt Nam

GS.TSKH Dương Đức Tiến sinh năm 1937 trong một gia đình có bố là viên chức bưu điện thời Pháp thuộc. Những năm 1950-1954, ông sống cùng gia đình ở Hà Nội và tích cực tham gia hoạt động trong phong trào học sinh nội thành. Năm 1956, ông trở thành sinh viên khóa đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp, ông được phân công về giảng dạy tại Học viện Nông Lâm và đã có gần chục năm gắn bó với sinh viên ở nơi đây. Ông bắt đầu giảng dạy cho sinh viên khóa 1 Thủy sản, đồng thời hướng dẫn thực hành cho các khoa Chăn nuôi, Trồng trọt, Lâm nghiệp của Học viện.

Nhớ về buổi lên lớp đầu tiên cho sinh viên, GS Dương Đức Tiến chia sẻ: “Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để bước vào nghề giáo. Tôi biết mình còn nhiều thiếu khuyết nên chuẩn bị bài rất kỹ, gần như thuộc bài. Buổi lên lớp đầu tiên tôi ngượng ngùng, lúng túng. Hướng dẫn thực tập thì dễ hơn. Tôi gần gũi sinh viên, họ hỏi gì mình nói đấy. Lên lớp không cầm giáo trình mà truyền đạt bằng kiến thức của mình. Vượt qua được năm thứ nhất là bước đầu trưởng thành”. Rồi “Khi tôi lên lớp cho các sinh viên chuyên tu thì xưng hô rất khó. Sinh viên ở tuổi anh, tuổi chú đều gọi mình là thầy. Đôi khi thầy giáo gọi học trò là chú xưng cháu. Họ là những người đầy bồ kiến thức thực tế. Sinh viên rất tốt, họ nâng đỡ giáo viên trẻ để mình tự tin hơn vào năng lực bản thân. Điều mà tôi nhớ nhất thời gian đó là biết sức mình và tự trang bị cho mình kiến thức, không giấu dốt. Chúng tôi lao vào học tập, lên rừng, ra đồng ruộng, ra biển… Đó là những năm mình được trang bị kiến thức một cách tổng thể, đi vào phục vụ thực tiễn cho trường Nông nghiệp”.

Thời kỳ đó không có giáo trình cho khoa Thủy sản, chỉ có tài liệu tiếng Anh, Pháp. Vì vậy khả năng tiếng Pháp, tiếng Anh giúp ích giảng viên trẻ Dương Đức Tiến rất nhiều trong việc biên soạn giáo trình. Tham khảo tài liệu, dựa vào kiến thức lý thuyết và thực tế ở Việt Nam ông soạn giáo trình cho sinh viên. “Tôi tự hào lắm vì dẫu sao tôi là người mở đầu cho giáo trình về thực vật, về tảo”. Tranh thủ học hỏi từ các chuyên gia về lâm nghiệp, tham gia các chuyến điền dã ở rừng, theo tàu ra biển để có kiến thức thực tế. Ông bộc bạch: “Các anh giảng đến đâu là tôi mượn tài liệu để chép đến đó. Chỉ có chép, chép liên hồi. Đó là sự tự học cao, tất cả nhằm phục vụ cho việc giảng dạy và học tập”. Không chỉ giảng dạy lý thuyết, thực hành, thầy giáo Dương Đức Tiến còn tham gia làm phân xanh, trồng cây, trồng lúa. Vì theo ông, người thầy giáo không chỉ nói lý thuyết mà phải làm gương, làm cùng với sinh viên. Bước sang năm 1961, ông bắt đầu đi sâu nghiên cứu về tảo. Vì không có giáo trình và không có kiến thức về thực vật sống ở trong nước, sông, ruộng, biển… nên ông phải nghiên cứu từ sách vở, học từ thầy giáo, đồng nghiệp đi trước để có thêm kinh nghiệm. Ông lấy mẫu sinh vật mọc ở ruộng nước, gốc cây, sinh vật liên quan đến cây lúa để phân tích, thu thập mẫu nước ở ao, hồ và tìm hiểu các vấn đề của nó.

Năm 1961, ông viết giáo trình Thực vật học cho khoa Thủy sản, giáo trình mở đầu cho sự nghiệp nghiên cứu tảo học của ông sau này. Để có dữ liệu, ông đã tìm hiểu kỹ từng loại tảo. Nghe tin ở Hồ Ba Bể có loại tảo đỏ, ông đi ô tô lên Cao Bằng, rồi đi bộ thêm vài chục cây số, theo chân những người đánh cá lang thang trên hồ để sưu tầm bằng được loại tảo đó. Chính tình yêu, sự đam mê với những vấn đề mới đã lôi cuốn ông, khiến cho ông không còn cảm thấy khó khăn và quên đi sự vất vả.

Từ năm 1967 đến 1982, giảng viên Dương Đức Tiến được cử sang Liên Xô hai lần để làm nghiên cứu sinh và thực tập sinh cao cấp. Năm 1970, ông bảo vệ thành công đề tài luận án Phó tiến sĩ “Ảnh hưởng của nồng độ đạm đến hình thái cá thể phát sinh của một số loài tảo lam”. Trong luận án đó, ông nghiên cứu trên 6 loài tảo, rút ra quy luật về sự hình thành tế bào dị hình của tảo và sự biến đổi hình thái trong các điều kiện khác nhau; sự khác biệt giữa các loài; rút ra quy luật phân biệt của các loài.

Với tấm bằng Phó tiến sĩ về chuyên ngành Tảo, PTS Dương Đức Tiến trở về nước và công tác tại khoa Sinh, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là môi trường thuận lợi để ông tiếp tục những nghiên cứu cơ bản, ứng dụng chúng vào thực tiễn cuộc sống. Trong những năm 1970-1980, ông cùng với sinh viên khảo sát thực địa ở rất nhiều nơi nhằm thu thập mẫu, nghiên cứu về tảo trong hồ tự nhiên, hồ nhân tạo để có cách nhìn khác nhau về tảo.

Nghiên cứu sinh Dương Đức Tiến (xách cặp), tại Liên Xô, 1967-1970

Ngoài nghiên cứu về tảo ở các hồ chứa nước, ông còn nghiên cứu về tảo ở ruộng lúa trũng, ruộng một vụ, ruộng hai vụ. Nhiệm vụ của ông là phân loại, tìm loài tảo hữu ích làm tăng độ phì cho đất. Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu tảo ở các dòng sông như sông Hồng, sông Hương, sông Sêrêpôk, tảo ở trên núi đá…; tham gia nghiên cứu dùng tảo làm giảm bớt ô nhiễm nước thải ở các nhà máy công nghiệp. Ông chia sẻ: “Những vấn đề đó là những vấn đề trăn trở. Mình hãy xới vấn đề, tạo nên sự sáng tạo, cùng làm với sinh viên. Sinh viên say mê, thích làm lắm. Chính trong những năm đó tôi làm được nhiều việc”.

Sau khi giải phóng miền Nam, giảng viên Dương Đức Tiến được cử vào giảng dạy tại Huế và Tây Nguyên. Mỗi lần đi giảng dạy như vậy kéo dài khoảng 2-3 tháng. Chính thời gian giảng dạy ở Huế và Tây Nguyên, ông đã cùng sinh viên khảo sát, thu thập nhiều mẫu tảo và lưu giữ, phục vụ cho việc làm luận án tiến sĩ sau này. Ông kể: “Sự hòa đồng của tôi với sinh viên là tốt. Tôi cảm thụ được điều đó. Trong các đợt công tác tôi tích lũy được nhiều thứ. Thời kỳ ở Huế, tôi nghiên cứu về tảo ở sông Hương, cùng với sinh viên nghiên cứu về sự diễn thế tảo từ núi xuống biển. Điều kiện sống rất khổ, trước khi lên lớp chỉ ăn cơm rang. Thời kỳ 10 năm đó (1970-1980) tôi sống hết mình, quên đi tất cả mọi thú vui để tập trung vào nghiên cứu khoa học, tham gia công tác Đảng (ông là Bí thư Chi bộ khoa Sinh học), công tác thanh niên. Tôi rút ra một điều – không nên làm một mình mà phải lôi cuốn bạn bè, đồng nghiệp cùng làm, dìu dắt lẫn nhau cùng tiến. Tôi trưởng thành, họ cũng trưởng thành”.

Năm 1978, ông cùng với ông Võ Văn Chi cho ra đời 2 cuốn giáo trình. Cuốn Phân loại học: Thực vật bậc caoPhân loại học: Thực vật bậc thấp, do ông Võ Văn Chi viết là chủ yếu; Còn cuốn Phân loại học: Thực vật bậc thấp do ông viết chính. Hai giáo trình này được tác giả viết trong khoảng 2 năm với sự nghiên cứu nghiêm túc, tham khảo, đúc kết từ nhiều tài liệu nước ngoài và của những người đi trước, nhưng quan trọng là đã được Việt hoá. Sách do Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp xuất bản.

Tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về tảo, năm 1982, PTS Dương Đức Tiến bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Khu hệ tảo nước ngọt trong các thuỷ vực của Việt Nam. Vấn đề này tuy đã có một số nhà nghiên cứu người Pháp tìm hiểu nhưng còn vụn vặt, không đồng bộ. Luận án của ông tạo nên bức tranh tổng thể về tảo ở các sông, suối, hồ ao, đồng ruộng của Việt Nam. Sau này nhiều nghiên cứu sinh đi sâu vào từng mảng như về tảo ở hồ, ở rừng, ở đồng ruộng… Bức tranh về tảo với hơn 1400 loài tảo được nghiên cứu, bản luận án của TS Đức Tiến là sự phát hiện mới nhất thành phần loài, các loài mới ở Việt Nam và sự phân bố và nguồn lợi. Đồng thời, những kết quả nghiên cứu đó giúp những người đi sau không phải bắt đầu công việc từ con số 0. Luận án là tài liệu được lưu giữ ở thư viện các nước, các nhà khoa học trong lĩnh vực thực vật học quan tâm tìm hiểu những nhóm, loài nào phải đầu tư vào thực nghiệm. Với bản luận án này, ông trở thành người đầu tiên "vẽ bản đồ phân bố Tảo" ở Việt Nam.

Tính đến năm 1982, GS Dương Đức Tiến đã tìm ra 1.402 loài và dưới loài vi tảo trong các thủy vực nội địa, trong đó có 530 loài tảo lục, 388 loài tảo silic, 344 loài tảo lam, 78 loài tảo mắt, 30 loài tảo hai roi, 14 loài tảo vàng, 9 loài tảo vòng, 5 loài tảo roi lệch và 4 loài tảo đỏ. Đến năm 1996, GS Dương Đức Tiến đã định loại và mô tả khá chi tiết 214 loài tảo lam thường gặp cùng với sự phân bố, sinh thái của chúng. Trong cuốn Tảo nước ngọt của Việt Nam (Nxb Nông nghiệp, 1997), ông và đồng nghiệp Võ Hành đã mô tả chi tiết đặc điểm phân loại hơn 800 loài và dưới loài tảo lục ở Việt Nam.

Với hai bản luận án về tảo, TSKH Dương Đức Tiến đã khẳng định thành công trong nghiên cứu của mình. Cũng từ đó, ông được biết đến với biệt danh “nhà tảo học”, một chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực này.

Giáo sư Dương Đức Tiến luôn tâm niệm rằng nếu làm khoa học thuần tuý, chỉ thu thập và viết theo ý chủ quan của mình thì dễ nhưng để phục vụ nghiên cứu, phục vụ đời sống dân sinh thì khó hơn. Ông luôn ước ao dùng sinh vật để nâng cao độ phì cho đất chứ không phải dùng hóa chất gây tổn hại đến môi trường. Bởi vậy, dù ở tuổi ngoài 80, ông vẫn miệt mài bên những ống nghiệm để đem những nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ứng dụng cho đời sống thực tiễn.

Nguyễn Thanh Hóa