Ở Việt Nam, có một thế hệ các nhà sử học xuất thân từ những nhà hoạt động chính trị. Vị chủ tịch sáng lập ra Hội Sử học Việt Nam là Trần Huy Liệu, rồi người kế tục là Nguyễn Khánh Toàn và 2 vị đồng Chủ tịch Danh dự là Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu đều là những tên tuổi được ghi trong pho lịch sử cách mạng Việt Nam.
Dường như chính lịch sử bi hùng đầy gian khổ hy sinh và thắng lợi vẻ vang mà các vị đã từng trải trên đường đời hoạt động cách mạng đã thôi thúc các vị cầm bút chiêm nghiệm quá khứ vẻ vang của ông cha và viết về những trải nghiệm của mình vào những trang sử trên giấy để truyền trao cho các thế hệ tiếp nối sự nghiệp cách mạng của mình.
Thầy Trần Văn Giàu
Trần Văn Giàu sinh tại Tân An (nay thuộc tỉnh Long An) đúng vào năm Tân Hợi (1911), năm mà châu Á rúng động bởi cuộc cách mạng dân chủ của nước láng giềng phương Bắc, cũng là năm một người trẻ Việt Nam đã lặng lẽ vượt đại dương mở ra một con đường cứu nước mới mẻ cho dân tộc, người mà sau này Trần Văn Giàu tôn làm người thầy cách mạng của mình. Hoàn cảnh gia đình cho Trần Văn Giàu được ngồi trên ghế nhà trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Đây là ngôi trường danh tiếng về chất lượng giáo dục và cũng là trường học của tầng lớp trên thời thuộc địa.
Nhưng môi trường đó cũng không ngăn được tác động của phong trào yêu nước đang sôi động ngoài xã hội. Năm 1926, cậu học trò mới 15 tuổi đã tham gia vào phong trào để tang Phan Châu Trinh để bày tỏ lòng yêu nước của mình và bị thôi thúc bởi lời kêu gọi của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh trong một lần đến trường này diễn thuyết, trong đó hô hào các bạn trẻ “cần rời khỏi nhà, đi xa, đi thật xa để tìm một lý tưởng mà phấn đấu”.
Đó cũng là năm mà ở Sài Gòn đang lưu hành tờ “Tiếng Chuông Rè” (La Cloche Fêlée) của Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh, tờ báo không chỉ lên tiếng chống thực dân mà còn đăng cả “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của K.Marx và F. Engels đã thôi thúc Trần Văn Giàu đã chí đi du học. Hình ảnh một vị luật sư có trí tuệ học hỏi từ nước Pháp trở về lập văn phòng ở trong nước hay ra báo để bênh vực đồng bào của mình là hoài bão của Trần Văn Giàu.
Năm 1928, vừa bước vào tuổi thanh niên, Trần Văn Giàu được gia đình cho sang Pháp và theo học ở thành phố Toulouse. Ngay trong năm đầu tiên ở Pháp ông đã kịp đọc tác phẩm “Bản án chế độ thực dân” của một đồng bào mang tên Nguyễn Ái Quốc. Thành phố Toulouse cũng là một thành phố có phong trào cộng sản mạnh mẽ nên dễ hiểu vì sao Trần Văn Giàu đã nhanh chóng trở thành một chiến sĩ của phong trào này. Nhiệm vụ đầu tiên của cuộc đời làm chính trị của Trần Văn Giàu là tham gia làm tờ báo “Cờ Đỏ” để tuyên truyền trong những người lính Việt Nam đang có mặt ở nước Pháp khi đó.
Nhưng chỉ hai năm sau, Trần Văn Giàu đã bị trục xuất khỏi nước Pháp sau khi ông đã tham gia cuộc biểu tình trước Phủ Tổng thống yêu cầu bãi bỏ án tử hình đối với các chiến sĩ Việt Nam Quốc dân đảng sau khởi nghĩa Yên Bái (2/1930). Tháng 6 năm đó, Trần Văn Giàu bị cảnh sát bắt và bị trục xuất về nước.
Ở Sài Gòn giữa lúc thực dân đang khủng bố trắng, Trần Văn Giàu vẫn tiếp tục hoạt động trong vỏ bọc của một thầy giáo của một trường trung học do thầy giáo Hoàng Minh Giám mở. Trần Văn Giàu trong hồi ức của mình từng nhận xét “Tôi bước vào nghề giáo là một sự tình cờ như vậy”. Vậy mà, cái nghề cao quý này đã đi suốt cuộc đời của thầy ngay cả trong những hoạt động cách mạng của ông ở trong cũng như ngoài nước, ở trong nhà tù cũng như trong lúc phải đảm nhận những trọng trách lớn vào thời kỳ Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn và Nam Bộ, trên chiến khu của những năm tháng chiến tranh cũng như trên bục giảng đại học ở Hà Nội cùng những hoạt động khoa học xã hội nhân văn tại TP. Hồ Chí Minh cho đến ngày hôm nay.
Giữa năm 1931, một lần nữa Trần Văn Giàu phải ra nước ngoài sau sự truy nã của mật thám Pháp. Lần này ông sang Liên Xô để học tai Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Ở đây ông không chỉ là người tiếp thu những lý luận của nhà trường mà tham gia việc bồi dưỡng cho nhiều đồng chí Cộng sản Việt Nam ở trong nước qua. Rồi 2 năm sau, Trần Văn Giàu lại bí mật trở về nước để vận dụng những điều đã học được vào thực tiễn vận động cách mạng ở trong nước.
Điều khó tránh đối với những người đã dấn thân vào con đường cách mạng là những năm tháng trong các nhà tù thực dân. Trần Văn Giàu đã trải qua nhiều năm tháng ở Khám Lớn Sài Gòn, Côn Đảo và Tà Lài. Tại đó, đã trở thành truyền thống “nhà tù đế quốc trở thành trường học cách mạng”, Trần Văn Giàu nổi danh là một “giáo sư đỏ” tại tất cả những nơi giam cầm ấy. Ông kể: “Vào tù, với hai bàn tay không, sàn ciment làm bảng, vài viên gạch vỡ làm phấn, thế mà bài giảng của tôi có đầu có đuôi, bố cục mạch lạc như trong một trường học thực sự “…
Vượt ngục Tà Lài vào thời điểm cao trào cách mạng giải phóng dân tộc đang lên cao trên cả nước, nhưng ở Nam Bộ, lực lượng cách mạng vừa chịu một tổn thất nặng nề sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại và bị thực dân đàn áp khốc liệt. Một lần nữa, thông qua những lớp học, Trần Văn Giàu tham gia tập hợp lực lượng cách mạng.
Ông kể lại rằng, ra khỏi nhà tù, ông mở 2 lớp học một cho những cán bộ công đoàn hoặc đội ngũ công nhân và những người lao động mà nhiều người trong họ đóng vai trò quan trọng trong đội ngũ Thanh niên Tiền phong công nhân, một đặc sắc của cuộc nổi dậy giành chính quyền vào tháng 8/1945; một lớp khác là quy tụ những học sinh, sinh viên từ các trường ngoài Bắc trở về Nam trong phong trào “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” do Tổng hội Sinh viên Việt Nam khởi xướng. Đó là đội ngũ những trí thức yêu nước trẻ trung và nhiệt huyết sẽ trở thành những hạt nhân trí tuệ của một biến cố cách mạng diễn ra ngay sau đó không lâu.
Trần Văn Giàu đã trở thành đứng đầu tổ chức đứng ra lãnh đạo cuộc nổi dậy giành chính quyền ở Sài Gòn và Nam Bộ và cũng là người đã phát động cuộc Kháng chiến Nam Bộ để bảo vệ nền độc lập và thống nhất của nước Việt Nam độc lập non trẻ trước mưu đồ bị xâm lược trở lại.
Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trần Văn Giàu lần đầu tiên có cơ hội ra chiến khu Việt Bắc và sau một thời gian ngắn đảm nhiệm chức trách là Tổng Giám đốc Nha thông tin của Bộ Nội vụ, như ông nói từ năm 1951, “đã chuyển hẳn sang giáo dục”.
Từ việc mở Trường Dự bị Đại học ở vùng hậu phương Thanh-Nghệ đến Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, cuộc đời của Trần Văn Giàu gắn liền với bục giảng và sứ mệnh đào tạo nhiều thế hệ học trò góp phần xây dựng lực lượng nòng cốt những người làm công tác sử học nói riêng và khoa học xã hội nhân văn nói chung.
Đồng thời, bằng một lao động phi thường, Trần Văn Giàu đã để lại một gia sản đồ sộ những tác phẩm sử học trong đó có những tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Có thể nêu lên những tác phẩm “Chống xâm lăng”, “Giai cấp công nhân Việt Nam”, “Miền Nam giữ vững thành đồng”, “Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám”…
Khi bước vào tuổi 85, Trần Văn Giàu đã tâm sự với các học trò-đồng nghiệp của mình rằng ông khao khát hoàn thành một công trình có thể là một công trình cuối cùng của mình với chủ đề: “Việt Nam thế kỷ XX, suy vong và quật khởi của một dân tộc”.
Ông đặt ra những câu hỏi “Vì sao một đế quốc La Mã đã từng phát triển rạng rỡ như một đỉnh cao văn minh lại có thế tàn lụi đến mức không thể nào gượng nổi? Tại sao dân tộc ta đã từng làm nên rất nhiều giá trị vẻ vang trong lịch sử, đến giữa thế kỷ XIX, chúng ta lại mất nước vào tay thực dân Pháp và chịu ách đô hộ suốt 80 năm như vậy? Và cũng vì sao dân tộc ấy lại có thể quật khởi dành được độc lập và bảo vệ nền độc lập bằng những cuộc chiến tranh giải phóng đánh bại những đế quốc lớn và mạnh như thế? Những câu hỏi ấy đòi hỏi giới sử học phải đào sâu hơn nữa và nó chính là một cái di sản vô cùng quý giá cho tương lai của dân tộc….”.
Và hơn một thập kỷ cho đến những ngày cuối cùng còn sức nghĩ và viết, Giáo sư Trần Văn Giàu vẫn không ngưng nghỉ tư duy về đề tài đó. Ông vẫn vét cạn sức mình tham gia vào nhiều hoạt động sử học, viết nhiều tham luận, đóng góp nhiều ý kiến chỉ bảo các học trò hay đồng nghiệp của mình… Và mỗi dịp gặp các học trò của mình thầy Giàu lại bày tỏ điều mình nung nấu: “Đào tạo con người có tri thức, có khả năng ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ sẽ giúp ích cho xã hội nói chung; còn những tri thức khoa học xã hội và nhân văn sẽ giúp những con người ấy gắn bó với lợi ích của dân tộc mình mà không vong bản… Trong đào tạo con người cổ điển cũng như hiện đại, theo tôi, văn – sử – triết là những môn học rất cơ bản.
Tôi rất lo lắng khi thấy tri thức lịch sử bị xem nhẹ. Một xã hội thiếu hiểu biết lịch sử của dân tộc mình theo tôi là dấu hiệu của sự sa đọa. Nói như vậy càng thấy trách nhiệm của chúng ta, những người giảng dạy, nghiên cứu và truyền bá lịch sử… Vì chúng ta dạy sử là nói về các gương mặt tốt đẹp và các bộ mặt xấu xa của quá khứ, thì chính chúng ta phải tự mình thể hiện như một gương mặt tốt, một nhân cách tốt. Có thế học trò mới tin vào lịch sử do người thầy truyền đạt, có vậy lịch sử mới đi sâu và tác động được vào đời sống”.
Những ý của bài này tôi đã từng viết trong dịp mừng thọ thầy Trần Văn Giàu bước vào tuổi 98. Đến hôm nay thì Thầy đã ra đi, sau một thế kỷ sống trọn vẹn với sứ mạng một người thầy trên đường đời cách mạng cũng như trên bục giảng về đạo làm người Việt Nam trong một thời đại nhiều biến động và biến đổi. Đó là một tấm gương của một Người Thầy.
Dương Trung Quốc
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn