Chúng tôi đã có buổi làm việc đầu tiên với ông vào chiều ngày 18-7-2016, tại nhà riêng ở phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết: Năm 1987, sau khi tham dự hội nghị về đào tạo của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp[1] ông đã có ý tưởng và bắt đầu nghiên cứu để xây dựng đề án đào tạo thạc sĩ trong lĩnh vực Kỹ thuật quân sự.
Khi đó, ông phải đến thư viện trường ĐH Bách khoa Hà Nội tìm tài liệu tham khảo và gặp gỡ một số giảng viên để hỏi ý kiến của về những môn học cần đưa vào đề án. Ông bắt đầu viết đề án đào tạo của ba chuyên ngành: Vô tuyến điện tử, Cơ khí, Xây dựng và gửi lên Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Cùng năm đó, đề án của ông được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phê duyệt, đưa vào áp dụng thí điểm đầu tiên ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội và trường ĐH Xây dựng.
PGS.TS Nguyễn Duy Bảo
Sau đó, ông Nguyễn Duy Bảo phải tiếp tục đề nghị lên Bộ Quốc phòng cho áp dụng ở Học viện Kỹ thuật quân sự. Ông cho biết: Tôi còn phải tự đạp xe đến từng quân khu để thuyết phục họ cử người đi học. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi không hề nản chí bởi tôi nghĩ rằng mọi việc mình làm đều vì sự phát triển của ngành và của đất nước. Năm 1989, Học viện Kỹ thuật quân sự mở lớp đào tạo thạc sĩ khóa đầu tiên của ba chuyên ngành trên, mỗi ngành có khoảng 20 học viên. Ông Nguyễn Duy Bảo giảng dạy một số chuyên đề như: Truyền số liệu, Kỹ thuật xung, Kỹ thuật số… Ông đề xuất mời một số giảng viên ở các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Kinh tế quốc dân về giảng dạy.
Năm 1994, PGS.TS Nguyễn Duy Bảo được cử làm Phó giám đốc Trung tâm đào tạo sau đại học, Học viện Kỹ thuật quân sự. Trong thời gian này, ông tiếp tục có nhiều đóng góp cho việc đào tạo sau đại học của trường. Hiện nay, dù đã hơn 70 tuổi nhưng ông vẫn hăng say nghiên cứu và nhận hướng dẫn một số học viên, nghiên cứu sinh.
Lê Thị Lợi
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
[1] Nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo.