Dành gần trọn buổi sáng quý giá trong quỹ thời gian rảnh rất đỗi hiếm hoi, người thầy thuốc vừa tròn tuổi “tri thiên mệnh” cùng tôi lần giở những trang đời, trang nghề vẫn vẹn nguyên trong ký ức.
17 tuổi, chàng trai hăm hở chọn thi Ðại học Y khoa. Cái đích là phải đủ điểm đi nước ngoài, phải xuất ngoại để thoát nghèo. Thừa bốn điểm, nhưng vẫn không đủ tiêu chuẩn du học, ông buồn ghê gớm.
Mối duyên với ngoại khoa như trời định, khi cậu tân sinh viên biết mình thuận tay trái không thể phẫu thuật, đã kỳ công luyện tay phải thành tay thuận. Bốn năm trời tập đánh răng, rồi cầm kéo, cầm kim tiêm đều bằng tay mặt, dù ban đầu vô cùng lóng ngóng. Ông cười: “Nghĩ mà thương những bệnh nhân từng bị tôi tiêm bắp! Chắc họ đau lắm mà không dám kêu ca”.
Muốn theo ngoại khoa thì ngoại ngữ phải thật giỏi. Cái đích của chàng sinh viên nội trú là những khóa thực tập tại Pháp. Vậy mà trường lại bắt học hết tiếng Anh, rồi lại tiếng Nga! Vốn có năng khiếu, đặc biệt trong kỹ năng nghe – nói, tiếng Anh không phải là một thử thách quá khó khăn.
Những buổi tối rảnh rỗi hiếm hoi, ông ép mình “cày” tiếng Pháp. Rồi ông cũng vượt qua được kỳ sát hạch gắt gao tại Ðại sứ quán Pháp, dù Bệnh viện Việt – Ðức chưa đồng ý, dù là người duy nhất chưa hề có hồ sơ. Vậy là “anh tân binh” vừa chính thức nhận biên chế phòng 1B (cách gọi Khoa Tim mạch của Bệnh viện Việt – Ðức) đầy danh giá đã có cơ hội trở thành người trẻ nhất theo học nội trú tại Pháp. Sau này, bác sĩ Thành còn may mắn được trở lại “kinh đô ánh sáng” để nghiên cứu và bồi bổ chuyên sâu thêm hai lần nữa. Cả ba đợt, mỗi đợt kéo dài một năm ấy, ông đều dành phần lớn thời gian cho căn bệnh tim bẩm sinh.
Một ca hội chẩn trước khi phẫu thuật của PGS.TS Lê Ngọc Thành (thứ hai từ phải)
Bệnh nhân cao tuổi nhất được ông mổ tim ở tuổi 86. Bệnh nhi nhỏ nhất bị tim bẩm sinh được ông phẫu thuật là cháu bé mới hơn một tháng tuổi, trọng lượng chỉ mới 2,5 kg. Giản dị, ngắn gọn, ông bảo: “Bệnh viện Việt – Ðức đã bắt đầu phẫu thuật tim từ năm 1965. Vậy mà phải bốn thập kỷ sau, những bệnh nhi dưới 10 kg cân nặng mới có cơ hội được lên bàn mổ. Ðể rồi chỉ năm năm sau, việc phẫu thuật cho các bé 3-5 kg được chúng tôi thực hiện thường quy, hằng ngày. Ðủ để biết, kỹ thuật và khả năng của các phẫu thuật viên đã phát triển với tốc độ ra sao. Mổ tim giờ không còn bất cứ rào cản nào, cả về độ tuổi lẫn số cân nặng”.
Ðến khoa Nhi của Trung tâm Tim mạch, tôi gặp rất nhiều bà mẹ trẻ bế trên tay những đứa con chào đời cùng trái tim mang dị tật đang đợi tới thời khắc được người thầy thuốc nhân từ đem lại sự sống. Trong đôi mắt họ, tôi luôn nhìn thấy ánh hy vọng chứa chan cùng sự tin tưởng tuyệt đối vào đôi tay vàng của Giáo sư Thành (hình như, hiếm ai biết ông chỉ mới mang học hàm PGS). Tôi cũng đã trò chuyện với một em bé được ông đưa về đây sau một chuyến đi khám sàng lọc. Chẩn đoán chưa chính xác từ tuyến dưới khiến gia đình tưởng mọi cánh cửa được sống của em đã khép, nếu không được ghép tim. Và một trường hợp khác, lên bàn mổ đã hai lần mà bệnh vẫn không giảm. Cả hai, sau khi được ông hết lòng cứu chữa, đều đang đợi ngày ra viện. Nhìn người thầy thuốc trìu mến khám lại cho hai bé, thấy nụ cười hạnh phúc nở trên môi ông, tôi hiểu – một trái tim lành lặn – phần thưởng dành cho những vị lương y như từ mẫu ấy thật vô giá.
Vị PGS ấy luôn có vẻ ngại nói về những việc mình làm. Tôi biết ông đã phải nỗ lực ra sao, vất vả thế nào để có được một Trung tâm Tim mạch hiện đại cỡ này, để những bệnh nhân với trái tim tật nguyền có thêm nhiều cơ hội được sống và sống khỏe.
Hơn 2.000 bệnh nhân đã được phẫu thuật, chỉ sau hơn hai năm Trung tâm đi vào hoạt động. Con số ấy – mới nghe tưởng là nhiều – xem ra không thấm tháp gì với khoảng hơn chục nghìn bé thơ mắc tim bẩm sinh chào đời mỗi năm. Vì thế, trái tim nhân ái của bác sĩ Thành vẫn có lúc phải đập những nhịp nhói đau, khi “lực bất tòng tâm” nhìn những đứa trẻ phải vĩnh viễn ra đi vì không được – hoặc không kịp can thiệp sớm. Không chỉ trực tiếp cầm dao mổ, ông còn luôn đau đáu với vấn đề đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ. Không chỉ tự nguyện dùng những ngày nghỉ cuối tuần quý giá về với bệnh nhân, với đồng nghiệp vùng sâu, vùng xa để khám sàng lọc, ông còn thắp lên đốm lửa đầu tiên để cùng cả xã hội chung tay vì một Trái tim cho em – chương trình nhân đạo đã có được hiệu ứng xã hội rất lớn sau nhiều năm hoạt động.
“Một cánh én chẳng đủ làm nên mùa xuân”, PGS, TS Lê Ngọc Thành hiểu rất rõ điều đó. Vì thế, tất cả những gì mà ông đã và đang ấp ủ cho ngành phẫu thuật tim mạch Việt Nam chính là để ngày một có thêm nhiều cánh én như ông. Ðể những cánh chim hy vọng đủ sức chở cả mùa xuân tươi sáng về vá lành cho mọi trái tim tật nguyền. Xuân Nhâm Thìn đang ngập ngừng về trên ngưỡng cửa, chúc cho mùa xuân chở nặng mơ ước nhân văn ấy nhanh tới.
Sinh năm 1961, tuổi Tân Sửu.
Hiện PGS.TS Lê Ngọc Thành là Phó Giám đốc Bệnh viện E – Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E, Trưởng khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội phẫu thuật viên tim mạch và lồng ngực châu Á.
Huyền Nga
Nguồn: www.nhandan.com.vn/cmlink/tet2012/tet2012/khoagiao/nguy-n-va-lanh-nh-ng-trai-tim-t-t-nguy-n-1.329916