Nhà bách khoa tài hoa

Phan Ngọc là nhà bách khoa cuối cùng của thế hệ trí thức Việt Nam được đào tạo dưới thời Pháp thuộc. Nhìn vào thành quả lao động học thuật của ông trên chặng đường nghiên cứu, nhiều người phải kính nể. Biên độ các vấn đề nghiên cứu của ông rất rộng. Ở bất cứ lĩnh vực nào, Phan Ngọc cũng đánh những dấu mốc quan trọng. Đọc sách của ông và qua tiếp xúc trực tiếp với ông, người ta nhìn thấy ông đa diện trong một tòa tháp học thuật: dịch giả, nhà Hán học, nhà nghiên cứu văn học, nhà triết học, nhà mỹ học, nhà dân tộc học, nhà văn hóa học…

PGS Phan Ngọc sinh năm 1925, quê gốc tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình khoa bảng. Năm 1950, ông được GS Đào Duy Anh đưa lên Việt Bắc làm việc. Năm 1955, ông được GS Trần Đức Thảo đưa về làm việc tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, ông chuyển sang làm chuyên viên cao cấp tại Viện Đông Nam Á cho đến khi nghỉ hưu năm 2000.

Hai công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều và Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới được tặng giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên (năm 2000).

Về dịch thuật, ở mảng Hán Nôm, Phan Ngọc dịch Sử ký Tư Mã Thiên, Hàn Phi Tử, Chuyện làng Nho (dịch chung với thân phụ là Phó bảng Phan Võ), Đạo Đức Kinh dễ hiểu. Tác phẩm văn học kinh điển của Anh ghi dấu Phan Ngọc qua các bản dịch Oliver Twist. Tiếng Latinh, ông dịch Thần thoại Hy Lạp. Tiếng Nga có Chiến tranh và Hòa bình (dịch chung với Cao Xuân Huy, Hoàng Thiếu Sơn và Cao Xuân Hạo). Mỹ học Heghen là công trình dịch từ bản tiếng Nga có đối chiếu với nguyên bản tiếng Đức… Trong một lần trò chuyện, tôi hỏi ông, làm sao để có được bản dịch sống lâu trong lòng bạn đọc, ông cười hiền trả lời: “Nghề dịch, biết chữ là một chuyện, hay chữ lại là chuyện khác”.

Cái nhìn vượt tầm thời đại

Những năm 1960, Phan Ngọc chuyển từ giảng dạy đại học sang làm công tác phiên dịch. Trên căn gác xép chật chội ở phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội), ông lặng lẽ chọn các phương diện của hình thức nghệ thuật làm đối tượng nghiên cứu và chủ nghĩa cấu trúc luận làm phương pháp nghiên cứu. Phải là người dũng cảm và có cái nhìn vượt tầm thời đại mới dám làm như vậy. Bởi vì, đó gần như là vùng cấm, người nghiên cứu rất dễ bị chụp cho cái mũ với tội “hình thức chủ nghĩa”. Phương pháp cấu trúc ngày ấy còn được coi là “thù địch” với chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Phải đợi đến thập niên 1980, chủ nghĩa cấu trúc mới được thừa nhận như là một phương pháp khoa học. Lúc này, Phan Ngọc trình làng Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1985), công trình ngay lập tức gây được tiếng vang trong giới nghiên cứu. Từ đây, tên tuổi của ông chính thức được trở lại, không còn phải viết chui dưới bút danh Nhữ Thành.

Những lĩnh vực ông nghiên cứu không dừng lại ở các hiểu biết thông thường mà theo phương châm “cách vật, trí tri” (biết đến tận cùng sự vật, biết đến tận cùng sự biết). Đọc tác phẩm của Phan Ngọc, người ta luôn có hứng khởi muốn đối thoại với chính tác giả về những nhận định của mình. Tự nhốt mình trong phòng làm việc nhưng bằng vốn ngoại ngữ tự học, ông tiếp xúc với chân trời văn hóa thế giới. Sau Trương Vĩnh Ký, ở Việt Nam, Phan Ngọc là người biết nhiều ngoại ngữ nhất. Ông biết tới 12 ngoại ngữ, trong đó sử dụng thông thạo 6 ngoại ngữ. Vì vậy, ông cặm cụi, nghiền ngẫm suy tư để trả lời câu hỏi: Sau chiến tranh, nước Việt Nam phải phát triển văn hóa như thế nào trong một thế giới hiện đại? Những công trình viết bằng lối tốc ký với những con chữ nhỏ li ti trên những tờ giấy bản, dấu ấn của những năm tháng gian khó về vật chất, đã đem tới câu trả lời.

“Phan Ngọc là một nhà khoa học đồng thời là một nhà tư tưởng. Và có lẽ, ông ham trở thành một nhà tư tưởng hơn. Thậm chí một nhà lập thuyết. Bởi vậy, ông thường đẩy những vấn đề khoa học (đôi khi chưa được nghiên cứu đầy đủ) thành những “thuyết”, những “luận”. Tôi không dám chắc một trăm phần trăm để có thể nói rằng “thuyết bricolage” về bản sắc của văn hóa Việt Nam là đúng hay sai (tuy đôi khi trong khoa học đúng sai chưa phải là quan trọng mà quan trọng là vấn đề kích thích sự nghĩ suy của xã hội). Nhưng tôi cho rằng, ít nhất, thuyết “lắp ghép” rất đúng với cá nhân nhà lập thuyết. Phan Ngọc là người muốn lắp ghép (hay dung hóa) những thành tựu khoa học của phương Tây và triết học phương Đông, chủ yếu là Khổng giáo và chủ nghĩa Marx”.

(PGS-TS Đỗ Lai ThúyTạp chí Văn hóa Nghệ thuật)

Mặc dù được viết từ những năm 1960, công bố 20-30 năm sau, song các công trình nghiên cứu, phê bình của Phan Ngọc vẫn giữ nguyên giá trị.

GS Trần Đình Sử nhận định: “Vận dụng thao tác cấu trúc vào nghiên cứu văn học, Phan Ngọc đã thể hiện một tài năng hơn người. Ông không nghiên cứu hình thức thuần túy như những con cờ trên bàn cờ văn học mà đi sâu khám phá, lý giải sức tác động, độ khúc xạ của những quan hệ hiện thực, lịch sử vào sự tạo thành của hình thức văn học. Vì thế công trình của ông thường có nội dung văn hóa, lịch sử phong phú. ở đây thể hiện sự uyên bác, lịch lãm và tài hoa của người nghiên cứu”.

“Quan trọng nhất là quyển sách để lại”

Trong một lần được trò chuyện cùng ông, thấy tôi băn khoăn về chính cá nhân ông là người giàu tri thức đến vậy mà vẫn “bạch đinh chân trắng”, PGS Phan Ngọc đã giảng giải bằng một điều hết sức giản dị: “Đối với nhà khoa học, quan trọng nhất là quyển sách để lại; còn những cái khác là phụ”.

Trên thực tế, ông để lại nhiều cuốn sách quý, cả sách ông viết lẫn sách dịch. Đặc biệt, theo TS Hữu Đạt, một giảng viên khoa Văn, ông và Cao Xuân Hạo đã dịch nhiều tác phẩm lớn. “Tôi nhớ không nhầm thì dạo đó khoa Văn vẫn khoán cho ông và người bạn họ Cao mỗi tháng phải dịch vài trăm trang tư liệu bằng tiếng nước ngoài. Chuyện đó với họ chỉ là chuyện vặt. Vì cả hai người rất giỏi ngoại ngữ. Họ dịch tiếng nước ngoài như uống nước lã. Có nghĩa là chỉ liếc nhìn vào bản gốc là lập tức họ có ngay câu tiếng Việt tương ứng. Có được điều đặc biệt này vì hai ông không những là bộ óc thông minh hiếm có mà còn là những dịch giả vốn có kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ”, ông Hữu Đạt nhớ lại.

Ông Đạt cũng kể có nhiều huyền thoại về khả năng ngoại ngữ phi phàm của PGS Phan Ngọc. Ngoài việc ông là dịch giả tầm cỡ được nhiều người biết đến, người ta còn kính nể “một cây” về đôi tai ngữ âm của ông. Dù chưa tới nước Nga lần nào, PGS Phan Ngọc có thể chỉ nghe một người phát âm tiếng Nga là có thể nhận định chính xác người đó đang nói tiếng Nga vùng bắc hay nam sông Volga, vùng phía tây hay phía đông Moscow.

Lần nào đến thăm ông, tôi cũng thấy ông đang cặm cụi làm việc. Khi là ngồi trên bàn, lúc nằm trên giường, những cuốn sách, tập giấy và cây bút bao giờ cũng đi liền. Ở tuổi 90, ông bước ra đón tôi, vẫn là hình ảnh quen thuộc với tập giấy chi chít chữ nhỏ li ti đã được vợ ông luôn chuẩn bị sẵn. Dù cho công trình Hình thái học trong từ láy tiếng Việt đã được Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội phát hành năm 2012, ông vẫn mong muốn được tiếp tục bổ sung và sửa chữa.

“Những công trình đồ sộ rất khó lòng giới thiệu đầy đủ của học giả Phan Ngọc là kết quả của một đời nghiên cứu, dịch thuật, sáng tạo không biết mỏi mệt. Khi về già, thầy mới được xuất ngoại, lần đầu nhìn thấy “mây trời ngoại quốc”, dự các hội nghị khoa học và thuyết trình ở các trường đại học lớn ở Paris, Bắc Kinh, Băng Cốc. Ở đấy, người ta trân trọng giới thiệu thầy là “dịch giả Shakespeare, Sử ký Tư Mã Thiên và Mỹ học Heghen” có nơi gọi thầy là “một phần viện Triết học, Văn học, Sử học cộng lại”. Ở Bắc Kinh, người ta nói: “Những học giả như ông Phan Ngọc ở Trung Quốc nay không còn nữa”…

 (PGS.TS Nguyễn Thái Hòa – Trường ĐHSP Hà Nội)

Kiều Mai Sơn

Nguồn: www.thanhnien.com.vn/pages/20140419/nha-bach-khoa-tai-hoa.aspx