Cha tôi là một con người tự học
Ấn tượng nhất của tôi về cha của tôi là một con người tự học ghê gớm. Sinh thời, cha tôi được học tiếng Pháp, nhưng ông thông thạo cả tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Nga. Các ngoại ngữ ấy đều do ông tự học cả, mà một trong những cách học đó là: Học cả trên đường đi làm. Hồi đó, hàng ngày, ông đi bộ từ nhà ở giữa phố Lý Thường Kiệt đến Viện Sử học ở phố Hàng Chuối làm việc. Trước khi đi ông viết khoảng 10 từ mới lên giấy rồi vừa đi vừa lẩm nhẩm. Trên đường đi về vào buổi trưa, ông ôn lại những từ sáng vừa học. Đầu buổi chiều ông tiếp tục ghi 10 từ khác để giở ra học trên đường đi và ôn lại trên đường về. Cứ ngày nào cũng vậy nên dù không được học chính thức nhưng vốn ngoại ngữ của ông cứ dày thêm. Bài học này khiến tôi thấy xấu hổ vì mình được học hành tử tế nhưng thấy thua kém ông nhiều. Khi ở Liên Xô về sau 5 năm học, tôi khá tự mãn về vốn tiếng Nga của mình. So với bạn bè cùng khóa tôi vượt trội hơn. Về nước, ông bảo tôi dịch bài viết “Nghề nông ở Xumatơra, Indonexia”. Tôi dịch ngay và đưa cho ông xem, trong đầu cứ nghĩ là ông sẽ khen mình nhiều. Không ngờ tôi nhận được một bản sửa của ông với những vết sửa đỏ choe choét. Tôi không vui vì bị chạm tự ái. Mãi sau này, khi tôi đọc lại mới biết ông thật có lý khi đã Việt hóa bản dịch của tôi một cách tài tình và khoa học.
Kiên trì trong học thuật
Tôi tự nhận mình không theo nghề của cha được vì tôi không có tính kiên trì như ông. Hãy xem ông dịch cuốn sách “Xã hội cổ đại” của L.H. Morgan: ông đọc, dịch từ các bản tiếng Pháp, tiếng Nga rồi đi tìm tài liệu đối chiếu, rồi đi trao đổi, sau đó về biên tập, sửa chữa lại. Cuối cùng ông tìm được bản gốc tiếng Anh cuốn sách này, thế là ông lại tra cứu, biên tập lại theo bản tiếng Anh. Ông đã đối chiếu, hiệu đính tác phẩm này đến hơn hai chục lần và nay còn lưu giữ lại tất cả số bản thảo ấy. Hay khi ông dịch Khan Đăm Săn, ông dành nhiều năm đi nghiên cứu ở Tây Nguyên, dùng tiếng Êđê trao đổi với người bản địa để hiểu đúng nội dung, ngữ nghĩa của những lời ca. Mỗi lần đi Tây Nguyên ông lại mang về bao nhiêu tư liệu. Ông ngồi dịch rồi đem so sánh, đối chiều từng bản với nhau, bản lần trước với lần sau… Ông kiên trì làm vậy đến hàng chục năm rồi mới công bố những kết quả của mình.
Say mê trao đổi khoa học đến quên ăn
Trong số những người bạn làm khoa học của cha tôi, tôi ấn tượng nhất bác Từ Chi. Mỗi lần bác Từ Chi đến nhà chơi là gia đình tôi lại sợ. Bác thường đi xe đạp đến và để xe ở ngoài cổng. Chúng tôi bảo bác mang xe vào trong nhà không trộm nó lấy mất. Bác cười bảo chúng tôi rằng xe của bác có để ngoài đường 7 ngày cũng không ai lấy. Để khỏi bị làm phiền, cha tôi và bác thường vào phòng làm việc nói chuyện. Mỗi khi nói chuyện khoa học thì hai ông say mê đến quên hết thời gian. Đến bữa, anh em tôi và mẹ phải ngồi chờ cơm đói bụng kinh khủng. Có khi qua bữa cơm cả tiếng đồng hồ mà hai ông vẫn chưa ra ăn cơm, nhưng không ai dám vào gọi vì biết cả hai ông đều không muốn bị ngắt ngang câu chuyện. Mà những đồng nghiệp của cha tôi như bác Từ Chi không phải là ít, và chúng tôi cũng luôn bị đói vì chờ cơm vì theo lệ, bữa cơm gia đình chúng tôi phải có đủ mọi thành viên mới được bắt đầu.
Một người cha nghiêm khắc nhưng tràn đầy tình thương với con
Cha tôi là người nghiêm khắc, không những với công việc mà với vợ con cũng vậy. Ngày tôi đi học ở Liên Xô về, cấp trên phân công tôi lên Thái Nguyên công tác. Tôi không muốn đi vì không muốn xa nhà, lên miền núi. Biết chuyện ông bắt tôi chấp hành sự phân công của cấp trên. Ông có nói với tôi một câu rất gay gắt: “Nếu mày không đi lên Thái Nguyên làm việc, tao sẽ từ mày”. Tôi đem chuyện này nói với mẹ tôi. Mẹ tôi cũng bảo tôi rằng: “Con nên nghe lời cha lên đó làm việc, nếu con không lên Thái Nguyên có khi cha con lại còn bắt con đi xa hơn nữa”. Vậy là tôi lên Thái Nguyên làm việc dù trong lòng cũng ấm ức. Sau này tôi mới hiểu là ông muốn chúng tôi được rèn luyện trong khó khăn để trưởng thành hơn.
Cha tôi dạy tôi phải làm ba việc quan trọng. Thứ nhất, phải lưu giữ lại toàn bộ giấy tờ, tài liệu liên quan đến con cái, xây dựng các hồ sơ cho con để khi nó lớn lên sẽ bàn giao lại cho nó. Thứ hai là phải cố gắng phấn đấu vào Đảng để có môi trường gìn giữ đạo đức cho mình. Thứ ba là không được bỏ công việc nhà nước ra ngoài làm kinh tế. Tôi đã cố gắng làm được hai việc đầu. Riêng việc thứ ba, tôi làm không tròn lời dạy: Năm 1990, tôi rời nhà nước ra ngoài làm kinh tế. Chẳng may sau đó công việc không được suôn sẻ, tôi bị quy nhiều trách nhiệm mà không phải của tôi!? Biết chuyện, cha tôi giận lắm. Nhưng ông chỉ gọi vào hỏi tôi một câu: “Mày có làm những việc như người ta nói không?”. Tôi trả lời không có. Ông không nói gì thêm và cũng không trách cứ tôi một lời. Sau này, ông vẫn động viên tôi: “Giữ được đạo đức, giữ được bản thân thì rồi sẽ có tất cả”. Vậy tôi mới biết, cha tôi nghiêm khắc với chúng tôi nhưng cũng luôn tràn đầy tình thương yêu, sự vị tha và lòng tin tưởng với con cái.
Bùi Minh Hào (tổng hợp)
Trung tâm Di sản các Nhà khoa học Việt Nam