GS.TSKH. Lê Đức An sinh ngày 10/1/1937 tại làng Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Khoa Địa chất – Trường Đại học Bách Khoa (1962), ông được phân công về Đoàn 20 (Tổng Cục Địa Chất). Năm 1968 ông được cử đi thực tập sinh tại Viện Địa lý Viện HLKH Liên Xô, sau đó chuyển làm nghiên cứu sinh của Viện và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ vào năm 1972.
Sau giải phóng miền Nam, ông được cử làm Đội trưởng địa chất (Đoàn Địa chất 500) phụ trách đội Đệ tứ – Địa mạo – Vỏ phong hóa (1975-1982). Vượt qua bao khó khăn nguy hiểm, ông và đồng nghiệp đã làm tốt các tờ bản đồ Địa mạo, Đệ tứ và Vỏ phong hóa góp phần hoàn thành xuất sắc công trình bản đồ Địa chất Việt Nam; đồng thời đã góp phần phát hiện ra nhiều khoáng sản mới cho đất nước, trong đó có quặng bôxit Tây Nguyên trữ lượng lớn. Từ kiến thức thu nhận được kết hợp với kinh nghiệm thực tế, ông đã tích lũy được khối lượng lớn tài liệu về địa chất, địa mạo để rồi năm 1982 ông tiếp tục được cử đi thực tập sinh tại Viện Địa lý Viện HLKH Liên Xô và bảo vệ thành công luận án TSKH địa lý với tên gọi “Địa mạo Việt Nam” vào năm 1985.
Cũng từ đây sự nghiệp khoa học của ông chuyển sang một giai đoạn mới, khi ông được phân công về Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện HLKHCNVN). Ở môi trường mới này, ông đã kinh qua nhiều chức vụ chính quyền: Trưởng phòng Địa mạo – Trung tâm Địa lý Tài nguyên (1986 -1993), Viện trưởng Viện Địa lý (1993-1998), Ủy viên Hội đồng Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (1994-1998); tham gia giữ các chức vụ trong Đảng và các tổ chức khoa học như: Đảng ủy viên, Thường vụ Đảng ủy – Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Viện Khoa học Việt Nam (1987-1993), Chủ tịch Hội đồng Khoa học ngành Các Khoa học về Trái đất (1990-1996), Tổng biên tập Tạp chí các Khoa học về Trái đất (1990-1995), Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Khoa học Trái đất và Mỏ (1991-2007), Uỷ viên Hội đồng ngành Các Khoa học về Trái đất thuộc Hội đồng Khoa học Tự nhiên – Bộ Khoa học & Công nghệ (1995-2006), Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam (1988-1997).
Sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông có nhiều thành tựu. Ông làm chủ nhiệm 03 Đề án hợp tác quốc tế với Pháp, Đức, Bỉ (do Chính phủ quyết định) về xây dựng cơ sở quản lý đất đai, các biện pháp thực hiện Công ước khung về biến đổi khí hậu, xây dựng năng lực quản lý môi trường tại Việt Nam; 06 đề tài cấp Nhà nước thuộc các Chương trình Tây Nguyên 1, 48B, KT03-12, KC-09, Chương trình Biển Đông Hải đảo; 04 đề tài khoa học cơ bản cấp Nhà nước; 03 đề tài cấp Bộ. Là đồng tác giả của 07 công trình cấp Nhà nước và cấp Bộ; là tác giả và đồng tác giả của khoảng 140 bài báo (tiếng Việt, Nga, Anh, Pháp) đăng trên các Tạp chí khoa học và Hội nghị khoa học có uy tín trong và ngoài nước; là đồng tác giả của một loạt các công trình bản đồ đã được xuất bản như: Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000, Bản đồ địa chất Việt Nam – Lào- Campuchia tỷ lệ 1/1.000.000, Bản đồ Địa mạo Việt Nam tỷ lệ 1/ 2.500.000, Bản đồ Địa mạo Biển Đông tỷ lệ 1/ 1.000.000.
Ông còn chủ biên, là tác giả và đồng tác giả của 09 cuốn sách viết về các lĩnh vực địa chất, địa lý, địa mạo, về biển đảo của Việt Nam; trong đó có cuốn “Địa Mạo Việt Nam, Cấu trúc – Tài Nguyên- Môi trường” do ông làm chủ biên đã được Hội đồng giải thưởng sách Việt Nam tặng giải đồng sách hay năm 2013. Bên cạnh đó, ông đã hướng dẫn 06 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ và ông đã tham gia vào nhiều Hội đồng chấm luận án tiến sỹ cấp Nhà nước với vai trò Chủ tịch Hội đồng, Ủy viên phản biện hoặc Ủy viên.
Hiện nay, mặc dù đã ở tuổi 78, song tâm huyết với khoa học địa lý của ông vẫn không hề suy giảm, sức làm việc và lòng say mê nghiên cứu khoa học của ông vẫn như ngày nào. Ông là chủ biên cuốn sách “Các đảo và quần đảo Việt Nam, vị thế và tiềm năng” (đang chờ xuất bản). Ông cũng đang hoàn thiện những chương cuối cùng của cuốn sách “Đới bờ biển Việt Nam – Cấu trúc và Tài nguyên” để có thể in vào cuối năm 2014. Là người tâm huyết với nghề với ngành Địa lý, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Địa lý (tháng 8/ 2013) trong bài phát biểu của mình với tư cách Viện trưởng đầu tiên của Viện Địa lý, ông nói về cảm nghĩ còn “mắc nợ” công trình “Địa lý Việt Nam” đã được nhen nhóm từ khi thành lập Viện đến nay vẫn chưa thể ra đời. Ông hy vọng các thế hệ tiếp theo ông sẽ cố gắng và quyết tâm cao để hoàn thành công trình này, góp phần đưa địa lý học phát triển, đáp ứng yêu cầu mong mỏi của xã hội.
Có thể thấy GS.TSKH. Lê Đức An là một nhà địa mạo và địa lý học hàng đầu, là người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ các nhà địa mạo, địa lý của Việt Nam; là nhà quản lý tâm huyết và có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của Viện Địa lý, của ngành Địa lý nói riêng và ngành Các Khoa học về Trái đất nói chung.
Với những đóng góp to lớn, ông đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ trao tặng nhiều phần thưởng cao quí: Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (2007), Huân chương kháng chiến hạng 3 (1991), Huân chương lao động hạng 3 (2010), Huy chương vì sự nghiệp Địa chất Việt Nam (1995), Huy chương vì sự nghiệp Khoa học Công nghệ (1996), Huy chương vì sự nghiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (2003), Bằng khen của Tổng cục Địa chất (1981), Bằng khen của Ủy ban Khoa học Nhà nước (1991), Bằng khen của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (1997), 02 giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ (đồng tác giả) cho cụm công trình Bản đồ địa chất Việt Nam và Atlas Quốc gia Việt Nam cùng vào năm 2005.
Nguồn: Viện Địa lý/www.vast.ac.vn